Khắc ghi lời căn dặn tâm huyết của Tổng Bí thư
Đã hơn 12 năm trôi qua kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định dịp Xuân Nhâm Thìn (ngày 15 - 16.1.2012), đồng chí Lê Hữu Lộc - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh - vẫn nhớ như in lời căn dặn của Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) năm 2012. Ảnh: VĂN LƯU
|
Đồng chí Lộc nhớ lại: Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy hôm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định phấn đấu đạt được; đồng thời yêu cầu tỉnh khắc phục những mặt còn khó khăn, hạn chế; huy động mọi nguồn lực, quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra, nhất là đẩy mạnh phát triển KT-XH; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo nâng cao đời sống về mọi mặt của nhân dân trong tỉnh; tăng cường công tác xây dựng Đảng… đưa Bình Định phát triển nhanh và bền vững.
“Trong buổi làm việc, nhiều lần đồng chí Tổng Bí thư căn dặn: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh cần nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng để xây dựng Bình Định phát triển đi lên trở thành tỉnh giàu, mạnh của khu vực Duyên hải miền Trung”, đồng chí Lộc nói.
Để tỉnh phát triển nhanh và bền vững, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Bình Định phải xác định rõ thế mạnh, phải có khâu đột phá, với tinh thần tiến công cách mạng cao hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, đổi mới tư duy hơn nữa, táo bạo, quyết liệt, năng động hơn nữa. Đồng thời, khai thác tốt mọi nguồn lực vật chất, phát triển nguồn lực con người; chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chống tệ quan liêu tham nhũng; cần liên kết tốt với các địa phương trong khu vực để phát triển, nhất là liên kết phát triển du lịch, giao thông, thương mại…
“Sự ra đi của Tổng Bí thư là mất mát vô cùng to lớn của đất nước ta. Lời nói và việc làm của đồng chí thật sự trở thành biểu tượng của phẩm giá, lương tri, danh dự con người. Đặc biệt, thời gian qua, trước những tiêu cực của một số cán bộ, đảng viên, với vai trò người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư đã quyết tâm xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Lời nói và hành động của Tổng Bí thư luôn đi đôi với nhau. Những việc làm đó được toàn thể đảng viên và quần chúng nhân dân ủng hộ”, đồng chí Lộc khẳng định.
Trong chuyến công tác tại Bình Định vào đầu năm 2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thứ 2 từ trái sang) nghe Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện (thứ 2 từ phải sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc (bìa trái) thuyết minh về định hướng phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: V.LƯU
Cũng trong chuyến công tác năm ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm, trò chuyện, chúc Tết cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn). Biết Nhơn Lộc là một trong những xã điểm của tỉnh bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Tổng Bí thư đã căn dặn cần phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, cùng chung sức, đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới.
Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Lộc Phan Thanh Châu kể: Tổng Bí thư đã có lời dặn dò rất ân cần về sự cần thiết phải xây dựng nông thôn mới, với mục đích xây dựng xã nhà có nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ... Trong cái bắt tay thật chặt của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam với từng cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương đã truyền tải được những tình cảm, tinh thần của đồng chí, góp phần động viên xã Nhơn Lộc quyết tâm thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Tình cảm đó làm cho tất cả những người tham dự buổi gặp mặt đều rất xúc động.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc Dương Văn Khanh, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, thời gian qua, với tinh thần đoàn kết, cả hệ thống chính trị xã Nhơn Lộc đã phấn đấu thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2014, xã đã về đích nông thôn mới và đến năm 2023 về đích xã nông thôn mới nâng cao. Nhơn Lộc đã hoàn thành các tiêu chuẩn để trở thành phường.
“Khắc ghi những lời dạy ân cần, quý giá của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nhơn Lộc đã, đang và sẽ nêu cao quyết tâm xây dựng xã trở thành địa phương tiêu biểu xuất sắc của TX An Nhơn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hằng mong muốn”, ông Khanh nói.
Nhớ mãi bác Trọng giản dị, nghĩa tình
Khi chúng tôi đến thăm nhà ở đường Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn), cụ bà Phan Thị Cấu, vợ thầy Lê Đức Giảng- thầy giáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đang lần giở lại tờ Báo Bình Định số có viết về tình cảm thầy trò của thầy Giảng và Tổng Bí thư. Cụ bà bảo: “Biết tin ông Trọng mất tôi rất buồn và thương tiếc. Ông ấy là người giản dị và nghĩa tình. Chúng tôi thật có lương duyên mới gặp nhau trên cuộc đời này!”.
Nhớ lại lúc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm nhà, cụ Cấu lại xúc động: “Ngày đó, dù là nguyên thủ quốc gia nhưng khi đến thăm chúng tôi, ông Trọng vẫn rất bình dị. Đối với riêng tôi, dù không quen biết cũng chưa từng dạy dỗ nhưng ông vẫn gọi tôi là “cô” và xưng là “em”. Lúc tiễn ra về, tôi có nói rằng quyền quý cao sang không quan trọng, tấm lòng mới là đáng quý. Ông Trọng nói rằng: “Thưa cô, em nghe!””.
Đã cao niên kỷ - 93 tuổi, có những chuyện cụ Cấu không còn nhớ, hoặc chỉ nhớ một phần, nhưng riêng câu chuyện về tình thầy trò của thầy giáo Lê Đức Giảng và Tổng Bí thư thì vẫn vẹn nguyên trong tâm trí. Cụ bà kể: “Qua lời kể của ông nhà tôi, ngày trước khi còn đi học, dù là con nhà nghèo nhưng ông Trọng học rất giỏi và có tố chất lãnh đạo, tính cách lại giản dị, khiêm tốn nên cả lớp ai cũng thương quý. Khi trực tiếp gặp ông Trọng, tôi càng tin chắc điều đó và thật sự quý mến ông ấy”.
Theo cụ Cấu, ngày thầy Giảng mất, Tổng Bí thư gửi vòng hoa viếng thầy với dòng chữ thân thương như trước: “Nguyễn Phú Trọng - học trò cũ của Thầy” và dặn dò mọi người lo tang lễ chu đáo. “Sau khi nhà tôi mất, tôi vẫn giữ lại một số kỷ vật liên quan đến tình cảm thầy trò của 2 ông. Những tờ báo, bức ảnh, trang sách cũ là minh chứng cho tình cảm bình dị, chân thành, gần gũi của thầy trò dành cho nhau và của ông Trọng dành cho chúng tôi”, cụ bà tâm sự.
Đầu năm 2012, trong chuyến công tác tại Bình Định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà gia đình ông Võ Trung Thành (ở khối Phú Văn, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn). Đã 12 năm trôi qua nhưng anh Nguyễn Văn Diệt, cháu nội ông Thành, vẫn nhớ như in kỷ niệm ấy.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà Tết cho gia đình ông Võ Trung Thành (hộ nghèo ở khối Phú Văn, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), vào đầu năm 2012. Ảnh: VĂN LƯU
Theo lời anh Diệt, năm đó, ông nội anh đau nên anh thường ở bên cạnh để chăm sóc, thuốc thang. Khi nghe tin bác Tổng Bí thư chuẩn bị đến thăm nhà, ông nội bảo anh dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, rồi nấu món gì bổ, dễ ăn để ông khỏe nhanh, có thể ra đón tiếp bác Trọng.
“Giờ ông bà nội tôi đều đã mất. Tôi được nghe ông nội kể rằng ông là bạn của bác Trọng trong những ngày ông tập kết ở miền Bắc. Hình ảnh đậm nét nhất trong tôi là bác Trọng hết sức giản dị, gần gũi. Bác bắt tay, trò chuyện với từng thành viên trong gia đình. Biết gia đình còn thuộc diện hộ nghèo, ngoài động viên chúng tôi nỗ lực phát triển kinh tế, bác còn “nhờ” chính quyền địa phương hỗ trợ thiết thực để gia đình thoát nghèo, có cuộc sống tốt hơn”, anh Diệt kể lại.
“Dẫu biết sinh lão bệnh tử là quy luật, nhưng chúng tôi vẫn thấy đột ngột trước thông tin bác Trọng từ trần. Nhìn lại bức ảnh năm xưa bác tới thăm gia đình, lòng tôi bỗng thấy hụt hẫng vô cùng, cảm giác nghẹn ngào, buồn thương, nhớ bác, nhớ mãi kỷ niệm, hình bóng bác trong tim mình”, anh Diệt bùi ngùi nói.