Xã hội hóa công tác giảm nghèo
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuy Phước, cùng với nguồn lực đầu tư tập trung của Nhà nước thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách, dự án giảm nghèo, chương trình giảm nghèo đã huy động được sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp trong xã hội như: phong trào “Ngày vì người nghèo” do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt nam phát động; phong trào “Tiết kiệm - tín dụng” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; phong trào nông dân giúp nhau làm kinh tế giỏi thông qua phương thức “cầm tay, chỉ việc” của Hội Nông dân; phong trào “Cựu chiến binh đoàn kết giúp nhau xây dựng nhà Tình đồng đội”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”…; sự tham gia giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ngày càng phát triển sâu rộng.
Bên cạnh đó là hàng trăm, hàng nghìn tấm lòng hảo tâm và những nghĩa cử cao đẹp của nhiều cá nhân, tổ chức đối với người nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội trong thời gian qua là một trong những nhân tố mang lại thành công trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh nói chung và của huyện nhà nói riêng.
Các cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” được trên 2,49 tỷ đồng và tiếp nhận 1,785 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở đại đoàn kết (số liệu tính đến ngày 05/6/2024); đã thăm, tặng hàng nghìn suất quà, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, đối tượng nghèo mắc bệnh hiểm nghèo nằm viện dài ngày, hỗ trợ khó khăn đột xuất, khám chữa bệnh, giúp học sinh học tập,… cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng; các cấp hội đã nhận trợ giúp, hỗ trợ 471 hộ thoát nghèo vền vững. Mỗi dịp Tết đến - Xuân về đã huy động hàng nghìn suất quà tặng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện.
Hội Chữ thập đỏ các cấp đã vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, các đơn vị xã hội từ thiện trong và ngoài huyện thăm, tặng quà, hàng hóa, nhu yếu phẩm, trợ cấp khó khăn, khám và cấp phát thuốc miễn phí, duy trì bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế huyện,… với tổng giá trị ước tính trên 16 tỷ đồng, giúp cho nhiều gia đình nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình khó khăn, bị thiệt hại do thiên tai,... vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Giải pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc
Ông Nguyễn Văn Dũng cũng nhìn nhận rằng, những năm đầu tiên thực hiện các dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bên cạnh quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn phải chờ sự hướng dẫn cụ thể của các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh và của các sở, ngành cấp tỉnh chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung chi, định mức chi cho từng dự án, tiểu dự án khi thực hiện. Vì vậy tiến độ triển khai hoạt động của các dự án còn chậm, việc giải ngân kinh phí chưa đạt theo kế hoạch.
Cùng với đó, trên địa bàn huyện, một bộ phận hộ nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa muốn thoát nghèo để hưởng chính sách, nhất là một số hộ nghèo, hộ cận nghèo có người ốm đau, bệnh tật nặng, có trẻ em còn đi học,… chưa muốn thoát nghèo vì gánh nặng chi trả trong quá trình khám chữa bệnh và chi phí trong học tập. Phần lớn hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện là những hộ neo đơn, bệnh tật, đối tượng bảo trợ xã hội, thiếu lao động, trình độ hạn chế,... đã ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án của Chương trình, đặc biệt các dự án liên quan đến công tác đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm nhằm tạo sinh kế bền vững, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Để giải quyết những khó khăn trên, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuy Phước cho biết huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện đạt được mục tiêu của Chương trình đề ra, trong đó sẽ tập trung một số nội dung như xác định đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên, do đó cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tham gia thực hiện công tác này.
Tiếp tục đẩy mạnh có hiệu quả các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương và của người dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình. Qua đó, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để cùng chung tay thực hiện tốt và hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Tập trung triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động,… nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững (Lồng ghép Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo các ngành, đơn vị, hội đoàn thể liên quan và UBND các xã, thị trấn phối hợp tổ chức lớp các đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, kịp thời thông tin rộng rãi trong nhân dân về nhu cầu tuyển dụng lao động trong và ngoài nước để người lao động biết, đăng ký tham gia,…).
Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ Trung ương, của tỉnh và tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội hóa để cùng chung tay thực hiện nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn của huyện; đồng thời sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng các chính sách giảm nghèo, như hỗ trợ tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, việc làm, xuất khẩu lao động,…
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 24.7.2024
Nguồn: BAOTAINGUYENMOITRUONG.VN