Xây dựng cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo lĩnh vực thủy lợi

Thứ năm - 14/11/2024 15:44 8 0
Biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn nước, ô nhiễm môi trường và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng là những vấn đề cấp bách mà ngành thủy lợi cần phải đối mặt và giải quyết.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp (đứng thứ 2 từ bên phải sang) tham quan các sản phẩm khoa học công nghệ trong thủy lợi. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
 
Sáng 14/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Khoa học và Công nghệ thủy lợi – 80 năm phát triển và đồng hành cùng đất nước (1945-2025).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá: Thành tựu 80 năm qua của ngành thủy lợi không thể tách rời vai trò then chốt của khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ đã và đang là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành. Từ những nghiên cứu cơ bản về thủy văn, địa chất công trình, vật liệu xây dựng... đến việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý vận hành công trình thủy lợi, khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng tạo nên những bước tiến vượt bậc cho ngành.

Biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn nước, ô nhiễm môi trường và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng là những vấn đề cấp bách mà ngành thủy lợi cần phải đối mặt và giải quyết. Những ý tưởng sáng tạo, những công nghệ tiên tiến sẽ giải quyết các vấn đề cấp bách và thúc đẩy sự phát triển bền vững thủy lợi trong tương lai.

Ngành thủy lợi cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và thu hút nhân tài. Đồng thời, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp cận tri thức và công nghệ tiên tiến, cũng như tăng cường liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để ứng dụng nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, ngành thủy lợi đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, manh mún, hàng năm phải nhập khẩu lương thực, đến nay Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam có thể vượt 60 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu gạo lần đầu tiên vượt 5 tỷ USD. Thành tựu này có sự đóng góp rất lớn của sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của hệ thống công trình thủy lợi trên cả nước.
 
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
 
Theo Cục Thủy lợi, hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được hơn 900 hệ thống thủy lợi có quy mô phục vụ từ 200 ha trở lên; trong đó, có 122 hệ thống vừa và lớn phục vụ trên 2.000 ha, hơn 40.000 km đê sông và đê biển đã được xây dựng phục vụ và bảo vệ hoạt động dân sinh, sản xuất các ngành kinh tế. Cả nước có gần 8.000 đập và hồ chứa với tổng dung tích trữ khoảng 68 tỷ m3 nước, góp phần điều hòa và phân bổ nguồn nước hiệu quả.

Khắp cả nước, nhiều công trình thuỷ lợi lớn được xây dựng cho thấy sự trưởng thành về chất lượng chuyên môn của cán bộ thuỷ lợi, ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật. Điển hình, hồ Dầu Tiếng ở Đông Nam bộ là hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á; hồ Định Bình là hồ có đập ngăn sông đầu tiên của Việt Nam áp dụng công nghệ thi công bê tông đầm lăn; hệ thống đập hồ chứa nước Sông Cái là đập bê tông dài nhất Việt Nam…

Hay các hồ Ayun Hạ, la Mơr, Krông Búk Hạ, Hồ Ea H’leo... ở Tây Nguyên đã trở thành những kho chứa nước khổng lồ phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội. Gần đây, Cống Cái Lớn - Cái Bé đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát mặn cho 384.000 ha đất canh tác tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đến nay, 4,3 triệu ha đất canh tác được đảm bảo tưới phục vụ trồng trọt, 500 nghìn ha cây trồng cạn được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; 8,4 triệu con gia súc, 480 triệu con gia cầm và gần 690.000 ha nuôi trồng thủy sản được cấp phục vụ chăn nuôi; cấp khoảng 6,5 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp; 88,5% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Cùng với đó là hệ thống phòng chống lũ, chống ngập; hệ thống soát mặn… Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ điều khiển tự động, viễn thám, và mô hình toán trong quy hoạch, quản lý và vận hành hệ thống thủy lợi đã nâng cao đáng kể hiệu quả, an toàn công trình và khả năng ứng phó với thiên tai, bảo vệ môi trường, cảnh quan.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý vận hành hồ chứa, ông Hà Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty KIV, đại diện Liên danh KIV - Weatherplus cho biết, việc sử dụng công nghệ số và các hệ thống hỗ trợ trong quản lý hồ chứa là bước tiến quan trọng. Công ty đã áp dụng toàn bộ kỹ thuật và tiêu chuẩn của Nhật Bản để tăng độ chính xác trong tính toán và vận hành, chuyên môn hóa dự báo, nhằm phục vụ dự báo nước mưa về hồ trước khi có cơn lũ.

Đối với thủy điện, hệ thống chứng minh hiệu quả khi kinh tế cao, giúp tăng thu nhập từ 3-15% thông qua tiết kiệm nguồn nước. Với ngành thủy lợi đã có những thử nghiệm ban đầu. Điển hình tại hồ Định Bình (Bình Định), hệ thống này đã giúp tiết kiệm được 100 triệu m3 nước cho vụ Đông Xuân.

Theo ông Hà Ngọc Tuấn, việc nâng cao hiệu quả quản lý vận hành hồ chứa không chỉ cần quan tâm đến tuổi thọ của hồ mà còn cần phải ứng dụng công nghệ số, đặc biệt trong việc dự báo, quản lý lũ lụt và vận hành suôn sẻ.

Bước sang giai đoạn mới, thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050…, đặc biệt là bảo đảm an ninh nguồn nước, thủy lợi phải đi trước một bước. Thủy lợi đang từng bước chuyển từ tư duy kế hoạch sang tư duy chiến lược; từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị; từ tư duy điều hành sang tư duy phục vụ để tối đa hóa mục tiêu nhưng tối thiểu hóa chi phí, ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết.



THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 14.11.2024
Nguồn: BNEWS.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây