Nhà giáo ở Bình Định nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Ưu tú
Ngày 19.11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và gặp mặt Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2024).
Những năm qua, tỉnh Bình Định luôn quan tâm, chăm lo, vun vén cho công cuộc "trồng người", qua việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách, cũng như tập trung nguồn lực, tạo mọi điều kiện để phát triển ngành giáo dục.
Đến nay, ngành GDĐT tỉnh Bình Định có 1 Nhà giáo Nhân dân, 25 Nhà giáo Ưu tú. Trong đó, nhà giáo Huỳnh Duy Thủy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Toán học Bình Định (nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An, thị xã Hoài Nhơn) được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Đây là nhà giáo đầu tiên của tỉnh Bình Định được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.
3 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, gồm: Cô Hồ Thị Nghiệm - giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ), cô Lê Thị Kim Oanh - nguyên giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) và cô Nguyễn Thị Xuân Vinh - giáo viên Trường THPT Chuyên Chu Văn An.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang ghi nhận và biểu dương những thành tích, cống hiến của các thầy giáo, cô giáo trong suốt thời gian qua. Đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.
Ông Lâm Hải Giang cho biết, đây là phần thưởng cao quý dành tặng những nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có nhiều cống hiến cho phát triển sự nghiệp GDĐT, và là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của các thầy giáo, cô giáo và là niềm tự hào của ngành GDĐT và của tỉnh. (laodong.vn)
Nhà giáo nhân dân trích lương hưu để trao đến học sinh khó khăn
Ngày 19/11, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và gặp mặt Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú trên địa bàn tỉnh.
Qua 16 lần phong tặng, đến nay ngành giáo dục tỉnh Bình Định có 1 Nhà giáo nhân dân, 25 Nhà giáo ưu tú.
Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh Bình Định có một nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Đó là nhà giáo Huỳnh Duy Thủy (62 tuổi, ở thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Toán học Bình Định.
Gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy giáo Huỳnh Duy Thủy có 45 đề tài khoa học, trong đó nhiều đề tài được xác nhận có tầm ảnh hưởng và khả năng áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Ngoài ra, ông còn đạt 5 bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 3 lần được tôn vinh trí thức tiêu biểu về Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh. Nhà giáo Huỳnh Duy Thủy còn được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và cấp cơ sở, Huân chương Lao động hạng ba…
Trong thời gian giảng dạy, thầy giáo Huỳnh Duy Thủy tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi toán của tỉnh Bình Định và có 38 lượt học sinh đạt giải cấp quốc gia.
Nhà giáo Huỳnh Duy Thủy còn được biết là người có lối sống chân thật, giản dị, giàu lòng nhân ái. Ông đã trích một khoản tiền lương hưu để trao đến học sinh khó khăn trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
"Tôi rất vui vì được nhận danh hiệu cao quý Nhà giáo nhân dân. Cảm xúc thật khó tả! Thành tựu này không chỉ của riêng tôi mà là của cả tập thể. Tôi thành tâm bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc đến quý cấp lãnh đạo luôn quan tâm, động viên, hỗ trợ trong thời gian công tác.
Cảm ơn quý thầy cô luôn đồng hành, chia sẻ cùng tôi, đặc biệt cảm ơn các em học sinh đã tạo cho thầy động lực, bền bỉ trên cả một chặng đường dài", thầy Thủy chia sẻ. (dantri.com.vn)
Cách Bình Định chuyển đổi số trong thư viện, ứng dụng các công nghệ mới
Theo TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Định, chuyển đổi số trong thư viện thực chất là việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thư viện, có nghĩa là thư viện có ứng dụng một trong các công nghệ như: Trí tuệ nhân tạo (AI); Internet vạn vật (IoT); Dữ liệu lớn (Big Data) hay Điện toán đám mây (Cloud Computing). Nếu thư viện không ứng dụng bất kỳ một trong các công nghệ vừa nêu thì khó có thể thực hiện thành công chuyển đối số.
Lãnh đạo Thư viện tỉnh Bình Định khẳng định, trong những năm qua, nhất là giai đoạn 2017-2022, nhờ xác định đúng xu hướng phát triển và ứng dụng những thành tựu công nghệ mới, hoạt động ứng dụng công nghệ số ngành thư viện trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển thuận lợi theo hướng chuyển đổi số, thực hiện trách nhiệm đầu tàu trong mạng lưới thư viện trên địa bàn tỉnh, đã góp phần không nhỏ vào sự thay đổi, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, đổi mới phương thức hoạt động hiện đại của các thư viện.
Qua đó, tạo điều kiện cho hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh hoàn thành sớm một số mục tiêu chuyển đổi số chủ yếu đến năm 2025 của Chương trình 206 ngay trong năm 2022 như: "60% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập; 100% người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại; 60% số thư viện trong tỉnh được kiểm tra, quản lý thông qua hệ thống quản lý thông tin của cơ quan quản lý."
"Chương trình 206 đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện chuyển đổi số ngành thư viện, nhiệm vụ của chúng ta là cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra, triển khai các bước thực hiện phù hợp với điều kiện của các thư viện trên địa bàn tỉnh Bình Định", ông Sinh nói.
Thời gian tới, Bình Định sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số ngành thư viện, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại; Xây dựng, hoàn thiện chính sách, quy chuẩn kỹ thuật về thư viện và ứng dụng công nghệ trong thư viện; Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại bảo đảm triển khai, vận hành thư viện số và tự động hóa thư viện; Cải tạo không gian thư viện theo hướng hiện đại hóa; Đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ vào hoạt động thư viện; Xây dựng và phát triển nền tảng thư viện số dùng chung. (toquoc.vn)
Nông dân xã Cát Hải, huyện Phù Cát (Bình Định) giúp nhau phát triển kinh tế
Trước đây, người dân trong xã chủ yếu là trồng lúa, hành, đậu phộng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, nên năng suất thấp, đời sống còn nhiều khó khăn.
Để từng bước đổi mới tư duy sản xuất, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, Hội Nông dân xã đã tích cực tuyên truyền, vận động, định hướng cho hội viên đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, Hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho hội viên.
Hằng năm, Hội đã phối hợp tổ chức trên 5 lớp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cây trồng, vật nuôi cho gần 500 lượt hội viên tham dự. Đồng thời, tổ chức cho hội viên nông dân tiêu biểu, chi Hội trưởng các chi Hội đi tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm các mô hình kinh tế ở các địa phương khác để về áp dụng vào thực tế sản xuất ở địa phương.
Để hội viên có vốn đầu tư phát triển kinh tế, Hội đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho 150 hội viên vay gần 8,5 tỷ đồng tại 4 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn. Ngoài ra, còn có dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân của xã để hội viên vay chăn nuôi bò sinh sản đến nay người vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân xã là 300 triệu đồng.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân xã Cát Hải tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát vốn ủy thác bảo đảm nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích; xây dựng các mô hình chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ hiệu quả; tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp hội viên thoát nghèo bền vững. (hoinongdan.org.vn)
Vụ máy bay rơi tại Bình Định: Khen thưởng tập thể, cá nhân cứu nạn 2 phi công
Ngày 19/11, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã có quyết định tặng Bằng khen cho 7 tập thể và 13 cá nhân có thành tích đột xuất trong tìm kiếm, cứu nạn hai phi công trong vụ rơi máy bay YAK-130, số hiệu 2101 thuộc Trung đoàn Không quân 940, Trường Sĩ quan Không quân tại huyện Tây Sơn.
Các tập thể được khen thưởng gồm: UBND huyện Tây Sơn; cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn; Tiểu đoàn Bộ binh 52; Trung đoàn 739, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định; Viettel Bình Định; Trung đoàn 925, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không-Không quân; Phi đội 2, Trung đoàn 940; Đại đội Thông tin, Trung đoàn 940. (baotintuc.vn)
Bình Định: Yêu cầu thanh tra việc xử lý tài sản công và kỷ luật nếu có vi phạm nghiêm trọng
UBND tỉnh Bình Định cho hay, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định đã ký văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức hội của tỉnh tăng cường công tác quản lý tài sản công, tại tổ chức hội trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu lãnh đạo của các tổ chức hội chỉ đạo rà soát lại việc giao, quản lý, sử dụng và bố trí tài sản công của các hội. Báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, xử lý trường hợp chưa đúng quy định.
Rà soát phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được UBND tỉnh phê duyệt và việc bố trí sử dụng nhà, đất hiện nay theo quy định, đảm bảo việc quản lý, sử dụng đúng mục đích, tránh thất thoát, lãng phí.
Đặc biệt, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo phải rà soát việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết đảo bảo đúng quy định. Nộp toàn bộ số tiền thu được từ việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết vào ngân sách nhà nước, trong trường hợp sử dụng không đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.
Chấm dứt sử dụng nhà đất chưa đúng quy định (cho thuê, sử dụng sai mục đích), tránh gây thất thoát, lãng phí tài sản công. (danviet.vn)
Bình Định: Rà soát, chặn và hủy hơn 75.000 thuê bao có thông tin không chính xác, thông tin giả mạo
Ngày 18/11, UBND tỉnh Bình Định đã có thông báo trả lời các kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh, trong đó có vấn đề liên quan tới tình trạng lừa đảo qua cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, trên không gian mạng vẫn còn diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy cho xã hội
Theo đó, trong thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở TT&TT chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, ngăn chặn tình trạng sử dụng số điện thoại mạo danh cán bộ để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Qua đó, Sở TT&TT đã ban hành Công văn số 106/STTTT-BCVT&CNTT ngày 22/01/2024 và Công văn số 1511/STTTT-TTBCXB ngày 21/8/2024 về việc giả danh lãnh đạo, cán bộ để lừa đảo.
Trong đó, có nội dung thông báo cho các cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố: "lãnh đạo, cán bộ của Sở TT&TT, Công an tỉnh và các cơ quan khác có liên quan không có kế hoạch hay nhiệm vụ gọi điện thoại thông báo về việc thu hồi số thuê bao điện thoại của người dùng".
Đồng thời, Sở TT&TT cũng đã đề nghị các đơn vị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân nâng cao tinh thần cảnh giác với các cuộc gọi có nghi vấn giả danh, cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức gọi điện thoại nêu trên. (nguoiduatin.vn)