Kết nối, phát triển thương mại, du lịch giữa Bình Định với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Thái Lan
Ngày 22/11, tại tỉnh Bình Định đã diễn ra Hội nghị trực tuyến gặp gỡ các doanh nghiệp Thái Lan nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá thông tin, tiềm năng tỉnh Bình Định đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư Thái Lan và hỗ trợ, kết nối thông tin giữa các doanh nghiệp của tỉnh Bình Định với các doanh nghiệp, đối tác Thái Lan phục vụ thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch.
Tại Hội nghị lần này, tỉnh Bình Định đã giới thiệu đến các doanh nghiệp và nhà đầu tư Thái Lan những hình ảnh, thông tin về tiềm năng, lợi thế của địa phương; môi trường đầu tư và cơ chế chính sách thu hút đầu tư cũng như các lĩnh vực, ngành nghề mà tỉnh đang ưu tiên thu hút và hỗ trợ đầu tư; giá thuê đất, chính sách miễn giảm tiền thuê đất; nguồn lao động; dòng vốn cung ứng cho các DN… khi đầu tư vào khu kinh tế và các khu công nghiệp (KCN), đặc biệt là KCN Becamex VSIP Bình Định.
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng cho biết thêm, với quan điểm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để phấn đấu trở thành “điểm đến lý tưởng” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh Bình Định đang có sẵn những tiềm năng, thế mạnh và tiếp tục tập trung thực hiện vào các một số nội dung đột phá lớn của tỉnh.
Chia sẻ tại Hội nghị, Bà Wiraka Moodhitaporn - Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong hai ngày qua, đoàn công tác Thái Lan đã tìm hiểu về chính sách, kế hoạch, quy định, ưu đãi đầu tư, cũng như tham quan thực tế tiềm năng của tỉnh và các dự án đầu tư của Thái Lan tại Bình Định.
Theo đó, Bình Định có tiềm năng phát triển du lịch với các điểm đến hấp dẫn, việc thúc đẩy hợp tác du lịch song phương có thể được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng như: Hành lang du lịch phía Nam thuộc khuôn khổ hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mekong (GMS); thúc đẩy du lịch và tiếp thị trong khuôn khổ Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) với các cuộc họp về du lịch ở các cấp độ khác nhau; hợp tác du lịch theo mô hình “Sáu quốc gia, một điểm đến” mà Thái Lan đặt mục tiêu hợp tác cùng 5 nước ASEAN là Brunei, Campuchia, Lào, Malaysia và Việt Nam để thu hút khách du lịch từ ngoài khu vực thông qua việc kết nối du lịch trong khu vực.
Bà Wiraka Moodhitaporn hy vọng Hội nghị lần này sẽ là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ Thái Lan - Bình Định trong thời gian tới, góp phần nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Thái Lan, sẽ là mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên trong ASEAN.
“Tổng Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan, các cơ quan của Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh và Hiệp hội DN Thái Lan tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ giữa DN tỉnh Bình Định và Thái Lan”, bà Wiraka Moodhitaporn cam kết. (baophapluat.vn)
Bình Định thúc đẩy chuyển đổi xanh
Thời gian qua, Bình Định đã có nhiều nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh, trong đó các dự án năng lượng tái tạo đã giúp giảm đáng kể lượng khí thải, các hệ thống giao thông xanh đang dần hình thành và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn. Hiện nay, Công ty Cổ phần Phát triển Trạm sạc toàn cầu V-GREEN đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Vận tải và Du lịch Lado (Lado Taxi) để triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền V-GREEN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Lado sẽ được V-GREEN nhượng quyền phát triển và kinh doanh trạm sạc theo mô hình hợp tác chia sẻ doanh thu, góp phần nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện hạ tầng trạm sạc công cộng, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của người dân trong tỉnh.
Được biết, UBND tỉnh Bình Định vừa đề nghị Vingroup hỗ trợ nguồn lực và phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh tỉnh Bình Định giai đoạn 2025-2030. Đồng thời giao Sở Giao thông vận tải chủ trì cùng Sở Xây dựng và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ Tập đoàn triển khai đầu tư các trạm sạc, hoàn tất chậm nhất vào quý I/2025.
Chương trình chuyển đổi xanh không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn tạo ra nhiều cơ hội kinh tế mới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Những nỗ lực này sẽ giúp Bình Định góp phần vào mục tiêu quốc gia và toàn cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. (nhandan.vn)
Bình Định hỗ trợ vốn giúp người lầm lỡ thay đổi cuộc sống
Ở tỉnh Bình Định, sau hơn 1 tháng triển khai, việc cho những người từng lầm lỡ trở về vay vốn làm ăn đã mang lại hiệu quả tốt trong quá trình giúp họ tái hòa nhập cộng đồng
Những người chấp hành xong án phạt tù, hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất thấp để làm ăn, sản xuất, hoặc đào tạo việc làm. Đây là nội dung trong Quyết định số 22 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành.
Theo Quyết định 22 của Chính phủ, người chấp hành xong án phạt tù được tạo điều kiện vay tối đa là 100 triệu đồng, còn đối với cơ sở sản xuất kinh doanh có lao động chấp hành xong án phạt tù có thể vay tối đa 2 tỷ đồng cho 1 dự án. Việc vay vốn được thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tại tỉnh Bình Định, sau hơn 1 tháng triển khai, việc cho vay vốn với những người từng lầm lỡ trở về đã mang lại hiệu quả tốt trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Bằng sự quan tâm, chia sẻ của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, nhiều người hoàn lương đã có thể ổn định đời sống khi về lại với cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế - xã hội nói chung và góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật tại địa phương. (vtv.vn)
Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi
Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 180 nhà văn hóa thôn, khu phố, làng; trong đó có 69 nhà rông của người Ba Na và Chăm, 34 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Hrê. Tỉnh Bình Định đã xây mới và nâng cấp 20 nhà văn hóa - khu thể thao thôn/làng vùng đồng bào DTTS, với kinh phí hơn 14 tỷ đồng; trang bị 46 trang thiết bị âm thanh, ti vi; 9 bộ dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời tại các thôn/làng vùng đồng bào DTTS.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, việc duy trì và phát triển các môn thể thao truyền thống các DTTS luôn được quan tâm thường xuyên, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần và bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống các giải thể thao truyền thống của mỗi địa phương đã được hình thành và duy trì đều đặn hàng năm, trong đó, đặc biệt quan tâm, chú trọng đến các môn thể thao như bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, bóng đá, bóng chuyền…
Để tiếp tục xây dựng, phát triển phong trào thể dục, thể thao vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian, tỉnh Bình Định đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hoá thể dục, thể thao nói chung, thiết chế văn hoá thể dục, thể thao ở thôn, làng, tổ dân phố, xã, thị trấn nói riêng phù hợp với tình hình mới trong giai đoạn hiện nay. (thanhtra.com.vn)
Bình Định: Đấu giá khu đất xây khu đô thị gần 1.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Bình Định vừa có quyết định phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án Khu đô thị phía Tây Nam cầu Long Vân tại phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn.
Theo đó, khu đất có diện tích hơn 90.2000m2, đã giải phóng mặt bằng. Trong đó, diện tích xây nhà liền kề là 22.200m2, gồm 194 căn nhà ở; diện tích xây dựng nhà ở xã hội 6.000m2, tầng cao tối đa là 20 tầng.
Dự kiến quy mô dân số khoảng 2.374 người, trong đó dân số đất nhà ở liền kề là 776 người, dân số đất nhà ở xã hội là 1.598 người.
Mục đích sử dụng đất xây dựng khu đô thị. Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Người mua nhà ở liền kề gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng ổn định lâu dài.
Thời gian dự kiến tổ chức thực hiện đấu giá từ quý IV/2024.
Chi phí thực hiện dự án hơn 960 tỷ đồng, không bao gồm tiền sử dụng đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Tiến độ thực hiện dự án 48 tháng kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Trường hợp nhà đầu tư chậm triển khai hoặc không hoàn thành dự án theo tiến độ nêu trên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. (thuonghieucongluan.com.vn)
Bình Định: Người có uy tín, già làng tiên phong trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
Thời gian qua, các dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định thực hiện thành công đều có sự đóng góp đáng ghi nhận của người có uy tín, già làng trong vai trò nòng cốt, tiên phong huy động sức mạnh đoàn kết, cổ vũ người dân tham gia thực hiện.
Ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho hay: Vai trò của người có uy tín, già làng rất quan trọng, nên huyện luôn tăng cường bồi dưỡng, cập nhật thông tin mới về Chương trình mục tiêu quốc gia 1719; nâng cao kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, thuyết phục Nhân dân cho người có uy tín, già làng. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo các địa phương tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín, già làng để tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay thực hiện hiệu quả các dự án, chính sách dân tộc nhằm từng bước phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, cho biết: Hiện nay tỉnh Bình Định có 21 xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719. Những người có uy tín, già làng rất nhiệt tình, tích cực. Khi chúng tôi và các ngành đi tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS thì người có uy tín, già làng đều có mặt, tiếp thu, tiếp cận được chương trình, nội dung, nhất là trong 10 dự án và các tiểu dự án và nội dung thành phần để tuyên truyền kịp thời đến với bà con. (langngheviet.com.vn)
Sạt lở đường đang thi công ở tỉnh Bình Định
Từ tối 22/11 đến ngày 23/11, khu vực phía Bắc tỉnh Bình Định có mưa lớn. Đến khoảng 16h50 ngày 23/11, tuyến đường từ thôn 4 (xã An Hưng, huyện An Lão) đi cao nguyên La Vuông (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) xảy ra sạt lở nghiêm trọng.
Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, vết sạt lở dài gần 30m, khối lượng đất, đá bị trượt xuống đường khoảng hơn 30m3. Đất đá sạt lở khiến các phương tiện không thể lưu thông.
Ông Trịnh Xuân Long, Chủ tịch UBND huyện An Lão, tỉnh Bình Định cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã cử lực lượng chức năng cắm biển báo hai đầu ngăn không cho người và phương tiện qua lại, tránh ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản. Đặc biệt, khu vực này vẫn có nguy cơ tiếp tục sạt lở trong thời gian tới do chân đất rất yếu. Công an xã An Hưng, huyện An Lão đang túc trực tại khu vực sạt lở để chốt chặn, không cho người dân qua lại.
Được biết, tuyến đường này thuộc Dự án xây dựng chính sách hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (dự án CRIEM) đang thi công vẫn chưa đưa vào hoạt động. Tuyến đường này do Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư.
Ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị đã cử lực lượng theo dõi tình hình đường đang thi công, nếu tình hình sạt lở tiếp diễn sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đóng đường. Đồng thời, chờ thời tiết hết mưa sẽ tiến hành khắc phục. (baoxaydung.com.vn)
Bình Định: Người dân vùng sạt lở bờ biển Mỹ Thắng mong sớm có nơi ở an toàn
Tình trạng sạt lở bờ biển do sóng lớn kèm triều cường dâng cao đã khiến cuộc sống của hơn 200 hộ dân ở thôn 9, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định bị ảnh hưởng. Trước đây, biển cách khu vực dân cư cả trăm mét thì nay đã tiến sát vào nhà dân.
ông Huỳnh Văn Khương – Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định nhận định, khu vực thôn 9, xã Mỹ Thắng có nguy cơ ảnh hưởng bởi triều cường rất cao."Khi mùa mưa về thì tại khu vực thôn 9 bị sạt lở, đặc biệt năm 2022 triều cường nước biển dâng đã làm xâm thực, nguy cơ sạt lở ảnh hưởng tới tài sản, tính mạng người dân" – ông Khương nói.
Theo ông Khương, hiện tại có 11 hộ với 30 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi triều cường. Trường hợp triều cường xảy ra ở mức lớn, diện rộng sẽ ảnh hưởng tới 222 hộ dân. Mỗi khi có mưa bão, sóng to gió lớn kèm triều cường dân cao thì các hộ dân này sẽ được di dời cấp tốc đến các hộ gia đình, những hộ có nhà cao tầng để đảm bảo an toàn.
"Về lâu dài, xã đang đề nghị tỉnh, huyện và Trung ương cho chủ trương xây dựng vùng di dân triều cường ở thôn 9 nhằm đảm bảo an toàn cho bà con nhân dân" – ông Khương nói và cho biết để ứng phó với tình trạng biển xâm thực, sạt lở, chính quyền xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên nâng cao ý thức, thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, lũ và ảnh hưởng của nước biển dâng để kịp thời báo cáo, cùng địa phương kịp thời di dời đến nơi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do nước biển dâng, triều cường.
Thực hiện Quyết định 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở NNPTNT tỉnh Bình Định đã đề xuất danh mục dự án Khu tái định cư vùng thiên tai xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ trong giai đoạn 2026-2027. Dự kiến dự án Khu tái định cư vùng thiên tai xã Mỹ Thắng sẽ bố trí cho 325 hộ dân với tổng vốn đầu tư hơn 84 tỷ đồng, trong đó vốn Ngân sách Trung ương hơn 59 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 25 tỷ đồng, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ dân. (danviet.vn)