Phó Chủ tịch Bình Định chỉ đạo "tinh gọn bộ máy" tại doanh nghiệp nhà nước có 386 người
UBND tỉnh Bình Định vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, tại buổi làm việc đối với Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định khẩn trương làm việc, thống nhất đề xuất UBND tỉnh phê duyệt dự toán đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2024, của Công ty này.
"Công ty tiếp tục nghiên cứu, thực hiện việc đổi mới mô hình quản lý, cách thức quản trị, để tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của UBND tỉnh", ông Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu.
Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định giao Sở NN&PTNT là cơ quan đầu mối, trực tiếp theo dõi, quản lý chuyên ngành đối với Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn chi thường xuyên để thực hiện sửa chữa công trình năm 2025.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, địa phương tổ chức kiểm tra thực tế, xem xét đề xuất đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đối với các danh mục đầu tư do Công ty đề nghị, đảm bảo thiết thực hiệu quả, báo cáo UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền, theo quy định. (danviet.vn)
Đồng chí Hồ Xuân Ánh được bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập Báo Bình Định
Sáng 31/12, tại Báo Bình Định, Tỉnh ủy Bình Định tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc điều động, bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Bình Định.
Đến dự và trao Quyết định có đồng chí Nguyễn Giờ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Tại buổi lễ, đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy công bố Quyết định số 1669-QĐ/TU ngày 27/12/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc điều động, bổ nhiệm đồng chí Hồ Xuân Ánh - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, giữ chức Tổng Biên tập Báo Bình Định kể từ ngày 2/1/2025. Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Tổng Biên tập Báo Bình Định Hồ Xuân Ánh cảm ơn Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tin tưởng giao nhiệm vụ. Đồng chí cho rằng đây là niềm vinh dự lớn lao của bản thân nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Với trọng trách mới, đồng chí Hồ Xuân Ánh hứa sẽ không ngừng nỗ lực nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cùng với Ban Biên tập Báo Bình Định lãnh đạo đưa tờ báo ngày càng phát triển, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh; đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời đồng chí mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, địa phương đối với cá nhân đồng chí cũng như tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Báo Bình Định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. (hoinhabao.vn)
Bình Định ổn định hoạt động tại các phường mới sáp nhập, tinh gọn bộ máy
UBND thành phố Quy Nhơn vừa có báo cáo sơ kết công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Theo đó, việc sắp xếp đã tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở, góp phần tinh giảm biên chế.
Hiện vẫn còn một số vướng mắc tiếp tục được tháo gỡ như trụ sở UBND các phường Trần Phú và Thị Nại mới chưa đảm bảo không gian và diện tích để bố trí cho cán bộ, công chức làm việc. Nguyên nhân do số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách tại 2 phường khi sáp nhập khá lớn, trong khi trụ sở đã xây dựng từ lâu, chưa kịp cải tạo, mở rộng.
Hiện dân số tại 2 phường mới cũng rất đông nên công tác giải quyết thủ tục hành chính gặp một số khó khăn, nhiều hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận trong thời điểm chuyển giao đã phát sinh bất cập về thông tin chưa đồng bộ, địa chỉ cư trú, phần mềm chưa kịp thời cập nhật thông tin.
Hiện nay, tại các phường thuộc diện sắp xếp này cũng có các trụ sở làm việc của các cơ quan của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các Tổ chức Chính trị - xã hội thuộc tài sản công phải bố trí, sử dụng sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Ông Trần Tiến Khoa, Phó Phòng Nội vụ thành phố Quy Nhơn cho biết, các trụ sở này đang được bố trí, sử dụng hợp lý, tránh gây lãng phí.
“Chính sách hỗ trợ cho công chức, cán bộ nghỉ trong đợt sắp sắp cấp xã vừa qua là hỗ trợ theo diện tinh giản biên chế và hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh. Hiện nay thành phố Quy Nhơn đã trình UBND tỉnh, Sở Nội vụ và Sở Tài Chính. Cơ bản Sở Nội vụ và Sở Tài chính hiện đang thẩm định và sẽ có ý kiến trình UBND tỉnh. Sau khi UBND tỉnh thống nhất thì UBND thành phố sẽ thực hiện trình tự thủ tục còn lại”. (vov.vn)
Ca sĩ, du khách bất ngờ với màn chào đón năm mới ở Bình Định
Sáng 1.1.2025, Sở Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức Lễ đón những vị khách trên chuyến bay đầu tiên đến tỉnh nhân dịp năm mới Dương lịch 2025.
Đây là sự kiện thường niên nhằm thể hiện truyền thống văn hóa hiếu khách của người dân Bình Định, đồng thời mang đến sự may mắn, bình an cho du khách ngày đầu năm.
Trong ngày đầu năm mới, sân bay Phù Cát đón 14 chuyến bay, trong đó chuyến VN1392 của Hãng hàng không Vietnam Airlines là chuyến đầu tiên hạ cánh hạ cánh sân bay Phù Cát (lúc 8h10), đưa 180 hành khách đến Bình Định. Đặc biệt, chuyến bay có 7 hành khách đến từ Hàn Quốc và 1 khách từ châu Âu.
Là một trong những du khách nước ngoài đầu tiên đặt chân đến Bình Định ngày đầu năm, bạn Jiwon Kim (26 tuổi, Seoul, Hàn Quốc) cho hay: "Tôi đến du lịch tại TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt và bây giờ là đến Quy Nhơn. Qua tìm hiểu, tôi thấy Quy Nhơn thật đẹp, có nhiều món ăn hấp dẫn nên đã quyết định đến đây. Tôi rất hạnh phúc khi được mọi người chào đón nồng nhiệt thế này, chắc chắn tôi sẽ quay lại đây nhiều lần nữa".
Tại buổi lễ, ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, sự kiện là cách mà tỉnh gửi gắm thông điệp về lòng hiếu khách của người dân địa phương. (laodong.vn)
Bình Định: Các công trình trọng điểm về đích
Xác định một trong các khâu đột phá động lực trong phát triển kinh tế là “Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ hiện đại”, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Bình Định đã chú trọng quy hoạch, tập trung mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chủ động, tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và thu hút các nguồn lực khác để đầu tư, nâng cấp, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Điểm sáng có thể kể đến trong năm 2024 là khánh thành và đưa vào sử dụng Tuyến đường kết nối đường ven biển (ĐT.639), trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Định kết nối các tuyến đường trục theo hướng Đông Tây mở rộng không gian đô thị Hoài Nhơn về phía biển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: “Dự án đã tạo nguồn thu ngân sách từ các quỹ đất dọc theo dự án, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh, thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh và đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung”.
Trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, Ban QLDA giao thông tỉnh Bình Định đã được UBND tỉnh giao làm Chủ đầu tư 10 dự án giao thông quan trọng với tổng mức đầu tư gần 9.700 tỷ đồng.
Ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban QLDA giao thông tỉnh cho biết: Hiện nay, các dự án triển khai thi công cơ bản đáp ứng tiến độ công trình. Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường thêm máy móc, phương tiện và bố trí thêm các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ, triển khai thắng lợi “Kế hoạch số 181” của UBND tỉnh về “Tổ chức thực hiện Phong trào thi đua hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh nhằm chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2025 và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI”.
Cũng theo ông Phong, từ nay đến tháng 9/2025 sẽ phấn đấu hoàn thành tất cả các dự án. Trong đó, phấn đấu đến ngày 31/3/2025 hoàn thành 4 công trình. Phấn đấu đến ngày 30/6/2025 hoàn thành 1 công trình và đến ngày 30/9/2025 hoàn thành 2 công trình trọng điểm cuối cùng của Ban.
“Các công trình triển khai hoàn thành, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương có dự án đi qua, tạo khu đô thị, dịch vụ mới, tăng giá trị gia tăng của đất đai, giảm chi phí logistics, di chuyển thuận tiện, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, phát triển doanh nghiệp; tạo sự tin tưởng ủng hộ của nhân dân”, ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban QLDA giao thông tỉnh kỳ vọng. (baoxaydung.com.vn)
Bình Định: Tín dụng ngân hàng đồng hành cùng tăng trưởng kinh tế
Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của Bình Định tiếp tục duy trì sự ổn định, phát triển bền vững, đạt thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,78% (kế hoạch năm 2024 tăng 7,5-8%), xếp thứ 26/63 địa phương trong cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 2/5 địa phương tiểu vùng Trung Trung bộ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần khu vực nông lâm thủy sản, tăng dần khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.
Đóng góp vào sự tăng trưởng ở địa phương, năm 2024 NHNN chi nhánh tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, chi nhánh đã tăng cường chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay, miễn, giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Mới đây, phát biểu tại buổi gặp mặt và động viên ngành Ngân hàng Bình Định quyết toán năm 2024, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết những kết quả quan trọng trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của địa phương có sự đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng.
Bên cạnh đó, ông Phạm Anh Tuấn cũng gợi mở các giải pháp giúp ngành ngân hàng tăng trưởng tín dụng trong năm 2025, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Trong đó, các TCTD bám sát chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tăng cường tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; chủ động kết nối, tiếp cận các đối tác và cung ứng nguồn vốn kịp thời.
Thời gian tới sẽ có rất nhiều nhà đầu tư đến Bình Định để tìm hiểu, đăng ký đầu tư và triển khai các dự án, NHNN chi nhánh tỉnh rà soát, lập danh sách các ngân hàng có hoạt động tín dụng tốt gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư và UBND tỉnh để giới thiệu với các đối tác, nhà đầu tư khi có họ nhu cầu vay vốn. Đây cũng là một trong những giải pháp thu hút đầu tư và giữ chân các nhà đầu tư… (thoibaonganhang.vn)
Bình Định: Xã đảo Nhơn Châu sẽ có 4 điểm du lịch
Đó là một trong những nội dung chủ yếu của Quyết định số 4590/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Các điểm du lịch tại xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn” mà ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa ký ban hành.
Theo Quyết định số 4590/QĐ-UBND: Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Các điểm du lịch tại xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn (Điểm số 1, Điểm số 3, Điểm số 7 và Điểm số 10). Về tính chất và mục tiêu quy hoạch, Quyết định số 4590 xác định: Đây là khu du lịch nghỉ dưỡng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế không gian cảnh quan tự nhiên xã Nhơn Châu. Cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn đến năm 2035; Làm cơ sở để quản lý quy hoạch, thực hiện dự án đầu tư xây dựng…
Cũng qua Quyết định số 4590, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các sở, ban. ngành, địa phương thực hiện công tác quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, gồm: Quy hoạch san nền; Quy hoạch thoát nước mặt; Giao thông: Cấp nước; Cấp điện, thông tin liên lạc; Thoát nước thải và Vệ sinh môi trường…
Theo đó, về cấp điện, thông tin liên lạc, sẽ đấu nối với hệ thống cấp điện 22kV hiện có với tổng nhu cầu dùng điện là 438 kVA; cùng tuyến cáp điện thoại, cáp internet, cáp truyền hình đi ngầm trong gen kỹ thuật để cung cấp cho các khu chức năng…/. (thuonghieucongluan.com.vn)
Bình Định dẫn đầu về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp
Thời gian qua, Bình Định đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực, đồng bộ trên các lĩnh vực. Trong 10 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã đơn giản hóa 29 thủ tục hành chính; đề xuất cắt giảm thành phần hồ sơ đối với 7 thủ tục; giảm thời gian giải quyết 22 thủ tục hành chính; đơn giản hóa 15 thủ tục hành chính nội bộ; ủy quyền giải quyết 41 thủ tục và phân cấp giải quyết 15 thủ tục hành chính.
Xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những nội dung trọng tâm, quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương phát huy tinh thần "làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá", lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Mục tiêu đến năm 2030, 90% thủ tục hành chính của tỉnh sẽ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 70% hồ sơ được người dân và doanh nghiệp tự thực hiện trực tuyến từ xa và 100% cán bộ, công chức, viên chức sẽ sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi thực hiện thủ tục hành chính. (vtv.vn)
Bình Định được công nhận loại trừ bệnh sốt rét
Ngày 1/1, theo Sở Y tế tỉnh Bình Định, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương vừa ra quyết định công nhận tỉnh Bình Định đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét trên quy mô toàn tỉnh; đồng thời, đề nghị tỉnh cần duy trì bền vững kết quả loại trừ bệnh sốt rét trên địa bàn.
Thời gian qua, chương trình phòng, chống sốt rét tại Bình Định đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều năm liền, tỉnh đều đạt 3 mục tiêu: Không có dịch sốt rét xảy ra; không có tử vong do sốt rét; tỷ lệ mắc sốt rét còn dưới 0,1/1.000 dân số.
Để đạt được kết quả trên, tỉnh đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát bệnh sốt rét, như: Công tác giám sát dịch tễ và côn trùng được thực hiện đều đặn tại các xã thuộc vùng sốt rét trọng điểm; lấy lam máu xét nghiệm cho người dân đi rừng ngủ rẫy tại điểm giám sát; tăng cường giám sát chất lượng chẩn đoán điều trị sốt rét nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, đúng phác đồ cho bệnh nhân sốt rét và duy trì hoạt động các điểm bảo vệ cho hàng chục ngàn dân vùng trọng điểm sốt rét lưu hành; tổ chức tập huấn chẩn đoán sốt rét bằng kính hiển vi, test chẩn đoán nhanh cho cán bộ điểm kính hiển vi tuyến xã; hướng dẫn giám sát sốt rét và báo cáo sốt rét trên hệ thống eCDS cho cán bộ các địa phương… (baotintuc.vn)
Bất động sản trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư năm 2024 của Bình Định
Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định (IPC Bình Định) cho biết, khép lại năm 2024, toàn tỉnh đã thu hút được 73 dự án đầu tư (gồm 4 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 19.172,17 tỷ đồng (tăng 16,5% so với năm 2023); có 115 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng tăng thêm 2.144,8 tỷ đồng; có 6 dự án với tổng vốn 305,53 tỷ đồng đang trình UBND tỉnh xem xét.
Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục chiếm phần lớn với 56 dự án, tập trung chủ yếu tại cụm công nghiệp thuộc địa bàn thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn.
Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, kinh tế đô thị vẫn là nhóm ngành tạo dấu ấn vượt trội trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh với kết quả thu hút mới 5 dự án đầu tư mới và 1 dự án chuyển nhượng.
Theo ông Bay, vào thời điểm cuối năm, sau khi các luật liên quan được sửa đổi, bổ sung đã góp phần tạo tiền đề thu hút các dự án lớn về lĩnh vực bất động sản. Theo đó, chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm, Bình Định đã thu hút được 4 dự án trong lĩnh vực này với tổng vốn 7.161,7 tỷ đồng.
Về triển vọng thu hút đầu tư trong năm 2025, IPC Bình Định thông tin, đơn vị xác định ưu tiên triển khai một loạt các dự án lớn, mang tính chiến lược, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và toàn diện. Các dự án này trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp, du lịch đến hạ tầng giao thông.
Hàng loạt dự án đủ điều kiện tổ chức lựa chọn đầu tư ngay từ đầu năm 2025, nhiều dự án lớn hứa hẹn cũng sẽ được hình thành trong thời gian tới. (baodautu.vn)
Bình Định quyết liệt đổi mới, bứt phá, vươn tầm phát triển
Năm 2025, Bình Định xác định là năm “tăng tốc”, “bứt phá”, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết của cả nhiệm kỳ. Phát huy kết quả đạt được năm 2024, tỉnh quán triệt mạnh mẽ tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá” và "5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả"; từ đó triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; nổi bật là tốc độ tăng GRDP từ 7,6% - 8,5%, phấn đấu đạt trên 8,5%; tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi; thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chú trọng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số,…
Năm 2025, Bình Định sẽ triển khai Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm quy hoạch vùng huyện, quy hoạch quản lý kiến trúc đô thị và quy hoạch chi tiết; phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa An Nhơn lên thành phố; thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn đến năm 2050, Quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Tuy Phước đạt chuẩn đô thị loại IV, Đề án đề nghị công nhận thị xã Hoài Nhơn đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, Đề án đề nghị công nhận huyện Tây Sơn đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Tỉnh phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành các công trình trọng điểm của tỉnh như: Các tuyến đường địa phương (An Nhơn và Phù Mỹ) kết nối với đường ven biển; Tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong; Tuyến đường nối từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với Cảng Quy Nhơn; Đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân...; nghiên cứu, chuẩn bị các dự án giao thông quan trọng, huyết mạch như: Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Phù Cát; Đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku,… nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Năm 2015 cũng là năm Bình Định triển khai quyết liệt Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quán triệt các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đặt yêu cầu công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phải đảm bảo “tinh - gọn - mạnh - hiệu lực - hiệu quả". Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định: Tỉnh sẽ triển khai khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, đúng tiến độ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW gắn với tập trung chỉ đạo hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ theo Kết luận số 09-KL/BCĐ và công văn số 22-CV/BCĐ của Ban chỉ đạo Trung ương để bảo đảm bộ máy mới đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả và không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, người dân.
Để tạo động lực cho nhiệm kỳ mới, các đơn vị và địa phương trong tỉnh cần tiến hành rà soát toàn bộ nguồn lực hiện có nhằm phấn đấu không chỉ hoàn thành mà còn vượt qua các chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2025 cũng như các mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, cùng với các chỉ đạo, hướng dẫn từ Trung ương và tỉnh về việc tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp cần được thực hiện chu đáo và hiệu quả, đảm bảo rằng đây sẽ là một sự kiện chính trị có ý nghĩa sâu rộng trong toàn Đảng bộ. (vccinews.vn)
Bình Định: 113 doanh nghiệp có báo cáo về tiền lương, thưởng tết
Ngày 31/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị vừa có báo cáo gửi Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) về tiền lương, tiền thưởng Tết trong doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, đến thời điểm hiện tại, 113 doanh nghiệp có báo cáo chính thức về tình hình lao động, tiền lương, thưởng Tết. Trong đó có 7 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 4 công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; 87 doanh nghiệp dân doanh và 15 doanh nghiệp FDI. Không có doanh nghiệp nào nợ lương người lao động.
Khu vực dân doanh dẫn đầu về mức thưởng Tết. Cụ thể, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 60 triệu đồng (Công ty Cổ phần Becamex Bình Định); thấp nhất là 50 ngàn đồng.
Về thưởng Tết Nguyên đán, mức thưởng cao nhất là hơn 122 triệu đồng (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mãi Tín Bình Định) và thấp nhất là 200 ngàn đồng.
Đối với khu vực Nhà nước, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 42 triệu đồng (tăng 82,6% so với năm 2023), thấp nhất là 500 ngàn đồng. Khu vực có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, tiền thưởng Tết Âm lịch cao nhất là 15 triệu đồng, bằng năm 2023.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 85 triệu đồng (Công ty Trách nhiệm hữu hạn ANT), thấp nhất là 300 ngàn đồng; có 4 doanh nghiệp chưa dự kiến thưởng.
Ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định thông tin, số lượng các doanh nghiệp có báo cáo về tình hình thực hiện tiền lương, thưởng cho người lao động còn ít nên chưa phản ánh đầy đủ thực trạng, tình hình tiền lương năm 2024 và thưởng Tết Nguyên đán ở các doanh nghiệp. (vcci.com.vn)
Nông dân Bình Định chật vật với vụ đông xuân
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, mưa kéo dài trên diện rộng đã làm hơn 4.550ha lúa và rau màu vụ đông xuân 2024 - 2025 bị ngập úng, gây hư hại giống lúa. Trong đó thị xã Hoài Nhơn có hơn 1.530ha, thị xã An Nhơn có hơn 323ha; huyện An Lão gần 38ha; huyện Hoài Ân 290ha; huyện Phù Mỹ 150ha; huyện Phù Cát 290ha; huyện Tuy Phước 120ha và huyện Tây Sơn hơn 500ha. Ngoài ra, mưa to còn làm sa bồi 1,6ha đất trồng lúa ở huyện miền núi An Lão; làm 32 con gia súc chết do rét lạnh; tróng đó có 18 con trâu và 14 con bò.
Mưa liên tục cũng làm đảo lộn lịch xuống giống của nông dân huyện trung du Hoài Ân. Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, đến nay toàn huyện còn hàng chục ha ruộng chưa thể gieo sạ vụ đông xuân 2024 - 2025 do ngập úng, chủ yếu ở các xã Ân Hảo Đông, Ân Phong và thị trấn Tăng Bạt Hổ.
“Trước tình hình khó khăn này, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã có giải pháp hỗ trợ nông dân khắc phục thiệt hại, đẩy nhanh tiến độ gieo sạ để để đảm bảo lịch thời vụ. Sở NN-PTNT Bình Định đã yêu cầu các địa phương tổng hợp tình hình thiệt hại để Sở đề xuất các biện pháp hỗ trợ phù hợp cho người dân theo các quy định tại Quyết định số 40 ngày 20/7/2018 của UBND tỉnh Bình Định về hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai”, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay. (nongnghiep.vn)
Bình Định: Đề nghị sửa chữa, hoàn trả nguyên trạng các tuyến đường bị hư hỏng trước 15/1
Ngày 1/1, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết vừa có văn bản đề xuất UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ đầu tư Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn tỉnh (gọi tắt là Dự án) triển khai ngay việc khắc phục, sửa chữa có hiệu quả, kịp thời hoàn trả nguyên trạng các tuyến đường bị hư hỏng do phục vụ thi công Dự án nhằm đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ việc đi lại, sinh hoạt của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định, trên đường tỉnh hiện có 4 tuyến ĐT.629, ĐT.630, ĐT.636, ĐT.638 phục vụ thi công Dự án bị hư hỏng nặng, nhiều vị trí bị rạn nứt, ổ gà, sụt lún cục bộ… với chiều dài khoảng hơn 105 km; trong đó có đoạn Km1+00 - Km3+170 tuyến ĐT.629 hư hỏng rất nặng trên diện rộng, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ngoài ra, còn có 56 tuyến đường do các địa phương (Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước) quản lý cũng bị hư hỏng nặng, với chiều dài khoảng hơn 66 km.
Ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho hay, trước nguyện vọng chính đáng của cử tri, tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư sớm triển khai phương án sửa chữa, hoàn trả nguyên trạng các tuyến đường nói trên, chậm nhất phải hoàn thành trước ngày 15/1, đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm làm cơ quan đầu mối đối với tất cả các đơn vị tham gia Dự án để phối hợp với các sở, ngành, địa phương giải quyết các vấn đề tồn tại, phát sinh trong quá trình thi công, không giao toàn bộ cho các đơn vị thi công.
Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng, đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm vệ sinh môi trường… (baotintuc.vn)
Khu Kinh tế Nhơn Hội tại Bình Định sau 20 năm 'chỉ là 1 bãi cát mênh mông'
UBND tỉnh Bình Định mới ra thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng tại cuộc họp giải quyết vướng mắc, khó khăn trong GPMB các dự án (Khu Kinh tế Nhơn Hội).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhìn nhận, một số tồn tại, hạn chế, công tác phối hợp giữa Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh với các sở, ngành và các địa phương liên quan chưa tốt.
Việc thực hiện công tác bồi thường, GPMB còn chậm, phần lớn là do nguyên nhân chủ quan, thiếu sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.
Chưa sâu sát, quyết liệt, nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, chậm tham mưu đề xuất UBND tỉnh trong nhiệm vụ, để xảy ra sự chậm trễ trong GPMB...
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh, Ban Quản lý Khu kinh tế và lãnh đạo Ban này, phải đổi mới tư duy, thay đổi cách làm, tích cực vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương liên quan để thực hiện tốt GPMB, đẩy nhanh tiến độ công việc tại các dự án (Khu Kinh tế Nhơn Hội).
Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định lưu ý, Ban Quản lý Khu kinh tế định kỳ 2 tuần/lần (đối với các dự án có khó khăn vướng mắc), 1 tháng /lần (đối với các dự án khác) báo cáo kết quả GPMB cho UBND tỉnh. Trường hợp cấp bách, cần báo cáo đề xuất ngay cho UBND tỉnh, để xem xét chỉ đạo.
"Kết quả GPMB, là tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đối với Ban Quản lý Khu kinh tế", ông Hoàng nhấn mạnh. (danviet.vn)
Giáo viên tố bị cắt xén chế độ ở Bình Định rút đơn khiếu nại
Liên quan đến vụ việc thầy Nguyễn Văn Xuân - giáo viên Trường THCS Ngô Mây (TP Quy Nhơn, Bình Định) - tố bị cắt xén chế độ trong nhiều năm, ngày 2.1, UBND TP Quy Nhơn cho biết, thành phố đã báo cáo UBND tỉnh về kết quả giải quyết vụ việc.
Trường THCS Ngô Mây đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể viên chức quản lý và các cá nhân có liên quan trong việc triển khai, thực hiện các quy định về chuyên môn theo hướng dẫn của ngành Giáo dục.
UBND TP Quy Nhơn cũng cho biết, căn cứ vào đơn xin rút khiếu nại của thầy Xuân và kết quả làm việc của Thanh tra TP Quy Nhơn với thầy Xuân, ngày 26.12.2024, địa phương đã ban hành quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại của thầy Xuân. (laodong.vn)
Xe tải thi công cao tốc "phá" đường, Bình Định yêu cầu sớm xử lý
Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bình Định cho biết, cơ quan này đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án 85 thuộc Bộ GTVT kiểm tra các tuyến đường bị hư hỏng do thi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.
Theo Sở GTVT tỉnh Bình Định, các địa phương và sở, ngành đều rất bức xúc, yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương khắc phục, sửa chữa các tuyến đường theo quy định. Thế nhưng, đại diện chủ đầu tư cho rằng, hợp đồng chỉ yêu cầu hoàn trả đường sau khi hoàn thành thi công cao tốc.
"Chúng tôi đề nghị Ban Quản lý dự án 2, Ban quản lý dự án 85 yêu cầu các nhà thầu khẩn trương khắc phục đường hư hỏng, để bà con nhân dân vui xuân đón Tết. Tuy nhiên, đại diện Ban này viện lý do trời mưa nên chưa sửa chữa được", lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Định nói.
Sở GTVT tỉnh Bình Định cho hay, qua kiểm tra thực tế, mặt đường nhiều vị trí trên đường Tỉnh lộ 629 đoạn qua địa bàn huyện Hoài Ân, các đường dân sinh qua thị xã An Nhơn bị xe chở vật liệu thi công cao tốc "cày xới" trong thời gian dài, hư hỏng nghiêm trọng, xuất hiện ổ gà, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Sở GTVT tỉnh Bình Định sẽ báo cáo lên UBND tỉnh để kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư sớm khắc phục. Trước đó, cử tri Bình Định đã nhiều lần phản ánh tình trạng xe chở vật liệu làm hư hỏng đường địa phương, gây nguy hiểm cho người dân. (danviet.vn)