Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến tỉnh Bình Định ngày 14.01.2025

Thứ ba - 14/01/2025 18:38 23 0
Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến tỉnh Bình Định trên các báo ra ngày 14.01.2025
Bình Định phê duyệt dự án tạo tiền đề cho dự án điện gió ngoài khơi

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, tính đến ngày 14/1/2025, tỉnh thu hút được 9 dự án, trong đó có 8 dự án trong nước, 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 530 tỷ đồng.
Các dự án chủ yếu nằm ngoài khu kinh tế và khu công nghiệp; tập trung vào 2 lĩnh vực chủ yếu là sản xuất công nghiệp (4 dự án) và chế biến nông, lâm thủy sản (3 dự án).
Về dự án đầu tư nước ngoài, UBND tỉnh Bịnh Định đã chấp thuận cho PNE OFFSHORE VIETNAM EINS GMBH (Đức) thực hiện Dự án Phát triển PNE Hòn Trâu Một (thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, với tổng vốn đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng). Dự kiến, dự án sẽ chính thức hoạt động trong quý II/2025.
Theo tìm hiểu, đây là công ty tư vấn, tạo tiền đề để triển khai Dự án Điện gió ngoài khơi PNE (4,6 tỷ USD) trong thời gian tới (hiện chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư).
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Sở Công thương, về nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu sở này tập trung hỗ trợ nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng Dự án Điện gió gần bờ Hòn Trâu.
Được biết, trong năm 2025, UBND tỉnh Bình Định đặt mục tiêu tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành và đi vào hoạt động các dự án đã đăng ký đầu tư, nhất là dự án công nghiệp, thương mại, năng lượng tái tạo… (baodautu.vn)

Khám phá bên trong Thành Hoàng Đế - công trình nghìn năm ở Bình Định

Thành Hoàng Đế được Nguyễn Nhạc cho xây dựng năm 1776 trên nền dấu tích Thành Đồ Bàn - kinh đô của vương quốc Chămpa xưa và bị phá hủy vào đầu triều Nguyễn.
Cách TP. Quy Nhơn khoảng 27 km về hướng tây bắc, Thành Hoàng Đế nằm trên địa phận xã Nhơn Hậu và phường Đập Đá (thị xã An Nhơn, Bình Định). Thành Hoàng Đế trong lịch sử từng là kinh đô Vijaya của vương quốc Chămpa với tên gọi Thành Đồ Bàn. Thành Hoàng Đế nguyên là tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm 3 vòng thành: Thành Ngoại, Thành Nội và Tử Cấm Thành. Trong đó, Thành Ngoại có chu vi 7.400 m. Thành Nội còn được gọi là Hoàng Thành có hình chữ nhật dài 430 m, rộng 370 m. Bên trong Thành Nội là Tử Cấm Thành cũng có hình chữ nhật dài 174 m, rộng 126 m. Thành Hoàng Đế từng đóng vai trò đại bản doanh của nghĩa quân Tây Sơn trong buổi đầu khởi nghĩa, là kinh đô của Trung ương Hoàng Đế Thái Đức Nguyễn Nhạc, giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp thắng lợi vẻ vang của phong trào nông dân Tây Sơn, cũng như những năm tháng cuối cùng của triều Tây Sơn. Thành Hoàng Đế được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng Di tích quốc gia năm 1982. (tienphong.vn)

Tết “đặc biệt” ở rẻo cao Canh Giao, Bình Định

Những ngày này, tại làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện miền núi Vân Canh (Bình Định), sắc Xuân luôn tràn ngập. Người dân nơi đây tranh thủ hoàn tất công việc nương rẫy, tạm gác lại lo toan cuộc sống, cùng nhau chuẩn bị chu đáo những thứ cần thiết nhất và háo hức chờ đợi khoảnh khắc đón Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là cái Tết ý nghĩa, viên mãn nhất với người dân - cái Tết đầu tiên có điện lưới quốc gia.
Tết đầu tiên có điện nên mọi người trong làng đều vô cùng háo hức. Bà Đinh Thị Gánh, người Ba Na làng Canh Giao tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khá khang trang. Bà kể, thời chiến tranh hai vợ chồng bà sống trong rừng, mãi sau này già yếu mới chuyển về làng sinh sống. Những ngày đầu về đây, khó khăn chồng chất. Mỗi buổi tối, gia đình phải dùng các loại cây, hạt rừng sưu tầm được, tự chế ra lửa thắp sáng để ăn cơm, xong là tắt ngay để tiết kiệm. Điều đơn giản ấy còn phải suy tính huống hồ gì nghĩ tới ước mơ có điện, được xem ti vi vì quá xa vời. Nhưng rồi, điều đó đã thành hiện thực. Dứt lời, bà Gánh lật đật ra sân điều chỉnh lại hướng ăng-ten kiểu dạng chảo để "bắt sóng".
Ông Huỳnh Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vân Canh thông tin, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cho làng Canh Giao; đặc biệt là xây dựng các công trình thiết yếu, phục vụ đời sống, sinh hoạt của bà con. Với bước ngoặt lịch sử này, hy vọng nơi đây sẽ ngày càng phát triển, khởi sắc, trở thành “điểm sáng” về văn hóa, kinh tế của vùng cao.
Trên đường rời Canh Giao, những ca từ mộc mạc, đi vào lòng người trong bài hát “Câu chuyện đầu năm”: … Xuân mang niềm tin tới, bao la nguồn yêu mới, như hoa mai nở phơi phới… bất chợt vọng lại như khẳng định với chúng tôi một điều rằng, mong ước về một cuộc sống sung túc, đủ đầy của dân làng trong năm mới sẽ được toại nguyện, viên mãn. (dantocmiennui.vn)

Xin chủ trương lập hồ sơ xếp hạng quốc gia di tích Trường Lũy Bình Định

Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Bình Định vừa có tờ trình gửi Bộ VH-TT &DL để xin chủ trương lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích quốc gia Trường Lũy Bình Định (ở thị xã Hoài Nhơn và huyện An Lão).
Theo Sở VH&TT, Trường Lũy là tên gọi của một bờ lũy được đắp bằng đất và đá dài khoảng 127,4 km được xây dựng dưới thời chúa Nguyễn và hoàn thành dưới triều Nguyễn vào thế kỷ XIX - còn gọi là đường cái quan thượng, nằm về phía Đông của dãy Trường Sơn, chạy dài từ huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (tỉnh Bình Định). Đoạn Trường Lũy thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích quốc gia ngày 9-3-2011, với tên gọi Trường Lũy Quảng Ngãi. Còn đoạn Trường Lũy nằm trên địa phận tỉnh Bình Định dài khoảng 14,4 km đi qua địa bàn xã Hoài Sơn (thị xã Hoài Nhơn) đến các xã An Hưng, An Quang, An Tân và thị trấn An Lão (huyện An Lão) là một phần không thể tách rời của hệ thống Trường Lũy, vừa có chức năng phân định địa giới, vừa có chức năng phòng thủ với hệ thống lũy - đường cổ - hào - đồn/bảo, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Trong các năm 2012, 2018, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tiến hành nghiên cứu, khảo sát, khai quật khảo cổ, xây dựng hồ sơ di tích Trường Lũy Bình Định. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện đến nay di tích Trường Lũy Bình Định vẫn chưa được xếp hạng… (cadn.com.vn)

Bình Định xin ý kiến Bộ Tài chính điều chuyển tài sản công để lấy quỹ đất xây dựng bảo tàng 700 tỷ đồng

Ngày 14/1, UBND tỉnh Bình Định cho biết, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị Bộ này xem xét đồng ý điều chuyển cơ sở nhà, đất cũ của Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định (số 2 Phan Đình Phùng, TP. Quy Nhơn) sang cho Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bình Định.
Với lý do, việc điều chuyển tài sản công mang lại hiệu quả sử dụng cao hơn, tránh lãng phí.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, thời gian qua, bắt đầu từ năm 2023, UBND tỉnh Bình Định đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ Tài chính có quyết định điều chuyển cơ sở nhà, đất của Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định tại số 2 Phan Đình Phùng, TP. Quy Nhơn cho Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bình Định, làm cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Ngoài ra, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính điều chuyển cơ sở nhà, đất của Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bình Định tại số 86 Lê Duẩn, TP. Quy Nhơn cho UBND tỉnh Bình Định, để bố trí xây dựng Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Tuy nhiên, việc điều chuyển, tiếp nhận 2 cơ sở nhà, đất nêu trên gặp nhiều vướng mắc, nên đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. (congly.vn)

Đổ nợ vì hơn 300 chậu cúc bán Tết chết bất thường

Ngày 14-1, ông Nguyễn Anh Dũng - Bí thư Đảng ủy phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định - cho biết trên địa bàn phường vừa xảy ra vụ việc hàng trăm chậu hoa cúc Tết của một hộ dân bất ngờ bị héo úa rồi chết bất thường, gây thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Cụ thể, sau một năm tích cóp từ việc làm phụ hồ, vợ chồng bà Đặng Thị Lý (55 tuổi; ngụ khu vực Kim Châu, phường Bình Định) đầu tư hàng chục triệu đồng trồng hơn 300 chậu hoa cúc để bán trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Số hoa này đã được thương lái đặt cọc mua từ hơn nửa tháng trước, sắp đến ngày vận chuyển tới nơi bán thì bất ngờ héo úa rồi chết sạch.
"Sau khi hơn 300 chậu hoa cúc chết, vợ chồng tôi kiểm tra phuy chứa nước thì phát hiện dấu hiệu bất thường, nghi có người đổ thuốc vào nên đã trình báo công an. Giờ tôi không biết lấy đâu ra tiền để trả lại tiền cọc cho thương lái và trả tiền phân thuốc. Mong các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ" - bà Lý bức xúc.
Lãnh đạo UBND thị xã An Nhơn cho biết tình trạng hoa cúc chết bất thường với số lượng lớn như trên chưa từng xảy ra ở địa phương. UBND thị xã An Nhơn đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh vụ việc. (nld.com.vn)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây