Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến tỉnh Bình Định ngày 09.01.2025

Thứ năm - 09/01/2025 17:55 29 0
Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến tỉnh Bình Định trên các báo ra ngày 09.01.2025
Thị xã An Nhơn (Bình Định): Đạt tiêu chí đô thị loại III

Ngày 9/1, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Báo cáo rà soát tiêu chí đô thị loại III thị xã An Nhơn (khu vực nội thị dự kiến mở rộng) và Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị khu vực dự kiến thành lập phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Nguyễn Cao Viên chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến giúp địa phương hoàn thiện Báo cáo. Theo đó, UBND thị xã An Nhơn cần khắc phục các tiêu chí còn yếu và thiếu; quan tâm triển khai các dự án đầu tư đảm bảo phủ kín đất quy hoạch đô thị; nghiên cứu, áp dụng mô hình đô thị mới; nâng cao năng lực quản lý đô thị; bổ sung, giải trình rõ về diện tích đất nông nghiệp thuộc vùng thoát lũ và các giải pháp thoát lũ trong thời gian tới; hoàn thiện các dự án công viên, cây xanh; cập nhật thêm về quy hoạch phân khu cho 6 xã thành lập phường; rà soát về chỉ tiêu dân số; quan tâm bảo tồn các khu di tích, nhất là khu vực quanh thành Hoàng Đế; quan tâm đến các khu vực dễ bị sạt lở, khu vực thoát lũ, xây dựng nhà ở xã hội…
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đã giải trình thêm một số nội dung về nhà ở xã hội; nguồn lực phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hàng lang thoát lũ; công tác chỉnh trang đô thị. Đồng thời cho biết UBND tỉnh Bình Định, UBND thị xã An Nhơn sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, tập trung khắc phục những tiêu chí còn chưa đạt.
Kết luận Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Nguyễn Cao Viên tổng hợp ý kiến Hội đồng thẩm định, đề nghị địa phương tiếp tục nghiên cứu thêm về không gian ngầm, kết nối đường sắt đô thị, mô hình TOD; nghiên cứu các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước; xác định ranh giới khu vực bảo tồn các di tích lịch sử quan trọng, các công trình kiến trúc tiêu biểu; quan tâm đến Chương trình phát triển đô thị, khắc phục các tiêu chí, tiêu chuẩn còn yếu.
Hội đồng thẩm định thống nhất thị xã An Nhơn (khu vực nội thị dự kiến mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III với số điểm 83,5/100 điểm. Khu vực dự kiến thành lập phường gồm 6 xã Nhơn Hậu, Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn An, Nhơn Phong đạt trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị thuộc thị xã An Nhơn. (baoxaydung.com.vn)

Bình Định sẽ khởi công đường băng số 2 tại sân bay Phù Cát vào tháng 8/2025

UBND tỉnh Bình Định vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh này liên quan đến Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Phù Cát.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định xác định Dự án Nâng cấp mở rộng cảng Hàng không Phù Cát, hạng mục xây dựng đường cất hạ cánh số 2 là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh, có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương; quá trình triển khai dự án có nhiều thủ tục liên quan đến các bộ, ngành trung ương.
Do đó, Phó chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động phối hợp để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện; phải quyết tâm thực hiện hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án theo đúng kế hoạch tiến độ đã được UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo khởi công dự án trong tháng 8/2025.
Trong đó, một số công việc liên quan đến thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, vật liệu thi công… các sở, ngành, địa phương liên quan phải hoàn thành hoặc báo cáo tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trong tháng 1/2025. (baodautu.vn)

Nông nghiệp Bình Định phấn đấu tăng 3,2 - 3,6% trong năm 2025

Năm 2024, ngành nông nghiệp Bình Định đã đạt được thành tựu toàn diện với nhiều kết quả ấn tượng. Ðặc biệt, giá trị sản xuất nhiều loại nông sản tăng mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và củng cố vị thế quan trọng của ngành trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, trong năm 2024, tốc độ tăng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh ước tăng 3,04%. Trong lĩnh vực trồng trọt, các cây trồng chủ lực đều đạt năng suất vượt trội so với năm trước. Cụ thể, lúa đạt năng suất bình quân 70,1 tạ/ha (tăng 1,3 tạ/ha), đậu phộng (lạc) đạt 40,8 tạ/ha (tăng 1 tạ/ha), cây mì (sắn) đạt gần 283 tạ/ha (tăng 1,3 tạ/ha). Các cây lâu năm như dừa và bưởi phát triển mạnh về diện tích, đạt năng suất cao, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất nông sản của Bình Định.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong năm 2025, ngành nông nghiệp Bình Định đề ra 8 mục tiêu phấn đấu, trong đó phấn đấu mục tiêu tăng trưởng GRDP nông, lâm, thủy sản từ 3,2 - 3,6%. Tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt 707.000 tấn, trong đó lúa 648.000 tấn, bắp 59.000 tấn...
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định đánh giá cao những thành tựu của ngành nông nghiệp tỉnh những năm qua, tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng ngành nông nghiệp tỉnh vẫn còn manh mún, thiếu sự liên kết, chưa tạo được các vùng nguyên liệu lớn và chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
“Chăn nuôi còn lỗ hổng lớn là thiếu nhà máy chế biến, việc khai thác thủy sản chủ yếu chỉ bán cho thương lái mà không phát triển được chuỗi cung ứng. Các vấn đề này cần giải quyết để nâng cao giá trị nông sản”, ông Thanh lưu ý.
Để đạt được các mục tiêu trong năm 2025, ông Thanh yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh cải cách bộ máy, tinh giảm biên chế và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực. Đồng thời phải có chiến lược rõ ràng để phát triển các lĩnh vực cụ thể.
“Trọng tâm của ngành nông nghiệp Bình Định trong năm 2025 là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên các cây trồng chủ lực như đậu phộng, dừa xiêm, cây ăn quả, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Đối với chăn nuôi, cần tập trung phát triển các trang trại lớn, giảm chăn nuôi nông hộ và xây dựng các vùng nuôi an toàn, ứng dụng công nghệ cao để phục vụ chế biến”, ông Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.
Ông Thanh cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nuôi biển, đồng thời thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp để rút “thẻ vàng".
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, ông Thanh chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh rà soát quy hoạch các loại rừng, trong đó ưu tiên giữ lại rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; phát triển rừng sản xuất gỗ lớn và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) để phục vụ xuất khẩu. Công tác phòng chống cháy rừng và quản lý chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản cũng phải được chú trọng. (nongnghiep.vn)

Bình Định: Một đoanh nhân cựu chiến binh được vinh danh “Top 10 Thương hiệu mạnh phát triển quốc gia”

Ngày 9/1, tại Trung tâm Hội nghị - Văn phòng Chính phủ, 37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội diễn ra Chương trình “Tết Ba miền chào Xuân Ất Tỵ - 2025”. Tại Chương trình, một doanh nhân là cựu chiến binh người Bình Định đã được vinh danh “Top 10 Thương hiệu mạnh phát triển quốc gia”…
Kết quả, có 10 doanh nhân, DN đạt danh hiệu “Top 10 Thương hiệu mạnh phát triển quốc gia”. Trong số này có doanh nhân Nguyễn Thế Vinh, chủ hộ kinh doanh Trại Ong Dú Vinh Nguyên, thuộc địa bàn phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và Công ty Phương Trang…
Được biết, doanh nhân Nguyễn Thế Vinh (68 tuổi), quê quán: Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông Vinh nguyên là một cựu chiến binh. Năm 1972, khi mới 16 tuổi, ông Nguyễn Thế Vinh đã tham gia hoạt động cách mạng tại Huyện Đội An Nhơn, tỉnh Bình Định. Sau năm 1975, ông Vinh tiếp tục xung phong lên đường tham gia chiến trường Campuchia. Sau khi bị thương (được công nhận là thương binh ¾). Năm 1981, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Camphuchia, ông Nguyễn Thế Vinh được phân công làm Trợ lý tham mưu Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 93, Bộ CHQS tỉnh Bình Định). Giai đoạn 1982 - 2001, ông Vinh chuyển ngành và được điều về công tác tại UBND huyện An Lão, tỉnh Bình Định; rồi được điều động về làm Giám đốc Nhà khách Tỉnh ủy Bình Định. Đến năm 2016, ông Vinh nghỉ hưu. Quá trình chiến đấu, công tác ông Nguyễn Thế Vinh đã nhận được huân, huy chương cùng nhiều bằng khen của nhà nước, chính phủ, các cấp, ngành… (thuonghieucongluan.com.vn)

Bình Định phấn đấu tăng thêm gần 18 ngàn đoàn viên

Chiều 9.1, Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh Bình Định khóa XIV đã tổng kết hoạt động công đoàn năm 2024 và triển khai chương trình công tác trọng tâm 2025.
Theo Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, nhờ bám sát chương trình công tác của Ban Chấp hành, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tình hình thực tiễn địa phương, phong trào công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) và hoạt động công đoàn của tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật. Công tác tham gia quản lý, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (ĐVNLĐ) được thúc đẩy. Phong trào thi đua yêu nước trong ĐVNLĐ triển khai sâu rộng, đặc biệt ở 2 đợt cao điểm chào mừng 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, tập trung vào các phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, gắn thi đua yêu nước với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định việc làm. Năm 2024, Bình Định thành lập mới 113 công đoàn cơ sở (CĐCS), kết nạp mới 11.146 đoàn viên (tăng thực tế 7.104 đoàn viên), nâng tổng số CĐCS lên 1.673 đơn vị với 94.841 đoàn viên/107.999 CNVCLĐ.
Hội nghị thảo luận, thông qua chương trình công tác năm 2025 với các chỉ tiêu chủ yếu: Phát triển tăng thêm 17.800 đoàn viên, thành lập CĐCS ở 100% doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên; tham gia thúc đẩy nhằm đạt tỉ lệ 65% CNLĐ tại các doanh nghiệp được học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; 100% CĐCS khu vực hành chính, sự nghiệp công lập, doanh nghiệp khu vực nhà nước và ít nhất 85% CĐCS doanh nghiệp, đơn vị ngoài khu vực nhà nước tham gia với người sử dụng lao động ban hành, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... (laodong.vn)

Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đầu tư 36.000 tỷ đồng có quy mô thế nào?

Theo ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku thuộc hành lang Đông - Tây, có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Đặc biệt, đây là tuyến kết nối trong khu vực tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia.
Tại buổi làm việc cùng Tổng Bí Thư Tô Lâm tại tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, Chính Phủ đã giao hai tỉnh Gia Lai và Bình Định làm chủ đầu tư dự án này. Để đẩy nhanh tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng được tách riêng thành dự án riêng, do địa phương đảm nhiệm. Ông cũng yêu cầu hai tỉnh cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thúc đẩy kinh tế tư nhân và đảm bảo tiến độ dự án.
Ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, kiến nghị Trung ương ban hành cơ chế, chính sách bố trí đủ ngân sách nhà nước để ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, liên kết vùng, trong đó có tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Đồng thời, ông cũng đề nghị Chính phủ ủng hộ chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ PPP sang đầu tư công như đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải. Bên cạnh đó, ông Hồ Văn Niên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện hồ sơ đầu tư, để dự án có thể khởi công trước tháng 8/2025. (danviet.vn)

Bình Định: Xử lý cán bộ quản lý trật tự xây dựng thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong trật tự xây dựng; kiên quyết xử lý và yêu cầu chủ đầu tư phải tự phá dỡ hoặc tổ chức cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện thực hiện quản lý trật tự xây dựng theo phân cấp quy định của UBND tỉnh. Theo dõi việc xử lý các công trình vi phạm, cương quyết xử lý đối với các công trình xây dựng vi phạm không chấp hành các nội dung trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức cưỡng chế theo quy định. Cùng với đó, Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát các trường hợp công trình vi phạm còn tồn tại trên địa bàn, chỉ đạo kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm; đồng thời ngăn chặn, xử lý kịp thời để không phát sinh vi phạm mới.
Đặc biệt, người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng thiếu trách nhiệm, không phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc không đề xuất xử lý kịp thời các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn được phân công phụ trách.
UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Ban xử lý, chống lấn, chiếm đất đai và Tổ công tác cấp xã tiến hành kiểm tra về quản lý, sử dụng đất trên từng địa bàn cấp xã; chỉ đạo UBND cấp xã rà soát thống kê, phân loại từng trường hợp vi phạm và đề xuất hướng xử lý phù hợp theo quy định. Xem xét, xử lý trách nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã; lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc và công chức được giao nhiệm vụ quản lý trên địa bàn do buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ. (baoxaydung.com.vn)

Bình Định yêu cầu xử nghiêm vi phạm về chất nổ, pháo dịp Tết

Thời điểm cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tình hình vi phạm pháp luật liên quan tới chất nổ, pháo trên địa bàn tỉnh Bình Định có xu hướng gia tăng và phức tạp, đặc biệt trong giới trẻ.
Chỉ trong 10 ngày qua, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý hàng loạt vụ mua bán, tàng trữ, sản xuất, chế tạo pháo trái phép. Đáng nói, trong số đó có trường hợp học sinh tự chế pháo và mang đến trường bán cho bạn học sử dụng.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao trách nhiệm trong quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT và pháo. Đồng thời tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cam kết không sản xuất, chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất nổ, pháo.
"Cơ quan, đơn vị, địa phương nào để cán bộ, viên chức, người lao động vi phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh", ông Phạm Anh Tuấn yêu cầu.
Ông Phạm Anh Tuấn giao Công an tỉnh rà soát, lập danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự, có nguy cơ, dấu hiệu hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng VK, VLN, CCHT và pháo trái phép. Qua đó vận động các đối tượng ký cam kết không vi phạm.
Phối hợp với các lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng… kiểm tra trên các tuyến, địa bàn phức tạp, để phát hiện, bắt giữ và xử lý. Đồng thời phối hợp với VKSND, TAND cùng cấp hoàn thiện hồ sơ, đưa ra truy tố, xét xử lưu động vụ án điểm, để răn đe, giáo dục chung...
"Sở GDĐT, các trường học tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế tạo và sử dụng các loại VK, VLN, CCHT và pháo trái phép; xử lý đối với các trường hợp vi phạm", ông Phạm Anh Tuấn chỉ đạo. (laodong.vn)

Bình Định: Đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa trên quốc lộ 1

Theo Khu quản lý đường bộ 3 thì hiện đang đẩy nhanh tiến độ thi công và đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho việc sửa chữa mặt đường một số đoạn tuyến quốc lộ quốc lộ 1.
Cụ thể dự án: Sửa chữa mặt đường đoạn Km1180+812 - Km1181+00(T), Km1180+026 - Km1180+347(P), Km1196+500 - Km1197+630; Sửa chữa tấm đan lưới thép tại các vị trí đường ngang Km1161+800 - Km1161+830(T); Km1161+872 - Km1161+884(T); Km1162+130 - Km1162+160(T); Km1162+430 – Km1162+500(T), Quốc lộ 1, tỉnh Bình Định thuộc kế hoạch bảo trì năm 2024-2025 đến nay thi công hoàn thành được 95%, thời gian hoàn thành công trình là 20/01/2025.
Theo đại diện chủ đầu tư - ông Lương Đình Phú, Giám đốc điều hành dự án - Ban quản lý dự án 5, Cục đường bộ Việt Nam cho biết: "Để đảm bảo ATGT và giảm ùn tắc giao thông, tại 2 đầu của khu vực thi công đều bố trí đầy đủ nhân viên thay ca trực điều tiết giao thông ( Kể cả ngày lẫn đêm, nắng hay mưa đều có người điều tiết giao thông 24/24 ). Riêng, tại ngã 4 đèn xanh đèn đỏ thuộc km 1196+800, chúng tôi cũng bố trí thêm người điều tiết giao thông vì khu vực này gần trường học có khá đông người và phương tiện lưu thông".
Khu Quản lý Đường bộ 3 thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Dự án 5 trong việc kiểm tra chất lượng thi công dự án sửa chữa đường. Đồng thời, hai đơn vị cũng tích cực đôn đốc tiến độ thi công nhằm đảm bảo các công trình được hoàn thành đúng thời hạn, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông. (vtv.vn)

Bình Định: Quản lý hiệu quả nguồn cung khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Theo ông Lê Văn Tùng - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện tuân thủ quy định theo giấp phép được cấp, chấp hành công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản đầy đủ theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy chế biến khoáng sản để nâng cao giá trị khoáng sản. Hoạt động khai thác khoáng sản của tỉnh dần dần đi vào chiều sâu, quy mô công nghiệp được thay thế kiểu khai thác nhỏ lẻ trước đây nên sản lượng, giá trị khoáng sản, tạo nguồn thu từ khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là cung cấp vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, giải quyết nhiều việc làm cho lao động, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định đánh giá, công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn được UBND tỉnh chỉ đạo rất sát sao, kịp thời. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành của tỉnh đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, đề xuất các biện pháp quản lý nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Chính quyền địa phương cơ sở đã nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, phát hiện xử lý các sai phạm trong khai thác khoáng sản trái phép, hoạt động khai thác khoáng sản không đúng quy định được kiểm tra, xử lý chấn chỉnh kịp thời. Công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được kiểm soát ngày càng chặt chẽ.
Năm 2025, Sở sẽ tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong công tác cấp phép hoạt động khoáng sản, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, quản lý các nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản. Các mỏ khai thác khoáng sản phải yêu cầu lắp camera giám sát, trạm cân… Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để xử lý, kể cả đề nghị thu hồi giấy phép đối với các doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường. Tăng cường giám sát công tác phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, kết thúc khai thác doanh nghiệp phải đóng cửa mỏ theo quy định, trong đó có các mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Cùng với đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng chấp hành pháp luật về khoáng sản, khắc phục trình trạng khai thác khoáng sản trái phép. UBND các huyện, thị xã, thành phố, nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn theo thẩm quyền, nhất là bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường quản lý, khi phát hiện, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn… (baotainguyenmoitruong.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây