Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Định có 360 sản phẩm được đánh giá và công nhận xếp hạng OCOP. Các sản phẩm OCOP của Bình Định đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao và sử dụng ngày càng nhiều hơn.
Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Sản xuất theo mùa vụ với số lượng ít, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, năng lực quản trị của các chủ thể OCOP còn yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, một số sản phẩm chủ lực còn khó khăn về công nghệ chế biến, bảo quản chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường với số lượng lớn, lâu dài.
Do đó, cần thiết phải xây dựng Đề án, nhằm lựa chọn một số sản phẩm OCOP đặc trưng để tập trung hỗ trợ phát triển thành hàng hóa, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng, có quy mô sản xuất lớn, hội tụ các điều kiện để mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu.
UBND tỉnh Bình Định giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Đề án, trong đó lưu ý xây dựng các tiêu chí để lựa chọn các sản phẩm OCOP đặc trưng, có tiềm năng phát triển.
Yêu cầu Sở rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP hiện hành, đề xuất các giải pháp để định danh, định vị sản phẩm gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, chú trọng phát triển chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất, chế biến, tạo sức lan tỏa, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 28.04.2024
Nguồn: THUONGHIEUCONGLUAN.COM.VN