Khởi nghiệp với đặc sản Bình Định

Thứ hai - 20/05/2024 09:40 39 0
Dựa trên lợi thế sản phẩm đặc trưng của địa phương, anh Nguyễn Hữu Vinh đã xây dựng thành công thương hiệu bánh tráng Sachi được định giá 20 tỉ đồng
Sinh ra và lớn lên tại cái nôi của bánh tráng nước dừa Tam Quan - một đặc sản nổi tiếng của Bình Định nhưng phải đến 2 lần thất bại khi khởi nghiệp trong mảng công nghệ, anh Nguyễn Hữu Vinh (SN 1987) mới quyết định chọn sản phẩm của quê nhà làm hướng đi chính cho mình.

Làm mới nghề truyền thống

Bắt đầu xây dựng thương hiệu Sachi (viết tắt của Sáu Chiến - tên cơ sở bánh tráng 20 năm của gia đình) từ năm 2017 nhưng mãi đến năm 2019, anh Vinh mới đưa sản phẩm ra thị trường với số lượng lớn. 

Trong ký ức nhiều người, bánh tráng nước dừa Tam Quan là loại bánh có kích thước lớn và dày, khi ăn cần phải nhóm lửa than để nướng mới thưởng thức được hương vị thơm giòn, béo ngậy của cốt dừa, hành hương và cay nồng vị tiêu. Chính vì vậy mà đặc sản này gặp khó trong việc vận chuyển đi xa cũng như việc nướng bánh tương đối phức tạp với phần đông người tiêu dùng ở đô thị.

Bánh tráng Sachi khắc phục được nhược điểm này khi đã được nướng sẵn và đóng gói, tiện lợi cho người tiêu dùng vì chỉ cần xé bịch ăn ngay. Ngoài những loại truyền thống như bánh tráng nước dừa, bánh tráng mè…, Sachi có hơn 10 sản phẩm với nhiều hương vị mới: bánh tráng rong biển, bánh tráng ruốc biển, bánh tráng phủ phô-mai…

Theo người sáng lập thương hiệu Sachi, hiện nay, các hộ sản xuất bánh tráng các loại ở quê vẫn làm theo kiểu lấy công làm lời và bán ra ở kênh truyền thống. "Sachi không cạnh tranh với những dòng sản phẩm này mà bán chủ yếu ở các kênh phân phối hiện đại, nhà hàng, quán ăn và cả kênh online" - anh Vinh giải thích.
 
Bánh tráng Sachi tham dự một hội chợ tại TP HCM Ảnh: AN NA

Là mô hình khởi nghiệp được khuyến khích nên Sachi nhận được nhiều sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương. Sản phẩm của Sachi được đưa vào giỏ quà tặng của địa phương và đây vừa là nơi tiêu thụ - vừa quảng bá cho sản phẩm.

Khởi nghiệp trên quê hương của đặc sản này nên Sachi thừa hưởng được vùng nguyên liệu dồi dào tại chỗ. Chi phí lao động khá rẻ so với các khu công nghiệp nhưng người lao động địa phương rất vui vẻ vì giờ giấc tương đối thoải mái, giúp họ duy trì được các tập quán sinh hoạt ở quê.

"Ở quê, gần biển, hằng ngày thường có tàu đánh cá về bờ bán các loại hải sản rất tươi với giá rất rẻ, chỉ cần nấu canh hay hấp đã rất ngon. Người lao động ở quê có rau quả gì ngon cũng mang đến tặng. Đó là niềm hạnh phúc không nhỏ khi về quê khởi nghiệp" - anh Vinh bày tỏ.

Nhiều hoài bão mới

Nhìn lại quá trình khởi nghiệp với bánh tráng Sachi, anh Vinh nhận thấy mình rất may mắn khi mọi việc hầu như diễn ra thuận lợi, trừ giai đoạn dịch COVID-19 phải ngưng hoạt động 3 tháng nhưng đó là khó khăn chung của mọi người.
"Trong một lần mang sản phẩm dự hội chợ, tôi tình cờ gặp được chủ tịch HĐQT một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối độc quyền các mặt hàng tiêu dùng nhanh tại TP HCM. Anh này rất thích sản phẩm và mô hình khởi nghiệp của Sachi nên quyết định đầu tư theo hình thức mua 40% cổ phần trên cơ sở định giá thương hiệu Sachi là 20 tỉ đồng" - anh Vinh kể.

Với nguồn lực từ đối tác, năm 2023, Công ty TNHH Sachi Nguyễn (sở hữu thương hiệu Sachi) được đổi tên thành Công ty CP IPP Sachi, anh Vinh nắm 60% cổ phần và giữ chức danh giám đốc. Cũng năm 2023, ngay tại quê hương Tam Quan, Sachi khởi công nhà máy mới trên khu đất rộng 3 ha, đến nay đã xây dựng xong 3.500 m2 nhà xưởng và 500 m2 văn phòng, công suất 7 tấn sản phẩm/ngày chuyên các sản phẩm bánh tráng, bún, phở trên dây chuyền tự động.

"Nhiều người khi xây dựng được một thương hiệu thành công thường muốn giữ riêng cho mình. Bản thân dù cũng băn khoăn nhưng sau thời gian suy nghĩ, tôi nhận thấy nếu không tiếp nhận nguồn lực bên ngoài thì rất khó đột phá. Ngay sau cú bắt tay với đối tác, sản phẩm của chúng tôi được phủ khắp các hệ thống siêu thị lớn trong cả nước dù trước đó tôi đã nỗ lực chào hàng nhưng bất thành" - anh Vinh dẫn chứng.

Chưa dừng lại ở đó, anh Vinh cho biết đã nộp hồ sơ tham dự chương trình "Thương vụ bạc tỉ" năm 2024 (Shark Tank mùa 7) với mục tiêu tiếp cận được hệ sinh thái của một "cá mập" để phát triển thêm mảng xuất khẩu.

"Hiện tại, Sachi đã xuất khẩu sang Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) nhưng chưa nhiều. Khi xuất khẩu có biên lợi nhuận tốt hơn và với khả năng của nhà máy mới, chúng tôi mới tự tin đáp ứng các đơn hàng lớn" - anh Vinh kỳ vọng. 
 
 
Anh Nguyễn Hữu Vinh có bằng thạc sĩ về kinh tế. Từng học về tự động hóa, dù không hoàn thành chương trình nhưng những kiến thức có được từ giảng đường đã giúp anh phát triển nghề tay trái là cung cấp máy sấy cho các làng nghề truyền thống như: bún, phở, bánh tráng…, giúp người dân đỡ phụ thuộc thời tiết - mùa mưa bão thường không có nắng để phơi bánh. Đây cũng là nền tảng để anh phát triển dây chuyền sản xuất bánh tráng nướng tự động thay cho cách làm thủ công trước đây, giúp sản xuất được số lượng lớn và giá thành tốt.

Cũng nhờ nghề bán máy sấy mà ở tuổi 30, với sự giúp đỡ của gia đình, anh tiếp tục khởi nghiệp dự án bánh tráng Sachi. "Với số vốn ban đầu 1,5 tỉ đồng cộng thêm tiền lãi từ nghề tay trái, tôi đầu tư hết vào Sachi. Đến nay, sản phẩm của Sachi đã đạt được chứng nhận ISO 22000, FDA, OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") 4 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Năm 2023, doanh thu của Sachi đạt 40 tỉ đồng. Hiện công ty tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương" - anh Vinh tự hào.

 
 



THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 20.5.2024
Nguồn: NLD.COM.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây