Nông dân Bình Định chế “máy bay nông sản”, vươn tầm hội nhập

Thứ bảy - 18/05/2024 14:56 37 0
Rồng dài 9m đến xe đạp, tàu và cả máy bay được các nông dân Bình Định “chế tạo” từ chính nông sản của mình, nhằm đa dạng hóa, vươn tầm hội nhập, xuất khẩu.
Biến hình nông sản thành sản phẩm độc lạ

Giữ khuôn viên trưng bày rộng lớn, mô hình máy bay nông sản của tại gian hàng xã Ân Tín (huyện Hoài Ân, Bình Định) luôn nổi bật, thu hút đông đảo người dân, du khách tham quan, thưởng lãm. Chiếc máy bay không gì lạ, nhưng điều độc đáo là nó được chế tác tỉ mỉ từ chính những vật dụng quá quen thuộc: tre, cây gỗ.
Huyện Hoài Ân dành quảng trường, phố đi bộ để tổ chức ngày hội nông sản lớn.
 
Trên thân chiếc máy bay, nông dân Ân Tín đã gắn các nhãn mác về thương hiệu nông sản đặc trưng địa phương. “Tre, gỗ có gì lạ đâu, nhưng không ngờ nông dân mình tài hoa thật, tỉ mỉ trong từng chi tiết để biến hình thành tác phẩm máy bay độc đáo. Thế này thì còn bay cao, vươn cao”, ông Nguyễn Văn Trung (63 tuổi, xã Ân Tín) tỉ mẫn ngắm từng đường nét máy bay và bất ngờ trước sự sáng tạo của người dân trên địa bàn.

Ngay trên thân máy bay, câu đối “Nông sản Hoài Ân tự tin vươn mình/ Nông sản Ân Tín từng bước vươn lên”, như thể hiện rõ nét cho những ước mơ, khát vọng đổi mới nông sản của người dân trên địa bàn.
Nông dân huyện Hoài Ân quy tụ về xây dựng các mô hình, khu nhà trưng bày, giới thiệu các nông sản tiêu biểu tại ngày hội.

Cách đó không xa, con Rồng dài 9m, bề ngang 3m được trưng bày sừng sững tạo thêm điểm nhấn cho ngày hội nông sản. Qua bàn tay của những người thợ nông dân, từng quả khóm, ớt, cà rốt, củ cải trắng… khoác lên mình diện mạo mới, thành linh vật của đúng năm rồng.

Đại diện thiết kế mô hình cho nông dân xã Ân Hữu, anh Đỗ Minh Dũng (thợ điêu khắc gỗ) chia sẻ: “Tác phẩm rồng nông sản được đơn vị chúng tôi lên ý tưởng từ năm con rồng, Giáp Thìn. Trong đó, vảy rồng làm từ vỏ quả khóm, lông mi rồng làm từ quả ớt, răng rồng từ củ cải trắng, lá dứa và lá lưỡi hổ bài trí màu sắc xanh của rồng”.
Chiếc thuyền chở nông sản được các nông dân thiết kế, trưng bày tại ngày hội.
 
“Với sản phẩm này, nông dân Ân Hữu mong muốn tạo ra kiệt tác đẹp, dấu ấn tô thêm nét đẹp cho ngày hội nông sản của huyện và quảng bá những sản phẩm nông sản địa phương ra bạn bè, người dân cả nước”, anh Dũng bày tỏ kỳ vọng.

Đây chỉ là 2 trong loạt sản vật độc đáo của nông dân đang được trưng bày tại “Ngày hội nông sản Hoài Ân lần thứ II năm 2024” có quy mô rất lớn ở tỉnh Bình Định, diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/5 ngay giữa trung tâm huyện Hoài Ân.
Nông dân xã Ân Tín thể hiện khát vọng với ý tưởng mô hình “máy bay nông sản”.
 
Trong ngày hội, hàng trăm nông dân, đại diện các hợp tác xã, doanh nghiệp ở 13 địa phương và 5 đơn vị đã trình làng nhiều mô hình, gian hàng tiêu biểu, độc đáo. Nhiều sản phẩm nông sản tập thể được xây kết, trưng bày theo những mô hình lạ lẫm, như: máy bay nông sản, rồng nông sản, xe đạp, xe thồ, tàu nông sản…

Ông Nguyễn Trọng Mật, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tín cho biết: “Tại ngày hội nông sản huyện, nông dân Ân Tín cũng đưa ra trình làng nhiều sản phẩm mới mẻ, như: mật ong dú và các loại mật ong, các sản phẩm chim trĩ, dừa, bưởi VietGAP và các loại bánh trái... Với mô hình “máy bay nông sản”, nông dân xã gửi gắm khát vọng đưa nông sản Ân Tín và huyện Hoài Ân tự tin vươn mình, tìm kiếm các liên kết, hợp tác mới để mở rộng thị trường, hướng đến xuất khẩu để nâng cao giá trị cho bà con nông dân…”
Lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân tham quan, kiểm tra để đánh giá các khu trưng bày nông sản tiêu biểu.
 
Tại ngày hội, nông dân xã Ân Hữu (huyện Hoài Ân) cũng trưng bày nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, trong đó ghi dấu ấn với mô hình “rồng nông sản” thu hút rất nhiều du khách, người dân, đại biểu chiêm ngưỡng.

Tìm kiếm liên kết chuỗi, nâng tầm nông sản

Theo UBND huyện Hoài Ân, ngày hội nông sản lần thứ II huyện Hoài Ân được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Bình Định. Lồng ghép ngày hội, địa phương đã tổ chức chuỗi nhiều sự kiện, chương trình giới thiệu, quảng bá. Trước đó, chiều 16-5, địa phương khai mạc triển lãm sinh vật cảnh với trên 100 nhà vườn tham gia, trưng bày hàng trăm sản phẩm bonsai độc lạ địa phương.

Xuyên suốt ngày hội nông sản, địa phương tổ chức chuỗi hàng loạt chương trình, như: chương trình khai hội; hội thi sản xuất bưởi da xanh và một số cây ăn quả theo hướng sản xuất an toàn, đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, hữu cơ; tham quan một số mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu; công bố quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; công bố Quyết định công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Hoài Ân và cấp giấy chứng nhận OCOP đạt hạng sao cho các chủ thể; tôn vinh các tập thể, cá nhân, hộ nông dân có mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu.
“Rồng nông sản” của nông dân Ân Hữu được tạo từ nhiều loại trái cây, rau củ địa phương.
 
Ngày hội trưng bày, giới thiệu, quảng bá 18 gian hàng với 105 loại sản phẩm nông nghiệp của địa phương và các đơn vị trong tỉnh; trao bằng khen cấp tỉnh, cấp huyện cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu và có thành tích xuất sắc; ký kết hợp đồng liên kết, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp Hoài Ân với các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, siêu thị lớn
Dâu tằm kén tơ được trưng bày tại ngày hội.

Đêm khai mạc ngày hội (17/5) ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết, trong những năm qua địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nhiều hơn các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, nhãn hiệu an toàn và tạo liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và quảng bá sản phẩm.

Theo ông Khúc, Hàng năm huyện này duy trì đàn heo trên 280 con, đàn trâu bò trên 25.900 con và đàn gia cầm trên 1,1 triệu con. Đặc biệt, diện tích các loại cây ăn quả có thế mạnh của địa phương phát triển mạnh với hơn 3.900ha; đồng thời, từng bước hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung tại các xã Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Hữu, Ân Hảo Tây….
Sản phẩm trầm gió xuất khẩu có thương hiệu lâu năm ở huyện Hoài Ân.

“Hiện, nhiều mặt hàng nông sản của địa phương như heo Hoài Ân, gà ta thả vườn, bưởi da xanh, trà nụ hoa hòe, mật ong dú, trứng chim trĩ, thịt heo thảo mộc, gạo hữu cơ  được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, có mặt trên một số hệ thống siêu thị các tỉnh thành như Quy Nhơn, Đà Nẵng, Tp.HCM. Trong đó, các sản phẩm trà nụ hoa hòe, dầu phộng, dầu mè của Công ty TNHH DULAH và bún khô, bún tươi của Công ty TNHH Spevi Food đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc bằng đường chính ngạch”, ông Khúc chia sẻ.

Ngoài ra, đến nay Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã công nhận nhãn hiệu cho 8 sản phẩm nông nghiệp của huyện Hoài Ân, gồm: Trà Gò Loi, Bưởi Da Xanh, Heo Hoài Ân, Gà ta thả vườn, dừa xiêm, Mít thái, tiêu hột, gạo Hữu cơ. Đồng thời, 60 sản phẩm được đánh giá, xếp hạn sản phẩm OCOP và trên 100 ha được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, VietGap...
Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao các chứng nhận, thư khen cho tập thể tại đêm khai mạc.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, những năm qua, huyện Hoài Ân đã chọn con đường đúng đắn trong đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông sản tiêu biểu, nông sản sạch hướng đến quy trình VietGAP và chứng nhận OCOP. Hoài Ân đã thực hiện đồng bộ các giải pháp từ công tác quy hoạch, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và liên kết tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.

Thông qua ngày hội nông sản Hoài Ân lần thứ II, lãnh đạo tỉnh Bình Định kỳ vọng tạo ra một không gian để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, thành quả lao động của bà con nông dân. Qua đó, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa nông dân với nhau và tìm kiếm các liên kết, liên doanh mới hướng đến sự phát triển bền vững, tăng cao giá trị cho nông sản người dân



THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 18.5.2024
Nguồn: NGUOIDUATIN.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây