Năm 2023, ông Đặng Văn Cấp (75 tuổi, trú thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định và có sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Ông cho hay để có được "quả ngọt" như ngày hôm nay, ông đã trải qua rất nhiều lần thất bại. Ông kể bắt đầu khai hoang làm vườn ở đây từ năm 1989, ban đầu chỉ trồng cây dừa và keo. Sau thời gian chăm sóc, nhận thấy cây keo hút nước, ảnh hưởng đến cây trồng khác nên ông đã phá bỏ. Về sau, ông lựa chọn cây hồ tiêu để bắt đầu khởi nghiệp.
“Cách đây 8 năm, trong một chuyến đi vào Bình Phước, tôi đã mang hạt tiêu từ tỉnh này về trồng thử nghiệm trên mảnh đất của mình”, ông nhớ lại.
Ban đầu, ông chỉ trồng vài trụ thử nghiệm. Thấy cây tiêu phù hợp với thổ nhưỡng, ông đã nhân giống và tiếp tục nhân rộng mô hình.
Vườn tiêu của lão nông Đặng Văn Cấp. Ảnh: Diễm Phúc/VietNamNet
“Trồng tiêu nói khó thì không khó, nhưng dễ cũng không dễ. Quan trọng là mình phải kiên trì, tỉ mỉ, quan sát từng cây tiêu hàng ngày để có thể phát hiện ra bệnh, kịp thời chữa trị. Nếu để lâu ngày không quan sát, khi bệnh đã phát triển thì rất khó”, ông Cấp nói với VietNamNet.
Sau quá trình trồng, hiểu được đặc tính, ông Cấp mạnh dạn cho cây tiêu “ký sinh” vào những thân dừa ở trong vườn. Ban đầu thử nghiệm, nhiều người “lắc đầu” vì nghĩ rằng cây tiêu sẽ hút nước, cây dừa không cho quả. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì thử nghiệm và cho ra kết quả ngoài mong đợi. Những cây tiêu sống bám trên thân dừa phát triển xanh tốt, cây dừa cũng cho năng suất cao.
“Ai cũng nghĩ dừa không cho quả nhưng thực tế khi chăm sóc tiêu, mình bón phân, tưới nước, cây dừa cũng nhận được chất dinh dưỡng nên phát triển tốt hơn. Thân cây dừa giữ nước tốt, phù hợp để rễ tiêu bám sống và cho năng suất cao”, ông Cấp cho biết thêm.
Sau thời gian trồng và nhân giống, đến nay, vườn tiêu của ông Cấp đã phát triển 7.000 trụ. Bên cạnh đó, ông Cấp còn trồng bổ sung thêm 1.500 cây dừa. Với giá tiêu dao động từ 70.000-100.000 đồng/ký tiêu khô, mỗi năm, ông Cấp có thể thu về khoảng 1,4 tỷ đồng mỗi vụ tiêu và hơn 130 triệu đồng từ dừa.
Từ đây, ông Cấp mới thật sự hiểu hết ý nghĩa của câu tục ngữ “tấc đất tấc vàng” mà ông bà xưa thường hay ví von. Ông tận dụng hết 12ha đất nông nghiệp để trồng cây ăn quả theo hướng xen canh.
Sau 5 năm trồng, vườn sầu riêng của gia đình ông Đặng Văn Cấp bắt đầu cho quả bói. (Ảnh: Lê Phước Ngọc/TTXVN)
Ông chọn bưởi da xanh, loại cây trồng chủ lực của địa phương cho chất lượng vượt trội, đã được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, ông còn lựa chọn một số cây lạ, hiếm (chưa được trồng phổ biến) như sầu riêng, dâu da… để làm phong phú thêm chủng loại, tăng sức cạnh tranh trên thị trường…
Ông Cấp phấn khởi cho biết sau 4-5 năm trồng, sầu riêng bắt đầu bói quả. Dâu da cũng cho trái sai, ước đạt 7-8 tấn quả/năm, giá bán tại vườn khá ổn định. Đây là tín hiệu tích cực, đáng mừng.
“Khi trồng cây, tôi sẽ tính toán cả tuổi thọ của cây. Trong quá trình đó, tôi sẽ nghiên cứu thử nghiệm thêm những loại cây hiệu quả, năng suất cao. Khi loại cây kia hết tuổi thọ, mình cũng đã vững vàng kinh nghiệm về loại cây mới để có thể thay thế cây trồng cũ và cho năng suất cao hơn”, ông Cấp chia sẻ.
Kết quả trên có được là nhờ ông chịu khó đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, thuê cả chuyên gia về vườn phân tích kỹ điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng; ông còn bỏ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới thông minh điều khiển từ xa tiết kiệm công sức.
“Mô hình khá ổn định, bền vững lại cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu so sánh trên phần diện tích 500m2 (sào Trung Bộ), thì mô hình có lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa,” ông Cấp chia sẻ với Vietnam+.
Những cây dâu trong vườn của ông Cấp. Ảnh: Diễm Phúc/VietNamNet
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Cấp còn sẵn sàng chuyển giao công nghệ, chia sẻ chuyên môn cho các hộ dân trong vùng; góp phần giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên và 30-40 lao động thời vụ với mức lương tương đối khá.
Mô hình của ông Cấp đã lọt vào top 4 mô hình "sáng" nhất huyện. Trong tương lai, ông hướng đến việc phát triển sản xuất kết hợp du lịch sinh thái bởi hiện nay, lượng khách đến vườn tham quan, trải nghiệm ngày một đông, rất tiềm năng.
Đồng hành cùng người dân, huyện Hoài Ân đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để họ phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân Hoàng Anh Thiện cho biết huyện đã đầu tư nâng cấp, xây mới các tuyến đường tạo điều kiện thuận lợi để bà con mua bán, trao đổi sản phẩm, hàng hóa.
Song song với đó, huyện giao Hợp tác xã thanh niên (đơn vị được giao thực hiện Dự án phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn) hỗ trợ các địa phương, người nông dân, các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn có đầu ra nông sản ổn định.
Huyện cũng chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê toàn bộ diện tích đất không đảm bảo hoặc kém hiệu quả kinh tế để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có thế mạnh, phù hợp hơn; quan tâm hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm, cây giống, phân bón…
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 23.04.2024
Nguồn: NGUOIDUATIN.VN