Phụ nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) là lực lượng lao động tham gia tích cực vào các hoạt động sản xuất, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không ít chị em phụ nữ DTTS đã tận dụng tối đa lợi thế vùng miền, đặc trưng văn hóa, tri thức bản địa độc đáo trong phát triển khởi nghiệp, kinh doanh.
Tuy nhiên, phụ nữ DTTS cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức và rào cản luôn tồn tại ở các vùng miền núi của Việt Nam như sự hạn chế trong khả năng tiếp cận thông tin, tiếp cận dịch vụ tài chính, những định kiến giới, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao…
Phát biểu tại Hội thảo Khoa học Quốc gia khu vực miền Trung - Tây nguyên "Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS giai đoạn tiếp theo" do Học viện Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức, bà Bế Thị Hồng Vân - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc - Ủy ban Dân tộc - cho biết: Với tốc độ phát triển nhanh, nền kinh tế Việt Nam đang tạo nhiều cơ hội cho mọi người, bao gồm cả phụ nữ DTTS. Các ngành kinh tế mới như du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến đang phát triển mạnh. Đây là những lĩnh vực mà phụ nữ DTTS có thể tham gia và phát huy năng lực của mình.
Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng mở rộng hội nhập quốc tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng. Phụ nữ DTTS có thể tận dụng lợi thế này để sản xuất và bán các sản phẩm thủ công truyền thống, sản phẩm nông sản sang các thị trường trong nước và quốc tế.
Theo bà Bế Thị Hồng Vân, có nhiều lợi thế cạnh tranh với sản phẩm vùng DTTS. Chẳng hạn, khai thác tri thức địa phương, phát huy yếu tố văn hóa truyền thống trong phát triển sản phẩm là một cơ hội "vượt trội" của chị em phụ nữ vùng DTTS và miền núi so với các vùng khác.
"Tri thức địa phương trong trường hợp này được hiểu là những kiến thức liên quan đến sản xuất, sinh kế của cộng đồng có sẵn, tồn tại, được biết đến và được sử dụng bởi cộng đồng trong một khoảng thời gian dài. Sử dụng tri thức địa phương để khác biệt hóa sản phẩm, lựa chọn các chuỗi giá trị có yếu tố tri thức địa phương có thể nói là những yếu tố tạo nên sự thành công của các mô hình chuỗi giá trị ở vùng DTTS và miền núi.
DATO, doanh nghiệp điển hình ở Kon Tum, tạo ra các sản phẩm từ sâm dây Ngọc Linh, khổ qua rừng... bằng cách liên kết với đồng bào Xê Đăng trồng dược liệu dưới tán rừng Ngọc Linh. Phương pháp canh tác này đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cao, bảo tồn dược liệu quý, đồng thời giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững từ rừng. Như vậy, lợi thế so sánh của các vùng đồng bào DTTS và miền núi trong phát triển chuỗi giá trị thường là ở những sản phẩm có tính đặc trưng trên địa bàn và tri thức địa phương về các sản phẩm đó chính là nền tảng quan trọng cần khai thác để tìm ra thị trường thông qua khác biệt hóa sản phẩm. Điều này có nhiều hàm ý đối với các chính sách và dự án hỗ trợ phụ nữ DTTS tham gia vào chuỗi giá trị. Đặc biệt, phụ nữ DTTS có thể tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng với vai trò nhà cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống, hướng dẫn, vận chuyển, tổ chức hoạt động du lịch…, đáp ứng xu hướng phát triển mạnh ở Việt Nam hiện nay", bà Bế Thị Hồng Vân cho biết.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho phụ nữ DTTS trong thời đại số. Nhờ internet, họ vượt qua rào cản địa lý, tận dụng Shopee, Lazada, Tiki... để quảng bá sản phẩm địa phương độc đáo như thổ cẩm, đồ thủ công, nông sản sạch. Điều này không chỉ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống mà còn góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Theo bà Bế Thị Hồng Vân, để thực hiện hiệu quả Chiến lược bình đẳng giới dành cho phụ nữ DTTS, các cơ quan liên quan nên quan tâm, triển khai thực hiện các can thiệp đồng bộ gồm:
Thúc đẩy nhận thức về quyền bình đẳng kinh tế cho phụ nữ DTTS, đặc biệt trong sở hữu đất đai, tài sản và tham gia quyết định kinh tế. Triển khai các hoạt động giáo dục đa dạng như tập huấn, lồng ghép thông điệp bình đẳng giới trong các cuộc họp, lễ hội cộng đồng để mọi thành viên trong gia đình hiểu rõ và thực hiện quyền của mình.
Hỗ trợ xây dựng kế hoạch kinh tế hộ lồng ghép yếu tố giới, đảm bảo tiếng nói của cả vợ chồng. Phát huy vai trò Chi hội Phụ nữ cấp xã, đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo để họ làm gương, tư vấn hội viên xây dựng kế hoạch kinh tế gia đình.
Tăng cường hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp do nữ DTTS làm chủ, tập trung nâng cao năng lực vận hành, tiếp cận vốn vay ưu đãi, hiểu biết tài chính và mở rộng mạng lưới. Thiết kế chương trình tập huấn riêng giúp phụ nữ DTTS tham gia hiệu quả các mạng lưới kết nối.
Đặc biệt, cần hoàn thiện các chính sách để hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh doanh như Chính sách về tiếp cận vốn vay, Chính sách hỗ trợ phụ nữ tăng kỹ năng nghề nghiệp, Ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh doanh, Nâng cao năng lực số cho phụ nữ DTTS làm chủ doanh nghiệp, Hỗ trợ thúc đẩy phát triển các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 10.9.2024
Nguồn: PHUNUVIETNAM.VN