Những ấn bản lan tỏa giá trị Bình Định

Thứ hai - 05/08/2024 14:12 7 0
Thời gian qua, các hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian thuộc Hội VHNT Bình Định đã phát huy thế mạnh điền dã, nghiên cứu, cho ra mắt nhiều đầu sách góp phần lưu giữ, lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa, văn nghệ dân gian Bình Định.

1. Theo nhà nghiên cứu Trần Xuân Toàn, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian (VNDG), đến nay Chi hội có 22 hội viên, số lượng khá khiêm tốn nhưng mỗi hội viên đều cố gắng làm công tác nghiên cứu, tham gia viết bài tham luận cho các tọa đàm, hội thảo khoa học trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, nhiều cá nhân đã ra mắt bạn đọc nhiều đầu sách tốt.

Năm 2023, khi UBND tỉnh trao giải Đào Tấn - Xuân Diệu lần VI, có những tác giả là hội viên Chi hội VNDG được vinh danh giải cao, như nhà nghiên cứu Yang Danh và Nguyễn An Pha đạt giải A, Nguyễn Thanh Quang đạt giải B… Nhà nghiên cứu Trần Xuân Toàn chia sẻ: “Đó là những ghi nhận cho sự lao động nghiêm túc của các hội viên Chi hội. Hai năm gần đây, các hội viên tiếp tục in ấn, ra mắt nhiều công trình nghiên cứu, góp phần lưu giữ, lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa, văn nghệ dân gian Bình Định!”.

Các hội viên Chi hội VNDG trao đổi, thảo luận trong tọa đàm “Thành phố Quy Nhơn xưa và nay dưới góc nhìn lịch sử- văn hóa” tổ chức năm 2023. Ảnh: N.V
 

Năm 2023, hội viên Võ Minh Hải đã in công trình Văn học Hán Nôm Nam Trung Bộ: Đặc điểm và diện mạo (Võ Minh Hải chủ biên, NXB Khoa học Xã hội). Trong đó, có những khảo sát chi tiết đến nhiều tác giả Bình Định như Đào Duy Từ, Đào Tấn, Đào Phan Duân, Nguyễn Diêu… Nhà nghiên cứu Võ Minh Hải cho biết: “Văn bản Hán Nôm được xem như là công cụ để khai thác, đánh giá về giá trị, tầm quan trọng của di sản văn hóa địa phương. Chúng tôi vẫn thường tổ chức những chuyến điền dã để thu thập tài liệu, tìm hiểu về di sản của Bình Định. Tôi cũng vừa in hai cuốn sách chuyên khảo về Hán Nôm, gồm cuốn sưu tầm khảo luận và dịch chú Luận ngữ tinh hoa của Nguyễn Phúc Ưng Trình và sách tham khảo Văn bản Hán Văn trích tuyển. Sách sẽ được giới thiệu đến bạn đọc đầu tháng 8.2024”.

Cũng trong năm 2023, hội viên Yang Danh ra mắt tập sách Văn hóa dân gian Bana Kriêm Bình Định (NXB Hội Nhà văn). Sách do Hội VHNT tỉnh hỗ trợ xuất bản. Trong sách, tác giả giới thiệu những nét đặc trưng về làng, nhà rông truyền thống, các loại nhạc cụ cổ truyền; nghề dệt, đan; các loại hình dân ca, truyện kể dân gian, lễ tục cưới hỏi… Nhà nghiên cứu Yang Danh thổ lộ: “Tuy đã có nhiều cố gắng và thu được một số kết quả đáng mừng trong việc sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Bana Kriêm, song kho tàng văn hóa truyền thống còn nằm nhiều trong cộng đồng. Chúng tôi đang cố gắng lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình trong khả năng có thể”.

(Từ trái sang) Tác phẩm Dòng chảy chữ Quốc ngữ trong văn hóa Việt của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang và linh mục Gioan Võ Đình Đệ; Tác phẩm Từ bước chân Dế Mèn của nhà nghiên cứu Lê Nhật Ký; Tác phẩm Văn hóa dân gian Bana Kriêm của nhà nghiên cứu Yang Danh. Ảnh: N.V
 

2. Năm 2024, hai ấn bản giàu tính học thuật của nhà nghiên cứu Lê Nhật Ký và Nguyễn Thanh Quang thuộc Chi hội VNDG được giới thiệu đến bạn đọc. Dòng chảy chữ Quốc ngữ trong văn hóa Việt (NXB Thế giới & Thái Hà book) của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang và linh mục Gioan Võ Đình Đệ có nhiều giá trị về mặt lịch sử, tập hợp nhiều bài viết về quê hương Bình Định trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ; công bố một số bài viết có thêm tư liệu mới như: Nơi dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên của các giáo sĩ phương Tây; những bản tường trình đầu tiên về khu truyền giáo Đàng Trong và “chữ Quốc ngữ tiền Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes)”... Đắm đuối với lịch sử và giá trị cổ xưa từ quê nhà, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang cũng đang hoàn thiện bản thảo về nhà lá mái Bình Định và lên kế hoạch in ấn trong thời gian tới.

Tập tiểu luận Từ bước chân Dế Mèn (NXB Khoa học Xã hội) của nhà nghiên cứu Lê Nhật Ký nghiêng về tính ứng dụng trong môi trường giáo dục. Một trong những điểm nhấn của công trình là tác giả đã chứng minh Bình Định là một trong những cái nôi và là vùng văn học thiếu nhi lớn của cả nước qua nhiều tiểu luận như: “Nhà văn Bình Định với truyện đồng thoại”, “Dấu ấn văn hóa Phật giáo trong Chuyện hoa, chuyện quả của Phạm Hổ”, “Văn học thiếu nhi ở Làng Sông”...

Nhà nghiên cứu Lê Nhật Ký tâm sự: “Các bài trong sách đều viết về văn học thiếu nhi hiện đại, có chú ý đến mối quan hệ ảnh hưởng từ văn hóa, văn học dân gian. Như bài viết về thơ Túi ba gang của Nguyễn Bính, bài về Phạm Hổ viết tiếp truyện dân gian Trí khôn của ta đây, bài về triết lý nhân sinh Nam Bộ… Ở mảng văn hóa, văn học dân gian, tôi cũng đang khảo cứu và hoàn thiện bản thảo về truyện cổ dân tộc thiểu số ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”.

Nhà nghiên cứu Trần Xuân Toàn chia sẻ: “Thật đáng mừng, vì nhiều hội viên trong Chi hội VNDG có tinh thần cần mẫn nghiên cứu và cho ra mắt nhiều công trình chất lượng. Năm 2020, được sự hỗ trợ của Hội VHNT, chúng tôi in tập sách Văn hóa dân gian Bình Định 2011 - 2020 với sự góp mặt của hầu hết hội viên Chi hội. Trên tinh thần đó, chúng tôi cũng đang lên kế hoạch in công trình tiếp theo về văn hóa dân gian và du lịch Bình Định. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều đầu sách từ các nhà nghiên cứu, góp phần gìn giữ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa dân gian Bình Định”.

 

THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 03.8.2024
Nguồn: BAOBINHDINH.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây