Bình Định: Xây dựng Đề án phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn gắn với BĐKH

Thứ tư - 17/07/2024 14:02 56 0
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Đề cương Đề án: Phát triển hạ tầng nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp và PTNT theo hướng bền vững

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, mục tiêu tổng quát của đề án nhằm tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp và PTNT gắn với phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2026 - 2030 nhằm kiên cố, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp và PTNT, nước sạch nông thôn và phòng chống thiên tai đáp ứng các tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

dji_20240713090100_0679_d.jpg
Bình Định hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH

Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đầu tư sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ chứa nước để cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho Nhân dân. Hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình điều tiết, dâng nước, trữ nước trên 4 lưu vực sông lớn của tỉnh; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung triển khai thực hiện các quy định của tỉnh về hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo các quy định. Ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo hướng tự động hóa cho cây trồng cạn. Bổ sung nguồn nước, lập kế hoạch sử dụng nước đáp ứng được yêu cầu cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế quan trọng.

Đến năm 2030, tỷ lệ diện tích gieo trồng cây hàng năm được tưới là 95%, trong đó tưới bằng công trình thủy lợi kiên cố đạt 92%. Có khoảng 5.960 ha diện tích cây trồng cạn chủ lực được tưới bằng công nghệ, kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; trong đó, khoảng 40% diện tích được tưới tự động hóa. Tỉ lệ kênh mương tưới, tiêu được kiên cố 80%. Duy trì 100% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; có 65% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. Hạ tầng khu neo đậu Tam Quan, Đề Gi đáp ứng yêu cầu cấp vùng; cảng cá Tam Quan, Đề Gi đáp ứng cảng loại II. Hệ thống công trình phòng chống thiên tai từng bước đáp ứng yêu cầu ứng phó thiên tai.

Cấp thiết hiện đại hóa ngành nông nghiệp và phòng chống thiên tai

Theo Chi cục Thủy lợi Bình Định (Sở Nông nghiệp và PTNT), tổng diện tích tự nhiên của tỉnh khoảng 6.051 km2, trong đó đất nông nghiệp khoảng 400.795 ha, chiếm 66,36% diện tích đất tự nhiên (gồm: đất sản xuất nông nghiệp 138.119 ha; đất lâm nghiệp 259.238 ha; đất nuôi trồng thủy sản 2.776 ha; đất làm muối và đất nông nghiệp khác 662 ha); đất phi nông nghiệp 65.154 ha và đất chưa sử dụng khoảng 138.007 ha. Do nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh và thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thì yêu cầu ngành nông nghiệp và PTNT và phòng chống thiên tai từng bước cũng phải được hiện đại hóa.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp làm cho diễn biến thời tiết khó lường; nhiệt độ tăng, dòng chảy mùa kiệt giảm, dòng chảy mùa lũ tăng làm cho tình hình hạn hán gay gắt và lũ lụt ngày càng trầm trọng. Do đó, để đáp ứng với điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu và từng bước hiện đại hóa của ngành nông nghiệp và PTNT, phòng chống thiên tai để phục vụ và đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững, thì cần phải tổ chức nghiên cứu, đánh giá và triển khai quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi một cách có hệ thống, khoa học. Vì vậy, việc lập đề án phát triển hạ tầng nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết.

img_7978.jpg
Nhiều công trình thủy lợi quy mô đã được đầu tư tại Bình Định, đáp ứng nhu cầu trong điều kiện mới về phòng chống thiên tai, BĐKH

Được biết, Đề án sẽ đánh giá kết quả thực hiện Đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, gồm: Hồ chứa nước thủy lợi; hồ chứa nước thủy điện; đập dâng trên sông; đập ngăn mặn; chuyển nguồn nước; hệ thống tưới; hệ thống tiêu; đê sông; đê cửa sông, đê ngăn mặn; đê biển; công trình nước sạch nông thôn; cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; trạm quan trắc khí tượng thủy văn; trạm cảnh báo thiên tai; nhà tránh trú cộng đồng,…

Đồng thời, lập Kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dự kiến đề xuất một số giải pháp như xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa, đập dâng, trạm bơm; hệ thống kênh tưới, kênh tiêu; hệ thống chuyển nước lưu vực; xây dựng hệ thống đê, kè chống lũ, nâng cao mức đảm bảo phòng chống lũ cho các tuyến đê sông, đê biển; phân lũ trên các nhánh sông nhằm làm giảm tác động của lũ lụt, sạt lở đất vào khu vực cần bảo vệ; nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai; xây dựng công cụ hỗ trợ ra quyết định tối ưu cho việc vận hành hồ chứa, liên hồ chứa góp phần giảm lũ cho vùng hạ du,…



THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 17.7.2024
Nguồn: BAOTAINGUYENMOITRUONG.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây