Doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định trước thách thức EUDR

Thứ tư - 21/08/2024 08:56 15 0
Hơn 354 doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định đang đối mặt với thách thức lớn từ quy định chống mất rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
 

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định, đây là thời điểm các doanh nghiệp ngành gỗ bước vào giai đoạn quan trọng, khi các doanh nghiệp xúc tiến ký kết đơn hàng cho năm tới. Tuy nhiên, dù đã có thời gian áp dụng quy định EUDR nhưng hiện tại chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, dẫn tới nguy cơ các doanh nghiệp ngành gỗ " bị động".

Ngành gỗ đối mặt với thách thức lớn từ EUDR

Giữa năm 2023, Liên minh châu Âu (EU) ban hành quy định chống mất rừng (EUDR) nhằm ngăn chặn gỗ và các sản phẩm gỗ bất hợp pháp, gây mất rừng vào thị trường EU.

Theo đó, EU áp dụng quy định EUDR đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn từ ngày 1/1/2025.

Nghĩa là nhiều mặt hàng liên quan tới lâm nghiệp, trong đó các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường EU sẽ không được chấp nhận nếu không chứng minh được nguồn gốc gỗ nguyên liệu minh bạch.

Tháng 1/2025, EU áp dụng quy định về chống mất rừng EUDR đối với các mặt hàng gỗ và nông sản. Ảnh: Thu Dịu

Tháng 1/2025, EU áp dụng quy định về chống mất rừng EUDR đối với các mặt hàng gỗ và nông sản. Ảnh: Thu Dịu

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Minh Thiện – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, cho biết, yêu cầu của EU là sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường này phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc thể qua vị trí địa lý.

Gỗ nguyên liệu phải chứng minh được nguồn gốc, phải có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), không liên quan tới việc gây mất rừng hoặc làm suy thoái rừng.

Cụ thể, các doanh nghiệp phải đưa ra được hồ sơ theo quy định, theo đó gỗ nguyên liệu được khai thác trong diện tích rừng dưới 4 ha thì truy xuất điểm; trên 4 ha thì phải truy xuất vùng.

Việc thẩm định diễn ra khi doanh nghiệp đặt hàng hoặc trước khi xuất hàng doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ thông tin này cho đối tác, cơ quan thẩm quyền EU.

Hiện nay, diện tích rừng trồng nguyên liệu của Bình Định chưa đáp ứng hết các điều kiện theo quy định EUDR. Ảnh: ĐT
Hiện nay, diện tích rừng trồng nguyên liệu của Bình Định chưa đáp ứng hết các điều kiện theo quy định EUDR. Ảnh: ĐT

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, hiện toàn tỉnh có 167.600 ha rừng trồng, trong đó mới có gần 77.600 ha được nhà nước cho thuê đất trồng rừng, diện tích còn lại chưa đảm bảo tính pháp lý, nghĩa là chưa có dữ liệu về tọa độ vị trí cụ thể...

Điều này dẫn tới khó khăn lớn cho doanh nghiệp ngành gỗ của Bình Định. Ông Thiện dẫn chứng: "Dù tháng 1/2025 mới chính thức áp dụng quy định theo EUDR, nhưng hiện tại thời điểm này các hợp đồng xuất khẩu sang châu Âu, khách hàng đã yêu cầu từ bây giờ phải có đầu đủ hồ sơ, nhất là bản đồ định vị đa dạng về rừng trồng của Việt Nam, trong đó có rừng FSC. Điều này làm cho các doanh nghiệp rất lúng túng".

Ông Lê Minh Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho biết các doanh nghiệp ngành gỗ hiện rất lúng túng với việc triển khai áp dụng EUDR. Ảnh:QT

Ông Lê Minh Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho biết các doanh nghiệp ngành gỗ hiện rất lúng túng với việc triển khai áp dụng EUDR. Ảnh:QT

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định nêu rõ, nếu không chủ động triển khai và đáp ứng các quy định theo tiêu chuẩn EUDR, khả năng lớn các doanh nghiệp sẽ bị mất đơn hàng.

Điều này đồng nghĩa với việc cánh cửa xuất khẩu vào thị trường EU với doanh nghiệp gỗ "hẹp dần", nguy cơ cao sẽ bị mất khả năng cạnh tranh, mất khách hàng, mất thị trường và bị loại ra khỏi cuộc đua xuất khẩu.

"Sốt ruột" chờ hướng dẫn thực thi
 

Theo ông Thiện, để thực hiện được các quy định EUDR, cần có chủ trương xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, đến bây giờ cả Bộ NN&PTNT cùng đơn vị liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể, điều này dẫn tới doanh nghiệp gặp khó khăn lớn. Hiện, các doanh nghiệp đang tập trung ký đơn hàng mới cho năm 2025, trong khi mốc thời gian áp dụng EUDR đã cận kề. Vì thế các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định rất "sốt ruột".

Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Hoàng Hưng (Phú Tài, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: Thu Dịu

Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Hoàng Hưng (Phú Tài, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: Thu Dịu

Bình Định có trên 50% doanh nghiệp ngành gỗ xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Hiện tại các doanh nghiệp đang có đang hàng, đơn hàng kéo dài từ tháng 9 năm nay tới tháng 2, tháng 3 năm tới. Tuy nhiên tới hết tháng 12/2024 thì đối tác yêu cầu cung cấp hồ sơ, chứng từ liên quan đến quy định EUDR đã áp dụng cho đơn hàng của năm 2025.

"Điều này gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp. Nếu chúng ta sản xuất mà không cung cấp được đầy đủ hồ sơ, đặc biệt là bản đồ tọa độ vị trí địa lý thì khách hàng sẽ từ chối nhận hàng. Nhưng nếu không làm, hợp đồng đã ký rồi thì cũng không biết phải xử lý thế nào" – ông Thiện phân tích.

Giải pháp trước mắt, Hiệp hội đã có nhiều hội thảo, có nhiều văn bản gửi các các cấp để tháo gỡ. Đồng thời các doanh nghiệp phải chủ động sản xuất cân đối các đơn hàng hoàn tất trong tháng 12/2024. Qua đó nắm bắt tình hình năm 2025, nắm các yêu cầu từ đối tác, thị trường để tiếp tục triển khai sản xuất đơn hàng quý I/2025.

Theo Công ty TNHH Hoàng Hưng (thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định), đến nay các đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu xuống tương đối nhiều. Để thích ứng, doanh nghiệp này phải sản xuất để xuất khẩu trong tháng 12/2024. Cùng với đó, doanh nghiệp chủ động thuyết phục khách hàng cho thời gian để doanh nghiệp chứng minh sự hợp pháp của rừng đáp ứng được các tiêu chuẩn của EUDR.

"Nếu thực hiện được EUDR thì rất tốt, quản lý được rồng trồng và chống xâm lấn rừng, đảm bảo được chứng chỉ rừng trồng sạch, đưa tới cơ hội thực hiện tín chỉ carbon. Khi "chuẩn" của ngành gỗ đã đảm bảo, thì các doanh nghiệp thuận lợi để sản xuất. Về lâu dài, đây là xu hướng tất yếu của thị trường toàn cầu. Và bây giờ mới có thị trường EU, nhưng sau này các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản... cũng sẽ áp dụng, khi đó chúng ta có lợi thể đã hoàn thiện từ đầu, áp dụng thuận lợi trong sản xuất và xuất khẩu gỗ"- đại diện Công ty TNHH Hoàng Hưng chia sẻ.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, EUDR là thách thức lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp phải chủ động thích ứng từ bây giờ để tạo sự thuận lợi về lâu dài. Ảnh: Thu Dịu

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, EUDR là thách thức lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp phải chủ động thích ứng từ bây giờ để tạo sự thuận lợi
về lâu dài. Ảnh: Thu Dịu

Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, trước mắt, các doanh nghiệp phải chủ động đàm phán, sản xuất cân đối các đơn hàng và xuất khẩu trong tháng 12/2024.

Cùng với đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chủ động làm việc với các doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn. Đề xuất lên bộ, ngành Trung ương để cùng tháo gỡ cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.

"Trong cuộc họp giao ban đầu tháng 8 vừa qua, Bộ NN&PTNT thông báo thực hiện thí điểm cấp chứng chỉ rừng cho 5 tỉnh phía Bắc, đồng thời tất cả các rừng có chứng nhận FSC... đều thực hiện hoàn thiện thủ tục về bản đồ địa lý rừng.

Các doanh nghiệp xuất khẩu châu Âu hiện tại đều sử dụng gỗ có chứng chỉ FSC, nghĩa là các cánh rừng này có nguồn gốc, xuất xứ, đất sản xuất rừng hợp pháp, hoàn thiện về mặt thủ tục đất rừng.

Hiệp hội đang thực hiện các bước đi cụ thể, thành lập các Ban để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vấn đề mà châu Âu đặt ra. Mỗi khu vực thí điểm một doanh nghiệp từ đó hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các vấn đều theo yêu cầu EUDR" – ông Lập thông tin thêm.

 

THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 20.8.2024
Nguồn: NGUOIDUATIN.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây