Thời gian qua, nhiều nơi ở tỉnh Bình Định đã có các mô hình mới về trồng cây ăn quả, sản xuất các sản phẩm OCOP hoặc hình thành các chuỗi sản phẩm giúp người dân có thu nhập ổn định và nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn.
Khu vườn cây ăn trái kết hợp trồng tiêu rộng 10 ha của ông Đặng Văn Cấp, trú thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định được nhiều người biết đến. 8 năm trước, lão nông này đã mang hạt tiêu từ tỉnh Bình Phước về trồng thử nghiệm, vài năm sau, cây tiêu phù hợp với thổ nhưỡng, ông đã nhân rộng ra cả vườn. Ban đầu, cây tiêu được trồng trên một số cây tươi hoặc trụ bê tông nhưng khi nắm rõ đặc tính của loài cây này, ông Cấp cho cây tiêu “ký sinh” vào những thân dừa ở trong vườn và thành công, tiêu phát triển tốt.
Đến nay, vườn tiêu của ông Cấp đã phát triển 7.000 trụ. Tận dụng đất trống xen lẫn trong vườn dừa, ông Cấp còn trồng bổ sung thêm 1.500 cây dừa và 1.000 cây bưởi da xanh, 200 cây dâu, 30 cây sầu riêng và các loại cây mận, quýt đường, bơ. Ông Đặng Văn Cấp cho biết, Nhà nước xây dựng đường lớn, kéo điện lưới quốc gia đến tận vườn nên việc chăm sóc và thu hoạch bán trái cây, hạt tiêu cho thương lái rất thuận lợi.
“Từ mô hình trồng tiêu của gia đình hiệu quả, lưới điện của huyện lại được phủ rộng nên quá trình chăm sóc cây đơn giản hơn. Trong nhà có 6 lao động, tới thời vụ thu hoạch sẽ thuê thêm từ 30 - 40 người vừa kịp thời gian vừa bố trí cho bà con có việc làm để có lợi 2 bên. Thu nhập từ cây bưởi, cây tiêu của gia đình được 1,4 tỷ đồng/năm, riêng cây na ra quả đều nên thu nhập rất cao”, ông Cấp cho biết.
Toàn huyện hiện có Hoài Ân có 3.932 ha diện tích cây ăn quả, một số cây có diện tích tăng nhanh như bưởi, bơ, dừa, chôm chôm, sầu riêng... Huyện Hoài Ân cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển vùng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm; tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Huyện ưu tiên phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, từ đó có 61 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân cho biết, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã thúc đẩy việc liên kết chặt chẽ giữa DN chế biến gắn với vùng nguyên liệu thế mạnh của địa phương, làm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo đầu ra nông sản ổn định, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân.
“Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, các mô hình phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân được huyện, xã lồng ghép từ các chương trình để hỗ trợ bà con, hỗ trợ các tổ chức, hợp tác xã thành các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm và phát triển kinh tế. Hoài Ân có thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp, trong đó các loại cây ăn quả chủ lực ngoài cây lúa, phát triển chăn nuôi mà chủ lực là đàn bò, heo, gà và thu nhập nâng cao giá trị", ông Tín cho biết.
Trước đây, đời sống người dân huyện Tây Sơn còn nhiều khó khăn, hiệu quả sản xuất không cao, tiêu chí thu nhập không đạt. Những năm qua, huyện Tây Sơn tập trung phát triển các ngành kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch. Nhiều mô hình hay, cách làm mới giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận được chuyển giao cho nông dân. Huyện tập tung sản xuất lúa chất lượng cao, cải tạo vườn tạp, chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện Tây Sơn đạt hơn 47 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 31 triệu đồng/người/năm so với năm 2011.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cho biết, huyện xác định một trong vấn đề quan trọng nhất là đầu tư vào kết cấu hạ tầng, vận chuyển hàng hóa với giao thương trên địa bàn Tây Sơn với các địa bàn trong tỉnh cũng như các địa phương khác.
“Đây cũng chính là điều kiện giúp cho bà con nhân dân Tây Sơn có rất nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế. Hướng xa hơn, đó là tạo thu nhập cho bà con nhân dân ngày càng nâng lên, đưa cuộc sống của bà con nhân dân trên địa bàn không ngừng được cải thiện”, ông Hùng tự tin cho biết.
Ngày 16/8/2024, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Đến nay, tỉnh Bình Định đã có 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đó là thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Tây Sơn.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, Sở đang cùng địa phương tiếp tục thực hiệc các mô hình sản xuất và nhiều loại hình khác để nâng cao thu nhập cho người dân: “Các địa phương cấp huyện, cấp xã được công nhận nông thôn mới đáp ứng được các tiêu chí, nhưng cốt lõi của xây dựng nông thôn mới vẫn là thu nhập của người dân được nâng cao. Hiện nay cảnh quan môi trường, hệ thống giao thông và đặc biệt đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên đáng kể. Đời sống người dân nông thôn đã có những bước cải thiện rất tốt so với những năm trước đây”, ông Phúc khẳng định.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 19.8.2024
Nguồn: VOV.VN