Thương mại điện tử thúc đẩy doanh nghiệp: Mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh

Thứ tư - 25/09/2024 07:30 9 0
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, thương mại điện tử (TMÐT) và chuyển đổi số đang trở thành động lực quan trọng giúp các doanh nghiệp ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên mở rộng thị trường và nâng cao sức cạnh tranh. Ðây là nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo về định hướng phát triển TMÐT khu vực miền Trung - Tây Nguyên, do UBND tỉnh và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức tại TP Quy Nhơn, sáng 24.9.
Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cùng đại diện lãnh đạo sở Công Thương các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và các DN trong khu vực tham gia.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận TMĐT
 
Ông Đỗ Hoàng Hải, Phó Giám đốc phụ trách sàn Nông sản và TMĐT của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, nhấn mạnh Bưu điện Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số với mục tiêu phát triển kinh tế số, giai đoạn 2021 - 2025. Đơn vị đã huy động các nguồn lực để đồng hành cùng chính quyền địa phương, hỗ trợ đưa hơn 900 sản phẩm OCOP từ khu vực miền Trung - Tây Nguyên lên sàn TMĐT Buudien.vn. Những sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, ca cao và bưởi không chỉ được quảng bá rộng rãi trong nước mà còn tiếp cận khách hàng quốc tế.
 
Đại diện các DN TMĐT trao đổi các biện pháp hỗ trợ DN phát triển TMĐT tại Hội thảo. Ảnh: TRỌNG LỢI
 
Bưu điện Bình Định đóng góp 170 sản phẩm, cho thấy tiềm năng nông sản phong phú của tỉnh. Kể từ năm 2021, Bưu điện Bình Định đã khẳng định vị thế dẫn đầu trong nước nhờ cung cấp hạ tầng số tại địa phương. Nhờ vào mạng lưới logistics rộng khắp, hệ thống kho bãi đầy đủ và hệ sinh thái số khép kín (bao gồm định danh xác thực điện tử, bản đồ số, hệ thống thanh toán điện tử Postpay), Bưu điện Bình Định đã hỗ trợ các chủ thể trong việc quảng bá và kết nối với khách hàng trên toàn quốc, đồng thời giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP thông qua sàn TMĐT. Nhờ đó, tình trạng ùn ứ nông sản trong mùa vụ đã được giảm thiểu đáng kể, giúp sản phẩm đặc sản của địa phương tiếp cận với người tiêu dùng cả nước.

Bà Trương Phương Thoa, Giám đốc Trung tâm TMĐT khu vực phía Nam của sàn TMĐT Alibaba, chia sẻ rằng từ khi thành lập năm 1999, Alibaba đã tập trung vào thương mại quốc tế, cung cấp các giải pháp kỹ thuật số toàn diện cho hàng nghìn DN vừa và nhỏ trên toàn cầu. Tại Việt Nam, OSB Group trở thành đối tác chiến lược của Alibaba từ năm 2009, hỗ trợ các DN xuất khẩu trực tuyến đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Bình Định, hiện có 3 DN lớn tham gia sàn TMĐT Alibaba, gồm Công ty CP Thủy sản Bình Định, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thịnh Phú và Công ty CP Phú Tài. Những DN này đang tích cực quảng bá các sản phẩm chủ lực của tỉnh như đồ gỗ nội thất và thủy hải sản (cá ngừ, yến sào, bàn ghế ngoài trời) và đã thu hút sự quan tâm từ người mua tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản.
 
Ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, cho biết từ năm 2016, ngành Công Thương đã hỗ trợ 93 DN xây dựng website TMĐT và 40 DN áp dụng các giải pháp công nghệ số như mã vạch, mã QR, chip NFC và công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, ngành Công Thương đã hỗ trợ 20 DN tham gia các sàn TMĐT lớn của thế giới và giúp 8 DN tối ưu hóa hoạt động quản lý nội bộ bằng các công cụ e-business, cụ thể là phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu khách hàng. Đồng thời, ngành cũng duy trì và nâng cấp trang TMĐT VietLao.vn, kết nối giao thương giữa Bình Định và các tỉnh Nam Lào.
 
Việc đẩy mạnh hỗ trợ phát triển TMĐT đã giúp Bình Định đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2024, chỉ số TMĐT của tỉnh Bình Định đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 2 bậc so với năm 2023 và đứng thứ 6 trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Cam kết đồng hành để phát triển bền vững
 
Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng các DN tại Bình Định và khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Ông Nguyễn Đình Kha cho biết, sự thiếu hụt nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực logistics, là một trong những rào cản lớn đối với các DN địa phương trong việc phát triển TMĐT. Ngoài ra, thời gian và chi phí vận chuyển cũng là yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của khách hàng.
 
Triển lãm thu hút nhiều đại biểu, công chúng tham gia và mua bán hàng hóa. Ảnh: TRỌNG LỢI     
 
Để giải quyết vấn đề này, bà Trịnh Thị Xuân Diệu, Giám đốc Công ty Logsun Global, khẳng định Bình Định có lợi thế lớn nhờ vị trí chiến lược tại Nam Trung bộ và Tây Nguyên cùng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ. Tuy nhiên, hệ thống kho bãi và cầu cảng phục vụ logistics vẫn còn thiếu. Bà Diệu nhấn mạnh sự cần thiết của việc đầu tư vào hạ tầng logistics, đặc biệt là kho lạnh và cải tiến thủ tục hải quan để nâng cao khả năng cạnh tranh. Logsun Global cam kết đồng hành cùng DN trong việc vận chuyển hàng hóa và thực hiện các thủ tục hải quan, cung cấp dịch vụ vận chuyển đa phương thức để tối ưu hóa quy trình.
 
Ngoài ra, Hiệp hội TMĐT Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Shopee và Liên minh phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam đều cam kết sẽ hỗ trợ các DN trong khu vực phát triển TMĐT trên nhiều nền tảng khác nhau. Bà Nguyễn Lê Ly Na - Quản lý Hoạt động gắn kết bán hàng Shopee Việt Nam, cho biết Shopee sẽ hỗ trợ các DN địa phương trong việc trang trí và tối ưu gian hàng, đồng thời cung cấp các ưu đãi đặc biệt. Shopee cũng đang triển khai chương trình “Tinh hoa Việt du ký” và các sáng kiến trách nhiệm xã hội nhằm nâng cao giá trị sản phẩm Việt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng kết luận: TMĐT đã và đang mang lại nhiều cơ hội giúp nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện trải nghiệm mua sắm và tối ưu hóa chi phí cho các DN. Ông khẳng định hội thảo là cơ hội quý báu để các DN trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra các giải pháp phù hợp nhằm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và kết nối với các nền tảng TMĐT lớn như Shopee, TikTok Shop, Alibaba cùng các giải pháp logistics toàn diện. Điều này sẽ giúp các DN Bình Định không chỉ củng cố thị trường nội địa mà còn vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu.
 
 

Cùng ngày (24.9), tại Quảng trường Chiến Thắng (TP Quy Nhơn), UBND tỉnh và Bộ Công Thương  phối hợp tổ chức Triển lãm các mô hình công nghệ trong TMĐT và các sản phẩm đăng ký tham gia. Triển lãm có 46 gian hàng trưng bày của các DN cung cấp giải pháp TMĐT, như: Quản lý kho hàng, logistics, bán hàng trực tuyến và thanh toán không tiền mặt, cùng các DN kinh doanh, sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Ngoài ra, còn có sản phẩm của các tỉnh thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên và tỉnh Đồng Nai.
 
 

 

THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 24.9.2024
Nguồn: BAOBINHDINH.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây