Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến tỉnh Bình Định ngày 22.01.2025

Thứ tư - 22/01/2025 17:21 8 0
Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến tỉnh Bình Định trên các báo ra ngày 22.01.2025
Hội Báo Xuân tỉnh Bình Định năm 2025: Nét đẹp truyền thống hàng năm của người làm báo

Ngày 22/1, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh (TP Quy Nhơn), Hội Nhà báo tỉnh Bình Định phối hợp với Sở TT&TT, Sở VH&TT tổ chức khai mạc Hội báo Xuân Ất Tỵ năm 2025, nhằm chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2025) và mừng Xuân mới, đón Tết cổ truyền dân tộc.
Phát biểu khai mạc Hội Báo Xuân Ất Tỵ 2025, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đỗ Nguyên Hùng nhấn mạnh: Hội Báo Xuân đã trở thành nét đẹp truyền thống hàng năm của giới báo chí trong cả nước nói chung và Bình Định nói riêng. Đồng thời cũng là hoạt động thiết thực trong việc đưa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống, mừng thành tựu của đất nước trong tiến trình đổi mới và các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước và dân tộc, là năm Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Hội báo Xuân Ất Tỵ năm 2025 được tổ chức từ ngày 22 – 25/1, trưng bày gần 300 đầu báo xuân 2025 của các cơ quan báo chí Trung ương, báo chí các tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, đem đến bức tranh nhiều sắc màu, phản ánh sinh động, nóng hổi công cuộc đổi mới quê hương đất nước; những gương điển hình trên các lĩnh vực, những gương sáng đời thường… thể hiện những nỗ lực sáng tạo của đội ngũ người làm báo là lực lượng chủ lực trên mặt trận tư tưởng văn hóa, luôn nêu cao lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo. (congluan.vn)

Chuyện linh vật rắn "văn hóa" ở Bình Định

Thời gian này, khắp các địa phương trong mọi miền tổ quốc đều khoe linh vật của mình nhân dịp Tết Ất Tỵ. Bình Định cũng đã trình làng một linh vật là loài rắn kết hợp giữa văn hóa và công nghệ. Nó được hình tượng hóa như sự vươn lên, thể hiện sức mạnh của công nghệ.
Phó Giám đốc sở Văn hóa và thể thao Huỳnh Văn Lợi cho biết: theo quan niệm người xưa, rắn Naga là linh hồn của thiên nhiên, bảo vệ các nguồn nước như sông, suối, mạch ngầm, giúp mùa màng tốt tươi. Do vậy, rắn thần Naga là biểu tượng cho sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc.
Hiện thực hóa điều này, Bình Định đã xây dựng hình tượng linh vật Rắn thần Naga 5 đầu có chiều cao 5m, được mô phỏng sinh động và được đặt trước trung tâm tượng cụm tháp Dương Long. Mô hình rắn 5 đầu, hướng về đất mẹ anh hùng thể hiện sự sung túc, ấm no.
Tiếp nối văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng đất Bình Định, các nghệ nhân cũng đã xây dựng hình ảnh rắn công nghệ hướng ra Biển Đông như sự vươn lên, thể hiện sức mạnh của công nghệ. Năm 2025 cũng là năm mà tỉnh Bình Định tập trung vào phát triển khoa học công nghệ, vươn ra biển lớn. Đó là hình ảnh rắn được lắp ghép bằng các khối, trụ, tạo cảm giác hào hùng, mạnh mẽ như robot (công nghệ). Rắn được chui ra khỏi đôi bàn tay nắm chặt vào nhau tượng trưng cho sự đoàn kết, quyết tâm của Bình Định cùng với cả nước vươn mình trong kỷ nguyên mới. Có quá khứ với văn hóa, lịch sử hào hùng, có hiện tại với sự đoàn kết, quyết tâm, có tương lai với sự nỗ lực phấn đấu, đưa Bình Định vươn mình ra biển lớn ở kỷ nguyên mới. Hi vọng, cụm linh vật mà Bình Định trình làng thể hiện được sự khát khao mà lãnh đạo tỉnh gửi gắm. Đúng như vị Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chia sẻ: "Linh vật của tỉnh Bình Định năm nay khác biệt, đó sự cách điệu của rắn thần Naga được khai quật tại cụm tháp Dương Long. Cùng với đó, đằng sau ý tưởng con rắn công nghệ để thể hiện theo tinh thần chỉ đạo chung của Trung ương và Tổng Bí thư về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, giúp cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình và công nghệ sẽ giúp cho Việt Nam vươn mình vào kỷ nguyên mới." (thethaovanhoa.vn)

Bình Định: Ấm áp Tết nghĩa tình nơi biên giới biển, đảo

Những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Bình Định đã tích cực huy động mọi nguồn lực để chăm lo cho nhân dân ở khu vực biên giới biển của tỉnh.
Năm nay, BĐBP tỉnh đã kêu gọi các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh huy động trao tặng hơn 1.500 suất quà (trị giá hơn 1,2 tỷ đồng), gói gần 1.000 bánh chưng, bánh tét tặng gia đình chính sách, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các em trong chương trình “Nâng bước em tới trường” khu vực biên giới biển và nhân dân Làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, nhằm góp phần thực hiện tốt phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, với tinh thần “không gia đình nào không có Tết”.
Trung tá Huỳnh Công Hợi, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ An (BĐBP tỉnh Bình Định) cho biết thêm, cùng với chú trọng thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo Tết cho nhân dân, nhất là các hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách, khó khăn trên địa bàn đóng quân.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng triển khai các tổ công tác địa bàn nắm tình hình, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức cho nhân dân vui Xuân, đón Tết cổ truyền an toàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, ấm áp tình quân dân. (qdnd.vn)

Hoa Anh đào khoe sắc thắm ở huyện miền núi Bình Định

Lễ hội Hoa Anh đào với chủ đề “Sắc Xuân hoa Đào - Kết nối văn hóa” lần đầu tiên diễn ra ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Bình Định trong 2 ngày 8 - 9/2. Đây là dịp để địa phương đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Ông Tô Hiếu Trung - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Tại Ngày hội, du khách được tham quan các tuyến đường hoa Đào, Mai Anh đào Đà Lạt, hoa Anh đào Nhật Bản; tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na ở xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) như: Giao lưu văn hóa, trình diễn Lễ hội Cốm lúa mới; giao lưu, trình diễn cồng chiêng, múa xoang, các nhạc cụ dân tộc truyền thống của một số đội văn nghệ, câu lạc bộ, các nghệ nhân; giao lưu dân vũ.
Ngoài ra, du khách sẽ được tận mắt thấy các nghệ nhân biểu diễn các tiết mục: Hát, múa, hòa tấu; tham quan, chụp ảnh tại khu vực Nhà trưng bày truyền thống, vườn hoa Đào, vườn rau ôn đới, các tuyến đường hoa…; tham quan trải nghiệm khám phá một số thắng cảnh của địa phương như: Thác Hang Dơi, Thành Tà Kơn, thác Sơn Lang, ruộng bậc thang thôn K4…
Theo ông Tô Hiếu Trung, Ngày hội hoa Đào huyện Vĩnh Thạnh là một trong những hoạt động lớn thiết thực gắn với hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025, chào mừng Kỷ niệm 66 năm Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (06/02/1959 - 06/02/2025).
Đồng thời, Ngày hội là hoạt động văn hóa nhằm quảng bá nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn huyện đến đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Thạnh lần thứ XVIII về “Đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện, giai đoạn 2020 - 2025” và thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025 theo Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Tỉnh ủy Bình Định đã đề ra. (baodantoc.vn)

Bình Định đấu giá khu 'đất vàng' xây chung cư hỗn hợp 3.200 tỷ

Khu đất rộng hơn 7.000m2 ở đường Tây Sơn (Bình Định) được đấu giá để chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở chung cư hỗn hợp. Giá khởi điểm của lô đất vàng này là 311 tỷ đồng.
UBND tỉnh Bình Định vừa có quyết định đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án Xây dựng nhà ở chung cư hỗn hợp tại khu đất số 72B đường Tây Sơn (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn).
Theo đó, khu đất có diện tích hơn 7.000m2, trong đó đất ở để xây dựng nhà ở chung cư hỗn hợp 6.300m2, đất giao thông - hạ tầng kỹ thuật 786m2.
Chức năng của khu đất để xây dựng nhà ở chung cư hỗn hợp. Giá khởi điểm hơn 311 tỷ đồng. Công trình có 4 tầng hầm và 35-46 tầng nổi. Phần đế có 3 tầng để xây trung tâm thương mại. Phần tháp từ 32-43 tầng là căn hộ để ở. Tổng số căn hộ tối đa 1.298 căn (trung bình 65 m2/căn). Chi phí thực hiện dự án gần 3.200 tỷ đồng, không bao gồm tiền sử dụng đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Quyết định cũng nêu rõ, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định của UBND tỉnh công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, chủ đầu tư phải hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo đúng quy định hiện hành để có thể khởi công xây dựng các hạng mục của dự án. (vietnamnet.vn)

Từ làng nghề nón ngựa Phú Gia đến Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tết đến xuân về, làng nghề nón ngựa Phú Gia là nơi trở về của bao người con xa quê, họ quây quần bên nhau nhắc nhớ về truyền thống của làng và ra sức giữ nghề chằm nón ngựa Phú Gia như một cách gìn giữ di sản.
Làng nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm. Tại đây, các nghệ nhân làm ra nhữngchiếc nón độc đáo, được nhiều người ưa thích. Năm 2024, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đưa nghề chằm nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này đã khẳng định giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt của làng nghề này.
Theo người làm nón ở làng nón ngựa Phú Gia, nón có tên nón ngựa vì chiếc nón có sự dẻo dai, bền bỉ, thích hợp cho người đội khi cưỡi ngựa. Ngày xưa, những nghệ nhân nơi đây làm chiếc nón này chủ yếu phục vụ cho vua, quân lính khi ngồi trên lưng ngựa. Đặc biệt vào thời vua Quang Trung, nón ngựa Phú Gia đã gắn liền với đội quân thần tốc Tây Sơn.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho rằng, làng nghề nón ngựa Phú Gia là một trong những niềm tự hào của người dân Phù Cát. Nón ngựa Phú Gia là một sản phẩm chứa đựng giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời của người dân. Địa phương đang xây dựng làng nghề nón ngựa Phú Gia trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn không chỉ đối với du khách Việt mà còn thu hút cả những du khách nước ngoài.
Ông Hưng nói: “Ngoài việc lập đề án bảo tồn và phát triển làng nghề nón ngựa Phú Gia, chúng tôi còn phối hợp với Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch để đưa làng nghề trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong các tour du lịch trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, làng nghề nhận được sự quan tâm lớn từ du khách quốc tế, đặc biệt là khách đến từ châu Âu và châu Á, như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhờ những nét văn hóa, phong tục tập quán mang tính tương đồng. Người dân trong làng rất phấn khởi vì vừa có thể duy trì truyền thống của cha ông, vừa cải thiện thu nhập từ nghề này”.
Nghề chằm nón ngựa Phú Gia trở thành Di sản phi vật thể quốc gia là niềm tự hào của người dân Bình Định. Chiếc nón ngựa ngày nay đã có những thay đổi đa dạng mẫu mã nhưng vẫn giữ được nét văn hóa và truyền thống của địa phương. Tỉnh Bình Định đã và đang nâng niu gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của làng nghề hơn 300 tuổi này cùng với chiếc nón ngựa Phú Gia tỏa sáng ở mọi miền đất nước. 
Tết đến xuân về, làng nghề nón ngựa Phú Gia là nơi trở về của bao người con xa quê, họ quây quần bên nhau nhắc nhớ về truyền thống của làng và ra sức giữ nghề chằm nón ngựa Phú Gia như một cách gìn giữ di sản. (vov.vn)

Quốc lộ 1 qua Bình Định hư hỏng, về Tết qua đây đi đường nào tránh kẹt xe?

Từ TP Quy Nhơn ra đến huyện Phù Cát, các ổ gà, vết nứt xuất hiện chằng chịt trên mặt đường khiến các phương tiện di chuyển rất chậm rãi, khó khăn. Một số nơi, các vết "khâu vá" mặt đường nổi lên dày đặc tạo thành những rãnh, sống, khiến các phương tiện giao thông chạy như... bò.
Theo ông Phạm Anh Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, quốc lộ 1 qua tỉnh này đang xuống cấp và được sửa chữa chưa đồng bộ.
"Tỉnh sẽ làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam để nhanh chóng triển khai việc sửa chữa quốc lộ 1, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại", ông Tuấn khẳng định.
Ông Lưu Nhất Phong - giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định - cho hay hiện tại ngoài quốc lộ 1, đi qua tỉnh Bình Định còn có hệ thống đường phía tây tỉnh và đường ven biển nối 2 đầu Bắc - Nam của tỉnh này. Người dân từ các tỉnh Tây Nguyên khi xuống Bình Định và đi ra các tỉnh phía Bắc mà không muốn đi quốc lộ 1 thì có thể đi theo quốc lộ 19 xuống tới địa phận xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn) rẽ vào đường phía tây của tỉnh. Đường này có thể đi đến thị xã Hoài Nhơn, sau đó đấu nối vào quốc lộ 1 và chạy ra các tỉnh phía Bắc. Trong khi đó, người dân khi đến TP Quy Nhơn và tiếp tục di chuyển ra các tỉnh phía Bắc nhưng không muốn đi quốc lộ 1 để tránh kẹt xe thì có thể đi đường ven biển. Đường này bắt đầu từ cầu Nhơn Hội và chạy đến thị xã Hoài Nhơn, sau đó đấu nối với quốc lộ 1. (tuoitre.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây