Giải năm nay có sự góp mặt của gần 600 VĐV, trong đó có các tuyển thủ trẻ quốc gia và gương mặt tiêu biểu xuất sắc nhất của các đơn vị. Các VĐV thi đấu theo 3 nhóm tuổi với 101 bộ huy chương. Ở phần taolu, nội dung được đưa vào thi đấu gồm trường quyền, đao thuật, kiếm thuật, côn thuật, thương thuật, nam quyền, nam đao, nam côn, thái cực quyền 42 thức, thái cực quyền 24 thức, thái cực kiếm 42 thức, thái cực kiếm 32 thức, thái cực quạt, đối luyện... Nội dung tán thủ, các VĐV tranh tài từ hạng cân dưới 48 kg đến trên 80 kg.
Đoàn Bình Định phần nào để lại ấn tượng trong lần đầu tiên tham dự Giải vô địch wushu trẻ quốc gia. Ảnh: TRỊNH LƯU
Với lực lượng vượt trội, đoàn Hà Nội thể hiện sự áp đảo với 40 HCV, 23 HCB và 8 HCĐ, giành vị trí nhất toàn đoàn; xếp sau là đoàn TP Hồ Chí Minh với 8 HCV, 7 HCB và 6 HCĐ.
Tranh tài tại giải, đoàn Bình Định có 3 VĐV thi đấu phần sanda (đối kháng) và 13 VĐV thi đấu phần taolu (biểu diễn). Hai tấm huy chương mà đoàn Bình Định giành được do công của Nguyễn Ngọc Đan Thanh (HCB, côn thuật, nhóm tiểu học) và Phạm Tuấn Anh (HCĐ, thái cực quyền 24 thức, nhóm tiểu học). So với giải trước, lực lượng đoàn Bình Định tham gia lần này thể hiện sự tiến bộ rõ về chuyên môn. Tuy nhiên, do bộ môn này còn nhiều hạn chế về mặt tiếp cận và lực lượng của các địa phương khác rất mạnh, nên kết quả này cũng là điều đáng ghi nhận.
Đội tuyển Wushu Bình Định vừa thành lập vào tháng 10.2023, trong khi đó wushu thuộc nhóm môn thể thao Olympic, việc tranh chấp huy chương còn nhiều khó khăn đối với chúng ta. Ngoài 9 VĐV thuộc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, giải có thêm sự tham gia của 7 võ sinh phong trào thuộc tuyến vệ tinh của CLB Nguyễn Thành Công, tham gia bằng hình thức xã hội hóa. Đây cũng là CLB duy nhất trên địa bàn tỉnh hiện đang tổ chức huấn luyện bộ môn wushu. Trong khi đó, lực lượng tuyến trẻ và năng khiếu chỉ có vỏn vẹn 7 em, ban huấn luyện không có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm tài năng.
Để các em có thêm điều kiện tiếp cận, học hỏi về chuyên môn, ban huấn luyện đã rà soát tổ chức lựa chọn võ sinh ở độ tuổi 6 - 12 có triển vọng, từ đó định hướng chiến lược dài hơi đến năm 2030.
Ông Nguyễn Quốc Tiển, HLV đội tuyển wushu Bình Định, cho biết: Trong thời gian qua, bộ môn wushu với nòng cốt là các VĐV võ cổ truyền đã có những thành tích đáng ghi nhận. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đề ra tại Đề án thể thao thành tích cao của tỉnh đến năm 2026 và định hướng đến năm 2030, đây là một quá trình cần có sự nỗ lực của cả tập thể HLV, VĐV và ủng hộ của phụ huynh võ sinh. Hy vọng, với sự kiên trì, wushu Bình Định sẽ từng bước phát triển cả về chất và lượng trong thời gian tới.