Những nền tảng quan trọng
GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam - Giám đốc Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), cho rằng: Định hướng này hoàn toàn phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14.12.2023 và Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 4.5.2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó,
TP Quy Nhơn có vai trò là trung tâm kinh tế biển tổng hợp của khu vực duyên hải Nam Trung bộ…; có khu đô thị khoa học mang tầm cỡ quốc gia, với nòng cốt là ICISE và trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI).
Về vấn đề này, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, nhìn nhận: “Bình Định hoàn toàn có khả năng phát triển Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam”. Bệ phóng để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu đó chính là ICISE và Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo. Hơn nữa, Bình Định là tỉnh có nhiều trường đại học, gồm: Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Quang Trung, Trường ĐH FPT…. Đây là những cơ sở đào tạo tốt về nghiên cứu khoa học cơ bản, công nghệ thông tin (IT, IoT, Blockchain, BigData...)”. Với nguồn nhân lực tại chỗ, là cơ sở để tỉnh mời gọi các DN công nghệ, viện nghiên cứu về Quy Hòa, để xây dựng nơi này thành khu đô thị khoa học, và sau đó mở rộng ra là TP Quy Nhơn.
Thành công bước đầu của ICISE khi thu hút nhiều nhà khoa học quốc tế uy tín đến Bình Định và những hiệu ứng về chính sách “trải thảm đỏ” về phát triển khoa học của tỉnh bước đầu thu hút được những công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam, như: Tập đoàn FPT, Công ty TMA Solutions về đầu tư; Trường ĐH Quy Nhơn - một đơn vị đào tạo nhân lực chất lượng cao của vùng duyên hải Nam Trung bộ… TS Dương Đình Dám, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, đánh giá: Đây là nền tảng cơ sở để tỉnh phát triển một quần thể nghiên cứu khoa học đẳng cấp cao, hay còn gọi mô hình khu đô thị khoa học Quy Hòa và tương lai sẽ mở rộng để Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học.
ICISE đã và đang trở thành nơi gặp gỡ của các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Ảnh:T.LỢI
Từ ý tưởng đến hành động
Đề án phát triển “Khu đô thị khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đã xây dựng và đang triển khai tại Bình Định, nhằm đưa Quy Nhơn trở thành khu đô thị đa chức năng đầu tiên của cả nước. Theo đó, dự án Khu đô thị khoa học Quy Hòa dự kiến nằm ở phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) có diện tích 242 ha, được phân thành 4 khu chức năng, gồm: Khu nghiên cứu và phổ biến khoa học (50 ha), khu thung lũng sáng tạo (77 ha), khu đô thị khoa học (107 ha), khu thương mại dịch vụ (8 ha). Hiện, khu vực này có ICISE, Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (thuộc ICISE), dự án Tổ hợp không gian khoa học, TMA Solutions, FPT Software… đang hoạt động.
PGS.TS Nguyễn Tiến Trung, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Trường ĐH Quy Nhơn), mong muốn, tỉnh xác định rõ và tập trung vào các lĩnh vực KH&CN là thế mạnh, mũi nhọn, hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc để phát triển và phát triển bền vững. Muốn làm được việc này, Bình Định cần có chiến lược dài hạn, rõ ràng về phát triển KH&CN; có chính sách thực tế, “thực dụng” về thu hút nhà khoa học, chuyên gia khoa học trong và ngoài nước đến công tác, làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu đóng trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ về ý tưởng đưa Quy Nhơn sớm trở thành “thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam” nhiều nhà khoa học thống nhất quan điểm, trước tiên tỉnh nên có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó chú trọng vào các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh (nghiên cứu khoa học cơ bản, công nghệ thông tin, AI...). Cùng với đó, có giải pháp huy động các nguồn lực để xây dựng các khu đô thị khoa học (hệ thống các quỹ đầu tư nhà nước, DN, các viện, trường và các tổ chức cá nhân). Đồng thời, tạo cơ chế đầu tư thông thoáng, có chính sách hỗ trợ cho DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ, DN, trường học… trong công bố các kết quả nghiên cứu, đăng ký bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, thương mại hóa các sản phẩm đó để phục vụ xã hội.
“Ý chí của người lãnh đạo và lựa chọn được những sản phẩm chủ lực trong thời đại công nghệ số, nhất là các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế hơn so với các địa phương khác là điều rất quan trọng”, TS Nguyễn Quân nhấn mạnh.