Làng mai ‘nói không’ với thuốc trừ sâu hóa học: Trồng mai an toàn sinh học

Thứ hai - 14/10/2024 08:38 15 0
Những năm qua, ngành chức năng tỉnh Bình Định và chính quyền thị xã An Nhơn đã có nhiều nỗ lực đưa nghề trồng mai cảnh đi theo hướng an toàn sinh học…

Di dời mai đến vùng quy hoạch tập trung

Theo ông Phan Thanh Hòa, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn (Bình Định), những năm qua, địa phương đã thực hiện Đề án “Phát triển làng nghề sản xuất mai vàng Nhơn An”. Theo đó, thị xã An Nhơn đã quy hoạch vùng trồng mai tập trung trên diện tích 75ha; trong đó tại xã Nhơn An có 45ha được quy hoạch tại các thôn Háo Đức, Trung Định, Thanh Liêm, Thuận Thái; tại xã Nhơn Phong có 30ha được quy hoạch ở thôn Trung Lý.

Các chậu mai trong vườn nhà, nằm trong khu dân cư sẽ được di chuyển ra khu vực đã quy hoạch. Tại 2 vùng quy hoạch này được xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống điện lưới, kênh mương để phục vụ trồng và chăm sóc mai.

Tính đến nay, chính quyền các xã có nhiều hộ trồng mai cảnh ở thị xã An Nhơn đã vận động 132 hộ trồng mai nằm trong vùng quy hoạch di dời đến vùng trồng mai tập trung, trong đó xã Nhơn Phong có 111 hộ với 356.000 chậu và xã Nhơn An có 21 hộ với 60.000 chậu đã di dời.

Song song đó, thị xã An Nhơn còn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm mai vàng Nhơn An với tổng kinh phí hơn 23,8 tỷ đồng và thành lập mới 3 HTX mai vàng gồm Nhơn An, Nhơn Phong và Nhơn Hạnh. Giữa năm 2023, Hội Nông dân phường Đập Đá (thị xã An Nhơn) cũng đã ra mắt Tổ hợp tác trồng mai cảnh tại Chi hội Bắc Phương Danh với 15 thành viên tham gia.

Ông Nguyễn Trí Tuấn, người tiên phong áp dụng phương pháp trồng mai an toàn sinh học tại thị xã An Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Trí Tuấn, người tiên phong áp dụng phương pháp trồng mai an toàn sinh học tại thị xã An Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Những việc làm kể trên chứng tỏ An Nhơn quyết tâm thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông mới giai đoạn 2021 - 2025 đối với các làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề trồng mai cảnh.

“Theo quy hoạch, làng nghề mai cảnh Nhơn An sẽ phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hướng đi lâu dài là gắn với phát triển du lịch trải nghiệm. Thời gian tới, làng mai cảnh Nhơn An sẽ được thiết kế đưa vào các tour, tuyến, điểm dừng chân du lịch. Làng mai cảnh Nhơn An không chỉ sôi động vào dịp Tết mà sẽ trở thành địa chỉ phục vụ tham quan trong các dịp cuối tuần”, ông Phan Thanh Hòa chia sẻ.

Những năm gần đây, nhiều hộ trồng mai cảnh ở xã Nhơn Hạnh (thị xã An Nhơn) cũng kiên quyết “nói không” với thuốc BVTV hóa học trong quá trình trồng và chăm sóc cây mai. Thay vào đó, các nhà vườn trồng mai sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng hiệu quả quy trình trồng mai thâm canh theo hướng an toàn để bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Hiện ngành chức năng xã Nhơn Hạnh đã thành lập 3 tổ liên kết trồng và chăm sóc mai kiểng an toàn sinh học tại thôn Xuân Mai, Thanh Mai và Bình An với gần 100 hội viên. Nông dân tham gia tổ liên kết theo hình thức tự nguyện, tự quản, chia sẻ kinh nghiệm.

Anh Lê Tấn Bộ, người đang sở hữu 6.000 - 7.000 chậu mai cảnh ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) đã 'nói không' với thuốc BVTV hóa học hơn 10 năm qua. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Lê Tấn Bộ, người đang sở hữu 6.000 - 7.000 chậu mai cảnh ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) đã "nói không" với thuốc BVTV hóa học hơn 10 năm qua. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Lê Ngọc Sang (54 tuổi), Tổ trưởng Tổ liên kết trồng và chăm sóc mai kiểng an toàn sinh học thôn Xuân Mai (xã Nhơn Hạnh) chia sẻ: Từ khoảng năm 2019 trở về trước, hầu hết người trồng mai ở Nhơn Hạnh đều sử dụng thuốc BVTV hóa học để phòng trừ sâu bệnh và dùng phân hóa học để thúc cho cây mai phát triển. Điều này ảnh hưởng xấu đến môi trường đất, môi trường nước và không khí…, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người trồng mai.

“Hiện nay, tất cả hộ trồng mai tham gia tổ liên kết đều áp dụng quy trình trồng mai thâm canh không dùng thuốc BVTV hóa học, chỉ sử dụng chế phẩm và thuốc sinh học trong suốt quá trình ươm giống, trồng cây con, chăm sóc cây mai trưởng thành. Bên cạnh đó, các chủ nhà vườn còn ủ phân vi sinh kết hợp với xơ dừa và đất để trồng, bón cho cây; nước tưới cũng đưa qua hệ thống lọc để xử lý”, ông Sang cho hay.

Ngành chức năng tiếp sức

Thực tế cho thấy, áp dụng quy trình trồng mai thâm canh bằng chế phẩm và thuốc sinh học, người trồng mai cắt giảm được đáng kể chi phí mua thuốc BVTV, phân hóa học. Đặc biệt người trồng mai hạn chế tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại, nhưng cây mai vẫn phát triển bình thường.

“Áp dụng quy trình trồng mai thâm canh không dùng thuốc BVTV hóa học đã hạn chế tác hại đến môi trường và sức khỏe người trồng cũng như dân cư ở gần các vườn mai”, ông Lê Văn Năm, người trồng mai ở thôn Bình An, xã Nhơn Hạnh (thị xã An Nhơn) cho hay.

Theo ông Hà Thế Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hạnh, trên địa bàn xã này có gần 320 hộ trồng, kinh doanh cây mai cảnh với gần 82.000 chậu. Để giảm thiểu tác hại đến môi trường và sức khỏe người dân, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các hộ trồng mai không sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học trong quá trình trồng, chăm sóc cây mai và hầu hết các nhà vườn đều tuân thủ.

Sử dụng thuốc BVTV sinh học, vừa bơm thuốc xong người trồng mai cảnh đã có thể chăm sóc cây mai ngay vì trong không khí không có mùi hôi. Ảnh: V.Đ.T.

Sử dụng thuốc BVTV sinh học, vừa bơm thuốc xong người trồng mai cảnh đã có thể chăm sóc cây mai ngay vì trong không khí không có mùi hôi. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Trí Tuấn (64 tuổi), người đang sở hữu vườn mai bonsai gần 1.000 cây ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An là một trong những người tiên phong trong trồng mai sạch ở thị xã An Nhơn. Quy trình chăm sóc mai ông Tuấn đang áp dụng rất khoa học, theo hướng an toàn sinh học.

“Tôi ủ phân vi sinh kết hợp với xơ dừa và đất để trồng. Trong quá trình chăm sóc, tôi sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, dùng hệ thống lọc xử lý nước tưới cho cây, làm nhà lưới cho mai. Mai bonsai đứng trong những chậu nhỏ, đất ít, bón phân hữu cơ sẽ giúp cây phát triển khỏe và bền hơn. Cái lợi tôi thấy trước mắt là giảm chi phí mua thuốc BVTV, giảm việc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, bảo vệ được sức khỏe của chính mình, góp phần cải thiện môi trường sống”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, đơn vị thường xuyên phối hợp với ngành chức năng thị xã An Nhơn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ trồng mai. Các nhà vườn trồng mai cảnh được hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật sử dụng các loại thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; dự báo tình hình sâu bệnh và hướng dẫn cách phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh thường xảy ra trên cây mai; giải đáp các vấn đề còn vướng mắc và hướng dẫn cách khắc phục những hạn chế gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc BVTV liên quan đến quy trình chăm sóc cây mai.

Sử dụng thuốc BVTV sinh học, sức khỏe của người trồng mai được bảo vệ tốt hơn. Ảnh: V.Đ.T.

Sử dụng thuốc BVTV sinh học, sức khỏe của người trồng mai được bảo vệ tốt hơn. Ảnh: V.Đ.T.

Để giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV trong quá trình trồng mai tại thị xã An Nhơn, thời gian tới, ngành chức năng Bình Định sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng cho cán bộ chuyên môn và nông dân; có chính sách để nông dân được học tập, tiếp cận với kỹ thuật mới nhằm tiến tới không sử dụng thuốc BVTV hóa học trong sản xuất; quy định chặt chẽ việc đăng ký thuốc BVTV; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc BVTV gắn với bảo vệ môi trường.

 
“Thời gian gần đây, các loại thuốc BVTV có độc tố cao hầu như đã được loại khỏi danh mục. Hiện nay, hầu hết các loại thuốc BVTV đang lưu hành trên thị trường đều là thuốc sinh học, có thời gian cách ly ngắn, độ độc thấp. Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy người trồng mai cảnh ở thị xã An Nhơn hiện đang sử dụng phổ biến các loại thuốc BVTV sinh học này”, ông Kiều Văn Cang cho hay.
 
 

 

THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 14.10.2024
Nguồn: NONGNGHIEP.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây