Nằm cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 80 km về phía Tây, hồ chứa nước Định Bình tại xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh được xây dựng trong 7 năm (2002-2009) với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.089 tỷ đồng.
Hồ chứa nước Định Bình là công trình đầu tiên tại Việt Nam thi công bằng công nghệ bê tông trọng lực đầm lăn (RCC) với phần chính là đập ngăn sông cao 52,3m; dài 611,25m; chiều rộng đỉnh đập 9m, cao trình đỉnh đập 95,55m và tổng khối lượng bê tông các loại là 432.500m3.
Hơn 15 năm qua, công trình vẫn duy trì thực hiện lợi ích đa mục tiêu như: chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, lũ muộn, giảm nhẹ lũ chính vụ. Ngoài ra hồ còn cấp nước tưới cho 34.000 ha đất nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh nuôi trồng thủy sản và kết hợp phát điện N= 6.000kw.
Chắn ngang dòng sông Kôn, hồ Định Bình từ khi được xây dựng người dân địa phương phía hạ du không còn lo lũ lớn và an cư tạo ra nguồn sống từ thủy lợi.
Trước lợi ích đa mục tiêu như trên, Bộ NN-PTNT đã đưa dự án hồ chứa nước Định Bình vào quy hoạch những công trình thủy lợi chiến lược của quốc gia.
Xuôi dòng sông Kôn về với địa bàn huyện Tây Sơn còn công trình đập dâng Phú Phong đang gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để khánh thành đưa vào sử dụng.
Công trình đập dâng Phú Phong do Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, được khởi công tháng 2/2022 với tổng vốn hơn 750 tỷ đồng.
Đập có chiều dài 590m, bao gồm 20 cửa xả sâu, mỗi cửa rộng 15m bằng thép, đáy cửa ở cao trình 14m ngang với đáy sông chỉ vận hành vào mùa mưa để xả lũ. Phần đập tràn tự do 2 bên dạng tràn Labyrinth với tổng chiều rộng 237m, cao trình ngưỡng tràn 18m. Tất cả đều vận hành bằng hệ thống điện.
Khi hoàn thành, công trình đập dâng Phú Phong sẽ phục vụ nước tưới thường xuyên cho hơn 500 ha đất sản xuất tại các xã phía Nam của huyện Tây Sơn, đây là điều quan trọng số 1. Bên cạnh đó, tạo ra một cảnh quan môi trường trong lõi đô thị của địa phương.
Ngoài ra, công trình đập dâng vẫn kết hợp là cầu giao thông rộng 10m, gồm 29 nhịp. Đây là một trong những tuyến giao thông kết nối quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này.
Giữa đại ngàn huyện An Lão có hồ Đồng Mít, nằm cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 130 km về hướng Tây Bắc.
Hồ Đồng Mít nằm trên mạch sông An Lão được khởi công vào tháng 2/2019 và khánh thành tháng 2/2023. Công trình do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư với tổng số vốn tổng vốn đầu tư trên 2.140 tỷ đồng.
Hồ Đồng Mít có dung tích chứa lớn lên đến 89 triệu m3 nước, có diện tích lưu vực 160,3 km2, dung tích thiết kế gần 90 triệu m3. Hồ có đập chính ngăn sông được thiết kế theo công nghệ bê tông đầm lăn có chiều dài 378m, chiều cao đập lớn nhất là 62,6m; đập phụ là đập đất đồng chất dài 126m, chiều cao đập lớn nhất là 13,8 m.
Hồ Đồng Mít đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho 276.000 người dân, phục vụ tưới cho 6.742 ha đất canh tác vùng hạ du các huyện An Lão, Hoài Ân và thị xã Hoài Nhơn cùng các địa phương phía Bắc huyện Phù Mỹ.
Ngoài ra, hồ Đồng Mít cũng sẽ tạo nguồn cấp nước cho 267 ha nuôi trồng thủy sản, cải thiện môi trường sinh thái, tạo độ ẩm và chống xâm nhập mặn, giảm lũ cho vùng hạ lưu.Tạo nguồn cấp nước cho công nghiệp 230 ha, kết hợp xây dựng nhà máy phát điện công suất 7 MW.
Nhìn từ trên cao, những khu tái định cư của đồng bào dân tộc Hrê thuộc 2 xã An Trung và An Hưng có diện tích khoảng 80 ha, nằm bình yên bên các nhánh sông An Lão. Để xây hồ Đồng Mít, UBND tỉnh Bình Định đã nỗ lực thuyết phục 480 hộ người Hrê (1.735 nhân khẩu) thuộc xã An Dũng thực hiện một cuộc “đại di dời” đến nơi ở mới trên.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 08.10.2024
Nguồn: VTCNEWS.VN