Thời gian qua, tỉnh Bình Định có nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất nông, lâm, thủy sản, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn. Ngành chăn nuôi ở tỉnh được chuyển đổi từ nhỏ lẻ sang trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Đại diện Sở Công thương tỉnh Bình Định cho rằng, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thiếu tính bền vững, còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, chưa hình thành nhiều chuỗi giá trị từ sản xuất đến người tiêu dùng cuối.
Ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định khẳng định, nút thắt lớn nhất đối với khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương là chưa hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Diện tích nuôi trồng nhỏ lẻ, manh mún cản trở việc cấp mã số vùng trồng:
“Do địa bàn rộng, số lượng đại lý cơ sở vật tư nông nghiệp nhiều, nhất là các cơ sở vật tư kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có quy mô nhỏ nằm trong các thôn xóm xen kẽ trong khu dân cư, thường không tuân thủ các quy định của pháp luật. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có các các nhà máy chế biến sâu nông sản quy mô lớn đi vào hoạt động nhất là chế biến sâu cho rau, củ, quả”.
Nông dân Trần Văn Thành, ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho biết, ông cùng 5 người khác liên kết trồng 5 hécta ớt VietGAP tại xã Cát Tài. Ban đầu triển khai trồng ớt theo chuỗi liên kết, người dân chưa có sự đồng thuận cao. Khi thấy hiệu quả nhờ ký kết hợp đồng thu mua của doanh nghiệp, bà con tiến hành thu hoạch và bán cho doanh nghiệp. Ông Trần Văn Thành kiến nghị, cần có sự liên kết giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân để sản phẩm nông nghiệp được kiểm soát từ khâu trồng cho đến thu hoạch được thuận lợi.
“Trong quá trình thu mua bà con thấy nhiều vấn đề chưa được trọn vẹn lắm. Lý do trong triển khai VietGap thì việc trồng chưa nhất quán, chưa đồng loạt cho nên việc thu mua có người bán đủ chỉ tiêu, có người hái chậm bán chưa được cho nên bà con còn phàn nàn. Sắp đến nếu liên kết được thì đề nghị tổ doanh nghiệp, chẳng hạn là quy định bà con chúng ta 2 ngày hái một đợt, chứ vừa rồi hái bấp bênh quá. Mong muốn tỉnh, huyện làm thế nào cho bà con có được lợi nhuận cao hơn”, ông Trần Văn Thành nói.
Theo bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, công ty đang tập trung vào vấn đề công nghệ, rất mong người dân ở Bình Định từng bước thay đổi hệ tư duy, tạo được những vùng nguyên liệu lớn: “Đưa những tiêu chuẩn vào, tối thiểu mình phải có những tiêu chuẩn nền để mình tiếp cận với cả thu mua. Rồi sau đó, nhà máy vào thì bắt đầu nâng cao tiêu chuẩn đó lên. Nói đến Bình Định phải nói đến cái gì? Thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải lựa chọn ra những sản phẩm để làm sản phẩm mũi nhọn. Chúng ta sẽ đánh vào các mũi nhọn này. Thay vì chọn theo số lượng thì chúng ta có thể hoàn toàn chạy theo tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn cao thì dĩ nhiên giá thành thu mua cũng cao”.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã và đang quyết tâm thực hiện tốt khâu tiêu thụ theo 4 mô hình: Liên kết chuỗi; bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến tiêu thụ trên địa bàn; bán hàng qua thương nhân; bán hàng thương mại điện tử:
“Xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Trong lúc chúng ta chưa có nhà máy chế biến sâu thì công tác về xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ vẫn đặt lên hàng đầu. Đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã tổ hợp tác. Hội Nông dân tỉnh Bình Định, Liên minh Hợp tác xã phải tập trung làm, vấn đề này trong Luật Hợp tác xã đã nói rất nhiều. Các địa phương phải tập trung để tổ chức”, ông Phạm Anh Tuấn nêu rõ.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 08.10.2024
Nguồn: VOV.VN