Sau taxi bay, Bình Định xin thí điểm thủy phi cơ trên biển
UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thí điểm hoạt động thủy phi cơ trên biển trên địa bàn tỉnh Bình Định.
UBND tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua, địa phương nhận được đề xuất của các Công ty TNHH Aron Flying Ship, Công ty TNHH SMBL, Công ty Cổ phần Địa ốc Nam Việt, đề xuất sử dụng dòng thủy phi cơ M80 để kết hợp cứu hộ, cứu nạn trên biển và vận chuyển du khách đến các khu vực đảo gần bờ.
Theo UBND tỉnh Bình Định, việc dùng thủy phi cơ tối ưu hơn so với trực thăng hay máy bay mặt đất về địa bàn cất cánh và hạ cánh, đặc điểm kích cỡ cũng như khả năng đáp ứng nhiên liệu. Hiện nay, về quy định về quản lý hoạt động của thủy phi cơ, sân bay chuyên dùng trên mặt nước, bãi cất, hạ cánh trên mặt nước, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BGTVT ngày 01/9/2016.
Tuy nhiên, nội dung Thông tư chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các dòng thủy phi cơ được phép sử dụng tại Việt Nam và thủ tục đăng ký cấp phép sử dụng dòng thủy phi cơ M80.
Do đó, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Giao thông vận tải có hướng dẫn cụ thể đối với các dòng thủy phi cơ được phép sử dụng tại Việt Nam và thủ tục đăng ký cấp phép sử dụng dòng thủy phi cơ M80 để phục vụ vận chuyển khách du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Định. (vietnamfinance.vn)
Đồ án quy hoạch khu dân cư, dịch vụ và giáo dục phía Tây đường Tây Sơn vừa được Bình Định phê duyệt
Theo đó, quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 6,35ha, thuộc khu đất Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ giao thông vận tải Bình Định và các khu liền kề, phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn.
Ranh giới cụ thể có phía Bắc giáp đường giao thông; Phía Nam giáp khu dân cư hiện trạng và đường giao thông; phía Đông giáp đường song hành với đường Quốc lộ 1D; phía Tây giáp khu dân cư hiện trạng và núi Vũng Chua.
Đây là khu dân cư, dịch vụ và giáo dục, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật.
Việc lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 12 phường nội thành, thành phố Quy Nhơn đã được phê duyệt. Đây là cơ sở để quản lý quy hoạch; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định.
Quy hoạch vừa được phê duyệt cũng đã cho biết các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc, gồm: Quy mô dân số khoảng 1.100 người; xây dựng công trình thương mại dịch vụ (Siêu thị, showroom ô tô, nhà hàng, văn phòng cho thuê...) với mật độ xây dựng tối đa 70%, chiều cao xây dựng tối đa 05 tầng; đất giáo dục có mật độ xây dựng tối đa 40%, chiều cao xây dựng tối đa 03 tầng, hệ số sử dụng đất tối đa 1,2 lần; công trình nhà ở liền kề có chiều cao xây dựng tối đa 04 tầng và tum thang;…
Sở Xây dựng chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức công bố, công khai đồ án quy hoạch được duyệt. Đồng thời đưa mốc giới quy hoạch ra thực địa.
Sở Xây dựng gửi hồ sơ quy hoạch cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, UBND thành phố Quy Nhơn, Trung tâm phát triển Quỹ đất tỉnh và các cơ quan có liên quan để lưu trữ, quản lý quy hoạch theo quy định.
Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư có trách nhiệm đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và quy định pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh Bình Định giao các sở, ngành có liên quan và UBND thành phố Quy Nhơn theo chức năng nhiệm vụ chịu trách nhiệm triển khai thực hiện, phối hợp, kiểm tra, giám sát và thực hiện các thủ tục có liên quan đến quy hoạch được duyệt theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. (thanhnien.vn)
Tăng cường xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh luôn nỗ lực làm tròn sứ mệnh tăng cường xây dựng, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Một trong những dấu ấn đậm nét đó là MTTQ và các tổ chức thành viên đã chủ động triển khai các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm để cùng với cấp ủy, chính quyền và vận động nhân dân thực hiện hiệu quả nhiều chương trình thi đua yêu nước, cuộc vận động.
Từ năm 2019 – 2024, MTTQ các cấp đã tập trung phối hợp triển khai đồng bộ, sâu rộng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Qua đó, đã vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia hiến 370 nghìn m2 đất các loại, 113.900 ngày công lao động, trên 1.012 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.
Phong trào “Tỉnh Bình Định chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” được MTTQ các cấp trong tỉnh thực hiện hiệu quả. Thông qua quỹ Vì người nghèo, quỹ Cứu trợ đã vận động trên 897 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 2.557 nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, trao sinh kế cho 5.695 hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững…
Để tăng thêm nguồn lực giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã gửi thư kêu gọi vận động đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN và cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ quỹ Vì người nghèo các cấp và thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố sẽ tổ chức nghiệm thu, bàn giao 20 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư 10 huyện, thị xã; tổ chức thăm, tặng quà cho các khu dân cư, gia đình tiêu biểu, hộ nghèo…
Cùng với đó, hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị, thành phố phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH tăng cường rà soát hộ nghèo, cận nghèo để hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, tạo việc làm… giúp người nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững. (vietnam.vn)
Bình Định hỗ trợ doanh nghiệp miền núi phát triển hàng may mặc
Tại thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định vừa diễn ra Lễ nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất may công nghiệp”. Đề án đã giúp DN ở địa bàn huyện miền núi phát triển sản xuất hàng may mặc với công suất 80.000 sản phẩm/năm...
Lễ Nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất may công nghiệp” do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC&XTTM), Sở ông Thương Bình Định tổ chức.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án là gần 410.000.000 đồng; trong đó, Công ty Tân Bảo Tín được hỗ trợ 180.000.000 triệu đồng (chiếm khoảng 48,8% so với tổng vốn đầu tư máy móc thiết bị) từ nguồn kinh phi khuyến công địa phương...
Theo ông Phạm Đắc Tín, Giám đốc Công ty TNHH Phước An, nhờ Đề án, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN ngày càng phát triển. Theo đó, khi Đề án đi vào hoạt động đã giúp DN đạt công suất 80.000 sản phẩm/năm, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường...
Cụ thể, doanh thu hàng năm của Công ty đạt trên 18,4 tỷ đồng; thu nhập chịu thuế đạt trên 200 triệu đồng; chỉ số sinh lời đạt trên 39%; tạo việc làm ổn định cho từ 20-30 lao động ở địa phương; góp phần giải quyết việc làm trên địa bàn.
Qua xem xét, đánh giá từ thực tế, Hội đồng nghiệm thu ghi nhận hiệu quả cửa Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chiết rót sa tế” đối với Công ty TNHH May mặc Tân Bảo Tín và quyết định nghiệm thu...(thuonghieucongluan.com.vn)
Bình Định: Sôi nổi Hội thi nông dân công tác giảm nghèo bền vững
Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Bình Định đã tổ chức thành công Hội thi "Nông dân với công tác giảm nghèo bền vững năm 2024". Hội thi được tổ chức ở 2 huyện miền núi Vân Canh và huyện trung du Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Ông Đỗ Thiện Chế - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân Bình Định, Trưởng ban tổ chức Hội thi cho biết: Mục đích Hội thi nhằm giúp cho cán bộ, hội viên nông dân nắm bắt đầy đủ hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chương trình giảm nghèo bền vững, những kết quả và thành tựu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có giảm nghèo đa chiều và giảm nghèo về thông tin trên địa bàn tỉnh. Hội thi tạo sự thống nhất trong tư tưởng và hành động của cán bộ, hội viên nông dân trong việc phát huy vai trò chủ thể của tổ chức Hội Nông dân trong công cuộc giảm nghèo bền vững.
Thông qua Hội thi, cán bộ, hội viên nông dân nắm được nhiều thông tin và hiểu rõ về Chương trình giảm nghèo, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Định.
“Theo kế hoạch tuyên truyền giảm nghèo bền vững của Hội Nông dân tỉnh Bình Định trong năm 2024, ngoài việc tạo sân chơi sôi nổi, tổ chức các hội thi về giảm nghèo bền vững, Hội Nông dân tỉnh Bình Định còn tổ chức các lớp truyền thông nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên, nông dân ở các địa phương khác trong tỉnh Bình Định về công tác giảm nghèo, phổ biến một số kết quả, thành tựu nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Định thời và nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025, năm 2030 ” - Ông Đỗ Thiện Chế cho biết thêm. (tapchinongthonmoi.vn)
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn kiểm tra hiện trường việc triển khai các dự án nhà ở xã hội
Theo đó, đoàn đã kiểm tra thực địa và làm việc với các chủ đầu tư, đơn vị thi công về công tác triển khai, tiến độ, chất lượng của một số dự án khu chung cư, nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh bao gồm: Khu chung cư nhà ở xã hội tại Khu C thuộc Khu đô thị -Thương mại Bắc sông Hà Thanh (Khu đô thị Đại Phú Gia); Khu nhà ở xã hội thuộc khu vực 1, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn; Ecohome Nhơn Bình; Khu thiết chế Công đoàn tỉnh Bình Định; Khu nhà ở xã hội Long Vân; Khu nhà ở xã hội Vạn Phát; Khu nhà ở xã hội chung cư Phú Tài Lộc; Dự án Nhà ở xã hội Nhơn Phú 2; Dự án Nhà ở xã hội Tân Đại Minh 2 (Lamer 2); Dự án Nhà ở xã hội – Chung cư Hoàng Văn Thụ (phần mở rộng); Dự án Nhà ở xã hội Phú Mỹ – Quy Nhơn (SIMONA HOME); Dự án Chung cư Trần Bình Trọng; Dự án Nhà ở xã hội Hàng Hải Bình Định; Khu chung cư cao tầng CH-01 và CH-02 thuộc dự án Khu dân cư Hưng Thịnh.
Tại các dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị các chủ đầu tư thống nhất quan điểm việc xây dựng các căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội phải đảm bảo các hộ dân đều được sống trong những ngôi nhà kiên cố, đạt chuẩn, có không gian tiện ích đảm bảo phục vụ đời sống, sinh hoạt cho người dân. “Xây dựng nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho mọi hộ dân có nhà ở là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành thường xuyên có văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chủ trương này. Mục tiêu cao nhất là có nhiều nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu cho người có thu nhập thấp có nhà ở. Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành quyết sách, kế hoạch, khảo sát nhu cầu và thực hiện xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó có các dự án nhà ở xã hội đã, đang và chuẩn bị triển khai trên địa bàn tỉnh. Việc xây dựng nhà ở cho người dân phải đàng hoàng, chất lượng, từ kết cấu cho đến ngoại hình, nội thất, công năng. Kể cả đó là nhà ở xã hội” – đồng chí Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh. (vietnam.vn)
Bình Định chi hàng chục tỷ đồng xây tái định cư cho 66 hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở
UBND tỉnh Bình Định cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ đạo Sở KH&ĐT, Sở NN&PTNT và UBND huyện Phù Cát về việc cho chủ trương đầu tư xây dựng dự án tái định cư di dời khẩn cấp các hộ dân sống trong vùng sạt lở tại núi Gành, thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát (giai đoạn 2).
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý cho chủ trương thực hiện đầu tư xây dựng dự án tái định cư di dời, khẩn cấp các hộ dân sống trong vùng sạt lở tại núi Gành.
Dự án có tổng vốn đầu tư 35 tỷ đồng (từ ngân sách tỉnh Bình Định và huyện Phù Cát), diện tích gần 3,7 ha, bố trí di dời khoảng 66 hộ dân trong vùng thiên tai thôn Đức Phổ 1 ra khỏi vùng nguy hiểm, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Phù Cát làm chủ đầu tư dự án và giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư công của dự án theo quy định. (danviet.vn)
Nâng cao nhận thức về hành động sớm và cảnh báo sớm bão, lũ lụt
Sáng 1.11, tại TP Quy Nhơn, Văn phòng Điều phối về biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh (thuộc UBND tỉnh) phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn Nâng cao nhận thức về hành động sớm và cảnh báo sớm bão, lũ lụt. Đây là chương trình thuộc Dự án Tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH cho cộng đồng tại Bình Định (Dự án CRMC).
Tại buổi tập huấn, các đại biểu được nghe giới thiệu một số nội dung về cách tiếp cận xây dựng khả năng chống chịu với thiên tai và BĐKH; tình hình và đặc điểm của thiên tai trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây; công tác cảnh báo sớm thiên tai trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, được giới thiệu, hướng dẫn sử dụng app Vrain và một số kênh thông tin trên website phòng chống thiên tai, hệ thống quan trắc ngập lụt cộng đồng.
Bên cạnh đó, đại biểu tham gia thảo luận về công tác cảnh báo sớm; ứng phó với thiên tai cực đoan qua kinh nghiệm từ trận bão Yagi; biên soạn, truyền tin cảnh báo lũ, bão sớm từ cấp xã, phường đến cho người dân.
Dự án CRMC do Văn phòng Điều phối về BĐKH tỉnh làm chủ dự án, Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội – quốc tế (ISET) tài trợ từ nguồn vốn của Quỹ Z Zurich (Thụy Sĩ); thời gian thực hiện từ tháng 7.2024 đến tháng 12.2027, địa điểm thực hiện tại TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước. Dự án nhằm nâng cao năng lực cho Văn phòng Điều phối về BĐKH tỉnh; các cơ quan tham mưu công tác PCTT cấp tỉnh, huyện và chính quyền địa phương cấp xã, phường về phòng chống thiên tai, chống chịu với BĐKH.
Mục tiêu của dự án nhằm giảm thiểu tính dễ tổn thương của cộng đồng do thiên tai, BĐKH và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; nâng cao khả năng chống chịu và năng lực ứng phó với thiên tai, BĐKH cho người dân; tăng cường tính chủ động, sẵn sàng trong công tác ứng phó với thiên tai, BĐKH. (vietnam.vn)