Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến tỉnh Bình Định ngày 25.10.2024

Thứ sáu - 25/10/2024 15:37 14 0
Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến tỉnh Bình Định trên các báo ra ngày 25.10.2024
Bình Định kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh bão Trà Mi

Ngày 25.10, Chủ tịch tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã gửi Công điện đến các cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác ứng phó bão Trà Mi - bão số 6.
Thực hiện Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24.10.2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 6, ông Phạm Anh Tuấn yêu cầu các địa phương, lực lượng quân đội, công an và các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6.
Thông báo đến các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để chủ động xử lý kịp thời các tình huống xấu.
Sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản tại khu nuôi trồng thủy, hải sản. Kiên quyết sơ tán người dân trên các lồng, bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
Cùng ngày, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết, hiện bão Trà Mi vẫn còn ở ngoài biển, chưa đổ bộ vào đất liền. Do đó, việc cần làm lúc này là thông báo ngay đến các tàu thuyền đang hoạt động trên biển tìm nơi tránh bão. Về phương án phòng chống, các cơ quan, đơn vị đang theo dõi từng diễn biến của bão để có hướng ứng phó kịp thời. (laodong.vn)

Bình Định kích hoạt phương án chống bão Trà Mi cấp cao nhất

Ngày 25.10, UBND tỉnh Bình Định cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão Trà Mi.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã cảnh báo mức độ khốc liệt của thiên tai hiện nay đến lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Đồng thời, yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, các đơn vị, địa phương kích hoạt phương án phòng chống bão Trà Mi tương ứng với phương án chống bão cấp 4, cấp cao nhất trong phòng chống bão lụt của tỉnh.
Tại các khu vực, vùng có nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương chủ động di dời người dân đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ. Chủ động cắt tỉa cây xanh, tháo dỡ các biển báo, quảng cáo có nguy cơ bị gió bão thổi bay trong khu vực đô thị.
Các sở ngành, các chủ đầu tư rà soát lại công trình xây dựng, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và công nhân thi công, tổ chức tháo dỡ các đường công vụ, khơi thông dòng chảy để tiêu thoát nước.
Ngành giao thông tổng kiểm tra lại các công trình cầu cống, kịp thời cảnh báo hoặc cấm người và phương tiện qua lại các cầu bị xuống cấp, hư hỏng. Ngành điện lực rà soát hệ thống, đảm bảo cung cấp điện liên tục và an toàn.
"Các cơ quan, đơn vị địa phương triển khai phương châm "4 tại chỗ" (hậu cần, trang thiết bị, chỉ huy và lực lượng) trong phòng chống thiên tai. Các lực lượng quân đội, công an, quân khu chủ động đảm bảo nhân lực, phương tiện, kết nối với các địa phương để sẵn sàng tham gia hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng ứng trực 24/24h khi có mưa bão.
Sở TTTT tổ chức phát sóng trên các đài truyền thanh xã 2 lần/ngày, thông tin kịp thời cho nhân dân nắm rõ diễn biến, cường độ bão Trà Mi, để người dân chủ động các biện pháp ứng phó", ông Phạm Anh Tuấn yêu cầu. (laodong.vn)

Bình Định: Thủ phủ mai vàng làm du lịch cộng đồng

Chia sẻ về sự cần thiết xây dựng Đề án thí điểm phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề mai cảnh xã Nhơn An từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn Mai Xuân Tiến cho biết, An Nhơn là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống. Hiện nay hoạt động du lịch tại các làng nghề ở An Nhơn nói chung và các làng nghề mai cảnh Nhơn An nói riêng còn tự phát, chưa được tổ chức chặt chẽ và thiếu chuyên nghiệp.
Để khai thác thế mạnh, tiềm năng du lịch của các làng nghề, cần phải xây dựng Đề án phát triển du lịch tại các làng nghề của thị xã. Trên cơ sở điều kiện, khả năng thực tế và yêu cầu thực hiện, Đề án này chọn Làng nghề mai cảnh Trung Định và một số làng nghề lân cận trên địa bàn xã Nhơn An để xây dựng thí điểm và triển khai thực hiện từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phó Chủ tịch Mai Xuân Tiến chia sẻ thêm, thực hiện Đề án này, thị xã rất mong sự hỗ trợ nguồn vốn ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng làng nghề và liên kết các khu điểm du lịch quan trọng khác theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định, để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình đầu tư các dự án phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. UBND tỉnh Bình Định sớm ban hành thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh khi có Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh.
Cùng đó, thị xã An Nhơn cần sự phối hợp của Sở Du lịch Bình Định để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án, nhất là phối hợp, hỗ trợ chuyên môn; hỗ trợ xây dựng tour, tuyến du lịch đến các làng nghề gắn kết hoạt động du lịch và khai thác thị trường khách du lịch; hỗ trợ công tác tổ chức đào tạo, phát triển nhân lực phục vụ du lịch làng nghề; hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và đẩy mạnh hoạt động liên liên kết, xây dựng thương hiệu và phát triển các dịch vụ du lịch phục vụ du khách. (thanhtra.com.vn)

Rừng cây Kơ nia trăm năm tuổi hiếm có giữa đồng bằng

Kơ nia là loại cây mang đặc trưng của vùng núi rừng Tây Nguyên, tuy nhiên tại thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn của tỉnh Bình Định lại có khu rừng kơ nia hơn trăm năm tuổi. Người dân chăm sóc, bảo vệ và xem khu rừng này là "báu vật" của làng.
Những tán lá xanh um, tỏa bóng mát rượi, che chở cho cả một vùng đất rộng lớn. Thân cây Kơ nia to lớn, vững chãi, với đường kính có thể lên đến vài mét. Trong hiểu biết của nhiều người, cây Kơ nia là loài cây đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên và được mệnh danh là cây "cô đơn" khi chúng thường mọc riêng lẻ. Tuy nhiên ở thôn Hòa Mỹ thì cây Kơ nia lại mọc thành rừng với hơn 30 cây có tuối đời hơn trăm năm.
Từ ngày xưa, người dân thôn Hòa Mỹ đã xem rừng Kơ nia là khu rừng cấm, dân làng và người lạ đều không được xâm hại. Và cho đến tận bây giờ người dân thôn Hòa Mỹ vẫn giữ quy luật bất thành văn là không được chặt phá cây. Ai vi phạm sẽ bị phê bình, kiểm điểm và nêu tên trong các họp thôn. Người lớn truyền lại cho lớp trẻ, phải giữ gìn cây kơ nia như một báu vật của làng.
Rừng cây Kơ nia không chỉ có giá trị về mặt sinh thái, mà còn mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh sâu sắc đối với người dân địa phương. Chính quyền địa phương cũng đã có nhiều biện pháp để khuyến khích người dân bảo tồn, phát triển rừng Kơ nia, nhằm gìn giữ báu vật thiên nhiên quý giá này cho các thế hệ mai sau. (vtv.vn)

Bình Định: Hơn 3.000 tỷ đồng thực hiện dự án xây dựng nhà ở chung cư hỗn hợp

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Tiêu chí đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án xây dựng nhà ở chung cư hỗn hợp tại khu đất số 72B, đường Tây Sơn, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).
Theo đó, khu đất đấu giá có diện tích 7.094m2. Phía Đông giáp đường Tây Sơn; phía Tây giáp khu dân cư; phía Nam giáp đường đường Bế Văn Đàn; phía Bắc giáp đường Tống Phước Phổ.
UBND tỉnh cho biết, chức năng sử dụng khu đất là đất ở để xây dựng nhà chung cư hỗn hợp với mật độ xây dựng 63,14%. Dự án bao gồm tối đa 4 tầng hầm, 35-46 tầng nổi (chưa bao gồm tầng tum, tầng kỹ thuật, tầng lánh nạn). Tổng số căn hộ tối đa 1.298 căn (trung bình 65m2/căn). Kinh phí thực hiện cho dự án là 3.178,31 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất).
Về hình thức sử dụng đất, Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với diện tích 6.307,5m2 đất ở để xây dựng nhà ở chung cư hỗn hợp. Đất giao thông - hạ tầng kỹ thuật (vỉa hè ngoài ranh thực hiện dự án) là 786,5m2, Nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết 1/500 đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt (Nhà nước không giao đất, không cho thuê đất và không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất sẽ theo giá do UBND tỉnh quyết định. (baoxaydung.com.vn)

Cục Thuế Bình Định tìm ra 30 chủ nhân hóa đơn may mắn quý 3

Chiều ngày 24/10/2024, nhằm khuyến khích người mua có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ, và biết đến việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của Cơ quan thuế, dưới sự giám sát của Hội đồng, Cục Thuế Bình Định tổ chức quay số hóa đơn may mắn quý 3/2024.
Theo đó, có 1 giải nhất trị giá 10 triệu đồng thuộc về người nộp thuế Nguyễn Hà Minh Kha (MST 8339997134). 4 giải nhì mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải ba mỗi giải trị giá 4 triệu đồng và 20 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 2 triệu đồng. (taichinhdoanhnghiep.net.vn)

Bình Định: Đẩy mạnh phong trào thi đua hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn vừa ký ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh nhằm chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2025 và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX với mục tiêu “Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ hiện đại”, chủ đầu tư, các Sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cần thực hiện các nội dung: Thi đua lao động sáng tạo, hoàn thành đúng tiến độ, vượt kế hoạch, đảm bảo chất lượng các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh; Thi đua thi công, tư vấn giám sát bảo đảm chất lượng, khối lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, tạo cảnh quan không gian phát triển của dự án sau khi hoàn thành; Thi đua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo thuận lợi, khắc phục phiền hà và giảm chi phí cho công trình; Thi đua nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, phương pháp quản lý hiện đại trong thiết kế, thi công, xây dựng, khai thác và quản lý các dự án giao thông trọng điểm; Thi đua tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, chấp hành tốt chủ trương, tích cực tham gia giải phóng mặt bằng cho các dự án giao thông tại địa bàn cư trú...
Theo kế hoạch, phong trào thi đua cao điểm sẽ được triển khai thực hiện từ tháng 11/2024, sơ kết vào tháng 4/2025 và tổng kết vào tháng 10/2025. (baoxaydung.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây