Bình Định đề xuất bổ sung quy hoạch Khu bến Cảng Phù Mỹ
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng, Quy hoạch tỉnh Bình Định được phê duyệt có xác định nghiên cứu điều chỉnh tách bến cảng Phù Mỹ thành Khu bến Phù Mỹ và Khu bến Hoài Nhơn. Tuy nhiên, theo Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó không có nội dung điều chỉnh quy hoạch các cảng biển thuộc cảng biển Bình Định.
Để tạo điều kiện cho các Nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng cảng biển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, UBND tỉnh Bình Định kính đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch Khu bến cảng Phù Mỹ vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khi rà soát Quy hoạch theo định kỳ 5 năm.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Định, Khu bến Cảng Phù Mỹ có quy mô 1.442,7ha với tính chất là khu chức năng (công trình giao thông - cảng biển) gắn liền với Khu công nghiệp tập trung, đa ngành, tăng cường thu hút các loại hình công nghiệp phù hợp với định hướng cho Khu công nghiệp Phù Mỹ. Dự kiến, giai đoạn đến năm 2030, khu bến sẽ có 02 cầu cảng chuyên dùng sản phẩm hydrogen xanh, amoniac xanh; tiếp nhận tàu trọng tải 150.000 tấn; 01 cầu cảng hàng lỏng chuyên dùng tiếp nhận sản phẩm xăng dầu, LNG, Jet, sản phẩm hóa dầu; tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn; 01 cầu cảng chuyên dùng hàng rời, tiếp nhận tàu trọng tải 70.000 - 100.000 tấn và 05 cầu cảng tổng hợp bốc xếp hàng hóa tổng hợp, bao kiện, container, vật tư thiết bị, tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 - 100.000 tấn. Dự báo sơ bộ khối lượng hàng hóa thông qua bến cảng giai đoạn đến 2030 khoảng 2,6 triệu tấn/năm; bao gồm: hàng lỏng (hydrogen, amoniac), vật tư, thiết bị, bao kiện, hàng rời.
Giai đoạn sau 2030, khu bến sẽ có thêm 04 cầu cảng tổng hợp, vật tư cho tàu trọng tải 30.000 - 70.000 tấn và 01 cầu cảng cho đội tàu phục vụ, lai dắt chiều dài 120m. Dự báo sơ bộ khối lượng hàng hóa thông qua bến cảng giai đoạn 2030 - 2050 khoảng 16,6 triệu/năm; bao gồm: hàng lỏng (hydrogen, amoniac, LNG, xăng dầu, sản phẩm hóa dầu), hàng tổng hợp, container, vật tư, thiết bị, bao kiện, hàng rời, thiết bị chuyên dùng năng lượng. (baotainguyenmoitruong.vn)
Bình Định còn 155 đơn vị hành chính cấp xã
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1257/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Quy Nhơn. Toàn bộ diện tích tự nhiên 0,97km2, quy mô dân số 17.954 người của phường Lê Hồng Phong và toàn bộ diện tích tự nhiên 0,69km2, quy mô dân số 9.311 người của phường Lý Thường Kiệt sẽ nhập vào phường Trần Phú. Sau khi nhập, phường Trần Phú có diện tích tự nhiên 2,32km2 và quy mô dân số 38.806 người.
Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 0,47km2, quy mô dân số 10.001 người của phường Trần Hưng Đạo và toàn bộ diện tích tự nhiên 0,57km2, quy mô dân số 14.090 người của phường Lê Lợi vào phường Thị Nại. Sau khi nhập, phường Thị Nại có diện tích tự nhiên 2,94km2 và quy mô dân số 36.458 người.
Sau khi sắp xếp, thành phố Quy Nhơn có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 phường và 5 xã.
Nghị quyết số 1257 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định thành lập thị trấn Cát Khánh thuộc huyện Phù Cát (Bình Định). Theo đó, thị trấn Cát Khánh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 30,74km2 và quy mô dân số 17.358 người của xã Cát Khánh. Sau khi thành lập thị trấn, huyện Phù Cát có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 3 thị trấn.
Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Bình Định có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố; 155 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 115 xã, 28 phường và 12 thị trấn. (nongnghiep.vn)
Bình Định: Huy động nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định, đến nay, Bình Định có 113 xã tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có 91 xã hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; 24 xã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 6 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (đạt tỷ lệ 54,54%).
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trong giai đoạn 2023-2024, vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 159/159 xã, phường, thị trấn; 1.116/1.116 thôn, làng, khu phố; giúp gần 82.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và diện mạo nông thôn của Bình Định. Trong đó, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã được đầu tư đồng bộ, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, hệ thống chính trị tại địa phương ngày càng vững mạnh, đảm bảo an ninh và trật tự xã hội./. (baokiemtoan.vn)
Tổng cục Chính trị kiểm tra kết quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị tại Bình Định
Ngày 4-11, đoàn công tác của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến hành kiểm tra toàn diện kết quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT) và một số mặt công tác quân sự tại Bộ CHQS tỉnh Bình Định.
Theo đó, đoàn đã kiểm tra kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Quân ủy Trung ương, chỉ thị, kế hoạch; tổ chức các mặt CTĐ, CTCT năm 2024; việc duy trì nền nếp hoạt động, hệ thống văn kiện, sổ sách CTĐ, CTCT; kết quả công tác nắm, báo cáo tình hình; duy trì khả năng SSCĐ của đơn vị; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn kiện tác chiến; kết quả huấn luyện, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật...
Phát biểu kết luận cuộc kiểm tra, Đại tá Tống Văn Thanh yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp thu, lĩnh hội các nội dung mà đoàn công tác đã chỉ ra. Nhất là, công tác nắm, quản lý tư tưởng, giáo dục chính trị cho bộ đội phải thực chất, có chiều sâu; thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; phát huy truyền thống cách mạng của vùng đất địa linh, nhân kiệt, cán bộ, chiến sĩ chủ động khắc phục khó khăn; cấp ủy, chỉ huy các cấp bám sát thực tiễn, linh hoạt, có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đối với các kiến nghị đề xuất của đơn vị, đoàn công tác đã ghi nhận và sẽ kiến nghị tới các cơ quan chức năng có liên quan, có văn bản trả lời theo đúng quy định. (qdnd.vn)
Bình Định: Chuẩn bị quỹ đất từ 20 - 30ha để sẵn sàng phục vụ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp
Văn phòng UBND tỉnh vừa truyền đạt thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng về tình hình thực hiện các chỉ tiêu đầu tư, phát triển cụm công nghiệp 9 tháng năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, địa phương liên quan và chủ đầu tư các cụm công nghiệp tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung chủ yếu nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu được giao trong năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương thành lập Tổ Công tác liên ngành làm việc với các địa phương và chủ đầu tư các cụm công nghiệp để rà soát, đánh giá tổng thể kết quả thực hiện cả năm và Kế hoạch đầu tư, phát triển năm 2025; báo cáo và tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu đầu tư, phát triển cụm công nghiệp năm 2025 vào đầu tháng 12/2024. Đồng thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho nhà đầu tư; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh đối với những nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh.
Khẩn trương rà soát, đôn đốc các địa phương có Kế hoạch kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư; đồng thời, chủ động đánh giá, lựa chọn những nhà đầu tư thật sự có năng lực, kinh nghiệm để triển khai thực hiện dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động làm việc với các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp để xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn; tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, kịp thời bàn giao mặt bằng sạch để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.
“Rà soát, có kế hoạch bố trí kinh phí đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp do đơn vị thuộc UBND cấp huyện tiếp tục làm chủ đầu tư; tổ chức kêu gọi, thu hút đầu tư đối với các cụm công nghiệp chuyển đổi chủ đầu tư; khẩn trương kêu gọi nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào những cụm công nghiệp có trong quy hoạch; Chuẩn bị quỹ đất từ 20 - 30ha để sẵn sàng phục vụ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư các cụm công nghiệp khẩn trương triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 được UBND tỉnh giao; chủ động xây dựng Kế hoạch và cam kết cụ thể các nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2024 và kế hoạch năm 2025. Rà soát, đề xuất giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phải hợp lý để sớm thu hút được nhà đầu tư thứ cấp đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; chủ động tổ chức xúc tiến thu hút đầu tư; phối hợp với các Sở, ngành hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp thực hiện oàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư, triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ đề ra.
Chủ đầu tư các cụm công nghiệp cần phối hợp các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí kinh phí kịp thời để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ngay khi Phương án bồi thường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Riêng Cụm công nghiệp Tân Tường An, đề nghị Nhà đầu tư nhanh chóng chuyển kinh phí cho địa phương để chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, theo Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được phê duyệt. (baoxaydung.com.vn)
Bình Định hiện thực hoá phát triển công nghiệp hỗ trợ hài hòa, bền vững
Thực hiện Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bình Định đã đề ra những nhiệm vụ giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX là “Bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo với hàm lượng khoa học công nghệ cao, tăng tỷ lệ nội địa hóa; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ...”.
Để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Bình Định áp dụng khung chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; Chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Thời gian tới Bình Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và xu hướng phát triển của quốc gia và của thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp ưu tiên: điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất linh kiện ô tô, dệt may, da giày, chế biến gỗ, hóa chất và dược phẩm, công nghiệp công nghệ cao. Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở lợi thế cạnh tranh của tỉnh, nhằm thu hút đầu tư, tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trong các lĩnh vực này.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ hài hòa, bền vững giữa các ngành công nghiệp, lấy phát triển chiều sâu làm trọng tâm, với các ưu tiên đột phá để tạo ra các mũi nhọn cho phát triển công nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững và thân thiện môi trường. Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở xã hội hóa nguồn lực, đặc biệt từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh.
Đồng thời, tỉnh Bình Định sẽ điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; ưu tiên thu hút các dự án lớn, đặc biệt từ nguồn vốn FDI, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có suất đầu tư trên một đơn vị diện tích lớn. Tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, công nghệ hiện đại vào các ngành công nghiệp ưu tiên của tỉnh như: công nghiệp chế biến, chế tạo (chế biến gỗ, dệt may, thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, sản phẩm công nghệ sinh học), công nghiệp hỗ trợ (sản xuất linh kiện điện tử), công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp năng lượng, vật liệu mới.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Định, Sở Công Thương Bình Định đề xuất Bộ Công Thương quan tâm, hỗ trợ tỉnh Bình Định tham gia Đề án thí điểm đầu tư các cụm công nghiệp tập trung theo mô hình cụm liên kết ngành sản xuất các nguyên phụ liệu quan trọng ngành may mặc (theo Quyết định số 2793/QĐ-BCT ngày 30/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương). Hiện nay, Bình Định có tổng công suất 150 triệu sản phẩm may mặc/năm; lao động 35.000 người.
Ngoài ra, đưa tỉnh Bình Định vào Chương trình phát triển cơ khí trọng điểm Quốc gia, định hướng thu hút đầu tư các nhà máy sản xuất chế tạo máy cơ khí và phụ tùng; đồng thời, tham gia chuỗi sản phẩm phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Hỗ trợ Bình Định trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Định và các tỉnh trong khu vực như chế biến gỗ, đá, thủy sản, may mặc... theo quy định tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. (baoxaydung.com.vn)