Bình Định khởi động siêu dự án 4,6 tỷ USD, hứa hẹn thu 1.600 tỷ/năm vào ngân sách
Ngày 22/10, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã có buổi làm việc với Tập đoàn PNE, một trong những tập đoàn năng lượng lớn đến từ Đức, để thảo luận về kế hoạch triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh này.
Dự án có công suất lên đến 2.000MW, với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 4,6 tỷ USD. Đây là dự án điện gió quy mô lớn được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Chỉ riêng dự án điện gió ở Bình Định, nếu được triển khai và đi vào vận hành, mỗi năm dự án sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện cho hệ thống lưới điện quốc gia góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế địa phương và khu vực.
Hàng năm, ngân sách Bình Định sẽ thu về khoảng 1.600 tỷ đồng từ dự án, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu ngân sách địa phương và hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 đã được phê duyệt.
Việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi cũng là những điểm nhấn để du khách tham quan, du lịch, góp phần tăng cường bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển của Tổ quốc. (kinhtechungkhoan.vn)
Bình Định: Sẵn sàng quỹ đất thu hút dự án vào lĩnh vực công nghệ cao
Hiện nay, tỉnh Bình Định hướng đến việc phát triển kinh tế đi kèm với yếu tố bền vững. Do đó, tỉnh đang ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh.
Năm 2024 được xem là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, tỉnh Bình Định tập trung hướng đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tỉnh, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư phục hồi, phát triển.
Bình Định đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển và trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định kết nạp Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Bình Định là thành viên Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung.
Theo ông Nguyễn Bay- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bình Định nhìn nhận với nền tảng này, tỉnh đã thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, xây dựng trung tâm trí tuệ nhân tạo và liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỉnh tập trung phát triển các cụm ngành kinh tế quan trọng theo hướng xanh hóa; tăng cường sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất, sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng; tập trung đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực để cải thiện, giải quyết các vấn đề môi trường, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định cũng thường xuyên đôn đốc, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp (CCN), nhằm đảm bảo diện tích đất sạch sẵn sàng thu hút đầu tư các dự án mới theo chủ trương của tỉnh. (thoibaotaichinhvietnam.vn)
Hội tụ tiềm năng, bứt phá du lịch Bình Định - Bài 1: Tiềm năng du lịch biển thành kinh tế mũi nhọn
Chưa hết năm 2024, Bình Định đã vượt kế hoạch đề ra, phát triển đột phá về du lịch. Tỉnh này đang quyết tâm phát huy tối đa tiềm năng, kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại phát sinh để đưa du lịch phát triển bền vững, xanh…
Ông Trần Văn Thanh – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, phát huy tiềm năng thế mạnh của mình, ngành du lịch đang nỗ lực để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo các định hướng chiến lược của tỉnh, là điểm đến ấn tượng của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Chỉ riêng năm 2024 Sở Du lịch đã chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy du lịch tỉnh nhà và các địa phương phát triển.
Theo ông Thanh, giai đoạn 2016-2020, doanh thu du lịch của tỉnh đã tăng vượt bậc 55%/năm; gấp đôi mức 29%/năm của giai đoạn 2010 – 2015.
Lượng khách tới tỉnh tăng mạnh từ 0,97 triệu lượt năm 2010 lên 4,8 triệu lượt khách năm 2019. Tỉnh đặt mục tiêu, đến năm 2025, Bình Định trở thành "thủ phủ du lịch nghìn tỷ đồng", dự kiến đón trên 8 triệu lượt khách, doanh thu trên 13.000 tỷ đồng.
Mục tiêu không còn xa vời, bởi ngay trong 9 tháng năm 2024, ngành du lịch đón trên 8 triệu lượt khách, tăng 87,5% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 147% so với kế hoạch năm 2024; doanh thu đạt 22.794,6 tỷ đồng, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Con số "biết nói" này đã chứng minh cho sự phát triển không ngừng của ngành du lịch tỉnh Bình Định. (nguoiduatin.vn)
Bình Định: Chương trình MTQG tạo chuyển biến tích cực trong đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi
Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã đầu tư hơn 600 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân vùng đồng bào DTTS, với tổng kinh phí trên 1.172 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác của Trung ương và địa phương. Những công trình được đầu tư tập trung ở vùng đặc biệt khó khăn đã cơ bản giải quyết được nhu cầu bức thiết của người dân.
Bên cạnh xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các địa phương miền núi trong tỉnh Bình Định còn tập trung giải ngân nguồn vốn Dự án 1 (Chương trình MTQG 1719), nhằm hỗ trợ cho hộ nghèo có điều kiện xây dựng mới nhà ở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Theo ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, mục tiêu tỉnh đặt ra trong thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2025 là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3% - 4%; giữ vững 100% xã có đường ô tô được nhựa, bê tông hóa đến trung tâm xã; trên 95% đường ở thôn được bê tông hóa, cứng hóa; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ DTTS hộ nghèo… Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình. (baodantoc.vn)
Cô gái vùng cao khởi nghiệp với sản vật quê hương
Sau khi tốt nghiệp đại học, chị Đỗ Thị Thu Thảo quyết định trở về và bắt đầu hành trình khởi nghiệp đầy thử thách. Với niềm tin vào tiềm năng và sự ưu đãi của thiên nhiên tại địa phương, chị mạnh dạn đầu tư và xây dựng thương hiệu riêng với các sản vật quê hương như: mật ong rừng tự nhiên, rượu sim rừng, tinh bột nghệ, trà thảo mộc chè dây, chè dum, sả rừng… Các sản phẩm này hầu hết đều có thể hỗ trợ sức khỏe, tăng cường đề kháng.
Với sự kiên trì, quyết tâm, chị đã biến khó khăn thành động lực để đưa sản vật quê hương đến gần hơn với cộng đồng. Đặc biệt, việc đạt được chứng chỉ OCOP 3 sao do UBND H.An Lão chứng nhận cho các sản phẩm minh chứng cho sự nghiêm túc, hết mình vì giấc mơ khởi nghiệp của chị. Ngoài ra, các sản phẩm khác của chị Thảo đang được trưng bày ở nhiều điểm du lịch, homestay.
Anh Đinh Văn Nghin, Bí thư Huyện đoàn An Lão, nhận xét: "Chị Thảo là một gương mặt thanh niên trẻ đầy tiềm năng và nhiệt huyết của huyện nhà, luôn nỗ lực học hỏi những điều mới, giao lưu chia sẻ kiến thức cùng các bạn trẻ. Chị luôn biết cách vượt qua mọi rào cản để chinh phục ước mơ mang sản vật quê hương đi khắp nơi".
Nhờ những nỗ lực kể trên, mới đây chị Thảo đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định trao bằng tri ân "Vì những đóng góp tích cực trong hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế phụ nữ, góp phần xây dựng người phụ nữ VN thời đại mới". Chị Thảo tâm sự: "Khởi nghiệp là một hành trình dài đầy thử thách, đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm. Khi khám phá ra điều gì thực sự yêu thích, thì hãy hành động. Hãy biến đam mê của mình thành hiện thực. Các bạn hãy luôn học hỏi, trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết trước khi bắt tay vào thực hiện ước mơ". (thanhnien.vn)
Ngư dân gặp khó trước quy định về kích cỡ cá ngừ vằn được phép khai thác
Nghị định 37/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành với mục tiêu góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, tại Bình Định, ngư dân đang gặp khó vì “vướng” quy định tại phụ lục V của Nghị định về kích thước cá ngừ vằn được phép đánh bắt (chiều dài nhỏ nhất cho phép đánh bắt là 500mm).
Theo thống kê, hiện tại, thị xã Hoài Nhơn có gần 600 tàu cá với khoảng 7.200 lao động hoạt động nghề lưới vây khai thác cá ngừ vằn; sản lượng mỗi năm đạt hơn 45.000 tấn. Nhiều ngư dân có “của ăn, của để” nhờ nghề này giờ lại phải “dở khóc, dở cười” vì đầu ra không có, giá cá ngừ vằn đạt chuẩn thì giảm mạnh, chỉ còn dao động ở mức 12.000-17.000 đồng/kg.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công cho biết, thực tế cho thấy, cá ngừ vằn mà ngư dân khai thác được chủ yếu có kích cỡ từ 300-400mm, còn kích cỡ từ 500mm trở lên chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng của một phiên biển. Từ khi Nghị định 37 ra đời, địa phương không có cơ sở để xác nhận đối với loại cá không đạt yêu cầu.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định thông tin, việc các tàu cá nằm bờ làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống của một bộ phận ngư dân là chủ tàu, thuyền viên. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã có Văn bản số 3116 về việc kiến nghị sửa đổi một số nội dung của Nghị định 37. Để đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân, Sở cũng đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xem xét, căn cứ đặc điểm sinh học của loài cá ngừ vằn và các loài thủy sản khác để rà soát, xem xét lại quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác loài cá ngừ vằn và các loài thủy sản khác sống trong vùng nước tự nhiên. (baotintuc.vn)
VKSND TP Quy Nhơn trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm
VKSND TP Quy Nhơn (Bình Định) vừa tiến hành trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tại Cơ quan CSĐT Công an TP Quy Nhơn và Công an các phường Thị Nại, Ghềnh Ráng, Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn).
Đoàn kiểm sát trực tiếp do đồng chí Dương Văn Nhất - Phó Viện trưởng VKSND TP Quy Nhơn làm Trưởng đoàn, cùng các thành viên là Kiểm sát viên của đơn vị và đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Quy Nhơn.
Qua trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan CSĐT Công an TP Quy Nhơn và Công an các phường, Đoàn kiểm sát nhận thấy Cơ quan CSĐT Công an TP Quy Nhơn và Công an các phường đã thực hiện nghiêm túc công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Tuy nhiên, Đoàn kiểm sát cũng phát hiện và chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót của Cơ quan CSĐT Công an TP Quy Nhơn và Công an các phường trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm như: chưa phân loại đúng tố giác, tin báo về tội phạm; một số tin báo còn chậm thụ lý giải quyết; xác định không đúng tư cách của những người tham gia tố tụng khi lấy lời khai; chưa thực hiện đúng quy định về gia hạn thời hạn giải quyết nguồn tin; chưa thông báo kết luận giám định, kết luận định giá theo quy định.
Kết thúc cuộc kiểm sát, đồng chí Dương Văn Nhất đánh giá cao những kết quả đạt được của Cơ quan CSĐT Công an TP Quy Nhơn và Công an các phường, đồng thời yêu cầu khắc phục kịp thời những vi phạm, hạn chế. (baovephapluat.vn)