Dự lễ hội còn có các đồng chí nguyên là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) và dòng họ Đào Việt Nam cùng đông đảo khách thập phương và nhân dân địa phương.
Theo sử sách ghi chép, Đào Duy Từ, tên tự là Lộc Khê, sinh năm Nhâm Thân (1572), tại làng Hoa Trai (sau đổi tên là làng Nổ Giáp), xã Vân Trai, huyện Ngọc Sơn, Phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoá (nay là Tổ dân phố Nổ Giáp, phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá).
Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn Mai Sỹ Lân trình bày diễn văn khai mạc lễ hội.
Thửa nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, học giỏi, nhưng khi tham dự các kỳ thi Hương của triều Lê, ông đều bị “gạt tên” vì là con nhà hát xướng. Tuy nhiên, ông đã tự dựng nhà, đọc sách, am hiểu sâu sắc kiến thức Nho, Phật, Lão. Tại núi Nang ở quê nhà, ông đã viết cuốn “Ngoạ Long cương vãn” để biểu đạt hoàn cảnh xã hội thực tại khi vua Lê mất thực quyền, họ Nguyễn vào Nam mưu nghiệp lớn.
Năm 1625, Đào Duy Từ rời quê hương, lặn lội hàng trăm dặm để tìm minh chủ và gây dựng sự nghiệp ở đất Tùng Châu, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn (nay là khu phố Ngọc Sơn Bắc, phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).
Khi mới vào Nam, do hoàn cảnh khó khăn, ông phải đi ở, làm nhiều công việc để kiếm sống. Mặc dù vậy, Đào Duy Từ vẫn gắng công học tập, tu luyện đức tài. Danh tiếng của ông lan xa, nức tiếng là thông kim - bác cổ. Tài năng của ông đã lan truyền đến Phủ Chúa và ông được tiến cử cho Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Sau cuộc gặp gỡ với Đào Duy Từ, Chúa Sãi trọng dụng và phong ngay cho ông chức Nha uý Nội tán tước Lộc Khê hầu, trông coi việc quân cơ trong, ngoài và tham lý quốc chính. Ông đã đem hết tài năng phò chúa Nguyễn, được Chúa Nguyễn đánh giá: “Duy Từ quả là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay”.
Chỉ trong thời gian ngắn 8 năm, Đào Duy Từ đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, quân sự và văn học nghệ thuật, là một nhân vật lịch sử lớn của thế kỷ XVII ở nước ta, được ca ngợi là một tài năng “Kinh bang hoa quốc, thống nhất xã thư”.
Đặc biệt, ông đã giúp Đại Việt trở nên vững mạnh ở Đàng Trong về chính trị, quân sự, trật tự xã hội và kinh tế; tạo thế và sức mạnh vững chắc để mở mang bờ cõi Đại Việt về phía Nam, định hình cơ bản lãnh thổ Việt Nam như ngày nay. Ông cũng là một trong những người đặt nền móng cho các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, giáo dục, khoa học Đàng Trong phát triển trên cơ sở bản sắc của bản địa, tiếp thu tinh hoa Đại Việt, hình thành nên bản sắc văn hóa Đàng Trong.
Đào Duy Từ mất ngày 17/10 âm lịch năm Giáp Tuất (1634), hưởng thọ 63 tuổi. Sau khi ông mất, chúa Nguyễn Phúc Nguyên phong tước hiệu “Hiệp đồng mưu đức công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc Đại phu, Thái Thường Tự Khanh, tước Lộc Khê Hầu; ban tên thụy là Trung Lương và cho đưa về táng tại Tùng Châu, phủ Hoài Nhơn (nay là phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) và sắc lập đền thờ. Năm thứ 9 đời Gia Long đã tôn ông là đệ nhất công thần nhà Nguyễn, đưa về Thái miếu để thờ chung với các chúa Nguyễn.
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được truy phong Khai Quốc công thần Đặc Tiến Vinh Lộc Đại Phu, Đông các Đại học sĩ Thái sư và được phong tước Hoằng Quốc Công. Năm 1939, Đào Duy Từ được vua Bảo Đại truy phong là “Khai Quốc công thần, Đặc tiến Vinh Lộc, Đông các Đại học sĩ, Thái Sư, Hoằng Quốc Công, Trác vĩ Thượng đẳng thần”; truyền cho dân làng Nổ Giáp đem kiệu lên ga Văn Trai đón rước sắc và lập Đền thờ Đào Duy Từ trên quê hương mình.
Năm 2024, Lễ hội Đền thờ Thái sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ được tổ chức với các nội dung: Lễ rước kiệu Thái sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ; trình tấu chúc văn; khai chuông, khai trống; diễn văn tưởng nhớ 390 năm Ngày mất Thái sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ.
Đại diện lãnh đạo thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) tặng quà lưu niệm cho UBND thị xã Nghi Sơn.
Nhân dịp này, thị xã Nghi Sơn cũng tổ chức cắt băng khánh thành dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Đền thờ Thái sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ giai đoạn 2.
Đồng chí Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và các đại biểu cắt băng khánh thành dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Đền thờ Thái sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ giai đoạn 2.
Cùng với đó, thị xã Nghi Sơn tổ chức chương trình nghệ thuật sân khấu hóa nhân vật lịch sử Đào Duy Từ với chủ đề: “Thái sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ - Đệ Nhất Khai Quốc công thần” gồm có 3 chương: Chương I: Ngọc Sơn linh thiêng, hun đúc hiền tài. Chương II: Cánh chim vượt gió, rạng rỡ trời Nam. Chương III: Khát vọng quê hương.
Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa nhân vật lịch sử Đào Duy Từ với chủ đề: “Thái sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ - Đệ Nhất Khai Quốc công thần”.
Chương trình nghệ thuật nhằm tri ân công đức của Thái sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ, nhà chính trị, quân sự, văn hoá của đất nước vào thế kỷ XVII; đồng thời tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hình ảnh thị xã Nghi Sơn với vị trí chiến lược quan trọng, giàu tiềm năng, thế mạnh phát triển mạnh mẽ, toàn diện về nhiều lĩnh vực, hướng tới xây dựng thành phố Nghi Sơn “thông minh - xanh - bền vững” - tự tin trong khát vọng vươn lên.
—
Một số hình ảnh Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa nhân vật lịch sử Đào Duy Từ với chủ đề: “Thái sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ - Đệ Nhất Khai Quốc công thần”:
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 17.11.2024
Nguồn: BAOTHANHHOA.VN