Phù điêu nữ thần Mahishasura Mardini: Bảo vật quốc gia “xuất ngoại” triển lãm ở trời Âu
Nhắc đến nữ thần Mahishasura Mardini, thần thoại Ấn Độ nhắc đến vị này là một biểu tượng của sắc đẹp, quyền uy và tập hợp tất các yếu tố tinh tế tuyệt vời từ các vị thành khác tạo thành. Nữ thần Mahishasura Mardini là chị của thần Krishna, vợ của thần Shiva và còn có tên gọi là Uma, Parvati, Durga, Devi, Sati, Kali..., vị thần được sinh để trừ tất cả ma quỷ đe dọa thế gian.
Phù điêu Nữ thân Mahishasura Mardini tại Bảo tàng Bình Định.
Bà được sinh ra từ sự kết hợp sức mạnh, năng lượng của các vị thần khác, nên được tất cả các yếu tố tinh tế tuyệt vời của các vị thần. Thần Shiva (thần hủy diệt, sinh sôi và phát triển) cho nữ thần cây đinh ba của mình; Varuna ( thần nước, vua của đại dương) cho bà chiếc tu và ốc, thần Pavana cho cây cung và bao đựng mũi tên, thần Indra (thần sấm sét) cho lưỡi tấm sét, thần Yama (thần cai quản địa ngục) cho cây gậy, thần Brahama (thần tạo hóa) cho bình nước. Các vũ khí được giấu vào tay, nữ thần cưỡi con sư tử và diệt trừ được quỷ đầu trâu Mardini.
Phù điêu được trưng bày tại phòng văn hóa Champa tại Bảo tàng Bình Định.
Phù điêu nữ thần Mahishasura Mardini hiện trưng bày trong phòng về văn hóa Champa tại Bảo tàng tỉnh Bình Định. Phù điêu thể hiện nữ thần tràn đầy sức sống, đứng múa trên lưng hai con thủy quái Makara. Nữ thần đội mũ Kirita hai tầng, khuôn mặt thanh tú, mũi thấp, miệng cười nhẹ, cổ đeo vòng trang sức, ngực căng tròn.
Nữ thần được được tạo hình sống động, lôi cuốn. Ảnh: Bảo tàng Bình Định
Phần thân và mông hơi vặn nghiêng về bên trái đỡ thân thon gọn, bụng quấn khố hạt chuỗi và một tà sampot mỏng buông xuống gót chân, lượn theo bước nhảy. Bắp đùi thon thả, với hai chân hơi chùng xuống, hai đầu gối khuỳnh cân đối, bàn chân nhón gót nâng cao trong tư thế đang múa sống động.
10 cánh tay từ thân tỏa ra cân đối phía sau. Ảnh: Bảo tàng Bình Định
10 cánh tay từ thân tỏa ra cân đối phía sau, những cánh tay thon tròn, cổ tay và cánh tay đeo vòng trang sức. 2 tay chính gồm tay trái chống vào sườn, bàn tay đặt ngược trên hông và tay phải buông xuôi, giơ ra phía trước, trong tay cầm vũ khí hình con ốc. 8 cánh tay phụ phía sau lưng từ vai tỏa đều ra, khá cân đối.
Tay của nữ thần cầm vũ khí hình con ốc.
Theo thuyết minh viên của Bảo tàng Bình Định, phù điêu nữ thần Mahishasura Mardini được phát hiện năm 1989 tại phế tích tháp Rừng Cấm, thuộc thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tác phẩm điêu khắc là bộ phận trang trí vòm cửa (tym - pan) ra vào lòng kiến trúc, được chế tác hình vòng cung nhọn có kích thước lớn.
|
Phù điêu nữ thần Mahishasura Mardini được đặt trong phòng trưng bày Không gian văn hóa Champa – Bảo tàng tỉnh Bình Định. Nếu du khách có dịp tìm hiểu bảo tàng, trong rất nhiều hiện vật ở đây, du khách sẽ ấn tượng ngay với phù điêu nữ thần Mahishasura Mardini vì sự sống động, tạo hình nổi bật.
Phòng trưng bày không gian văn hóa Champa tại Bảo tàng Bình Định, nhìn từ xa phù điêu nữ thần Mahishasura Mardini nổi bật.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định, cho hay, phù điêu nữ thần Mahishasura Mardini là tác phẩm phù điêu đẹp, được thể hiện hoàn chỉnh về mặt bố cục, độc đáo nhất và lớn nhất được phát hiện từ trước đến nay trong nghệ thuật điêu khắc đá Champa.
Trên bức phù điêu, nữ thần đang đứng trên lưng 2 con thủy quái Makara đang quay ngược đầu nhau, hình tượng được xem là độc nhất vô nhị, đẹp nhất và lớn nhất được tìm thấy. Bố cục hình thể khá hoàn chỉnh, trong mỗi đọng tác múa của nữ thần có sự kết nối, hòa quyện vào nhau, kết hợp với đôi chân nhún nhảy uyển chuyển.
Phù điêu nữ thần Mahishasura Mardini được phát hiện vào năm 1989 tại phế tích tháp Rừng Cấm (Bình Nghi, Tây Sơn). Ảnh: Bảo tàng Bình Định
Theo giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, trong nghệ thuật điêu khắc Chăm, hình tượng nữ thần Mahishura Mardini thường được thể hiện đang múa mừng chiến thắng trên lưng con trâu quỷ Mardini. Riêng bức phù điêu tại Bình Định, nữ thần được tạo hình trong lần hóa thân nổi tiếng nhất, nữ thần đứng trên lưng 2 con thủy quái Makara, múa điệu múa mừng chiến thắng.
Ông Tĩnh thông tin thêm, với sự độc đáo về nội dung cùng những giá trị lớn lao về nghệ thuật, năm 2003, bức phù điêu đã được Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật Viên (Áo) và Bảo tàng Hoàng gia về nghệ thuật và lịch sử Brussels (Bỉ) lựa chọn đưa đi trưng bày với chủ đề "Việt Nam - quá khứ và hiện tại" để bạn bè quốc tế cùng thưởng lãm.
|
|
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 08.12.2024
Nguồn: NGUOIDUATIN.VN