Trưng bày chào mừng 19 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), hướng tới Đại hội Đảng bộ các cấp và Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Ðảng. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương tới dự và cắt băng khai mạc trưng bày.
Hoàng đế Lê Thái Tổ (1385 - 1433), tên húy là Lê Lợi - Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, người sáng lập vương triều Hậu Lê. Ông sinh ra và lớn lên tại vùng đất Lam Sơn (nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
Ngay từ khi còn trẻ, Lê Lợi đã tỏ rõ tư chất thông minh, dũng lược, đức độ hơn người. Năm 1416, Lê Lợi cùng 18 người bạn thân tín mở hội thề Lũng Nhai. Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, xưng là Bình Định Vương, được Nhân dân và hào kiệt khắp nơi hưởng ứng.
Dưới sự lãnh đạo tài tình của chủ tướng Lê Lợi, nghĩa quân Lam Sơn ngày càng phát triển lớn mạnh, trở thành đội quân tinh nhuệ có tổ chức, kỷ luật và gắn bó chặt chẽ với Nhân dân. Sau 10 năm chiến đấu gian khổ, “nếm mật nằm gai”, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã toàn thắng, giang sơn thu về một mối.
Ngày 15/4 năm Mậu Thân (1428), Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, lập ra vương triều Hậu Lê.
Trong thời gian trị vì, vua Lê Thái Tổ đã định luật lệ, chế lễ nhạc, mở khoa thi, đào tạo nhân tài, đặt cấm vệ quân, dựng quan chức, lập phủ huyện, khôi phục kinh tế, phục hồi sản xuất, ban bố ruộng đất bằng chính sách quân điền… Điều này đã mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ, thịnh trị cho quốc gia Đại Việt - triều đại phát triển rực rỡ và tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, triển lãm sử dụng cụ phương pháp trưng bày hiện đại, kết hợp giữa truyền thuyết, lịch sử, kết quả khai quật khảo cổ học…
Nội dung trưng bày giới thiệu về Bình Định Vương Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; sự kiện Hoàng đế Lê Thái Tổ đăng quang và tiến hành tái thiết đất nước; di sản thời Lê và dấu tích một số công trình kiến trúc, hiện vật, sơ đồ, bản đồ tiêu biểu thời Hậu Lê; một số hoạt động tôn vinh, tri ân, phát huy giá trị di tích tưởng niệm vua Lê Thái Tổ và các di tích tiêu biểu - dấu ấn Thăng Long - Hà Nội trong không gian văn hóa Hồ Gươm. Đặc biệt là hoạt động trải nghiệm tái hiện cảnh vua Lê Thái Tổ ngự thuyền rồng trả gươm báu cho rùa thần trên hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm) tại chương trình trải nghiệm tour đêm “Ngọc Sơn đêm huyền bí”.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 18.11.2024
Nguồn: KINHTEDOTHI.VN