Cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn - Bảo vật quốc gia tỉnh Bình Định
Theo thuyết minh viên Bảo tàng Bình Định, ông Trần Ngọc Cúc Cặp sư tử đá được phát hiện năm 1992, tại khu vực Bả Canh, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định), gần tháp Cánh Tiên, thuộc phạm vi thành Đồ Bàn.
Tại địa điểm phát hiện một hố chôn có 3 tượng, trong đó có 2 tượng sư tử cùng tượng Gajashimha (con vật đầu voi, mình sư tử). Cả 3 tượng được đưa về Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao thị xã An Nhơn quản lý.
Năm 1999, những pho tượng này được đưa về trưng bày trong không gian văn hóa Champa tại Bảo tàng tỉnh Bình Định cho tới nay.
Theo ông Cúc, sư tử là một trong mười kiếp hóa thân của thần Vishnu (một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo). Ngoài ý nghĩa tôn giáo, đối với người Chăm, hình tượng sư tử còn là biểu tượng của dòng dõi quý tộc, tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh của các vương triều Champa.
Trong quá trình lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, tỉnh Bình Định thống nhất tên gọi tượng sư tử đá thành Đồ Bàn. Tên gọi này gắn với địa danh nơi phát hiện để tạo thuận lợi cho việc phân tích, so sánh các yếu tố nghệ thuật các tượng sư tử được phát hiện ở các địa phương, như: sư tử Trà Kiệu, sư tử Chánh Lộ, sư tử tháp Mẫm...
|
Theo Bảo tàng Bình Định, cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Champa thể hiện đối xứng, thường đặt đứng hai bên cửa ra vào đền, tháp Chăm.
Cặp tượng sư tử đá này được tạc bằng chất liệu đá sa thạch rất giống nhau, thể hiện là giống đực, có dạng tượng tròn. Mỗi tượng sư tử cao 1,05m, dài 1,2m, lung rộng nhất 0,6m; mỗi tượng nặng khoảng 700kg, trong đó, một tượng phần bệ bị vỡ phần trước, bên phải tượng cũng bị vỡ.
Cặp tượng sư tử thành Đồ Bàn được thể hiện hai chân trước tạc rất ngắn, trong tư thế thẳng; hai chân sau đầu gối gập lại như đang thể hiện tư thế ngồi, phô bộ ngực nở nang, phần bụng nằm sát xuống dưới bệ, tạo sự mất cân đối của cơ thể nhưng vì tỉ lệ chân trước quá ngắn nên sẽ có cảm giác là sư tử đang nằm - đây cũng chính là nét đặc trưng riêng, thể hiện sự khác biệt so với các tượng sư tử Champa được phát hiện từ trước tới nay.
Theo ông Bùi Tĩnh – Giám đốc Bảo tàng Bình Định, đây là hai tượng sư tử được diễn tả khá độc đáo về hình khối trong phong cách thể hiện. Về phong cách nghệ thuật, hai tượng sư tử thành Đồ Bàn thể hiện tính chất hiện thực, trang trí đơn giản, phần môi trên có những đường gờ nổi chạy dọc song song tương đồng với sư tử phong cách Trà Kiệu.
Cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn vẫn mang những nét cơ bản của phong cách Trà Kiệu nhưng cũng bắt đầu có những đặc điểm của phong cách Tháp Mẫm - phong cách Bình Định.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu so sánh với các tượng sư tử khác trong nghệ thuật điêu khắc Champa thì cho đến hiện nay, hai tượng sư tử thành Đồ Bàn được xem là những tượng sớm nhất thuộc phong cách Tháp Mẫm và có tạo hình tư thế độc đáo nhất trong lịch sử điêu khắc tượng sư tử của Champa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang (Bình Định), chia sẻ, 13 bảo vật quốc gia tại Bình Định, trong đó có cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn đều mang phong cách tháp Mẫm. Đặc trưng phong cách tháp Mẫm là thể hình khối căng, to khỏe làm chủ đạo. Điêu khắc giai đoạn này về khối thường to lớn, sự nhấn mạnh về khối trang trí kết hợp với sự thiếu hợp lý trong thể hiện chi tiết đã khiến các tác phẩm thời kỳ này đẹp khỏe mạnh, nhưng trong dữ tợn, kém mềm mại, mang nặng tính biểu tượng nghệ thuật thể hiện.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, điêu khắc đá phong cách tháp Mẫm khá phong phú và độc đáo, là phong cách cuối cùng lớn nhất của nền điều khắc Champa.
Trong khi đó, nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa – Giảng viên Khoa Văn hóa – Nghệ thuật (Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn) chia sẻ, sự độc đáo của cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn – bảo vật quốc gia vừa được công nhận năm 2024, đầu tiên phải kể đến đó là bảo vật độc bản, đẹp. Đây là hai tượng sư tử được diễn tả khá độc đáo về hình khối trong phong cách thể hiện. Cặp tượng sư tử thành Đồ Bàn thể hiện tính chất hiện thực.
|
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 01.12.2024
Nguồn: NGUOIDUATIN.VN