Chiêm ngưỡng 13 bảo vật quốc gia ở Bình Định

Thứ ba - 26/11/2024 15:32 20 0
Nhân ngày Di sản thế giới (23.11), tỉnh Bình Định đã tổ chức buổi lễ công bố hai sư tử đá thành Đồ Bàn được công nhận là bảo vật quốc gia vào đầu năm 2024. Bình Định hiện lưu giữ rất nhiều tượng, phù điêu Champa và từ năm 2015 đến nay, đã có 13 hiện vật tại tỉnh này được công nhận là bảo vật quốc gia.

Dịp này, Bảo tàng tỉnh Bình Định đã có một ngày giới thiệu với công chúng đầy đủ các hiện vật, gồm 8 hiện vật trưng bày ở bảo tàng tỉnh và 5 hiện vật nằm tại thị xã An Nhơn và xã Nhơn Hội (thành phố Quy Nhơn).

Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (bìa phải) trao quyết định công nhận bảo vật quốc gia năm 2024 cho hai sư tử đá thành Đồ Bàn.


Văn hóa Champa trong lòng Bình Định

13 bảo vật quốc gia tại Bình Định là các tác phẩm điêu khắc champa được làm từ sa thạch. Các hiện vật gồm: Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn, phù điêu nữ thần Mahishasura Mardini, phù điêu nữ thần Sarasvati, phù điêu thần Brahma, hai tượng hộ pháp chùa Nhạn Sơn, phù điêu thần hộ pháp Mã Chùa, cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn Tháp Mẫm, hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, tượng thần Shiva chùa Linh Sơn.

Các hiện vật được các nhà khảo cổ học xác định niên đại từ cuối thế kỷ 11 đến thế kỷ 15, có vẻ đẹp và giá trị riêng thể hiện văn  hóa, tín ngưỡng và thẩm mỹ nghệ thuật trong đời sống người Chăm. Có thể điểm qua về một số hiện vật, theo tài liệu Bảo vật quốc gia tại Bình Định, do ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, chỉ đạo biên soạn nội dung và TS. Lê Đình Phụng, Ủy viên Hội Khảo cổ học Việt Nam, biên tập và chỉnh lý.

Phù điêu nữ thần Mahishasura Mardini (đầu thế kỷ 12) phát hiện vào năm 1989 tại phế tích tháp Rừng Cấm (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn), được công nhận vào năm 2015, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.


Phù điêu nữ thần Mahishasura Mardini là tác phẩm trang trí vòm cửa tháp. Phù điêu thể hiện nữ thần với khuôn mặt thanh tú, dáng vẻ tràn đầy sức sống, đứng múa trên lưng hai con thủy quái Makala.

Phần thân và mông hơi vặn nghiêng về bên trái, hai chân hơi chùng xuống, đầu gối khuỳnh ra cân đối, bàn chân nhón gót nâng người trong tư thế múa. Mười cánh tay, gồm hai tay chính và tám tay phụ, từ thân tỏa ra cân đối. Tay chính trái chống vào sườn, bàn tay đặt ngược trên hông, tay phải chính cầm hình con ốc, buông xuống.

Hai cánh tay phụ trên cùng có một số ngón đan vào nhau, một số ngọn chụm lại giơ thẳng qua đầu trong tư thế kết ấn (Mudra), những cánh tay còn lại cầm các vật biểu trưng cho vũ khí của các vị thần Visnu, Brahma, Vayu như: vòng hạt, mũi tên, ngọn giáo, bình nước, cánh cung.

Phù điêu thần Brahma là tác phẩm điêu khắc trang khí vòm của tháp Dương Long, được tạc từ đá nguyên khối, hình vòm cung ngọn, ngoài rìa là dải họa tiết ngọn lửa, ở giữa tạc thần Brahma có ba đầu và tám tay.

Phù điêu thần Brahma (thế kỷ 12 - 13), phát hiện vào năm 1985 tại khu di tích tháp Dương Long (xã Bình Hòa và Tây Bình, huyện Tây Sơn) và được công nhận vào năm 2016. Hiện phù điêu được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.


Trong nghệ thuật điêu khắc Champa, thần Brahma thường được tạc ba đầu, bốn tay cầm vật thiêng biểu trưng, ngồi trên tòa sen hoặc ngỗng thần Hamsa. Tuy nhiên, thần Braham trên phù điêu ở tháp Dương Long tư thế đứng, có tám tay (trong đó có một số tay bắt ấn trước ngực)... Đây được xem là một số điểm khác biệt độc đáo nhưng các nhà nghiên cứu gần đây cho rằng, có thể đây không phải là thần Brahma mà là thần Shiva đang múa vũ điệu hủy diệt được thể hiện dưới dạng hợp nhất giữa ba vị thần Shiva, Visnu và Brahma.

Với những nét độc đáo về văn hóa và nghệ thuật được thể hiện, hai phù điêu kể trên đã được Bảo tàng Lịch sử Nghệ Thuật Vienna (Áo) và Bảo tàng Hoàng gia về lịch sử và nghệ thuật Brussels (Bỉ) đưa đi trưng bày với chủ đề Việt Nam – quá khứ và hiện tại.

Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là tượng tròn, được tạc khá giống nhau, trong tư thế nửa nằm nửa ngồi trên bệ hình chữ nhật liền khối. Tượng có dáng khỏe khoắn, họa tiết trang trí thô, đơn giản.

Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (thế kỷ 11) được phát hiện năm 1992 tại khu vực Bả Canh (phường Đập Đá, thị xã An Nhơn) và được công nhận vào năm 2024. Hiện cặp tượng được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.


Hai khối tượng này cơ bản vẫn mang phong cách Trà Kiệu nhưng đã bắt đầu có những đặc điểm riêng của phong cách Tháp Mẫm (hay còn gọi là phong cách Bình Định) nên được xem là các tác phẩm điêu khắc tượng sớm nhất thuộc phong cách Tháp Mẫm và có tạo hình tư thế độc đáo nhất trong lịch sử điêu khắc tượng sư tử Champa. Hiện hai tượng sư tử được trưng bày tại bảo tàng tỉnh.

Ngoài những hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, Bình Định còn có các hiện vật được giữ nguyên vị trí ban đầu như hai thần hộ pháp chùa Nhạn Sơn và cặp voi đá thành Đồ Bàn. Đây là điều thú vị của bảo vật Bình Định, như nhận xét của nhà khảo cổ học Lê Đình Phụng: “Hiện vật vẫn ở tại chỗ có cái hay là từ chúng, chúng ta có thể tìm thấy một “quần thể” văn hóa xung quanh đó, chẳng hạn như tượng hộ pháp, hay gọi là môn thần, thường được tạc theo cặp đối xứng, canh giữ các cổng ra vào đền/ tháp Chăm. Vì vậy từ cặp tượng hộ pháp chùa Nhạn Sơn, các nhà khảo cổ tìm được Gò Tam Tháp, dù chỉ còn là phế tích”.

Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn (niên đại: nửa sau thế kỷ 12) tại xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, được công nhận vào năm 2023. Cặp tượng gồm một voi đực cao 2m, dài 2.4m (bên phải) và một voi cái cao 1.76m, dài 2.2m (bên trái) với dáng vẻ khỏe mạnh, vương giả. Đây là cặp tượng có kích thước lớn nhất trong hệ thống tượng tròn Champa đã được tìm thấy. Cặp tượng voi đặt ở ngoài trời, gần khu dân cư và trường tiểu học nhưng người dân và các em học sinh rất có ý thức giữ gìn, không đập phá, vẽ bậy.


Và trong đời sống người dân Bình Định

Từ bao đời nay, người dân Bình Định đã quen thuộc với các di tích, cổ vật Champa và họ tôn kính những di sản ấy. Đời sống văn hóa, tâm linh của người dân nơi đây cũng đã hòa vào văn hóa Chăm, tạo nên một sự giao thoa thú vị và điều này thể hiện rất rõ trong cách họ nhìn cổ vật.

Tượng thần Shiva trong hình ảnh một vị vua Chăm mang dáng vẻ hiền triết, được người dân phát hiện tại thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn). Tương truyền, người dân thấy một bức tượng từ dưới đất lồi lên, liền lập một ngôi chùa để thờ bức tượng, chùa tên Linh Sơn nhưng người dân vẫn quen gọi là chùa Phật Lồi. Năm 2011, chùa Linh Sơn được chuyển về xã Nhơn Hội (thành phố Quy Nhơn) và người dân các nơi vẫn thường về đây cầu nguyện cuộc sống được suôn sẻ.

Tượng thần Shiva chùa Nhạn Sơn (thế kỷ 15) được phát hiện tại thôn Hải Giang (xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn) và được công nhận vào năm 2018. Hiện tượng thần Shiva này được đặt tại chùa Linh Sơn (xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn).

Những vị khách có mặt trong buổi giới thiệu bảo vật quốc gia đang chăm chú nghe thuyết minh viên nói về tượng thần Shiva tại chùa Linh Sơn.


Hai tượng hộ pháp ở chùa Nhạn Sơn (xã Nhơn Hậu, thị xã An nhơn) cũng tương tự, khi người dân đến đây thấy hai tượng này nên lập chùa thờ. Sau đó, tượng được sơn một ông màu đỏ (còn gọi là ông thiện ), một ông màu đen (còn gọi là ông ác), khoác áo, gắn râu thể hiện sự tôn kính với hai thần hộ pháp.

Nơi đây, bao lâu nay vẫn là một địa chỉ linh thiêng đối với người dân. Họ thường đến đây ghi vào giấy những điều mình đang cầu nguyện bỏ vào tay áo của hai ông và chui qua chân hai ông để điều mình mong muốn thành hiện thực.

 

Hai tượng hộ pháp chùa Nhạn Sơn (thế kỷ 12-13) được phát hiện tại xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn. Ông đen cao 2.45m và ông đỏ cao 2.42m. Cặp tượng này được công nhận vào năm 2020. Hiện hai tượng này vẫn ở tại vị trí ban đầu.


Tuy vậy, dù tôn trọng đời sống tâm linh của người dân nhưng nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa cũng băn khoăn đặt câu hỏi: “Việc công nhận hai tượng hộ pháp chùa Nhạn Sơn là công nhận nguyên bản nguyên hay sau khi đã được sơn phết? Tôi nghĩ nên trả lại cho cặp tượng này màu sắc ban đầu”.

Trả lời cho câu hỏi này, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Bình Định, cho biết: “Cục Di sản công nhận hai tượng nguyên bản, tức là đá mộc, không sơn phết. Chúng tôi sẽ xin ý kiến của cấp trên để có giải pháp đưa tượng về nguyên bản”. Đây là điều mà những nhà chuyên môn và những người có trách nhiệm nên lưu tâm.

Phù điêu thần Sarasvati (thế kỷ 12), phát hiện tại khu vực tháp Phú Lốc (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn) và được công nhận năm 2020. Phù điêu hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.

Phù điêu thần hộ pháp Mã Chùa (thế kỷ 12) được phát hiện tại phế tích kiến trúc Gò Mã Chùa (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn) vào năm 1992 và được công nhận vào năm 2021. Hiện phù điêu được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.

Cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn Tháp Mẫm (giữa thế kỷ 13) được phát hiện vào năm 2011 tại khu phế tích Tháp Mẫm (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn) và được công nhận vào năm 2017. Hiện cặp tượng này được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.


13 bảo vật quốc gia kể trên, cùng với các cụm tháp Chăm, các lò gốm Chăm... ở Bình Định cho thấy văn hóa Chăm đã cùng với văn hóa Việt tạo nên nét độc đáo và phong phú của văn hóa tỉnh này. Đây là lợi thế để Bình Định phát triển du lịch, nếu biết cách quảng bá để thu hút khách tham quan muốn tìm hiểu về văn hóa địa phương. Trong phát biểu tại buổi lễ công bố bảo vật quốc gia, ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đề cập rằng cần phải giữ gìn tốt hiện vật và thổi vào đó những câu chuyện của từng hiện vật, có như vậy, người dân và du khách mới thấy được giá trị của chúng, từ đó sẽ thích thú tìm hiểu.

Ông Tạ Xuân Chánh cho biết thêm, tỉnh Bình Định lâu nay vẫn chú trọng vào việc bảo tồn các di sản Champa và 13 bảo vật quốc gia càng cần được giữ gìn nghiêm ngặt. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ chú ý vào việc đào tạo đội ngũ thuyết minh viên trẻ tuổi. “Các tác phẩm điêu khắc Champa được tạo từ đá nguyên khối nên khá dễ dàng cho giữ gìn để không đổ vỡ, hỏng hóc điều này quá tuyệt vời. Bình Định đang có kế hoạch xây dựng bảo tàng mới. Đến khi có địa chỉ mới, các hiện vật sẽ được trưng bày trong không gian rộng rãi, đẹp đẽ hơn, từ đó việc quảng bá cũng dễ dàng hơn”, ông Chánh cho biết.



THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 26.11.2024
Nguồn: NGUOIDOTHI.NET.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây