Nhân Lễ Hiệp kỵ Tây Sơn Tam Kiệt (ngày 15/11 Âm lịch, tức ngày 15/12/2024) diễn ra tại Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) - dịp tưởng nhớ và tri ân công tích ba anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ), những bậc hiền tài đã khởi xưởng và lãnh đạo phong trào nông dân Tây Sơn vào nửa cuối thế kỷ XVIII - phóng viên Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với anh Đào Nguyên Khánh, tác giả cuốn sách "Quân đội Tây Sơn - Lịch sử bằng hình ảnh".
NĐT: Thời gian 5 năm để thực hiện cuốn sách "Quân đội Tây Sơn - Lịch sử bằng hình ảnh" chắc chắn là có nhiều kỷ niệm, anh nhớ nhất điều gì?
Tác giả Đào Nguyên Khánh: (Cười). Đúng là có rất nhiều kỷ niệm. Chẳng hạn, khi nghiên cứu để viết chương Chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút, tôi có trích dẫn của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính về việc chúa Nguyễn Ánh có làm "Cây Vàng Bạc" để "thông hiếu" với vua Xiêm, "hàm ý rằng người gửi phải bằng lòng với vai trò phiên thuộc".
Trong đầu tôi rất tò mò, cây Vàng Bạc là gì? Hình thù ra sao? Với mục tiêu là xây dựng quyển sách theo tiêu chí "Lịch sử bằng hình ảnh", nhằm cho bạn đọc được mắt thấy tai nghe, tôi đã bay qua Thái Lan 2 lần để tìm trong các bảo tàng nhưng "thất bại", thế là chương Rạch Gầm Xoài Mút của tôi chưa đạt được mục tiêu đó.
Lần đi thứ 3 năm 2023, tôi thấy có hai món bảo vật của Bảo tàng Băng Cốc (Thái Lan) có vẻ là "Cây Vàng Bạc". Tôi đang nghiên cứu thêm về chi tiết này và nếu sách được tái bản, hy vọng sẽ được bổ sung vào sách.
NĐT: Còn điều gì mà anh muốn chia sẻ xung quanh cuốn sách này, điều mà anh chưa từng nói trên các diễn đàn đã có?
Tác giả Đào Nguyên Khánh: Cuốn sách này cho tôi nhiều trải nghiệm rất hay, và một trong số đó tôi chưa chia sẻ ở đâu, đó chính là trải nghiệm làm việc với các biên tập viên làm sách nhiều kinh nghiệm.
Chính các biên tập viên của Nhà xuất bản (NXB) Trẻ đã giúp tôi hoàn thiện cuốn sách này. Tôi mới nhận ra, những người không xuất hiện trên "ánh đèn sân khấu" thực sự rất quan trọng. Họ chính là người giúp cuốn sách được độc giả đón nhận. Tôi là tác giả vừa trân trọng điều đó vừa biết ơn rất nhiều với những biên tập viên của NXB Trẻ.
Thực ra, tên sách như mục lục ban đầu của tôi khác với thực tế quyển sách bây giờ. Sau khi nộp bản thảo cho NXB Trẻ, Trưởng ban đã trực tiếp góp ý với tôi về tên sách, mục lục cũng như yêu cầu tôi nghiên cứu viết thêm để quyển sách hay hơn. Thú thật lúc đó tôi có tranh luận với anh chủ yếu muốn giữ phần mục lục – cấu trúc của quyển sách như bản thảo ban đầu. Kết quả là không thuyết phục được anh ấy, lúc đó, trong lòng tôi cũng "ấm ức" lắm.
Mặc dù vậy, qua một thời gian dài sau đó thì tôi lại thấy những quyết định của Trưởng Ban là rất logic. Thật là may mắn khi tôi được làm việc với các biên tập viên kinh nghiệm của NXB Trẻ.
NĐT: Với lần xuất bản đầu tiên này, cuốn sách thành công ngoài mong đợi, được giới chuyên môn và cả bạn đọc đánh giá cao, riêng cá nhân anh có tiếc nuối điều gì không? Và nếu được chọn lựa lại, anh có bắt đầu với cuốn sách này hay không?
Tác giả Đào Nguyên Khánh: Dù lựa chọn lần nữa, tôi vẫn bắt đầu với đề tài về quân đội Tây Sơn. Trong 5 năm qua, tôi đã dồn hết sức mình để làm cuốn sách này, dù kết quả như thế nào thì tôi không tiếc nuối.
(Cười). Thực ra không phải tiếc nuối, tôi mong muốn sách bán hết, NXB Trẻ cân nhắc tái bản để tôi "nâng cấp", "tăng cường" sự thú vị của sách lịch sử hơn thông qua "Paper Battle" (Mô hình chiến trận bằng giấy).
Sẽ thật thú vị nếu người đọc có thể tạo ra các mô hình quân đội Tây Sơn bằng giấy trong các trận chiến Rạch Gầm Xoài Mút, hay Ngọc Hồi Đống Đa.
Bằng kinh nghiệm và trải nghiệm của cá nhân tôi, tôi thấy Paper Battle cũng có thể được áp dụng để học sử vui hơn. Giáo viên có thể giao cho các nhóm học sinh cắt, dán, tô màu các đội quân bằng giấy và sau đó trình bày trên bản đồ tại lớp học.
NĐT: Sau cuốn sách về triều đại Tây Sơn, anh có tiếp tục viết sách về lịch sử nữa không?
Tác giả Đào Nguyên Khánh: Hiện tôi đang triển khai hai đề tài sách cùng một lúc, thứ nhất là đề tài về "Champa", thứ hai là một đề tài về "Thành Trì". Tôi tiến hành song song hai cuốn sách này vì khi đọc, nghiên cứu sử thì có thể đọc một lần và ghi chép các mảng tư liệu cho hai dự án khác nhau sẽ hiệu quả và tiết kiệm thời gian hơn. Đây là kinh nghiệm rút ra từ quyển sách đầu tiên.
Tiếp đến, làm một lúc hai dự án sách là cách duy trì năng lượng và sự sáng tạo. Lúc này, tôi có thể chuyển qua chuyển lại để đầu óc luôn có những ý tưởng mới và hiệu quả.
Tôi chưa thể nói cụ thể thời gian hoàn thiện. Cuốn sách đầu tiên mất gần 5 năm, cuốn thứ hai tôi hy vọng sẽ nhanh hơn vì đã có những kinh nghiệm "xương máu" rồi!
Song song với việc triển khai hai dự án sách mới, tôi cũng làm một số dự án nhỏ liên quan tới cuốn sách Quân đội Tây Sơn - Lịch sử bằng hình ảnh nhằm giúp các bạn trẻ chơi thật vui, học thật vui với lịch sử như "Paper Battle" đã nói ở trên và Bộ cờ cá ngựa "Tây Sơn Thần Tốc".
|
Theo thần thoại Ấn Độ, nữ thần Mahishasura Mardini là vị thần được sinh ra để trừ tất cả các ma quỷ đe dọa thế gian. Bà được sinh ra từ sự kết hợp năng lượng của các vị thần khác, là biểu tượng của sắc đẹp và quyền uy. |
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 15.12.2024
Nguồn: NGUOIDUATIN.VN