Theo Sở NN&PTNT, năm 2024 được cảnh báo là năm có thiên tai bất thường. Mùa mưa sẽ xuất hiện các đợt áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, tập trung vào tháng 10 - 11. Lượng mưa trong tháng 10 dự báo ở mức từ 435 - 707 mm, tháng 11 từ 450 - 775 mm.
Chủ động từ sớm
Thôn Chánh Hội và Chánh Hữu thuộc xã Cát Chánh (huyện Phù Cát) từ lâu đã được xem là “vùng rốn lũ”. Ông Vũ Thành Tín, 65 tuổi, sống tại xóm Chánh Lợi, thôn Chánh Hội, chia sẻ: “Chỉ cần mưa to 2 - 3 ngày, các con đường dẫn về xóm đều ngập nước. Ngập nhẹ thì nước tới mắt cá chân, còn nặng có khi ngập đến qua đầu gối. Đó là vào mùa mưa, chứ khi lũ đến, nước chắc chắn sẽ tràn vào sân, thậm chí ngập sâu nhà từ 1 - 1,5 m”.
Đi dạo quanh xóm Chánh Lợi, điều dễ thấy, hầu hết gia đình đều có một chiếc sõng và một gác lửng. Nhận ra sự băn khoăn của tôi, ông Tín giải thích: “Gác lửng dùng để cất giữ gạo, lương thực, đồ đạc... Còn sõng là phương tiện dùng để di chuyển khi nước lũ dâng, có khi để đi chợ mua thức ăn, có khi để đi thả lưới bắt cá, tôm… kiếm thêm thực phẩm”.
Ông Vũ Thành Tín bên chiếc sõng, phương tiện giúp ích cho gia đình trong mùa lũ lụt. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Ông Tín chia sẻ thêm về cuộc sống tại vùng rốn lũ: “Nếu không quen và chuẩn bị từ sớm, thì khó mà sống được ở đây. Những cô gái, chàng trai từ nơi khác về lập gia đình ở đây thường thấy lạ lẫm, thấy ngập nước vài ngày là nản. Nhưng với người dân sinh ra và lớn lên ở đây, chuyện lũ lụt đã trở thành điều bình thường”.
Cách nhà ông Tín không xa, ông Lê Công Bằng, 71 tuổi, đang bận rộn chăm sóc hai con bò của mình. Nhận ra sự tò mò của tôi về cuộc sống người dân nơi đây, ông Bằng vừa đổ nước cho bò uống vừa kể: “Nhìn chuồng bò nhà tôi cao hơn nền đường 1,5 m, chú cũng biết lũ ở đây ngập sâu đến đâu rồi. Đầu năm nay, tôi bỏ ra vài chục triệu đồng để đổ đất nâng nền, làm lại chuồng bò để chúng không phải “ngủ trong nước” như mọi năm. Nhưng nâng nền cao vậy mà cũng chưa chắc ăn, vì hệ thống đường ngang mở ra nhiều, không rõ khả năng thoát nước sẽ thế nào. Lũ đến rồi mới biết được, nhưng tôi vẫn hy vọng mùa mưa lũ năm nay hai con bò sinh sản của tôi sẽ an toàn”.
Ngoài việc cải tạo chuồng trại, ông Bằng còn chủ động dự trữ rơm cho bò từ sớm và đưa toàn bộ lúa lên kho ở khu vực cao hơn. Ông nói: “Sống ở đây thì phải quen với lũ, nhưng chỉ quen thôi chưa đủ, còn phải có sự chuẩn bị từ sớm. Bão thì lo chằng chống nhà cửa; lũ thì di chuyển lúa gạo, đồ đạc lên cao. Đồng thời, phải mua thêm thùng phuy, can nhựa để trữ nước sạch”.
Các xã Cát Hưng, Cát Tiến, Cát Thắng (Phù Cát) và Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận, Phước Thắng (Tuy Phước) thường xuyên ngập sâu khi mưa lớn hoặc lũ về. Với kinh nghiệm sống trong vùng lũ, người dân nơi đây luôn chủ động theo dõi dự báo thời tiết, nhanh chóng dọn dẹp, che chắn và kê cao đồ đạc khi có cảnh báo. Họ đã rèn luyện tinh thần chủ động thích ứng, biến khó khăn thành kinh nghiệm quý để đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Chuồng trại chăn nuôi bò nhà ông Lê Công Bằng được nâng cao nền. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Điểm tựa kinh nghiệm và khoa học
Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định rằng, công tác ứng phó thiên tai năm 2024 của các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng đúng yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận, Bình Định vẫn chưa từng đối diện với các cơn bão mạnh như bão số 3 vừa gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh phía Bắc. Đây là bài học kinh nghiệm quan trọng để tỉnh có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho các tình huống khẩn cấp trong tương lai.
Việc sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm trước khi bão đổ bộ là ưu tiên hàng đầu. Công tác này cần phải thực hiện kịp thời trước khi bão đạt cấp 6 khoảng 4 giờ để đảm bảo an toàn. Những người dân trong vùng nguy hiểm cần được di chuyển đến các khu vực an toàn như nhà kiên cố, các tòa nhà công cộng hoặc trụ sở cơ quan. Trong quá trình lưu trú tại các khu vực sơ tán, các điều kiện thiết yếu như lương thực, nước uống và vệ sinh phải được đảm bảo nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Người dân không nên ra ngoài khi bão đổ bộ, nhằm tránh rủi ro.
Một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ nhà cửa trước sức mạnh của thiên tai là chằng chống nhà cửa và trụ sở làm việc theo quy trình an toàn. Người dân sử dụng bao nhựa chứa nước sạch thay thế bao cát để gia cố nhà cửa. Không chỉ giúp bảo vệ nhà cửa chống chịu sức gió bão, phương pháp này còn tiết kiệm tài nguyên và dễ thực hiện. Ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, chia sẻ: Sau khi bão qua đi, các túi nhựa chứa nước sạch có thể được sử dụng như một nguồn nước sạch tạm thời cho sinh hoạt, đặc biệt là trong trường hợp nguồn nước giếng hoặc nước máy bị ô nhiễm bởi mưa lũ.
Lũ lụt là hiện tượng thiên tai khá thường xuyên tại tỉnh Bình Định, khi mưa lớn xảy ra và nước sông đạt mức báo động cấp 3 trở lên, chính quyền cần nhanh chóng tổ chức sơ tán dân cư khỏi các vùng có nguy cơ cao, đồng thời giải tỏa các vật cản để dòng chảy thông suốt, nhằm giảm nguy cơ ngập úng cục bộ.
Về vấn đề sạt lở đất, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, đặc biệt nhấn mạnh đây là một trong những mối lo ngại lớn nhất trong mùa bão lũ. Khi lượng mưa đạt mức 100 mm trong vòng 24 giờ, chính quyền cần ngay lập tức sơ tán dân khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao để phòng tránh tổn thất về người và tài sản. Để đối phó hiệu quả với nguy cơ này, việc thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo thời tiết hết sức quan trọng. Điều này, không chỉ giúp chính quyền mà còn giúp người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị ứng phó, từ đó giảm thiểu tối đa thiệt hại.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 08.10.2024
Nguồn: BAOBINHDINH.VN