Bình Định: Quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn thành Vườn quốc gia
Ngày 17/10, ông Bùi Tấn Thành - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định cho biết, đến năm 2030, Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn (còn gọi là rừng đặc dụng An Toàn ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định) được quy hoạch thành Vườn quốc gia.
Hiện, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đang phối hợp với các cơ quan tiến hành rà soát, triển khai các nội dung liên quan.
Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn nằm trên cao nguyên An Lão (Bình Định), giáp với Khu Bảo tồn Kon Cha Răng (tỉnh Gia Lai) và vùng rừng núi cao của huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi).
Khu bảo tồn nằm trong 2 vùng sinh thái quan trọng của Việt Nam, là vùng sinh thái rừng mưa núi cao nam Trường Sơn và vùng sinh thái rừng khô đất thấp nam Việt Nam. Đây đều là những vùng sinh thái quan trọng của Việt Nam và thế giới, được nhiều tổ chức bảo tồn quốc tế đánh giá, bởi tính đặc hữu, giá trị bảo tồn nhiều loài động thực vật quan trọng.
Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn có diện tích hơn 22.000ha. Là khu bảo tồn duy nhất của tỉnh Bình Định, đóng vai trò quan trọng không chỉ trong gìn giữ giá trị đa dạng sinh học của tỉnh và của Việt Nam, mà còn trong gìn giữ môi trường nước cho Bình Định. (congly.vn)
Về thăm ngôi làng đồng bào DTTS kiểu mẫu
Chúng tôi về An Lão, tỉnh Bình Định khi thời tiết giao mùa, những cơn mưa rả rích làm dịu không khí sau một mùa nắng bỏng rát. Xa xa trên ngọn núi bảng lảng sương mù, tạo nên không gian u tịch đặc trưng của đại ngàn. Tại Khu tái định cư (TĐC) An Dũng không khí nhộn nhịp, đầy sức sống toát lên từ mỗi con người nơi đây. Xen lẫn giữa những ngôi nhà được xây dựng hiện đại là những căn nhà sàn truyền thống của đồng bào DTTS, tạo điểm nhấn độc đáo giữa núi rừng.
Chủ tịch UBND xã An Dũng Đinh Văn Phiên cho hay: Nhờ sự quan tâm của tỉnh và huyện trong việc bố trí đủ đất lâm nghiệp, nông nghiệp cho bà con sản xuất, đến nay, đời sống kinh tế của người dân địa phương đã cơ bản ổn định. “Bây giờ có thể yên tâm rồi! Bà con đã biết bám đất, bám ruộng, bám rừng, biết chăn nuôi, trồng trọt, biết buôn bán, kinh doanh để phát triển kinh tế hộ… Cuộc sống của bà con đã có nhiều khởi sắc”, ông Phiên chia sẻ thêm.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chia sẻ: Phải di chuyển đến nơi ở mới để nhường đất cho Dự án Hồ thủy lợi Đồng Mít là một sự hy sinh rất lớn của người dân An Dũng. Để bù đắp lại, lãnh đạo tỉnh hỗ trợ tối đa, vận dụng tất cả chính sách để bà con đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn, điều kiện canh tác tốt hơn. Đến thời điểm này có thể nói, Nhân dân xã An Dũng đã ổn định cuộc sống mới ở nơi TĐC. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con nay đã thay đổi nhiều. Và đây là một khu dân cư vùng DTTS kiểu mẫu của tỉnh Bình Định. (baodantoc.vn)
Công tác pháp chế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành giáo dục
Ngày 17/10, tại Trường Đại học Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác pháp chế và báo cáo viên pháp luật giáo dục năm 2024.
Được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ, phát biểu tại hội nghị, TS Mai Thị Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) cho biết, đây là Hội nghị Tập huấn thường niên hàng năm để triển khai cụ thể các nhiệm vụ chung về công tác pháp chế ngành giáo dục đối với các Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục Đại học. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành giáo dục đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ và hội nhập quốc tế, việc nâng cao công tác pháp chế trở thành nhiệm vụ trọng yếu, với nhiều cơ hội lẫn thách thức, chúng ta cần đảm bảo rằng mọi chính sách, quy định pháp luật đều được xây dựng và thực thi một cách nhất quán, toàn diện và kịp thời.
Tại Hội nghị các đại biểu đã được trao đổi thông tin về điểm mới trong thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế quy định tại Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2024/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
Sau hơn 10 năm thực hiện, công tác pháp chế đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội như chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật được nâng cao; tổ chức pháp chế được thành lập, củng cố và kiện toàn; nguồn nhân lực làm công tác pháp chế từng bước được phát triển với chất lượng ngày càng cao; cơ chế phối hợp trong lãnh đạo và triển khai công tác pháp chế từng bước được xác lập, hiệu quả hơn… (giaoducthoidai.vn)
GS Trần Thanh Vân: 'Khoa học là cầu nối xây dựng thế giới hòa bình, bền vững'
Sáng 17-10, TS Trần Thanh Sơn - phó giám đốc Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), cho biết GS Trần Thanh Vân - chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam - vừa có bài phát biểu nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của khoa học trong việc xây dựng một thế giới hòa bình và bền vững tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 149.
Đây là một sự kiện quốc tế quy tụ hơn 100 quốc gia tham dự với hơn 2.000 đại biểu trên thế giới, diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, diễn ra từ ngày 13 đến 17-10.
Trong bài phát biểu "Ủng hộ chung sống hòa bình: các trường khoa học vì hòa bình của IPU", GS Trần Thanh Vân đã chia sẻ về những thành tựu của Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm ICISE trong việc thúc đẩy hợp tác khoa học quốc tế.
GS Trần Thanh Vân cũng đã giới thiệu về các hoạt động của Trung tâm ICISE trong việc tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế, các chương trình đào tạo khoa học và các hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế khác.
Ông nhấn mạnh rằng, Trung tâm ICISE luôn sẵn sàng hợp tác với IPU để tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy ngoại giao khoa học và xây dựng một nền văn hóa hòa bình. (tuoitre.vn)
Bình Định tăng cường rà soát, hỗ trợ dự án triển khai sớm đi vào hoạt động
Tính đến tháng 10/2024, tỷ lệ lấp đầy tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Định ước đạt khoảng 60%. Hiện tại, có 233 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Khu kinh tế Nhơn Hội và các KCN của tỉnh (trong đó có 224 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và 09 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn), tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 24.000 lao động; tốc độ tăng trưởng về doanh thu, kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 12%/năm, thu ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, tính đến nay, các cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh cũng đã thu hút 19 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng (bình quân 105 tỷ đồng/dự án); luỹ kế đến nay, đã thu hút 380 dự án đầu tư, với diện tích đất thuê và có chủ trương đầu tư là 738,2 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 80%. Đây là những con số đáng khích lệ, phản ánh sự phát triển và thu hút đầu tư mạnh mẽ của tỉnh trong thời gian qua.
Để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, khai thác quỹ đất có hiệu quả, tỉnh Bình Định luôn rà soát và kiểm tra hiện trường các dự án có vị trí trọng điểm nhưng chậm triển khai; đồng thời nhắc nhở và tìm hiểu khó khăn của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. (thoibaotaichinhvietnam.vn)
Bình Định: Tăng cường quản lý thu ngân sách từ hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản
Theo báo cáo của Cục Thuế Bình Định, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khai thác tài nguyên phục vụ xây dựng đường cao tốc năm 2024 tăng mạnh so với năm 2023. Tuy nhiên, việc kê khai để tính thuế còn chậm, chưa đầy đủ; sản lượng khai thác còn lại các doanh nghiệp phải kê khai thuế còn tương đối lớn 3.141.402 m3, tương ứng số thuế còn phải nộp là 15.706 tỷ đồng.
Hầu hết các doanh nghiệp thi công đường cao tốc là doanh nghiệp ngoài tỉnh, do đó nếu không có biện pháp giám sát yêu cầu doanh nghiệp kê khai kịp thời, đến giai đoạn hoàn thành, việc đôn đốc kê khai nộp thuế sẽ rất khó thực hiện.
Bên cạnh đó, thu từ khai thác phục vụ công tình trọng điểm, các dự án đầu tư bất động sản cho thấy khả năng đến hết năm 2024 có sự sụt giảm nhẹ so với năm 2023 (tất cả các giấy phép khai thác cát chỉ được phép khai thác đến ngày 15/9 hàng năm, đối với các mỏ đất cũng có thời hạn khai thác ngắn theo thời gian thi công các công trình và đã vào mùa mưa nên không còn khai thác được nữa). Nhiều khả năng cho thấy, các doanh nghiệp kê khai chưa kịp thời sản lượng khai thác thực tế, sản lượng còn lại theo giấy phép là rất lớn (8.017.448 m3). Giá kê khai thuế đối với các doanh nghiệp có khai thác cát tại Khu kinh tế Nhơn Hội thực hiện kê khai giá tính thuế tài nguyên cát không chính xác (giá tính thuế tài nguyên: 200.000 đồng/m3, nhưng doanh nghiệp kê khai giá tính thuế cát san lấp: 56.000 đồng/m3). Hoặc, doanh nghiệp kê khai tài nguyên khoáng sản mua gom và kê khai giá cát san lấp nhưng khi cơ quan thuế thực hiện giám sát hồ sơ khai thuế đề nghị giải trình thì đã tự động điều chỉnh giá tính thuế thành cát xây dựng (khai 56.000 đồng/m2 điều chỉnh thành 105.000 đồng/m3). (thoibaotaichinhvietnam.vn)
Bình Định gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc giải ngân vốn đầu tư công
UBND tỉnh Bình Định mới có báo cáo về việc giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp tiếp tục thực hiện trong các tháng còn lại năm 2024.
Theo UBND tỉnh Bình Định cho biết, trong 4 tháng cuối năm 2024, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục phấn đấu tăng nguồn thu từ nguồn sử dụng đất để đảm bảo nhiệm vụ chi đầu tư công theo kế hoạch vốn năm 2024 đã được HĐND tỉnh thông qua.
Tỉnh Bình Định cũng sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nội dung đẩy mạnh giải ngân theo chỉ đạo của Trung ương và Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 09/01/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời cương quyết điều chỉnh giảm kế hoạch đối với các dự án giao đầu năm nhưng chưa hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu, dự án có tỷ lệ giải ngân chưa đạt theo tinh thần của Chỉ thị, báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng, trong đó bám sát cơ sở, giải quyết triệt để, kịp thời khi phát sinh bất cập; nghiên cứu và có những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm thực hiện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, tác động đối với phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh;
Đẩy nhanh công tác thẩm định chuyên ngành đối với các dự án khởi công mới và các dự án điều chỉnh, trong đó gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra chậm trễ.
Trên cơ sở tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2024, trong trường hợp cần thiết UBND tỉnh Bình Định cũng sẽ thành lập tổ công tác cấp tỉnh thực hiện đôn đốc tình hình triển khai, giải ngân vốn đầu tư công của các đơn vị, địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải ngân hoặc báo cáo HĐND tỉnh các nội dung cần điều chỉnh kế hoạch theo thẩm quyền. (baophapluat.vn)
Bình Định: Khắc phục, gia cố nhiều cây cầu yếu, xuống cấp trước mùa mưa lũ năm 2024
Theo đó, Sở GTVT tỉnh Bình Định đặc biệt chú trọng kiểm tra các công trình cầu trước mùa mưa bão, đơn vị quản lý đã phát hiện các hư hỏng mới phát sinh tại các cầu bản, cầu có khẩu độ lớn. Qua kiểm tra, đơn vị thống kê các tuyến đường tỉnh còn 27 cầu yếu, khổ hẹp cần phải được thay thế để đảm bảo ATGT và đồng bộ hóa tải trọng khai thác, các cầu này đã được kiểm định và cắm biển hạn chế tải trọng.
Qua công tác kiểm tra, Sở GTVT chỉ đạo Ban Quản lý đơn vị quản lý đường khẩn trương nạo vét, khơi thông cống rãnh, thanh thải dòng chảy, phát quang bụi rậm, trám trít rãnh thoát nước và hệ thống cống ngang trên các tuyến đường do Sở GTVT quản lý.
Trên tinh thần khẩn trương, trước mắt, Sở GTVT đã sử dụng nguồn lực nội tại để sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, đảm bảo công trình an toàn trong mùa mưa lũ. (nguoiduatin.vn)