Tỉnh Bình Định: Tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
Tại Hội nghị đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định qua 9 tháng năm 2024, một số thông tin tích cực được công bố là: Duy trì được sự ổn định và phục hồi, phát triển. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh trong 9 tháng qua tăng 7,53%, cao hơn 0,42% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hoạt động sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 9,88% so với cùng kỳ. Trong thời gian này, toàn tỉnh có 41 dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 4.342 tỷ đồng, góp phần gia tăng giá trị sản xuất của ngành và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị các Sở, Ban, Ngành và 11 huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh rà soát lại các chỉ tiêu KT-XH năm 2024 và bằng mọi nỗ lực, tăng tốc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch quý IV/2024. Trong đó, đặc biệt lưu ý Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đôn đốc và điều hành các chỉ số kinh tế - xã hội năm 2024, bám sát và kịp thời nhắc nhở các ngành và địa phương; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, lưu ý các dự án liên quan tới trường học, bệnh viện quốc tế để phục vụ các nhà đầu tư.
Đối với Ban Quản lý KKT rà soát lại các chỉ tiêu được giao và nỗ lực để hoàn thành, tập trung triển khai các dự án lớn đã đăng ký, tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng, xử lý chống lấn chiếm, trong đó đặc biệt lưu ý chỉ tiêu thu hút các dự án đầu tư vào KKT, KCN, chỉ tiêu thu tiền đất, tiền thuê đất và sử dụng đất… (congnghieptieudung.vn)
Bình Định tìm giải pháp sản xuất, tiêu thụ để nông sản phát triển bền vững
Sáng 8.10 đã diễn ra Hội nghị triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Đây là dịp để cơ quan quản lý nhà nước tôn vinh các thương nhân đã đóng góp cho phát triển sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thương nhân, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, các đại biểu, chuyên gia, thương nhân đã chủ động phản ánh thực trạng và hiến kế các giải pháp cho sản xuất và tiêu thụ nông sản thời gian tới ổn định, bền vững, mang lại giá trị cao cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh.
Đồng thời có những kiến nghị, đề xuất phù hợp với UBND tỉnh Bình Định để tháo gỡ điểm nghẽn trong tiêu thụ nông sản.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết, việc giải quyết kiến nghị, đề xuất giữa các cơ quan quản lý nhà nước với thương nhân theo nguyên tắc chính quyền tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ quy định pháp luật cho thương nhân trong hoạt động kinh doanh; thương nhân có trách nhiệm, nghĩa vụ ổn định giá cả thị trường, tuân thủ pháp luật trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, an toàn thực phẩm và có biện pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. (baovanhoa.vn)
Bình Định chấp thuận dự án cụm công nghiệp mới hơn 373 tỷ đồng
Theo đó, dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp thị trấn Vân Canh có diện tích sử dụng đất 75 ha, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 373 tỷ đồng.
Dự án có quy mô đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên toàn bộ diện tích đất được quy hoạch 75ha, bao gồm các hạng mục chính như: San nền, xây dựng hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, hệ thống cấp điện; cây xanh.
Mục tiêu dự án nhằm thu hút đầu tư các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất.
Tạo quỹ đất để di dời các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đang hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm xen kẽ trong khu dân cư trên địa bàn huyện, để đưa vào sản xuất tập trung tại Cụm công nghiệp thị trấn Vân Canh.
Mục tiêu dự án còn nhằm tạo việc làm cho lao động ở địa phương với thu nhập ổn định, nâng cao mức sống cho nhân dân, góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện;… (thanhnienviet.vn)
Bình Định phấn đấu đến cuối năm 2025 có 95 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành văn bản số 7816/UBND-TH chỉ đạo Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu Chương trình đảm bảo thực chất, hiệu quả và bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu về xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao theo Quyết định số 2468/QĐ-UBND ngày 9/8/2022 của UBND tỉnh, phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có 95 xã đạt chuẩn NTM (trong đó, có 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); có 7/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở cấp huyện, cấp xã. Xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm bao gồm các nội dung: kiểm tra, giám sát, đôn đốc viêc tổ chức thực hiện, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu đối với các xã, huyện sau khi công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểm mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; kiểm tra, hướng dẫn các xã thuộc Kế hoạch xã đạt chuẩn NTM, xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. (baotainguyenmoitruong.vn)
Bình Định xin chưa thoái hết vốn nhà nước tại Bidiphar
Ngày 8-10, ông Phạm Anh Tuấn, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh vừa báo cáo về việc thoái toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định (Bimico) và Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar).
"Hiện nay, Bidiphar là doanh nghiệp mang tính chất an sinh nên Bình Định đang xin Thủ tướng cho để lại. Lộ trình thoái vốn nhà nước đối với Bimico sẽ được thực hiện nhanh, còn đối với Bidiphar thì đang chờ ý kiến của Trung ương", ông Tuấn cho biết.
Còn đối với Bimico (mã ck: BMC), Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Định, đơn vị đại diện 25% vốn nhà nước của UBND tỉnh Bình Định tại Bimico, sẽ bán toàn bộ gần 3,1 triệu cổ phiếu BMC với giá khởi điểm 22.300 đồng/cổ phiếu.
Giao dịch dự kiến được thực hiện kể từ quý 4-2024, thông qua giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Nếu giao dịch được thực hiện thành công, Bình Định sẽ thu về khoảng 69 tỉ đồng từ đợt thoái vốn này. (tuoitre.vn)
Bộ Tài chính thông tin chuyển giao trụ sở cũ về cho tỉnh Bình Định quản lý
Phản hồi kiến nghị cử tri, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã ban hành 4 quyết định chuyển giao trụ sở làm việc cũ về cho địa phương để quản lý, xử lý.
Cụ thể, quyết định số 2064, ngày 6/10/2022 về việc chuyển giao trụ sở làm việc cũ của Bảo hiểm Xã hội huyện An Lão (tại thôn 9, thị trấn An Lão, huyện An Lão) và Bảo hiểm Xã hội huyện thị xã An Nhơn (tại số 77 Lê Hồng Phong, thị xã An Nhơn) từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sang UBND tỉnh Bình Định.
Tiếp đến, quyết định số 2730, ngày 12/12/2023 về việc chuyển giao trụ sở làm việc cũ của Tòa án Nhân dân huyện Tuy Phước (tại số 67 đường Đào Tấn, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) và quyết định số 1706, ngày 22/7/2024 về việc chuyển giao trụ sở làm việc cũ của Tòa án Nhân dân huyện Tây Sơn (tại số 85 đường Phan Đình Phùng, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) từ Tòa án Nhân dân tối cao sang UBND tỉnh Bình Định.
Gần đây nhất là quyết định số 1437, ngày 26/6/2024 về việc chuyển giao trụ sở làm việc cũ của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tây Sơn (tại số 196 đường Phan Đình Phùng, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) từ Bộ Tư pháp sang UBND tỉnh Bình Định.
Liên quan đến trụ sở làm việc cũ của Bảo hiểm Xã hội huyện Vân Canh (tại khu phố Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) cử tri phản ánh, Bộ Tài chính phản hồi, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc này (tính đến cuối tháng 7/2024).
Do đó, Bộ Tài chính đã có Công văn số 8073, ngày 31/7/2024 đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam rà soát, có văn bản đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với các cơ sở nhà, đất do Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý, sử dụng trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng như các tỉnh, thành phố khác theo quy định (tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công) để gửi Bộ Tài chính xem xét theo thẩm quyền. (baodautu.vn)
Bình Định: Ưu tiên di dời dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao
Chiều 8/10, UBND tỉnh Bình Định tổ chức họp báo kinh tế-xã hội 9 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng điểm của 3 tháng cuối năm 2024.
Theo UBND tỉnh Bình Định, trong 9 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh duy trì sự ổn định và phục hồi, phát triển. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,53% so với cùng kỳ, xếp vị trí thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; thứ 5/14 tỉnh thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; đồng thời xếp nhất trong nhóm 5 tỉnh, thành phố thuộc Tiểu vùng Trung Trung bộ.
Tại họp báo, ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thông tin nhiều vấn đề liên quan tới phản ánh của các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh như tình hình di dời dân ở các khu vực sạt lở, thi công dự án nâng cấp quốc lộ 19 ì ạch, công tác quản lý xây dựng trên địa bàn Tp. Quy Nhơn, phát triển du lịch điện ảnh, chính sách xóa nhà tạm, xây dựng tái định cư cho người dân thực hiện đề án di dời tàu thuyền về cảng Đề Gi… Các vấn đề mà báo chí phản ánh, tỉnh sẽ rà soát, xem xét và xử lý từng vấn đề phù hợp. Ông Giang cho hay, thời gian qua, nhờ công tác tiếp dân của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là các buổi tổ chức đối thoại với công dân của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh giúp cho việc khiếu kiện, khiếu nại giảm; các vấn đề bức xúc trong dân cũng được giải quyết kịp thời. (nguoiduatin.vn)
Bình Định: Ngư dân băn khoăn vì lệnh cấm khai thác cá ngừ vằn dưới 50cm
Theo thống kê, tỉnh Bình Định hiện có khoảng 650 tàu với hơn 7.500 lao động trực tiếp tham gia nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ vằn. Trong tổng số cá ngừ vằn khai thác thực tế hàng năm thì loại có chiều dài từ 50 cm trở lên chỉ chiếm khoảng từ 10-15%, còn lại chủ yếu là loại có chiều dài từ 30-40cm.
Sau ngày 15/9/2024, doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu cá ngừ trong nước đã đồng loạt dừng việc thu mua cá ngừ vằn kích thước dưới 50cm, những ngư dân sống nhờ biển tại Bình Định nói riêng và các tỉnh ven biển khác nói chung đã rơi vào tình trạng hoang mang, thất thu nghiêm trọng về kinh tế.
Ngày 18/9, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã có văn bản kiến nghị lên Bộ NN&PTNT về việc đề nghị xem xét lại quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ vằn (tên khoa học Katsuwonus pelamis) nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân địa phương. “Số tàu cá hoạt động nghề lưới vây cá ngừ phải nằm bờ không đi khai thác, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống của một bộ phận ngư dân là chủ tàu, thuyền viên”, ông Phúc cho hay.
Cũng theo ông Trần Văn Phúc, giải pháp duy nhất ở thời điểm hiện tại của ngư dân Bình Định là chờ đợi thay đổi quy định. “Nếu tiếp tục khai thác là sai với quy định, nếu hỗ trợ ngư lưới cụ đảm bảo tiêu chuẩn khai thác cá ngư vằn 50 cm trở lên thì sản lượng không đạt, ngư dân cũng không thể ra khơi vì quá lỗ với chi phí bỏ ra”, ông Phúc thông tin. (congly.vn)