Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến tỉnh Bình Định ngày 09.05.2024  

Thứ năm - 09/05/2024 19:57 32 0
Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến tỉnh Bình Định trên các báo ra ngày 09.05.2024
Bình Định chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm “bốn tại chỗ”

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong thời gian tới, thời thiết ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệt độ thường xuyên ở mức cao, nắng nóng và hạn hán có xu hướng kéo dài, cấp dự báo cháy rừng luôn ở cấp IV (cấp nguy hiểm), cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn ở mức độ cao.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác PCCCR, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Chỉ đạo UBND cấp xã có rừng, các chủ rừng xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR giai đoạn 2024 – 2030 theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ hủy tại chỗ”. (baotainguyenmoitruong.vn)

Bình Định đẩy nhanh chuyển đổi số

Theo đánh giá của các cơ quan hữu quan, Bình Ðịnh được coi là trung tâm công nghệ của miền trung, nơi có trung tâm nghiên cứu, cơ sở của các công ty công nghệ hàng đầu như FPT, TMA, VNPT,... Hiện nay, 100% sở, ngành và ủy ban nhân dân cấp huyện có cán bộ quản trị mạng; toàn bộ 159 xã, phường, thị trấn đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng,…
Hiện tại, Bình Ðịnh là một trong 31 địa phương hoàn thành việc xây dựng, kết nối, tích hợp Kho dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. 
Theo ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Ðịnh, kinh tế số là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được đổi mới bởi công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số. Trong đó, kinh tế số bao gồm công nghiệp ICT (công nghiệp công nghệ số) và kinh tế số ngành, lĩnh vực. Công nghiệp ICT gồm viễn thông, phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, phần cứng, internet,... chính là nền móng, đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số.
Cũng theo ông Trần Kim Kha, “Mục tiêu cơ bản của tỉnh Bình Ðịnh đến năm 2025 là phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP; ít nhất 50% sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận thương hiệu có mặt trên các sàn thương mại điện tử; 50% số doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số. Trong thời đại chuyển đổi số, doanh nghiệp nào không thích ứng nhanh với công nghệ, chậm thay đổi sẽ bị triệt tiêu. Chỉ có mạnh dạn đi trước các nước phát triển mới có hy vọng thay đổi thứ hạng quốc gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 luôn mở rộng cơ hội cho những người dám tiên phong đi đầu”. (nhandan.vn) 

Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phục vụ sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số bền vững.
Cùng với các địa phương, về phía ngành chuyên môn, Sở NN&PTNT đẩy mạnh nghiên cứu, tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi mới năng suất cao; nhân rộng các mô hình canh tác tiên tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao sản lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu như thâm canh lúa SRI; duy trì các cánh đồng liên kết trong sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm với 270 cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu lớn, diện tích 11.000 ha.
Bên cạnh việc phát triển nguồn giống, xây dựng vùng trồng, ngành nông nghiệp Bình Định còn hỗ trợ nông dân hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã, siêu thị, quầy bán nông sản. Tỉnh cũng cấp mã số vùng trồng, tạo mã QR, mã vạch để truy xuất nguồn gốc.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp kế hoạch đề ra của Chương trình hành động số 11-CT/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ các địa phương rà soát, đánh giá để áp dụng các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.  (thiennhienmoitruong.vn)

Khắc phục “thẻ vàng” IUU: Bình Định kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá “3 không”

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Bình Định đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định); trong đó, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, nhất là tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).
Thống kê, toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 1.000 tàu cá “3 không,” phần lớn có chiều dài từ 6 đến dưới 12m. Những tàu cá này hoạt động chủ yếu ở vùng bờ, vùng bãi ngang trong tỉnh, không ra vào cảng cá, trạm kiểm soát Biên phòng nên gây khó khăn rất lớn cho quản lý.
Trước thực trạng trên, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành tốt quy định của pháp luật, Tỉnh ủy Bình Định cũng đã thống nhất chủ trương cấp đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản tạm thời cho các tàu cá “3 không” để dễ dàng hơn trong việc quản lý. (vnews.gov.vn) 

Bình Định: Thúc đẩy việc xử lý chất thải rắn, xây dựng các cộng đồng bảo vệ môi trường xanh

Vừa qua, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), TP Quy Nhơn, Bình Định đã diễn ra sự kiện Gặp gỡ các tổ chức, cá nhân yêu môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Sự kiện được tổ chức với mong muốn tạo một không gian gần gũi, cởi mở nhằm kết nối các tổ chức và cá nhân quan tâm đến các vấn đề môi trường trong địa bàn tỉnh Bình Định. Thông qua buổi gặp gỡ, sứ mệnh, hoạt động của mạng lưới “Change for Green Binh Dinh” và các mô hình về môi trường tại địa phương cũng được chia sẻ tới người tham gia. Bên cạnh đó, người tham dự đã có cơ hội cùng thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề môi trường tại địa phương.
Bà Đỗ Thị Thu Trang, Nhóm trưởng Nhóm Môi trường và phát triển bền vững (Viện IFIRSE, ICISE) đã giới thiệu những mô hình quản lý chất thải rắn, gắn với cộng đồng tiêu biểu tại Việt Nam và thế giới. Qua đó, đưa ra các đề xuất nhằm thúc đẩy việc xử lý chất thải rắn, xây dựng các cộng đồng bảo vệ môi trường xanh tại Bình Định.
Bà Đỗ Thị Thu Trang cũng giới thiệu thêm về mô hình “Mạng lưới Change for Green Binh Dinh” với mong muốn tìm sự kết nối, đào tạo chuyên môn, thúc đẩy phong trào yêu môi trường tại địa bàn tỉnh và khu vực lân cận. (chatluongvacuocsong.vn)

Quân khu 5 kiểm tra công tác dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng và an ninh trên địa bàn Bình Định

Trong 2 ngày 7 - 8.5, Đoàn công tác Quân khu 5 do đại tá Võ Văn Bá - Phó Tham mưu trưởng Quân khu, Phó trưởng Ban Thường trực Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh (QP&AN) Quân khu làm Trưởng đoàn, đến kiểm tra công tác dân quân tự vệ (DQTV), công tác giáo dục QP&AN tại Bộ CHQS tỉnh và Trung tâm giáo dục QP&AN Trường ĐH Quy Nhơn.
Kết thúc kiểm tra, đại tá Võ Văn Bá đánh giá cao công tác giáo dục giáo dục QP&AN của nhà trường trong thời gian qua; nhất là việc triển khai, quán triệt tốt các văn bản chỉ đạo các cấp về giáo dục QP&AN; công tác giảng dạy phân phối thời gian đảm bảo đúng nội dung, chương trình quy định. Đồng chí Phó Tham mưu trưởng Quân khu đề nghị trong thời gian tới, Đảng ủy Trường ĐH Quy Nhơn tiếp tục chỉ đạo đưa công tác giáo dục QP&AN ngày càng nền nếp, hiệu quả, thực sự vững chắc, góp phần nâng cao nhận thức cho sinh viên về kiến thức QP&AN. (baobinhdinh.vn)

Đi làm về phát hiện cá thể tê tê Java băng qua đường

Ngày 9/5, ông Đoàn Văn Tá - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - TP. Quy Nhơn (Bình Định) cho biết, Hạt đã tiếp nhận 1 cá thể tê tê Java nặng 1,8 kg do người dân tự nguyện giao nộp.
Trước đó, tối 7/5, một người dân ở xã Phước Mỹ (TP. Quy Nhơn), trong lúc đi làm về qua đoạn suối ở phường Bùi Thị Xuân (TP. Quy Nhơn) thì nhìn thấy 1 con tê tê đang chạy băng qua đường nên bắt giữ, bảo vệ.
Biết đây là động vật hoang dã, thuộc danh mục quý hiếm cần được bảo vệ, cấm nuôi nhốt nên người dân đã tự nguyện mang đến cơ quan chức năng giao nộp.
Theo ông Tá, Hạt đã báo cáo Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Chi cục đã liên hệ với Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật - Vườn quốc gia Cúc Phương để bàn giao cá thể tê tê theo quy định. (tienphong.vn)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây