Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến tỉnh Bình Định ngày 25.4.2024  

Thứ năm - 25/04/2024 21:39 31 0
Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến tỉnh Bình Định trên các báo ra ngày 25.4.2024
Bình Định: Giao thông mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội

Xác định mục tiêu giao thông đi trước mở đường, tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, HĐND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đầu tư hạ tầng giao thông. Đây là “cú huých” mạnh mẽ nhằm phá bỏ “điểm nghẽn” về giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện, tỉnh Bình Định đã có 3 dự án thành phần đường ven biển Bình Định gồm: Cát Tiến - Đề Gi, Đề Gi - Mỹ Thành, cầu Lại Giang - cầu Thiện Chánh được đưa vào sử dụng. Trong đó, việc xây dựng cầu Đề Gi kết nối giữa 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ được xem là nhịp cầu nối những bờ vui cho người dân khu vực này.
Đánh giá về tuyến đường ven biển đi qua địa bàn, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho hay: “Tuyến đường ven biển đã tạo không gian phát triển quỹ đất mới, phát triển công nghiệp, dịch vụ. Huyện Phù Cát cũng đã tạo ra được quỹ đất hơn 4.000 ha dọc các xã thị trấn ven biển này. Quỹ đất đó đến nay đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển vùng Nam Đề Gi. Việc tuyến đường ven biển đi vào hoạt động sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ của huyện Phù Cát nói riêng và bao gồm huyện Phù Mỹ. Bà con ngư dân sẽ có điều kiện về giao thương”.
Xác định lấy giao thông làm bệ phóng cho phát triển kinh tế - xã hội, trong nhiệm kỳ này, tỉnh Bình Định đã thực hiện xây dựng hàng loạt các công trình giao thông lớn. Ngoài tuyến đường ven biển, tỉnh còn đầu tư xây dựng các tuyến đường như: Tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; Tuyến đường kết nối với đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn; Tuyến đường kết nối từ đường phía tây tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn hyện Phù Mỹ; Xây dựng tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong...
Đây là những công trình giao thông có quy mô lớn, có tầm quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định. Khi các dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa các huyện, thị xã và thành phố; tạo thành hệ thống logicstic hiện đại và đồng bộ khi kết nối thuận tiện giữa Bình Định với Tây Nguyên, và các tỉnh lân cận; kết nối giữa đồng bằng với miền núi... Từ sự hình thành các tuyến đường, các vùng được tuyến đường đi qua trở nên phát triển hơn. (baoxaydung.com.vn)

Phát huy hiệu quả nguồn vốn ngân hàng chính sách trong giảm nghèo

Trong những năm qua, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành “đòn bẩy”, hỗ trợ đắc lực cho nhiều gia đình khó khăn ở Bình Định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên trong cuộc sống, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Báo cáo của UBND tỉnh Bình Định cho biết, trong 3 năm (2021 - 2023), Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện cho vay ưu đãi 118 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn; với tổng số tiền hơn 5.545 tỷ đồng. Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể đã huy động trên 635 tỷ đồng, hỗ trợ 160 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã bố trí hơn 417 tỷ đồng, trong đó, hơn 77 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
“Từ đó, đến cuối năm 2023, Bình Định có hơn 26.790 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều bình quân chung của tỉnh đạt 2,05%, vượt kế hoạch 1,5 - 2%/năm đã đề ra. Riêng năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đạt 2,89%, với 12.667 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo”, báo cáo của UBND tỉnh Bình Định cho biết. (baotainguyenmoitruong.vn)

Thiêng liêng Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ hy sinh ở Cao điểm 174

Sau 49 năm nằm nguội lạnh trong lòng đất mẹ, hài cốt anh linh các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Cao điểm 174 đã được trở về đoàn tụ với các đồng đội tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân (Bình Định).
Ngay từ đầu cuộc chiến tranh, Cao điểm 174 là nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Đến tháng 11/1972, Sư đoàn 3 mở đợt tiến công tiêu diệt địch và làm chủ hoàn toàn cụm điểm tựa 174, xét thấy tầm quan trọng của Cao điểm 174, Sư đoàn 3 đã chỉ thị cho Trung đoàn 21 xây dựng hệ thống công sự trận địa hầm hào kiên cố, điển hình là địa đạo 174.
Đến tháng 9 năm 1974, địch tập trung lực lượng gồm Sư đoàn 22 quân lực Việt Nam Cộng hòa, Liên đoàn biệt động số 4, Liên đoàn biệt động số 6 tập trung đánh chiếm Cao điểm 174, 82, Núi Chéo. Có những ngày, Cao điểm 174 phải gánh chịu hơn 2.000 quả đạn, pháo các loại, 40 lượt máy bay A37 ném bom. Đêm ngày 1 rạng sáng ngày 2/1/1975, địch đã huy động tối đa lực lượng pháo binh, máy bay ồ ạt bắn phá tại Cao điểm 174; làm cho các công sự, trận địa của ta bị phá hủy, quân ta bị thương vong tổn thất, nên lực lượng còn lại phải vào địa đạo Cao điểm 174.
Đến 11 giờ cùng ngày, cửa địa đạo bị sập, địch chiếm giữ địa đạo, khống chế và lấp chặt cửa địa đạo phía Nam. Toàn bộ chiến sỹ trong địa đạo bị kẹt lại không ra được, các chiến sỹ hy sinh khoảng 7 đến 9 đồng chí. (baoxaydung.com.vn)

Bình Định trở thành điểm đến của doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam

Ngày 24/4, Báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) tổ chức Hội thảo thúc đẩy kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, với 200 đại biểu tham dự.
Đến nay, công tác chuyển đổi số của Bình Định có nhiều chuyển biến tích cực: Công nghiệp công nghệ thông tin có nhiều khởi sắc với việc hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Có 2 tập đoàn lớn về công nghệ thông tin đang hoạt động tại đây, là TMA và FPT, với trên 1.000 nhân sự. Doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 1.363 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 57 tỷ đồng…
Đặc biệt, Bình Định hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và tham gia vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung trong năm 2022. Thu hút khoảng 2.000 chuyên gia, lao động làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ Long Vân. (danviet.vn)

Bình Định lên kế hoạch tìm chủ cho loạt dự án động lực phát triển kinh tế - xã hội

Trung tâm Xúc tiến đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, trên cơ sở rà soát các điều kiện, thủ tục có liên quan, tỉnh đã đề xuất nhiều dự án dự kiến tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư giai đoạn 2024 – 2025.
Theo đó, các dự án tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm 30 dự án. Tại khu kinh tế có 19 dự án, bên cạnh đó, tại các khu đất ngoài khu kinh tế có 11 dự án đề xuất tổ chức đấu giá.
Đối với các dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tỉnh Bình Định sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 14 dự án.
Đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bình Định cho biết, các dự án nêu trên khi được tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định, đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội và là động lực để thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh./.
Năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định đã tham mưu lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với các đoàn doanh nhân nước ngoài (UAE, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc). Qua đó, tỉnh Bình Định đã ký 12 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với 25 dự án (12 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất, công nghiệp; 10 dự án thuộc lĩnh vực phát triển dịch vụ thương mại, du lịch; 2 dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin; 1 dự án thuộc lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực). (thoibaotaichinhvietnam.vn)

Bình Định: Đưa xã đảo Nhơn Châu trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn

Ngày 23/4, Đoàn công tác của tỉnh Bình Định do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng dẫn đầu đã đi khảo sát quy hoạch xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn) để tìm hướng đi phát triển du lịch.
Sau khi đến khảo sát và được nghe thông tin cụ thể về định hướng xây dựng phát triển du lịch vừa đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng an ninh, lãnh đạo tỉnh đã cho ý kiến về định hướng xây dựng một số công trình, mở rộng các trục giao thông phía mặt tiền của xã đảo và tuyến đường kết nối các điểm du lịch phía Đông với các điểm du lịch đang hút du khách.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, tiềm năng du lịch ở xã đảo Nhơn Châu là rất lớn. Vì vậy, tỉnh sẽ tiến hành các bước kêu gọi đầu tư, quyết tâm trong năm 2025 chúng ta sẽ có một số sản phẩm du lịch mới trên xã đảo Nhơn Châu, đánh thức tiềm năng du lịch của xã đảo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cũng như tạo ra sản phẩm du lịch mới cho tỉnh trên định hướng phát triển du lịch biển đảo”. ( baoxaydung.com.vn)

Cây xanh của tỉnh Bình Định đến với Trường Sa

Ngày 25/4, tại Xã Cát Hạnh (Huyện Phù Cát, Tỉnh Bình Định), Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tiếp nhận 15.000 cây dừa giống, 300Kg thuốc Patox 4GR do UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ cho Chương trình “Xanh hoá Trường Sa”.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Thượng tá Đào Hồng Thắng Phó Chủ nhiệm Hậu cần – Kỹ thuật Vùng thay mặt cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân cảm ơn tình cảm, sự quan tâm mà UBND tỉnh Bình Định đã dành cho quân, dân huyện đảo Trường Sa và Vùng 4 Hải quân. Ông bày tỏ mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bình Định nói riêng, cả nước nói chung đối với quân, dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân.
Đây là hoạt động thể hiện vai trò, trách nhiệm và tình yêu với biển, đảo quê hương của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bình Định nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó góp phần xây dựng huyện đảo Trường Sa ngày một xanh tươi hơn; xây dựng cảnh quan môi trường, cải thiện không gian sống, sinh hoạt, làm việc trên quần đảo Trường Sa. (thoidai.com.vn)

Công đoàn Bình Định phát huy vai trò nòng cốt xây dựng hệ thống chính trị

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Bình Định vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tỉnh ủy Bình Định triển khai Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24.11.2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
Kế hoạch đã cụ thể hóa chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tỉnh ủy Bình Định về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp thực tiễn hoạt động của Công đoàn Việt Nam nói chung, Công đoàn Bình Định nói riêng trong tình hình mới, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIV Công đoàn Bình Định, Đề án số 08/ĐA-LĐLĐ của LĐLĐ tỉnh về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Bình Định trong tình hình mới.
Chủ tịch LĐLĐ Bình Định Hà Duy Trung nhấn mạnh: Kế hoạch hướng tới mục tiêu đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động công đoàn; xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, phát huy vai trò nòng cốt trong khối liên minh với nông dân và đội ngũ trí thức trong tình hình mới; quyết tâm xây dựng Bình Định phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ vào năm 2030 và tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung đến năm 2050. (laodong.vn)

Ghi nhận ở một phường làm tốt công tác phòng cháy

Phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn (Bình Định) là một trong những phường trung tâm của TP Quy Nhơn, là khu vực có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao. Từ nhiều năm qua, nhờ quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nên phường Nguyễn Văn Cừ không xảy ra cháy nổ, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn.
Để thực hiện có hiệu quả công tác PCCC tại cơ sở, Công an phường Nguyễn Văn Cừ đã tham mưu cho UBND phường triển khai xây dựng mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng" trên địa bàn phường, thành lập Ban chỉ đạo và ban hành Quy chế hoạt động của mô hình; đến nay đã thành lập và ra mắt 17 Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng trên địa bàn phường; đồng thời tham mưu UBND phường quyết định kiện toàn 9 Đội Dân phòng thuộc 9 khu phố với 79 thành viên là công dân của địa phương tham gia. Đến nay, 100% số nhà dân tham gia các Tổ liên gia đã mở lối thoát nạn thứ 2 và hơn 3.000 hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay; 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC có trang bị bình chữa cháy và chuẩn bị các phương tiện cần thiết để sẵn sàng chữa cháy, CNCH tại chỗ. Việc thành lập mô hình nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm người dân trong công tác PCCC và CNCH theo phương châm "4 tại chỗ", xử lý tình huống cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh, góp phần giảm thiểu tính chất, mức độ, thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra. (cand.com.vn)

Bình Định: Tháo gỡ vướng mắc, nâng cao tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt

Chưa xây dựng và ban hành phương án thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chưa ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ… là những vướng mắc đang tồn tại trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Định. Những tồn tại này đang được lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ quyết liệt.
Số liệu thống kê tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt quý I/2024 cho thấy, tỷ lệ thu gom tại đô thị đạt 89,12%. Trong đó, có một số địa phương có tỷ lệ thu gom đạt cao so với năm 2023 gồm An Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ và Hoài Nhơn. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đạt 65,64%. Các địa phương có tỷ lệ thu gom đạt cao gồm: Phù Cát, Phù Mỹ. “Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trong toàn tỉnh Quý I/2024 khoảng 800,02 tấn/ngày, chiếm 78,69 % chất thải rắn sinh hoạt tổng lượng rác phát sinh”, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp về tình hình thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, lực lượng cán bộ, công chức thực thi công tác quản lý nhà nước về môi trường; xem công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm. Các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; vận động người dân tuân thủ việc thu gom, bỏ rác đúng nơi quy định và nộp tiền giá dịch vụ thu gom rác.
Đồng thời, các địa phương chủ động bố trí kinh phí, bên cạnh kinh phí bổ sung mục tiêu từ ngân sách tỉnh cho ngân sách cấp huyện để mua sắm phương tiện đáp ứng yêu cầu tăng tỷ lệ, tần suất, mở rộng địa bàn thu gom rác và có giải pháp tăng tỷ lệ thu giá dịch vụ thu gom từ hộ dân. Bên cạnh đó, các địa phương ban hành chỉ thị để đảm bảo triển khai thực hiện đạt tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt do UBND tỉnh giao trong năm 2024. (baotainguyenmoitruong.vn)



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây