Thúc đẩy kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
Sáng 24/4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, thành phố Quy Nhơn tổ chức Hội thảo Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Tại hội thảo, nhiều mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong chuyển đổi số đã được đại diện các bộ ngành, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ. Đại diện Vụ Kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ bức tranh toàn cảnh về kinh tế số tại Việt Nam, cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế số; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ các định hướng về chuyển đổi số nông nghiệp - lĩnh vực kinh tế then chốt của khu vực. Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định chia sẻ một số vấn đề phát triển kinh tế số địa phương từ kinh nghiệm của tỉnh.
Chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024
Năm học 2023 - 2024, cả tỉnh có 19.685 học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, sẽ diễn ra vào cuối tháng 6. Hiện Sở GD&ÐT đã triển khai kế hoạch tổ chức khảo sát đánh giá học lực học sinh lớp 12 năm học 2023 - 2024 đến các trường; định hướng các trường chủ động ôn tập và hỗ trợ kiến thức cho các em.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định (TP Quy Nhơn) có 103 em học sinh khối 12 (100% học sinh dân tộc thiểu số) tham gia (trong đó, 100 em tham gia khối Xã hội và 3 em tham gia khối Khoa học tự nhiên). Ngay từ đầu, nhà trường đã định hướng, phân luồng, xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp cho các em.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06
Ngày 23/4, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã ban hành Quyết định số 1397/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Bình Định.
Theo đó, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Bình Định được Chủ tịch UBND tỉnh thành lập trên cơ sở hợp nhất các Ban Chỉ đạo của UBND tỉnh về: Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Trên cơ sở nhiệm vụ chung của Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì tham mưu ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và tham mưu phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Giao Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất Trưởng ban Ban Chỉ đạo thành lập các Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo về Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06 theo cơ cấu, thành phần quy định.
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Chuyển đổi một số nghề ảnh hưởng đến môi trường sinh thái
UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Kế hoạch chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030.
Kế hoạch nhằm từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đội tàu cá trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi, cải thiện môi trường, đảm bảo 100% ngư dân có việc làm và thu nhập ổn định sau khi chuyển đổi nghề hướng tới khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.
Tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định về chống khai thác IUU; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao; thực hiện nghiêm việc quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài…
Toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 5.300 tàu cá với hơn 40% tàu cá di chuyển ngư trường đánh bắt trên toàn quốc, tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam.
Cung đường biển nghìn tỉ ở Bình Định tạo không gian phát triển mới
Tuyến đường ven biển ĐT.639 được đưa vào sử dụng đã giúp Bình Định mở ra một không gian phát triển du lịch, đô thị, kinh tế biển. Dự án đường ven biển được xem là một trong những công trình quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định.
Đường ven biển ĐT.639 có điểm đầu giao với quốc lộ 1D tại Km5+020, thuộc phường Nhơn Phú (TP. Quy Nhơn), điểm cuối giao quốc lộ 19 mới tại Km8+100, thuộc phường Nhơn Bình (TP. Quy Nhơn).
Điểm nhấn lớn nhất của tuyến đường chính là cầu vượt biển Đề Gi dài gần 400 m được đưa vào sử dụng đầu năm 2023. Cây cầu này đã rút ngắn hơn 40 phút để đi từ xã Cát Khánh, huyện Phù Cát đến xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định .
Tuyến đường chạy song song với QL1, thông suốt từ TP. Quy Nhơn đến TX. Hoài Nhơn, được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển toàn diện cho phía Đông của tỉnh Bình Định.
Hải quan Bình Định: Thu ngân sách nhà nước tăng cao
Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút hàng hóa XNK, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của Hải quan Bình Định trong những tháng đầu năm 2024 đạt kết quả cao.
Tính đến ngày 15/4/2024, số thu NSNN của Cục Hải quan Bình Định được 258,5 tỷ đồng, đạt 53,1% chỉ tiêu dự toán, tăng 173,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, địa bàn tỉnh Bình Định thu 232,328 tỷ đồng, đạt 54,2% chỉ tiêu, tăng 200,2%; địa bàn tỉnh Phú Yên 26,202 tỷ đồng, đạt 45,2% chỉ tiêu dự toán, tăng 52,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Truy điệu và an táng 7 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy ở Bình Định
Ngày 24.4, tỉnh Bình Định tổ chức Lễ truy điệu và tiễn đưa các liệt sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng đã anh dũng hy sinh tại Cao điểm 174 vào đầu năm 1975, về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân).
Cao điểm 174 là cụm điểm tựa đóng vai trò rất quan trọng của cả ta và địch. Nếu có được Cao điểm 174, ta sẽ kiểm soát được một địa bàn rộng lớn của huyện Hoài Nhơn, quan trọng hơn là căn cứ Đệ Đức, sân bay Thiết Đính, cầu Bồng Sơn...
Từ đầu cuộc chiến, Cao điểm 174 là vị trí quan trọng mà ta và địch quyết liệt giành giật. Đến tháng 11.1972, Sư đoàn 3 mở đợt tiến công tiêu diệt địch và làm chủ hoàn toàn cụm điểm tựa 174.
Đến tháng 9.1974, địch tập trung lực lượng đánh chiếm Cao điểm 174, 82, Núi Chéo. Đêm ngày 1 đến rạng sáng 2.1.1975, địch mở đợt tiến công đánh chiếm Cao điểm 174, khiến trận địa tại đây bị phá hủy và quân ta bị thương vong.
Đến trưa 2.1.1975, cửa địa đạo bị sập, địch chiếm giữ được địa đạo, các chiến sĩ của ta bị mắc kẹt và hy sinh trong địa đạo (khoảng 7-9 chiến sĩ).
Tại lễ truy điệu, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định - nhấn mạnh: Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm thêm vào trang sử vàng bất khuất của dân tộc Việt Nam, những người con đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Độc đáo Lễ hội cầu ngư tại đảo Nhơn Châu
Sáng 24/4 (16/3 âm lịch), tại xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn (Bình Định) diễn ra lễ hội cầu ngư truyền thống của cộng đồng dân cư địa phương để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội cầu ngư tại đây là nét văn hóa tín ngưỡng gắn với tục thờ cúng cá voi (cá Ông, thần Nam Hải).
Nhiều người dân Nhơn Châu kể, từ bao đời nay, bà con luôn xem cá voi là một trong những vị thần biển linh thiêng. Khi cá chết trôi dạt vào bờ, dân làng chài thường làm tang lễ long trọng và thờ ở Lăng Ông.
Lễ hội nhằm tỏ lòng biết ơn các vị thần Nam Hải và cầu chúc cho dân làng mọi điều tốt lành, cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu cho việc đánh bắt thủy, hải sản bội thu với tôm cá đầy khoang.
Nắng nóng, nhiều người lớn tuổi bị đột quỵ
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Trung - trưởng khoa thần kinh, số bệnh nhân bị đột quỵ nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định - từ đầu tháng 1-2024 cho đến nay là 1.648 ca, tăng 131 ca so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài bệnh nhân trong tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định còn tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ từ các tỉnh lân cận: Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi và cả Khánh Hòa. Các bệnh nhân nhập viện đều có triệu chứng tê liệt chân tay, khó thở hoặc khó cử động. Tại khoa thần kinh - đột quỵ, rất nhiều người lớn tuổi đang nằm điều trị.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng bệnh nhân đột quỵ đó là do nắng nóng làm cho người mệt mỏi, tăng huyết áp.
Ngoài ra nắng nóng quá cũng khiến bệnh nhân lười ăn uống, sau đó làm giảm lượng dịch trong cơ thể dẫn đến máu trở nên cô đặc hơn, từ đó gia tăng nguy cơ đông máu gây ra đột quỵ.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Văn Trung, bệnh đột quỵ hiện nay có xu thế trẻ hóa và gia tăng số lượng. Nắng nóng là yếu tố làm gia tăng thêm mức độ trầm trọng của bệnh đột quỵ.
Những bệnh nhân có bệnh lý nền như: bệnh lý tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý hô hấp, tăng lipid máu … vốn đã mang sẵn nguy cơ đột quỵ nay lại sẽ có nguy cơ cao hơn khi thời tiết nắng nóng hoặc chuyển khí hậu đột ngột.
Xử phạt hành chính tài xế điều khiển xe khách không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông
Ngày 24.4, Phòng CSGT (CA tỉnh) cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N.V.K. (SN 1975, TP Quy Nhơn) về hành vi không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông với số tiền 5 triệu đồng và tước GPLX 2 tháng.
Cụ thể, khoảng 12 giờ 45 phút, ngày 11.3, tài xế K. điều khiển ô tô khách BKS 77B - 01931, chạy tuyến Quy Nhơn - Đà Nẵng. Khi đến ngã 4 Tam Quan (TX Hoài Nhơn), mặc dù tín hiệu đèn đỏ tại khu vực này còn 8 giây, nhưng tài xế K. vẫn điều khiển phương tiện chạy thẳng.
Được biết, video clip này được một người dân tham gia giao thông cùng chiều với xe ô tô khách ghi lại và cung cấp cho Phòng CSGT kiểm tra, xử lý.
Bình Định: CSGT vào cuộc xử lý xe quá tải lộng hành trên đường tỉnh
Ngày 23/4, Trưởng công an huyện Hoài Ân Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, đã nắm được phản ánh của Báo Giao thông liên quan đến tình trạng xe quá tải hoạt động trên đường tỉnh 629 qua địa bàn và đã chỉ đạo tăng cường tuần tra và cũng đã tạm giữ một số phương tiện chở cát để xử lý vi phạm.
Theo ông Lâm, lâu nay vẫn chỉ đạo lực lượng tuần tra trên tuyến nhưng do địa bàn rộng nên không thể khép kín 24/24 được. Thời gian tới, sẽ tăng cường tuần tra, xử lý trên tuyến 629.