Hàng trăm tỷ đồng đầu tư khu trú bão tàu cá cấp vùng ở Bình Định
Ngày 18-4, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, địa phương đang phối hợp với Bộ NN-PTNT chuẩn bị các thủ tục để tiến tới đầu tư khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng Tam Quan (thuộc thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).
Theo đề xuất của địa phương, dự án có 2 phương án đầu tư vốn khoảng 378 tỷ đồng (phương án 1) hoặc 710 tỷ đồng (phương án 2). Sau khi hoàn thành, dự án 70ha này có thể đáp ứng sức chứa trên 2.300 tàu cá vào neo đậu, tránh trú bão an toàn... Tỉnh Bình Định cũng đề xuất đầu tư thêm hạng mục hạ tầng để tạo khu hậu cần kết hợp cảng cá Tam Quan, trong đó nâng cấp cảng cá này từ cảng cá loại 2 lên cảng loại 1, từng bước phát triển cửa biển Tam Quan thành trung tâm hậu cần nghề cá khu vực.
Bình Định gọi đầu tư khu du lịch ven biển hơn 4.3 ngàn tỷ
Dự án tại xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; diện tích khu đất gần 43ha với hiện trạng đất chưa giải phóng mặt bằng. Tổng vốn đầu tư 4,347 tỷ đồng; trong đó sơ bộ chi phí thực hiện 4,247 tỷ đồng, chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư gần 100 tỷ đồng.
Mục tiêu đầu tư thành khu du lịch, thương mại dịch vụ cao cấp với các tiện ích như khách sạn, khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu dịch vụ thương mại hỗn hợp thấp tầng, vui chơi giải trí, công viên, spa chăm sóc sức khỏe... gắn liền với đặc thù cảnh quan ven biển.
Thời hạn, tiến độ đầu tư không quá 48 tháng kể từ ngày hợp đồng thực hiện dự án có hiệu lực hoặc được cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư. Trong đó, tiến độ hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư không quá 12 tháng. Thời hạn sử dụng đất 50 năm từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất.
Đang có làn sóng nhà đầu tư với dòng vốn 'khủng' muốn vào Bình Định
Theo UBND tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút mới 13 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 2.203 tỷ đồng.
Trong đó, có 4 dự án trong khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đầu tư 158,3 tỷ đồng; 9 dự án ngoài KKT, KCN với tổng vốn đầu tư hơn 1.865 tỷ đồng. Đồng thời, có 13 dự án với vốn tăng thêm 249,7 tỷ đồng.
Một số dự án lớn đã được chấp thuận chủ trương thời gian qua như: Dự án Khu nhà ở kết hợp chỉnh trang đô thị tại khu vực phía Nam và phía Bắc đường Tăng Bạt Hổ (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) của Liên danh Công ty CP Phú Tài và Công ty CP Đầu tư An Phát Land với tổng vốn đầu tư 861 tỷ đồng; Khu sản xuất, chế biến nông, lâm sản tập trung của Công ty CP Vinanutrifood Bình Định với tổng vốn đầu tư 495 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, xây dựng nhà xưởng và hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất kinh doanh.
Về đầu tư nước ngoài (FDI), trong quý I, tỉnh Bình Định chưa phát sinh dự án mới trên địa bàn tỉnh.
Tính đến nay, toàn tỉnh này có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,08 tỷ USD; trong đó, 38 dự án trong KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 843,3 triệu USD, 48 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 245,5 triệu USD.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, hiện đang có một làn sóng nhà đầu tư nghiên cứu vào Bình Định, là những tập đoàn lớn với dòng vốn "khủng" ở nước ngoài.
Địa phương đã thành lập Tổ công tác giúp việc cho Chủ tịch UBND tỉnh để nắm bắt cơ hội này. "Chúng ta sẽ hỗ trợ tối đa, nếu thành công, đây sẽ là ‘cú hít’ cho tỉnh phát triển các ngành công nghiệp trong tương lai", ông Thanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, dự kiến trong tháng 5, tỉnh Bình Định sẽ tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Bình Định và các tỉnh Nam Lào triển lãm trực tuyến các sản phẩm đặc trưng
Ngày 18/4, tỉnh Bình Định và các tỉnh phía Nam, nước Cộng hòa DCND Lào đã khởi động Ngày hội Triển lãm trực tuyến các sản phẩm đặc trưng. 360 sản phẩm đặc trưng của gần 200 doanh nghiệp Bình Định và các tỉnh Nam Lào đã được giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng…
Ngày hội Triển lãm trực tuyến các sản phẩm đặc trưng trên website Vietlao.vn do Sở Công Thương Bình Định phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh Nam Lào (gồm: Champasak, Sekong, Salavan, Attapư) tổ chức.
Mục đích của Ngày hội là triển lãm, giới thiệu, quảng bá, kết nối trực tuyến kinh doanh các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Định và các tỉnh phía Nam nước Lào thông qua website Vietlao.vn kết nối với các sàn TMĐT và các công cụ kinh doanh, mua sắm trực tuyến với các doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng, qua đó, góp phần tạo điều kiện hỗ trợ cho các DN, HTX, cơ sở kết nối, tương tác, khai thác, tìm kiếm khách hàng, thị trường cho sản phẩm hàng hóa đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, sản phẩm OCOP của các địa phương. Đồng thời, Ngày hội còn nhằm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác theo thỏa thuận hợp tác về thương mại giữa tỉnh Bình Định và 4 tỉnh Nam Lào thông qua TMĐT, tăng cường hợp tác trao đổi qua kết nối cung cầu trực tuyến, tiết giảm chi phí tăng hiệu quả thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bình Định: 3.000 ngư dân đổi nghề để bảo vệ sinh thái
Ngày 17/4, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã ban hành kế hoạch chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản có ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái giai đoạn 2024 - 2030. Hướng chuyển đổi là chuyển sang các nghề khai thác hải sản ít ảnh hưởng hơn, hoặc chuyển sang nghề khác - ngoài hoạt động khai thác hải sản.Theo đó, giai đoạn 2024 - 2025, chuyển đổi 342 tàu cá hoạt động ở vùng biển ven bờ, vùng lộng đang làm khai thác hải sản có tính xâm hại nguồn lợi thủy sản cao gồm: nghề lưới kéo (giã cào), lưới lồng, nghề ngư cụ kết hợp ánh sáng. Đồng thời, tập huấn, đào tạo nghề cho 2.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp.
Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, chuyển đổi 198 tàu cá hoạt động ở vùng lộng và vùng khơi đang làm nghề lưới kéo và nghề câu mực kiêm lưới mành. Đồng thời, tổ chức tập huấn, đào tạo nghề cho 1.000 ngư dân có tàu cá chuyển nghề phù hợp.
Bình Định xây dựng 23 mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn
UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt Đề án tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo hướng tự động hóa cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh với mục tiêu tổng quát là cụ thể hóa chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025; đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là xây dựng 23 mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn kết hợp với tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ, khoa học kỹ thuật cho một số địa phương trong tỉnh.
Theo Đề án, tổng diện tích cây trồng cạn áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh là hơn 10.500 ha; trong đó, đến năm 2025, diện tích tưới là hơn 5.900 ha (tưới cho cây hàng năm hơn 5.100 ha, tưới cho cây lâu năm hơn 812 ha). Đến năm 2030, tổng diện tích vẫn giữ nguyên nhưng diện tích tưới cho cây hàng năm giảm xuống còn hơn 7.700 ha, tưới cho cây lâu năm tăng lên hơn 2.780 ha.
Đề án cũng nêu rõ, đối với cây hàng năm sẽ tưới bằng béc phun sương, béc phun xoay, ống tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt. Đối với cây lâu năm (chủ yếu là cây ăn quả như bưởi da xanh, quýt đường, mít thái, bơ, xoài, tiêu…) sẽ áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới béc phun xoay theo hướng bán tự động và tự động có điều hòa chất dinh dưỡng.
Bình Định lên phương án ứng phó với hạn hán vụ hè thu
Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất vụ hè thu 2024.
Để ứng phó với khô hạn vụ hè thu 2024, ngành nông nghiệp Bình Định đề ra cách ứng phó: Những diện tích sử dụng nước của các hồ chứa có nguy cơ thiếu nước 1 - 2 lứa vào cuối vụ sẽ xuống giống vụ hè thu ngay sau khi kết thúc vụ vụ đông xuân nhằm tận dụng nước còn lại trên đồng của vụ đông xuân. Vụ hè sẽ được gieo sạ tập trung từ cuối tháng 3/2024 đến giữa tháng 4/2024; vụ thu gieo sạ tập trung từ ngày 1/5/2024 đến ngày 10/5/2024, kết thúc gieo sạ trước ngày 15/5.
Ngành nông nghiệp Bình Định khuyến cáo một số địa phương có nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ hè thu 2024 như thị xã Hoài Nhơn; các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn… cần xây dựng lịch thời vụ phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, chỉ đạo gieo sạ đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng.
VIMC sắp thoái vốn, Cảng Quy Nhơn kinh doanh ra sao?
Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn báo lãi hơn 31 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng mạnh 64,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nợ vay tài chính chiếm gần 50% cơ cấu nợ
Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn (HoSE: QNP) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với doanh thu thuần đạt 275,1 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023.
Khấu trừ chi phí, Cảng Quy Nhơn báo lãi tăng 64,4% lên mức 31,7 tỷ đồng. Giải trình về biến động lợi nhuận, QNP cho biết nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng hàng hóa quý I/2024 thông qua Cảng Quy Nhơn đạt hơn 2,8 triệu tấn, tăng trưởng 45%.
Cuối tháng 3/2024, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án mở rộng cảng Quy Nhơn đến năm 2030, nêu rõ điều chỉnh vốn đầu tư của dự án từ 50 tỷ đồng lên 67,7 tỷ đồng; trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 20,3 tỷ đồng và vốn vay là 47,4 tỷ đồng.
Công an tỉnh Bình Định bắt đối tượng truy nã Phạm Thanh Đức
Sau thời gian bỏ trốn khỏi địa phương, đối tượng bị truy nã về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản quay về quê Bình Định thì bị bắt.
Ngày 18-4, Công an huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định xác nhận đơn vị vừa bắt được đối tượng truy nã Phạm Thanh Đức (SN 1982; ngụ khu phố 9, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn).
Theo hồ sơ, ngày 9-11-2023, Đức đi cùng mẹ ruột đến nhà bà N.T.T. (SN 1972; ngụ thôn Háo Lễ, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) để đòi nợ. Tại đây, hai bên không thỏa thuận được việc trả nợ nên xảy ra kình cãi. Bực tức, Đức dùng tay đập xuống bàn kính phòng khách nhà bà T. làm vỡ tấm kính. Tiếp đó, Đức cầm chai nước suối ném trúng tivi của nhà bà T. làm nứt màn hình.
Với tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 19-3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Phước đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Phạm Thanh Đức về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản.