Chủ tịch Bình Định 'kéo' doanh nghiệp, ngân hàng tiêu thụ ớt cho nông dân
Trước tình hình giá ớt bấp bênh khiến nông dân lâm cảnh ‘đánh bạc’ với cây ớt, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiểm tra, chỉ đạo đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ ớt.
Sau 2 vụ ớt trúng lớn, năm nay, người trồng ớt ở Bình Định nếm thất bại cay đắng vì từ đầu vụ đến nay giá ớt chỉ địa (ớt to) luôn ở mức thấp, chỉ 4.500 đồng/kg; ớt chỉ thiên (ớt nhỏ) giá 9.000 - 10.000 đồng/kg. Trong khi năm 2023, giá ớt chỉ địa suốt vụ dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, còn ớt chỉ thiên có lúc tăng đến 50.000 đồng/kg.
Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - ông Phạm Anh Tuấn đã dẫn đầu đoàn công tác gồm các Sở NN-PTNT, Công Thương; lãnh đạo Công ty Chế biến nông sản - Lương thực thực phẩm xuất khẩu Trần Gia (viết tắt là Công ty Trần Gia - đơn vị trực thuộc Công ty TNHH Khoáng sản Hữu Bích); đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Bình Định (BIDV Bình Định) về huyện Phù Mỹ - địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” ớt của Bình Định để bàn phương án liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt cho nông dân.
Bình Định – Nagano (Nhật Bản) tăng cường hợp tác, phát triển
Tại tỉnh Nagano, Nhật Bản vừa diễn ra buổi gặp gỡ và làm việc giữa lãnh đạo Hội đồng tỉnh Nagano và Đoàn công tác Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định. Tại buổi làm việc hai bên nhất trí xác định: Bình Định – Nagano sẽ chú trọng vun đắp tình hữu nghị và tăng cường hợp tác, phát triển…
Bình Định xây dựng hai công trình hữu nghị tặng Salavan và Sekong (Lào)
Nhân dịp Tết cổ truyền Bun Pi May - Phật lịch 2567 của nhân dân các dân tộc Lào, Đoàn công tác tỉnh Bình Định đã trao tặng hai công trình hữu nghị là Dự án “Xây dựng Nhà học 3 tầng Trung tâm bảo vệ sức khỏe cấp cơ sở tỉnh Salavan” và công trình Sở Ngoại vụ tỉnh Sekong với tổng số tiền 30 tỷ VNĐ.
Phát biểu tại các cuộc gặp với đại diện lãnh đạo hai tỉnh Salavan và Sekong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng gửi lời chúc năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công; chúc mừng và chia sẻ niềm tự hào về những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Salavan và Sekong đã đạt được trong những năm qua. Ông cũng tin tưởng rằng, hai tỉnh Salavan, Sekong và đất nước Lào anh em sẽ tiếp tục thành công trên chặng đường xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư - Tỉnh trưởng tỉnh Salavan Đao-vông Phon-kẹo thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Salavan cảm ơn chân thành Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định về sự hợp tác chân tình, hữu nghị trong thời gian qua. Ông chúc chuyến công tác của đoàn thành công tốt đẹp và mong rằng mối quan hệ hữu nghị giữa hai địa phương sẽ luôn bền vững, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Khai mạc trưng bày ảnh du lịch Quy Nhơn – Bình Định tại Hà Nội
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, lan tỏa rộng rãi những hình ảnh đẹp về du lịch Bình Định dựa trên các tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, sáng ngày 12/4, Sở Du lịch tỉnh Bình Định phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Hà Nội (HANTA), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức “Trưng bày ảnh du lịch Quy Nhơn - Bình Định” tại thành phố Hà Nội năm 2024.
Với 130 bộ ảnh trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ giới thiệu những hình ảnh về cảnh quan thiên nhiên, nét văn hóa - lịch sử, hình ảnh con người Quy Nhơn - Bình Định một cách đặc sắc, phong phú và chân thật nhất.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết, với mong muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là điểm đến không thể thiếu của khách du lịch trong nước và quốc tế; trong thời gian qua, tỉnh Bình Định luôn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến sản phẩm du lịch. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các Lễ hội lớn nhằm thu hút khách du lịch và quảng bá hình ảnh con người Bình Định hiền hòa, mến khách đến với bạn bè trong nước và Quốc tế. Gần đây nhất, từ ngày 22 - 31/03/2024, Bình Định đã tổ chức thành công Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Amazing Bình Định Fest 2024 với chuỗi các hoạt động như: Đua thuyền máy UIM F1H20 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, với hơn 70 vận động viên của 30 quốc gia tham gia; Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Bình Định; Chương trình âm nhạc đường phố; Đêm võ đài Bình Định; Carnival đường phố; Đêm nhạc quốc tế với những ngôi sao nổi tiếng thế giới… Sự kiện đã thu hút hơn 710.000 lượt khách tham quan và lưu trú, doanh thu du lịch ước đạt 2.142 tỷ đồng.
Tổ chức Ngày hội VHTT các dân tộc miền núi tỉnh Bình Định lần thứ XVII
UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao (VHTT) các dân tộc miền núi tỉnh Bình Định lần thứ XVII, năm 2024.
Theo đó, Ngày hội với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền núi tỉnh Bình Định - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển” dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 6 - 8.6, tại thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), với sự tham gia của 6 đoàn nghệ nhân, diễn viên, VĐV đến từ các huyện: Vân Canh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và Phù Cát.
Ngày hội diễn ra 5 hoạt động văn hóa và 2 hoạt động giao lưu, gồm: Thi trại đẹp, thi biểu diễn nghệ thuật quần chúng, thi người đẹp các dân tộc thiểu số, thi trình diễn lễ hội dân gian, thi trình diễn nghề thủ công truyền thống; giao lưu văn hóa cồng chiêng và giao lưu văn hóa ẩm thực. 5 nội dung thi thể thao sẽ được tổ chức tại Ngày hội gồm: Bắn nỏ (nam, nữ), đẩy gậy (nam, nữ), kéo co, bóng đá nam (5 người), bóng chuyền nữ (6 người).
Hồ chứa cạn nước, 24.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt mùa cao điểm
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, hiện có 22 hồ chứa trong tổng số 164 hồ chứa nước ở tỉnh này đã cạn. Với tình hình nắng nóng liên tục, nền nhiệt cao (35-37 độ C), dự báo Bình Định sẽ thiếu nước sản xuất và sinh hoạt vào cao điểm từ tháng 5 trở đi.
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định thông tin, với tình hình hiện tại dự báo sẽ có 1.119 ha diện tích sản xuất vụ Hè Thu thiếu nước. Khoảng 6.000 hộ dân với 23.000 người thiếu nước sinh hoạt nếu nóng kéo dài liên tục từ tháng 5 tới tháng 8.
Quy Nhơn: chuyển gần 1.600 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp
Theo kế hoạch được phê duyệt, năm 2024, thành phố Quy Nhơn có 14.114,66 ha đất nông nghiệp, 12.493,8 ha đất phi nông nghiệp và 1.997,31 ha đất chưa sử dụng.
Trong năm 2024, thành phố Quy Nhơn có kế hoạch thu hồi 1.817,52 ha. Trong đó có 1.135,55 ha đất nông nghiệp và 681,97 ha đất phi nông nghiệp. Địa phương có đất bị thu hồi nhiều nhất là phường Nhơn Phú (423 ha), phường Nhơn Bình (349 ha), phường Quang Trung (205 ha)…
Cũng trong năm 2024, thành phố Quy Nhơn có kế hoạch chuyển 1.599,23 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; 48,46 ha đất chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp; chuyển 227,37 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở.
Địa phương có đất nông nghiệp chuyển đổi sang phi nông nghiệp nhiều nhất là phường Nhơn Phú (292 ha), phường Nhơn Bình (228 ha)…
Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn khẩn trương thông hầm xuyên núi
Hiện tại, 2 trong 3 hầm xuyên núi của dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã thông. Hầm số 3 đang được khẩn trương thi công để về đích vượt tiến độ.
Với hầm số 3, đây là hầm xuyên núi lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam được xây mới, kết nối hai tỉnh Quảng Ngãi với Bình Định. Hầm số 3 có địa chất phức tạp nên công tác thi công được nhà thầu triển khai rất thận trọng nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn.
Theo ký kết với chủ đầu tư, hầm số 3 sẽ hoàn thành sau 42 tháng thi công, nhưng đơn vị thi công đang nỗ lực để thông hầm đường bộ cấp đặc biệt này sớm hơn kế hoạch (dự kiến hầm 3 sẽ đào thông trong tháng 6/2025).
Bình Định tổng kết công tác tuyển quân năm 2024
Chiều ngày 11.4, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND (gọi tắt là công tác tuyển quân) năm 2024. Hội nghị do ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiêm Chủ tịch Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) tỉnh chủ trì.
Theo báo cáo, trong năm 2024 toàn tỉnh có 2.835 thanh niên (TN) nhập ngũ vào các đơn vị quân đội và CA (quân đội 2.505 TN, có 5 nữ và CA 330 TN).
Chất lượng giao quân năm 2024 cao hơn so với năm 2023. Trong đó, giao quân cho các đơn vị quân đội sức khỏe loại 1, 2 có 1.729 TN, đạt tỉ lệ 69,0%, tăng 3,3%; trình độ THPT có 1.849 TN, chiếm tỉ lệ 73,8%, tăng 2%; trình độ chuyên môn nghiệp vụ có 507 TN, đạt tỉ lệ 20,2%, tăng 4,4%. Có 356 TN viết đơn tình nguyện nhập ngũ, chiếm 14,21%, tăng 1,47%; 46 TN là đảng viên nhập ngũ, chiếm tỉ lệ 1,8%, tăng 0,9%.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiêm Chủ tịch Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đánh giá cao nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, cùng với sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành để hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển quân năm 2024.
Được biết, tại Hội nghị lần này, UBND tỉnh đã khen thưởng cho 7 tập thể và 7 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyển quân giai đoạn 2022 - 2024.
Phát hiện hài cốt liệt sĩ tại di tích lịch sử Đồi 174
Ngày 12-4, thông tin từ lãnh đạo huyện Hoài Ân cho biết Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định tìm được hầm chiến đấu và hài cốt liệt sĩ tại khu di tích Đồi 174 thuộc thôn Long Quang, xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân, Bình Định).
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định cho hay việc tìm được hầm chiến đấu và hài cốt liệt sĩ là nhờ nguồn tin từ cựu chiến binh cung cấp. Trong quá trình chiến đấu, tại hầm chiến đấu ở đồi 174 có chín chiến sĩ quân ta không kịp thoát ra ngoài và hy sinh trong hầm.
Theo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định, hiện cửa hầm đã mục nát, lượng bom mìn cũng như nguy cơ chất độc hóa học ở khu vực này còn nhiều. Do đó, đơn vị đã chỉ đạo các lực lượng dừng tìm kiếm, quy tập để lực lượng công binh gia cố lại cửa hầm, xử lý bom mìn, chất độc hóa học. Sau đó, tiếp tục mở rộng tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ.
Bình Định: Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt là chị em ở miền núi - khu vực vốn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nhờ vậy đã thu hẹp khoảng cách vùng miền, mở ra cơ hội kinh doanh mới, hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp, góp phần mạnh mẽ trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương.
Bình Định: Đẩy mạnh việc xóa lối đi tự mở qua đường sắt
Các cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Định đã và đang đẩy mạnh việc xóa bỏ các lối đi tự mở băng qua đường sắt, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ghi nhận, tỉnh Bình Định hiện có 2 tuyến đường sắt đi qua địa bàn, với tổng chiều dài hơn 146 km. Riêng đoạn thuộc quản lý của Công ty cổ phần đường sắt Nghĩa Bình dài hơn 108km. Trên tuyến đường sắt này có 51 đường ngang hợp pháp giao cắt giữa đường bộ và đường sắt được bố trí người trực gác 24/24 giờ, hoặc gắn hệ thống còi, đèn, thanh chắn cảnh báo tự động, biển báo.
Triển khai nhiều giải pháp để phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Hiện nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) tại các huyện miền núi của tỉnh Bình Định tuy có giảm nhưng vẫn còn âm ỉ. Nhận thức được những ảnh hưởng của tình trạng TH&HNCHT, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết cho thanh thiếu niên được coi là giải pháp trọng tâm, thực hiện thường xuyên.
Câu chuyện thay đổi nhận thức của bà con về TH&HNCHT là cả một quá trình “mưa dầm thấm lâu”. Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng TH&HNCHT, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện liên quan tiếp tục tăng cường các biện pháp, giải pháp.
Ban Dân tộc tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 23/QĐ-BDT ngày 22/02/2024 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9: Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Định năm 2024. Cùng với đó, Ban cũng đã ban hành kế hoạch, kinh phí và đẩy mạnh triển khai dự án; phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch chi tiết tổ chức các hội thi tìm hiểu về pháp luật, về hôn nhân, về TH&HNCHT dưới hình thức Rung Chuông Vàng tại các trường học; tổ chức hội nghị phổ biến thông tin, tuyên truyền; lồng ghép chiếu phim phóng sự về TH&HNCHT và ký bản cam kết “Nói không với TH&HNCHT” trong gia đình.
Ngoài ra, Ban xây dựng pano tuyên truyền tại các thôn, làng có đồng DTTS sinh sống. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền ở các trường bán trú, thành lập mới Câu lạc bộ “Thanh niên nói không với TH&HNCHT” tại trường; phát sổ tay hỏi đáp pháp luật; tổ chức thi Rung Chuông Vàng trong trường học; tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kỹ năng truyền thông, vận động tư vấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền pháp luật về TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS tại các xã thuộc huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh.
Đối với các địa phương có người DTTS sinh sống như huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân và Phù Cát chỉ đạo cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến người dân, Người có uy tín trong đồng bào DTTS; chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng kiểm tra các thôn, làng, khu phố đưa nội dung tảo hôn vào hương ước, quy ước để triển khai thực hiện. Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9: Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (từ 2021-2025) và hàng năm trên địa bàn huyện…
Bình Định: Đẩy mạnh việc xóa lối đi tự mở qua đường sắt
Để xóa bỏ các tuyến đường ngang dân sinh tự mở theo Đề án của Chính phủ, phương án khả thi nhất là phải thi công các tuyến đường gom, hầm chui, hàng rào bảo vệ hành lang an toàn đường sắt. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện tại Bình Định còn gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo yêu cầu đề ra do nhiều địa phương còn thiếu kinh phí thực hiện.
Mới đây, Bộ GTVT cũng đề xuất cho phép sử dụng hành lang an toàn giao thông đường sắt quốc gia để xây dựng đường gom, với mục đích xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt. Khi xây dựng đường gom trong hành lang an toàn giao thông đường sắt phải xây dựng hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với đường gom để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đường bộ. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để từng bước thực hiện việc xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trong thời gian tới.
3 tháng, 11 vụ mất cắp mô tơ ở công trình xây dựng
Ngày 12/4, Công an thị xã An Nhơn thông tin, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thị xã đã xảy ra 11 vụ trộm cắp mô tơ ở các công trường xây dựng.
Trước tình trạng này, từ đầu tháng 4/2024 đến nay, Công an thị xã An Nhơn đã tập trung điều tra, bắt giữ được 2 nhóm trộm cắp tài sản gồm 5 đối tượng. Trong đó, có nhóm đối tượng trộm cắp từ tỉnh khác đến địa bàn gây án nhưng nhanh chóng bị phát hiện.
Theo lời khai của 2 nhóm trộm cắp tài sản, đến thời điểm bị bắt giữ, chúng đã thực hiện được 12 vụ trộm cắp mô tơ các loại. Thủ đoạn của các nhóm này là lợi dụng đêm khuya, đến các công trình đang xây dựng không người trông coi, lẻn vào trộm cắp tài sản, sau đó nhanh chóng tẩu thoát.