Bí thư Tỉnh ủy Bình Định sang Nhật Bản xúc tiến đầu tư
Đoàn công tác của Bình Định do Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng dẫn đầu đang tổ chức chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản.
Trong khuôn khổ các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, ngày 10-4, đoàn công tác của Bình Định do Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng dẫn đầu đã có buổi gặp gỡ và làm việc với ông Yamagishi Yoshiaki, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Nagano, Nhật Bản. Cùng tham gia làm việc với đoàn còn có ông Phạm Quang Hiệu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Nhật Bản.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, Nhật Bản là đối tác quan trọng của Bình Định. Hiện dư địa hợp tác giữa Bình Định và Nhật Bản còn rất lớn, các ngành nghề mà tỉnh mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản, gồm: công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện - điện tử; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh. Trên lĩnh vực xuất nhập khẩu và chế biến, các mặt hàng mà Bình Định có thế mạnh như: tôm, trái cây, cá ngừ đại dương, sản xuất công nghiệp.
Đợt xúc tiến đầu tư lần này, đoàn công tác sẽ giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh; môi trường đầu tư và cơ chế chính sách thu hút đầu tư tại Bình Định; lĩnh vực, ngành nghề mà Bình Định đang ưu tiên thu hút và hỗ trợ đầu tư; giá thuê đất, chính sách miễn giảm tiền thuê đất; nguồn lao động; dòng vốn cung ứng cho các doanh nghiệp… khi đầu tư vào KKT và các KCN, đặc biệt là KCN Becamex VSIP Bình Định.
Doanh nghiệp Hoa Kỳ đang rất quan tâm đến Việt Nam, cơ hội cho Bình Định
Với lợi thế về hạ tầng, thủ tục và môi trường đầu tư, Bình Định có nhiều cơ hội khi các lĩnh vực đầu tư mà doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm là lợi thế của địa phương. Theo các chuyên gia, Bình Định cần có chính sách thu hút "sếu đầu đàn".
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư tại tỉnh, thời gian thực hiện toàn bộ thủ tục từ cấp phép đầu tư đến xây dựng không quá 118 ngày (rút ngắn thời gian 124 ngày so với quy định (242 ngày). Bình Định là một trong những địa phương có thời gian giải quyết thủ tục từ cấp phép đầu tư đến xây dựng nhanh nhất cả nước.
Hiện, tỉnh Bình Định đã đầu tư nhiều khu, cụm công nghiệp và luôn chuẩn bị nhiều quỹ đất sạch (mỗi năm chuẩn bị từ 20ha - 30ha, dọc theo các tuyến đường kết nối Đông - Tây, đường ven biển) để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, nhiều khu công nghiệp có mức giá thuê hạ tầng khoảng 25USD - 60USD/m2/50 năm, thấp hơn nhiều so với một số khu công nghiệp khác trên cả nước.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhìn nhận, 10 năm qua, Bình Định đã thay đổi từng ngày để phát triển. Những gì tỉnh này làm được cho đến nay phải nói rằng rất ấn tượng, đặc biệt trong đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế.
"Nhưng đến nay, Bình Định chưa tạo được làn sóng đầu tư mới mạnh mẽ để khai thác hết thế mạnh của mình, chưa có nhiều "sếu đầu đàn" mặc dù tỉnh cố gắng tạo điều kiện mời gọi", TS Trần Du Lịch chỉ rõ.
Thời gian tới, Bình Định có thể "đi tắt, đón đầu" để phát triển. Đặc biệt trong phát triển và cung cấp chứng chỉ carbon cho các nhà sản xuất trong và ngoài nước.
Khánh thành Nhà máy thức ăn chăn nuôi công suất 250 nghìn tấn sản phẩm/năm
Thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết, Dự án Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi BGF-BIGRFEED Bình Định khởi công vào tháng 2/2022, với quy mô diện tích gần 2,56 ha với tổng vốn đăng ký đầu tư 260 tỷ đồng, với công suất 250 nghìn tấn sp/năm, chuyên cung ứng dòng sản phẩm thức ăn dành cho lợn, gia súc và gia cầm.
Toàn bộ dây chuyền công nghệ tự động chế biến thức ăn gia súc do phía nước ngoài cung cấp, phù hợp với đặc điểm tình hình và môi trường ở Việt Nam.
Ông Lâm Hải Châu, Tổng Giám đốc Tập đoàn BGF cho biết, dự án có tổng mức đầu tư 20 triệu USD, công suất của nhà máy khoảng 350 nghìn tấn sp/năm, nhà máy tạo việc làm cho khoảng 150 người lao động, với hệ thống máy móc được nhập khẩu với công nghệ mới và tiên tiến nhất, thiết kế đồng bộ, có trang bị hệ thống bồn ủ, hệ thống kiểm soát chất lượng hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đi vào sản xuất, nhà máy sẽ đạt tổng doanh thu hằng năm theo tính toán khoảng 2.000 tỷ đồng.
Đánh giá cao việc xây dựng BIGRFEED Bình Định, ông Cao Thanh Thương, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết, BIGRFEED Bình Định là dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô tương đối lớn, được đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ, đảm bảo các điều kiện về môi trường. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho người lao động, đồng thời đóng góp vào ngân sách địa phương, gia tăng chỉ số phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp của thị xã An Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.
Bình Định quy hoạch mới Khu dân cư Mỹ Chánh Tây hơn 81 ha
UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu dân cư Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ.
Theo đó, quy hoạch Khu dân cư Mỹ Chánh Tây diện tích khoảng 81,4ha, thuộc xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ.
Ranh giới cụ thể có phía Bắc giáp tuyến đường quy hoạch mới (ĐT638 – ĐT639); phía Nam giáp đường ĐT632 và khu dân cư hiện trạng; phía Đông và Tây giáp khu dân cư hiện trạng và đất ruộng lúa.
Việc quy hoạch xây dựng khu dân cư mới hoàn chỉnh, đồng bộ các công trình kiến trúc và kỹ thuật, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Đây là cơ sở pháp lý để quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch.
UBND tỉnh Bình Định cũng giao các sở, ngành có liên quan, UBND huyện Phù Mỹ theo chức năng, nhiệm vụ của mình, cập nhật nội dung đồ án quy hoạch để quản lý và thực hiện quy hoạch theo quy định.
Bình Định lên kế hoạch thu hút 100 dự án đầu tư trong 2024
UBND tỉnh Bình Định vừa có quyết định Ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024.
Theo đó, trong năm 2024, Bình Định đặt mục tiêu thu hút 100 dự án, trong đó Sở KH&ĐT thu hút mới 70 dự án (tăng 38 dự án), Ban Quản lý Khu kinh tế thu hút 30 dự án (tăng 2 dự án) so với năm 2023.
Đồng thời, đảm bảo 1.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký đầu tư 10.000 tỷ đồng.
Trong năm 2024, tỉnh Bình Định tiếp tục tập trung mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu tư các dự án then chốt vào 5 trụ cột chính, gồm: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.
Tỉnh Bình Định xác định, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của tỉnh.
Tỉnh cũng sẽ chủ động tiếp xúc, kêu gọi, làm việc với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, rút ngắn tối đa thời gian chuẩn bị một dự án đầu tư nhằm thu hút, triển khai các dự án trên địa bàn.
Bình Định ứng phó nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho biết thời tiết khô hạn kéo dài nhiều ngày qua khiến cấp độ cảnh báo cháy rừng toàn tỉnh là cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Nguy cơ xảy ra cháy lớn ở tất cả các loại rừng, tốc độ lửa tràn rất nhanh.
Những địa phương có nguy cơ cao nhất là các huyện Phù Cát, Phù Mỹ...
Trước tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu các đơn vị chức năng, địa phương, chủ rừng thực hiện ngay biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Các chủ rừng bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ để canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; kịp thời phát hiện, khống chế nhanh nhất trường hợp cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị đảm bảo hoạt động tốt, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ…
Ngoài ra, nghiêm cấm mọi trường hợp đốt nương, rẫy, xử lý thực bì khi thời tiết nắng nóng kéo dài, dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Nếu không tuân thủ, để xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tăng cường công tác phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển
Chiều 10/4, tại Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định đã diễn ra Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên biển giữa 7 đơn vị thuộc BĐBP (gồm BĐBP các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Hải đoàn Biên phòng 48) và Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải khu vực II năm 2023; triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh, Chỉ huy trưởng BĐBP Bình Định và đồng chí Phan Thanh Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực II đồng chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã đóng góp nhiều ý kiến thảo luận liên quan công tác phối hợp, phương hướng, nhiệm vụ hoạt động TKCN trong năm 2024. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, vận động ngư dân nâng cao nhận thức về công tác TKCN, phát huy vai trò của các Tổ đoàn kết trên biển trong công tác TKCN; chỉ đạo các Trạm Kiểm soát Biên phòng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa sông, cửa lạch. Khi làm thủ tục cho tàu, thuyền xuất bến phải đảm bảo các điều kiện về an toàn hàng hải, đảm bảo thông tin liên lạc của tàu thuyền trước khi rời bến.
Đồng thời, kịp thời nhắc nhở, kiên quyết xử lý, ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn khi hoạt động trên trên biển; khai thác có hiệu quả hệ thống giám sát hành trình tàu cá phục vụ nhiệm vụ kêu gọi, huy động phương tiện để phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia TKCN tại hiện trường…/.
Đâm chết chồng cũ, bị cáo Nguyễn Thị Thùy Trang bị TAND tỉnh Bình Định tuyên phạt 17 năm tù về tội giết người.
Ngày 11.4, TAND tỉnh Bình Định mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thị Thùy Trang (35 tuổi, TX.An Nhơn, Bình Định) về tội giết người. Bị cáo Trang là người đã đâm chết chồng cũ của mình.
Nói lời sau cùng, bị cáo Trang ân hận về những gì bị cáo đã gây ra, mong muốn HĐXX khoan hồng cho bị cáo để được sớm về nuôi 2 con còn nhỏ.
Sau khi xem xét, HĐXX TAND tỉnh Bình Định đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thùy Trang mức án 17 năm tù về tội giết người.