Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến tỉnh Bình Định ngày 10.4.2024  

Thứ tư - 10/04/2024 16:47 33 0
Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến tỉnh Bình Định trên các báo ra ngày 10.4.2024
Bình Định điều chỉnh chủ trương mở rộng Cảng Quy Nhơn

UBND tỉnh Bình Định vừa quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án mở rộng Cảng Quy Nhơn đến năm 2030 tại phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn (giai đoạn 1). Dự án do Công ty CP Cảng Quy Nhơn làm chủ đầu tư.
Cụ thể, từ Quý 2/2021 - Quý 4/2023 sẽ hoàn thành các thủ tục đầu tư để được bàn giao mặt bằng; Quý 1/2024 - Quý 2/2024 tiến hành đầu tư hạ tầng hạng mục bãi chứa hàng; Quý 2/2024 - Quý 3/2024 sẽ đầu tư hạng mục đường giao thông. Từ Quý 4/2024 - Quý 1/2025, tiến hành đầu tư mua sắm thiết bị xếp dỡ và hoàn thành các hạng mục còn lại đưa dự án đi vào hoạt động.
Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, là đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm cảng biển Nam Trung Bộ. Cảng nằm trong Vịnh Quy Nhơn, có bán đảo Phương Mai che chắn, kín gió, thuận lợi cho tàu neo đậu và xếp dỡ hàng quanh năm. 
Cảng Quy Nhơn có thể tiếp nhận được các loại tàu đến 30.000 DWT và tàu 50.000 DWT được giảm tải. Trong định hướng Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Cảng Quy Nhơn sẽ được thúc đẩy đầu tư hoàn thiện hạ tầng.

Cơ hội để gỡ 'thẻ vàng' IUU

Ngày 9-4, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đã đi khảo sát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) tại cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Sau khi nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã biểu dương những nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo, ngư dân Bình Định trước cơ hội để gỡ "thẻ vàng" IUU đối với ngành thủy sản Việt Nam khi đoàn kiểm tra của EC dự kiến sang Việt Nam kiểm tra trong tháng 5 tới.
Bộ trưởng đề nghị các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền việc chấp hành pháp luật cho ngư dân, kêu gọi ngư dân nâng cao ý thức, tuyệt đối tuân thủ quy định về chống khai thác IUU, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, không thể để xảy ra tình trạng "một con sâu làm rầu nồi canh".

Đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Cuộc vận động 'Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh' được Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Định và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh phối hợp triển khai sâu rộng, đạt nhiều kết quả thiết thực.
Đến nay, toàn tỉnh có 5/11 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó có 17/85 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 85/111 xã đạt chuẩn NTM. Mặt trận các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động chung ở khu dân cư, gắn với xây dựng các mô hình mới, cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực trong xây dựng khu phố, khối phố “sáng - xanh - sạch đẹp - an toàn”; nhiều mô hình tự quản trong cộng đồng mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa sâu rộng.
Hiện toàn tỉnh Bình Định xây dựng được hơn 1.511 mô hình dân vận khéo, mô hình tự quản trên nhiều lĩnh vực, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, tỷ lệ số hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt trên 95%; trên 90% khu dân cư (thôn, làng, khu phố) đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”.

Cục THADS Bình Định: Xây dựng kế hoạch học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Mới đây, Chi bộ Cục THADS tỉnh Bình Định đã xây dựng kế hoạch về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để thực hiện trong năm 2024.
Để thực hiện Chuyên đề năm 2024, 2025 của Đảng bộ tỉnh, các đảng viên, công chức, người lao động trong đơn vị xây dựng kế hoạch, bản cam kết năm 2024 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chuyên đề năm 2024, 2025 gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao để thực hiện trong năm. Cuối năm, từng đảng viên, công chức báo cáo kết quả thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với kết quả công tác để kiểm điểm, đánh giá, xếp loại công chức, đảng viên, người lao động trong năm 2024.

Mùa vui trên những cánh đồng lớn cho thu 'vàng mười' ở Tuy Phước

Tuy Phước (Bình Định) từng được ví như một vùng đất khó 'mới nắng đã khô, mới mưa đã úng', nhưng nay nhờ sự thay đổi trong tư duy sản xuất, những cánh đồng lớn cho giá trị kinh tế vượt trội đã ra đời, mang lại ấm no cho người dân trên địa bàn huyện.
Những năm qua, huyện thử nghiệm đưa thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa nhằm đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Khâu sau thu hoạch cũng được huyện chú trọng bằng việc đầu tư máy cuốn rơm rạ và hệ thống máy sấy lúa, chế biến gạo.
Đáng chú ý, trong chiến lược phát triển cánh đồng lớn, ngành nông nghiệp huyện Tuy Phước coi HTX nông nghiệp là tổ chức đại diện nông dân ký hợp đồng với các công ty làm dịch vụ cung ứng đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tiêu thụ sản phẩm…
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, trong năm 2023 trên địa bàn huyện Tuy Phước có 24 sản phẩm được công nhận đạt hạng 3 sao. Nâng tổng số sản phẩm công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP trên địa bàn huyện này hiện nay lên 35 sản phẩm (hạng 3 sao).
Kết quả thực tế cho thấy các bước đi trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao vai trò HTX, của huyện đang phát huy hiệu quả và cần tiếp tục được đầu tư, phát huy trong thời gian tới.

Nghề chằm nón ngựa Phú Gia là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 9-4, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định đưa nghề chằm nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghề chằm nón ngựa Phú Gia là nghề thủ công truyền thống được người dân thôn Phú Gia, xã Cát Tường gìn giữ gần 200 năm nay. Sản phẩm nón ngựa Phú Gia mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của miền đất võ Bình Định.
Ngoài thôn Phú Gia, những thôn lân cận của xã Cát Tường như Kiều Đông, Xuân Quang cũng làm các công đoạn liên quan đến nghề chằm nón, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là ở thôn Phú Gia
Đến nay, Phú Gia có gần 300 hộ làm nón. Nhiều hộ gia đình làm nghề chằm nón trên 200 năm và được truyền đời này sang đời khác. Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây