Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến tỉnh Bình Định ngày 25.07.2024

Thứ năm - 25/07/2024 16:35 12 0
Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến tỉnh Bình Định trên các báo ra ngày 25.07.2024
Tỉnh miền Trung có đường bờ biển đẹp nhất nhì cả nước sắp có cây cầu vượt lũ hàng trăm tỷ đồng

Đây là dự án sử dụng vốn đầu tư công do Tỉnh quản lý hỗ trợ theo Quyết định số 26/2021 của UBND tỉnh cho giai đoạn 2021-2025.
UBND tỉnh Bình Định mới đây đã đồng ý về chủ trương cho UBND huyện Hoài Ân lập thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng mới cầu vượt lũ Mỹ Thành bắc qua sông An Lão, nối 2 xã Ân Mỹ và Ân Tín.
UBND tỉnh Bình Định lưu ý, tổng mức đầu tư dự án không vượt quá 150 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công do Tỉnh quản lý hỗ trợ theo Quyết định số 26/2021 của UBND tỉnh cho giai đoạn 2021-2025 bao gồm vốn ngân sách Tỉnh và ngân sách Trung ương hỗ trợ; nguồn vốn đầu tư công do Tỉnh quản lý giai đoạn 2026 - 2030; vốn ngân sách huyện Hoài Ân và các nguồn vốn hợp pháp khác. (chatluongvacuocsong.vn)

Đầm nước mặn lớn nhất Bình Định – “báu vật” tiềm năng của du lịch đất võ

Nằm cách TP Quy Nhơn 8km về phía Đông Bắc, đầm Thị Nại là đầm nước mặn lớn nhất Bình Định có hệ sinh thái phong phú với nhiều loại động thực vật quý hiếm và nhiều thắng cảnh đẹp.
Đầm Thị Nại có diện tích trên 5.000 ha, thuộc địa phận 4 phường, xã của TP Quy Nhơn và 4 xã của huyện Tuy Phước, đổ ra cửa Thị Nại. Từ lâu, đầm nước mặn lớn nhất đất võ đã đi vào câu ca dao bao đời: “Bình Định có núi Vọng Phu/ Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh”.
Đầm Thị Nại có nguồn lợi thủy sản phong phú lên tới gần 700 loài động vật, thực vật, gồm nhiều loài cá, tôm, ghẹ, cua, động vật thân mềm và rong biển.
Nhiều chuyên gia du lịch khi khảo sát đầm Thị Nại đều khẳng định, nơi đây giống như “báu vật” của Bình Định, nếu tỉnh này biết khai thác tiềm năng sẽ là động lực lớn cho ngành du lịch tỉnh.
Du lịch được định hướng là một trong năm trụ cột tăng trưởng kinh tế xã hội của Bình Định, định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ đón 8 triệu lượt khách du lịch mỗi năm.
Các hoạt động đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch mới nhằm đa dạng trải nghiệm cho du khách đang là vấn đề được tỉnh này quan tâm.
Trao đổi với báo chí trong cuộc khảo sát đầm Thị Nại hồi đầu năm 2023, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, hiện tỉnh đang xây dựng quy hoạch tổng thể của vùng Tuy Phước, lấy trung tâm là đầm Thị Nại với Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Cồn Chim cực kỳ quý hiếm.
Kết quả các đợt khảo sát chuyên môn, với những đóng góp của các chuyên gia sẽ giúp Bình Định định hình có được quy hoạch phát triển tổng thể hiện đại, để xây dựng sản phẩm du lịch khai phá tiềm năng đầm Thị Nại. (vietgiaitri.com)

Bình Định thúc đẩy sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm

Trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu tại tỉnh Bình Định có sự tăng trưởng vượt bậc. Đà tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhờ được hỗ trợ bởi sự phục hồi từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc…
Theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh Bình Định, chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 9,65% so với cùng kỳ 2023; trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 13,86%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,43%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,63%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,46%.
Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ: Gạch ốp lát tăng 177,53%; quần các loại tăng 51,49%; áo các loại tăng 47,43%; bàn ghế gỗ tăng 9,3%; bàn ghế nhựa giả mây tăng 22%; điện thương phẩm tăng 24,78%; thuốc nước để tiêm tăng 16,95%; dung dịch huyết thanh tăng 9,53%; tấm lợp kim loại tăng 85%; sữa, kem chưa cô đặc tăng 95,66%… Ngược lại, một số ngành khác giảm so với cùng kỳ do tiêu thụ chậm như: Ống thép giảm 43,12%; gạch xây giảm 13,1%; điện sản xuất giảm 8,63%; tôm đông lạnh giảm 7,16%; phi lê cá giảm 5,21%…
Với kết quả tăng trưởng kinh tế của 6 tháng đầu năm nay, để tốc độ tăng GRDP cả năm đạt 7,5-8% trở lên, đòi hỏi tốc độ tăng GRDP của 6 tháng cuối năm còn lại trong năm phải đạt 7,42- 8,4%. Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ và kế hoạch năm 2024 đã đề ra; Cục Thống kê Bình Định đề xuất triển khai thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó với sản xuất công nghiệp cần tăng cường việc gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp, nhằm đồng hành, lắng nghe, trao đổi, hỗ trợ các doanh nghiệp, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, trọng tâm là các dự án chế biến gia súc, gia cầm, thủy sản, rau, hoa… Hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án tại Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định; Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa, Trung tâm Khám phá khoa học; các dự án năng lượng tái tạo, công nghiệp, du lịch tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh… (xaydungtoday.vn)

Diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại Bình Định đã đi qua hơn nửa chặng đường, đến nay diện mạo các vùng nông thôn ngày càng khởi sắc. Ba năm qua, tỉnh thực hiện tốt phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023 và nhận được sự đóng góp không nhỏ của người dân các địa phương.
Các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả được nhân rộng, giúp cải thiện môi trường nông thôn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, và các hoạt động chống rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định phát động, đã thu hút sự tham gia tích cực của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên các cấp thực hiện hàng nghìn công trình từ việc làm mới, tu sửa đường giao thông nông thôn, làm sạch kênh mương nội đồng, đến thắp sáng đường quê và bảo vệ môi trường. Hội Nông dân tỉnh Bình Định cũng xây dựng nhiều mô hình điểm về phân loại và xử lý chất thải sinh hoạt tại hộ gia đình với sự tham gia của hơn 500 hội viên. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả được nhân rộng; môi trường nông thôn được cải thiện; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…
Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cho biết, mục đích của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng đời sống cho người dân vùng nông thôn, mang lại những giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới. Do vậy các xã cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới, nhất là các tiêu chí về giao thông, văn hóa, môi trường… (nhandan.vn)

Tuy Phước (Bình Định): Làm tốt công tác xã hội hóa nguồn lực giảm nghèo

Ngoài việc thực hiện hiệu quả các dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, thì việc huy động nguồn lực từ xã hội đã được huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) chú trọng, từ đó góp phần mang lại những kết quả tích cực cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, đồng thời xây dựng diện mạo nông thôn mới trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuy Phước, cùng với nguồn lực đầu tư tập trung của Nhà nước thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách, dự án giảm nghèo, chương trình giảm nghèo đã huy động được sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp trong xã hội như: phong trào “Ngày vì người nghèo” do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt nam phát động; phong trào “Tiết kiệm - tín dụng” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; phong trào nông dân giúp nhau làm kinh tế giỏi thông qua phương thức “cầm tay, chỉ việc” của Hội Nông dân; phong trào “Cựu chiến binh đoàn kết giúp nhau xây dựng nhà Tình đồng đội”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”…; sự tham gia giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ngày càng phát triển sâu rộng.
Bên cạnh đó là hàng trăm, hàng nghìn tấm lòng hảo tâm và những nghĩa cử cao đẹp của nhiều cá nhân, tổ chức đối với người nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội trong thời gian qua là một trong những nhân tố mang lại thành công trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh nói chung và của huyện nhà nói riêng.
Các cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” được trên 2,49 tỷ đồng và tiếp nhận 1,785 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở đại đoàn kết (số liệu tính đến ngày 05/6/2024); đã thăm, tặng hàng nghìn suất quà, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, đối tượng nghèo mắc bệnh hiểm nghèo nằm viện dài ngày, hỗ trợ khó khăn đột xuất, khám chữa bệnh, giúp học sinh học tập,… cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng; các cấp hội đã nhận trợ giúp, hỗ trợ 471 hộ thoát nghèo vền vững. Mỗi dịp Tết đến - Xuân về đã huy động hàng nghìn suất quà tặng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện.
Hội Chữ thập đỏ các cấp đã vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, các đơn vị xã hội từ thiện trong và ngoài huyện thăm, tặng quà, hàng hóa, nhu yếu phẩm, trợ cấp khó khăn, khám và cấp phát thuốc miễn phí, duy trì bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế huyện,… với tổng giá trị ước tính trên 16 tỷ đồng, giúp cho nhiều gia đình nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình khó khăn, bị thiệt hại do thiên tai,... vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. (baotainguyenmoitruong.vn)

Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Kiên quyết xử lý chủ tàu vi phạm

Với quyết tâm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển các nước, tỉnh Bình Định chỉ đạo xử lý kiên quyết đối với các chủ tàu, thuyền trưởng có tàu cá vi phạm.
Cụ thể là công khai lên án hành vi vi phạm của chủ tàu tại địa phương và công khai danh sách chủ tàu cá tàu cá vi phạm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên toàn quốc. Đồng thời, hạn chế và chấm dứt không cho chủ tàu khôi phục lại hoạt động nghề khai thác thủy sản; xem xét xử lý hành chính hành vi vi phạm và trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm có tổ chức sẽ xem xét xử lý hình sự.
Cùng đó, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển đưa nội dung “tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài” vào tiêu chí xét thi đua, khen thưởng hàng năm. Người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện, xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tàu cá vi phạm khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.
heo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc, để giải quyết triệt để các tàu cá xâm phạm, đi đánh bắt vùng biển nước ngoài, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục làm việc với các chủ tàu cá để yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trường hợp tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì tạm thời thu hồi giấy phép khai thác thủy sản; đồng thời tạm dừng việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu cá này, chỉ thực hiện cấp và cấp lại sau khi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Cùng đó, yêu cầu chủ tàu cá cam kết đảm bảo thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu rời cảng đến khi cập cảng để các lực lượng chức năng theo dõi và quản lý; có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị sở tại các tỉnh phía Nam phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhóm tàu cá này và không làm thủ tục xuất bến đi đánh bắt thủy sản do giấy phép khai thác thủy sản đã bị thu hồi.
Ngoài ra, tăng cường lực lượng trực hệ thống Trạm bờ 24/24 giờ để kịp thời phát hiện tàu cá không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển, tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển để kịp thời cảnh báo. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về kinh phí trang bị thiết bị Giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài từ 12-15 m cho ngư dân. (bnews.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây