Du lịch Bình Định hấp dẫn với loạt sự kiện hè sôi động
Ngày 27/5, UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh sẽ tổ chức chuỗi sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao, thương mại hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước vào mùa cao điểm du lịch hè 2024.
Các chuỗi sự kiện diễn ra xuyên suốt từ tháng 6 đến tháng 8/2024 như: giới thiệu ẩm thực Bình Định; liên hoan diều Quy Nhơn - Bình Định; lễ hội đường phố; lễ hội ánh sáng; chương trình “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao - Tự hào bản sắc Việt”; lễ hội du lịch hè năm 2024; hội nghị thúc đẩy đầu tư, phát triển thương mại, du lịch các tỉnh phía Nam với đối tác Ấn Độ; giải bóng đá bãi biển Vô địch quốc gia năm 2024; chương trình “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao - Tự hào bản sắc Việt”; giải Bóng rổ trẻ các nhóm tuổi 3x3 toàn quốc năm 2024…
Để mang đến trải nghiệm hấp dẫn cho người dân và du khách, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan tổ chức họp báo về chuỗi sự kiện du lịch hè năm 2024; phối hợp với Hiệp hội Du lịch Bình Định, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Bình Định tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hưởng ứng, có chính sách ưu đãi, giảm giá và xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc phục vụ cho đại biểu và du khách về tham dự chuỗi sự kiện du lịch hè năm 2024. (vietnamnet.vn)
Bình Định: Tăng cường bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa lũ 2024
UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 1805/QĐ-UBND kèm theo Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 2592/CT-BNN-TL ngày 10/4/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024.
Theo đó, mục đích của kế hoạch nhằm huy động nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2024 theo phương châm “4 tại chỗ”; xác định trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, các sở, ban, ngành, cơ quan, hội, đoàn thể trong tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý công trình thủy lợi, đê điều nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng, hệ thống công trình thủy lợi, đê điều và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ đôn đốc các chủ đầu tư triển khai các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình thủy lợi, đê điều bảo đảm hoàn thành (hoặc kết thúc điểm dừng kỹ thuật hợp lý) trước mùa mưa lũ năm 2024 nhằm đảm bảo an toàn cho công trình; xây dựng và triển khai phương án ứng phó thiên tai cho công trình nhằm bảo đảm an toàn trong mọi tình huống, đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân lực, xe máy để ứng phó kịp thời khi mưa, lũ lớn xảy ra. Chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên xử lý các trọng điểm đê điều, hồ chứa nước xung yếu. Đẩy nhanh khắc phục hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều (xói lở tràn, hư hỏng thân cống, sạt lở mái đê, sạt lở mái kè, chân kè…) và hoàn thành việc xử lý trước mùa lũ, bão năm 2024. (kinhtemoitruong.vn)
Bình Định tăng thời gian bảo hành đối với công trình xây dựng sử dụng vốn Nhà nước
Bình Định yêu cầu tăng thời gian bảo hành công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công được đầu tư xây dựng trên địa bàn thêm ít nhất 12 tháng so với quy định, áp dụng từ đầu tháng 6.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa yêu cầu tăng thời gian bảo hành công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh với mục đích là để nâng cao chất lượng công trình xây dựng.
Theo đó, thời hạn bảo hành đối với hạng mục công trình, công trình xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp (được tính kể từ khi được chủ đầu tư nghiệm thu theo quy định) không ít hơn 48 tháng đối với công trình cấp đặc biệt; không ít hơn 24 tháng đối với các công trình cấp còn lại.
Được biết, trước đó ngày 28/2/2024, Sở Xây dựng tỉnh Bình Định có tờ trình đề nghị tăng thời gian bảo hành công trình dân dụng, hạ tầng kỹ thuật sử dụng nguồn vốn đầu tư công được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh trong năm 2024. (baodautu.vn)
Bình Định tăng cường công tác chống khai thác IUU
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với việc thực hiện công tác chống khai thác IUU, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.
Ông Phạm Anh Tuấn giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương điều tra, xử lý triệt để các trường hợp khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ năm 2023 đến nay. Công an tỉnh tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa ngư dân, tàu cá Bình Định đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài hoặc môi giới, tổ chức đưa tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về Việt Nam trái phép theo quy định của pháp luật. Phối hợp với lực lượng Biên phòng và các địa phương trong việc xác minh nguồn kinh tế, tài sản, thông tin về tài khoản cá nhân tại các tổ chức tín dụng/ngân hàng của các chủ tàu bị bắt giữ đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa thi hành, để phục phục cho việc cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển, ông Phạm Anh Tuấn yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, cho nhiều đối tượng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, trong đó chú trọng các địa bàn trọng điểm áp dụng triệt để các biện pháp ngay từ trong bờ để kịp thời phát hiện sớm, từ xa, kiên quyết ngăn chặn không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo theo dõi, truy cập dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá để phối hợp, xử lý các trường hợp vi phạm của tàu cá địa phương theo chức năng, thẩm quyền được giao. Phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá vượt ra ngoài ranh giới vùng biển tự do đánh bắt, tàu cá bị mất tín hiệu kết nối trên biển sau khi tàu về bờ theo quy định của pháp luật. (baotainguyenmoitruong.vn)
Bình Định: Nhà máy nước phục vụ hơn 4.000 hộ dân xuống cấp nghiêm trọng
Hàng nghìn hộ dân của 3 xã khu vực phía Đông thị xã An Nhơn (Bình Định) đang có nguy cơ thiếu nước sạch khi Nhà máy nước cung cấp nguồn nước sạch cho khu vực này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nước bị nhiễm phèn và tất cả các chỉ số đang ở ngưỡng báo động.
Theo ông Trần Công Thương, Trạm trưởng Trạm cấp nước sinh hoạt 03 xã khu Đông An Nhơn cho biết: Hiện nay, hệ thống đang hoạt động quá tải và xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, hệ thống xử lý lắng lọc bị lạc hậu, không phù hợp với thực tế. Không những vậy, khó khăn hiện nay của đơn vị là nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn dẫn đến việc nguồn nước không được đảm bảo.
Nguyên nhân trên được ông Trần Công Thương cho hay, 3 - 4 năm trở lại đây, hệ thống của nhà máy quá tải hơn 30%. Nếu như trước đây, công suất thiết kế là 1.330 m3/ngày đêm cấp nước cho 4.000 hộ thì thực tế hiện nay công suất đã lên đến 1.735 m3/ngày đêm cấp nước cho 4.676 hộ.
Để trạm cấp nước hoạt động hiệu quả, Nhà máy nước khu vực phía Đông thị xã An Nhơn đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí nâng cấp hệ thống cấp nước công suất từ 1.330 m3/ngày đêm lên 2.900 m3/ngày đêm, đặc biệt là khu xử lý để đảm bảo lưu lượng và chất lượng nước nhằm đảm bảo cung cấp cho người dân. (baoxaydung.com.vn)
Dừng hoạt động lò nấu mỡ bò khiến dân ngộp thở vì mùi hôi thối
Sau khi người dân kiến nghị và báo chí phản ánh việc một chủ cơ sở nấu mỡ bò gây mùi thối, chính quyền địa phương đã vào cuộc kiểm tra xử lý, hiện chủ cơ sở đã dừng hoạt động.
Tiếp nhận đơn phản ánh, UBND xã Bình Thành đã cho người xuống kiểm tra hiện trường. Qua đó, xác định ông Trịnh Quang Minh (55 tuổi, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), thuê đất của ông Võ Sĩ để làm cơ sở nấu mỡ bò. Thời điểm kiểm tra, ông Minh đang nấu mỡ bò bằng củi, có 6 bao mỡ đã đóng thành phẩm, mỗi bao nặng 60 kg. 4 thau chứa mỡ đã nấu có mùi hôi thối, nồng, khó chịu phát tán trong không khí.
Ông Minh trình bày hàng ngày ông thu mua mỡ bò tươi tại các lò mổ trên địa bàn huyện Tây Sơn, sau đó về thái nhỏ và thực hiện nấu bằng bếp củi trong vòng 6 tiếng.
Mỡ nấu thành phẩm ông đem bán cho đại lý thu mua ở chợ Đập Đá (thị xã An Nhơn) với giá 1.500 đồng. Ông Minh cũng không biết họ mua mỡ bò để làm gì.
Ông Minh cũng trình bày vì khối lượng mỡ đang nấu do ông bảo quản trong tủ lạnh cấp đông nên khi nấu gây mùi hôi, thông thường ông thu gom về nấu liền thì không có mùi hôi thối. (tienphong.vn)