Loạt sự kiện đặc sắc kích cầu du lịch, Bình Định trở thành điểm đến hàng đầu
5 tháng đầu năm 2024, du lịch Bình Định có nhiều tín hiệu tích cực. Riêng tháng 5, lượng khách đến Bình Định đạt hơn 533 nghìn lượt, tăng 30,4% so với cùng kỳ 2023.
Tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội quý I, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết, du lịch Bình Định trong những tháng qua đạt được những kết quả ấn tượng. Từ sau Tết, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kích cầu du lịch, trong đó nổi trội nhất là Tuần lễ Amazing Binh Dinh Fest 2024. Đây là sự kiện có nhiều hoạt động hấp dẫn như: UIM - ABP Aquabike World Championship và UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh; lễ hội ẩm thực Bình Định lần I - năm 2024; giải đua thuyền truyền thống tỉnh Bình Định mở rộng năm 2024; Giải việt dã tỉnh Bình Định - tranh cúp Báo Bình Định năm 2024 hưởng ứng Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân...
Cục Thống kê cho biết, tháng 5 là tháng bắt đầu vào mùa du lịch tại Bình Định. 5 tháng đầu năm 2024 tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao; vui chơi giải trí…và đã đạt được những tín hiệu đáng mừng khi thu hút lượng lớn khách du lịch đến tỉnh, nhằm kích cầu du lịch trong tỉnh. Công tác xúc tiến thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục đẩy mạnh.
Cụ thể, Bình Định sẽ tổ chức chuỗi sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao, thương mại hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước vào mùa cao điểm du lịch hè 2024.
Các chuỗi sự kiện diễn ra xuyên suốt từ tháng 6 đến tháng 8/2024 như: giới thiệu ẩm thực Bình Định; liên hoan diều Quy Nhơn - Bình Định; lễ hội đường phố; lễ hội ánh sáng; chương trình “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao - Tự hào bản sắc Việt”; lễ hội du lịch hè năm 2024; hội nghị thúc đẩy đầu tư, phát triển thương mại, du lịch các tỉnh phía Nam với đối tác Ấn Độ; giải Bóng đá bãi biển Vô địch quốc gia năm 2024; giải Bóng rổ trẻ các nhóm tuổi 3x3 toàn quốc năm 2024… (vietnamnet.vn)
Ngày hội Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử năm 2024 tại Bình Định
Sáng 31/5, tại TP. Quy Nhơn, Trung ương Đoàn phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu Vital Strategies tổ chức Ngày hội “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử năm 2024”, với sự tham gia của hơn 500 đoàn viên, thanh niên.
Ngày hội nhằm nâng cao nhận thức của ĐV, TN và cộng đồng về tác hại nguy hiểm của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với thế hệ trẻ; qua đó xây dựng lối sống lành mạnh, môi trường không khói thuốc lá; đồng thời phát huy vai trò xung kích của cán bộ, ĐV, TN trong tham gia phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Các hoạt động của Ngày hội bao gồm, lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5; giải chạy Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử; cuộc thi Rung chuông vàng tìm hiểu về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử. (tienphong.vn)
Bình Định: Những công trình thuỷ lợi ở miền núi góp phần cho những vùng quê nghèo no ấm
Những năm qua, tỉnh Bình Định tập trung đầu tư nhiều công trình đập dâng, đê kè, hồ thuỷ lợi… tại các huyện miền núi. Những công trình này hoàn thành đã tích nước, cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất cho các huyện miền núi và các vùng lân cận, góp phần làm cho những vùng quê trước đây nghèo khó trở nên no ấm hơn.
Từ công trình giải quyết tình trạng khô hạn phía Bắc của tỉnh
Ít ai nghĩ rằng, có một ngày, giữa chốn rừng núi thâm u nơi đại ngàn An Lão (Bình Định) bỗng bừng sáng nhờ công trình đầu mối hồ thủy lợi, được xây dựng quy mô bài bản và đẹp như một bức tranh. Dự án hồ chứa nước Ðồng Mít được khởi công ngày 24/02/2019, với dung tích 89,8 triệu m3 nước, là một trong những dự án quan trọng của Quốc gia, nhằm thực hiện chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu tháng 02/2023.
Đến công trình điều tiết nước khu vực phía Nam của tỉnh
Từ khi hệ thống đập dâng nước trên sông Hà Thanh hoàn thành, người dân ở huyện miền núi Vân Canh rất vui mừng vì không còn lo thiếu nước sản xuất cũng như nước sinh hoạt. Ông Lê Văn Ốm, ở xã Canh Hiệp chia sẻ: Lòng sông Hà Thanh dốc, nước chảy mạnh vào mùa mưa lũ và không tích được nhiều nước. Vì vậy, vào mùa nắng hạn, sông Hà Thanh gần như trơ đáy, mạch nước ngầm cũng bị suy giảm nghiêm trọng, dẫn tới nhiều giếng nước sinh hoạt của người dân trong vùng cạn kiệt và thiếu nước sinh hoạt. Giờ đây, nỗi lo này đã được giải quyết khi công trình đập dâng giữ nước được xây dựng trên sông Hà Thanh.
Theo ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, công trình góp phần trữ nước tạo nguồn, bổ sung lưu lượng nước vào mùa khô, đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 14.000 người, nước sản xuất 150ha đất nông nghiệp ở các xã Canh Hiệp, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh. Do đó, có thể khẳng định rằng, dự án đập dâng Hà Thanh là công trình có ý nghĩa rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển ở địa phương. (baodantoc.vn)
Bình Định: Đảm bảo ATGT trên Quốc lộ 19 đoạn đèo An Khê
Thời gian gần đây, việc thi công Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 19 qua khu vực đèo An Khê, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định (thuộc dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên) đã ảnh hưởng đến các phương tiện qua lại giữa 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai. Việc thi công dự án còn dang dở, chưa đảm bảo an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cao khiến người dân bất an.
Tại hiện trường, đơn vị thi công đang hoàn thiện một số đoạn đường cong và chỉ mới hoàn thiện lớp đất cấp phối, chưa được thảm nhựa. Có nhiều đoạn đào bới nham nhở để lộ hố sâu nguy hiểm, vật liệu ngổn ngang, mặt đường bị bó hẹp chỉ vừa một xe tải đi qua. Đáng nói, tại vị trí này không lắp đặt dây văng cảnh báo nên dễ gây tai nạn, nhất là vào ban đêm.
Nhận được phản ánh của người dân, ngành chức năng của tỉnh đã yêu cầu nhà thầu khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công theo quy định.
Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua địa bàn huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định có chiều dài tuyến 17km. Dự án do Ban Quản lý dự án 2 (thuộc Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2024./. (quochoitv.vn)
Bình Định Huyện Vân Canh đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP năm 2024
Huyện Vân Canh tổ chức rà soát, lựa chọn, đánh giá, phân hạng các sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024 và khen thưởng, biểu dương các chủ thể đạt sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Trên cơ sở rà soát đăng ký các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024 của các địa phương, huyện Vân Canh có 21 sản phẩm OCOP của 8 chủ thể (21 sản phẩm 3 sao, trong đó 20 sản phẩm lần đầu và 1 sản phẩm đánh giá lại).
Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Phan Văn Cường, cho biết: Để thực hiện triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện năm 2024, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức họp, đánh giá một số nội dung của hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP, bao gồm các tiêu chí: nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương, sử dụng lao động địa phương, nguồn gốc ý tưởng sản phẩm, bản sắc/trí tuệ địa phương. Sau đó, ban hành Báo cáo đánh giá của UBND cấp xã về các tiêu chí trên gửi Hội đồng OCOP huyện.
UBND cấp huyện thành lập/kiện toàn Hội đồng và Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng. Trên cơ sở hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình OCOP, Tổ tư vấn Hội đồng OCOP cấp huyện gửi hồ sơ sản phẩm (bộ điện tử), tổ chức, mời đại diện các sở, ngành của tỉnh (tham gia Hội đồng OCOP cấp huyện) kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình OCOP; xây dựng báo cáo kết quả thẩm định, đánh giá hồ sơ sản phẩm OCOP. (langngheviet.com.vn)
Biến rác thành túi xách, nhạc cụ…
Vườn Tái Chế cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 20km về phía tây, do bà Nguyễn Thị Thanh Nga (63 tuổi, chi hội trưởng Chi hội khuyết tật Nguyễn Nga) làm chủ. "Khi thấy con suối quanh vườn ngập tràn trong rác, tôi và các thành viên bàn cách tái chế những rác thải này để góp phần bảo vệ môi trường", bà Nga chia sẻ.
Tại Vườn Tái Chế có 20 thành viên là những người khuyết tật được đào tạo, học nghề may, thêu, vi tính... Người nhỏ tuổi nhất là 13, người lớn tuổi nhất là 30. Bà Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết đã lập ra khu vườn này chủ yếu để những người khuyết tật có nơi sinh hoạt, vui chơi và học tập vì muốn chia sẻ với nỗi buồn và khó khăn trong đời sống hằng ngày của những người khuyết tật.
Khu vườn không phải là nơi làm du lịch chuyên nghiệp nhưng luôn mở cửa chào đón khách tham quan. Đa số khách đều ấn tượng và lưu luyến với khu vườn đáng yêu này. Từ người lớn tới trẻ em, ai cũng thích thú, ngạc nhiên trước sự sáng tạo và khéo léo của những thành viên Vườn Tái Chế.
Chị Nguyễn Thu Trang (du khách TP.HCM) tấm tắc khen: "Bước vào đây, tôi vô cùng thích khi thấy những vật dụng nhà bếp: tạp dề, khăn trải bàn, bao tay... Mỗi sản phẩm là một nét riêng, đáng yêu đến kỳ lạ. Tôi không ngờ chúng được làm nên từ vải vụn đã bỏ đi. Và mọi người ở đây thật đáng khâm phục". (tuoitre.vn)