Bình Định tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tốc 6 tháng cuối năm
UBND tỉnh Bình Định cho biết, năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XX và là năm đầu tiên triển khai Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng phát triển trong thời gian tới.
Để nắm bắt tình hình, định hướng chỉ đạo triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 và quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 đề ra, ông Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; hỗ trợ và tạo điều kiện về mọi mặt cho các cơ quan thuộc ngành Tài chính, nhất là cơ quan thuế hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp giao, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của đơn vị, địa phương.
Theo UBND tỉnh Bình Định, trong thời gian tới, sẽ tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Tỉnh đẩy mạnh hợp tác liên kết vùng, triển khai các chương trình hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố; liên kết vùng với Phú Yên – Khánh Hoà, các tỉnh Tây Nguyên để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Ngoài ra, tỉnh tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, đưa tỉnh Bình Định trở thành trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung; định hướng hình thành chuỗi đô thị du lịch ven biển dọc theo tuyến đường bộ ĐT.639; xây dựng hình ảnh đô thị biển vùng duyên hải Trung Bộ để tạo ra các cơ hội thu hút nghỉ dưỡng dựa trên các lợi thế về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; tập trung phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo ven biển thông qua các dự án điện gió ngoài khơi dự kiến triển khai có tổng công suất 10.300MW. (thoibaotaichinhvietnam.vn)
Kiên trì giữ và chăm vườn tiêu, nay giá tiêu tăng cao, nông dân một huyện miền núi ở Bình Định lãi lớn
Cũng như nông dân các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, nông dân huyện An Lão (Bình Định) đang tất bật bước vào cao điểm vụ thu hoạch hồ tiêu với tâm trạng vui mừng, phấn khởi.
Được biết, huyện An Lão có gần 20ha hồ tiêu. Hiện nay bà con nông dân trên địa bàn huyện đang tập trung nhân lực, thuê mướn nhân công để thu hoạch hồ tiêu với năng suất bình quân ước đạt 3,5 tấn/ha. Sau nhiều năm giá hồ tiêu trên thị trường xuống thấp, năm nay giá hồ tiêu đã phục hồi và tăng mạnh. Vì vậy bà con nông dân rất vui mừng, phấn khởi vì có thu nhập để ổn định cuộc sống gia đình, yên tâm tái đầu tư sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển.
Ông Lê Hoàng Hiền - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Lão cho biết: Trước việc hồ tiêu tăng giá, hiện nay các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân trên địa bàn tập trung nhân lực để thu hoạch, đầu tư chăm sóc cho vụ sau. Đồng thời khuyến cáo bà con nông dân không ồ ạt mở rộng diện tích, tiếp tục đầu tư canh tác các diện tích hiện có theo hướng hữu cơ bền vững, an toàn, thân thiện với môi trường, nhằm tránh phá vỡ quy hoạch diện tích cây trồng trên địa bàn. (danviet.vn)
Bình Định có thêm 2 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Bình Định vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đã rà soát, tổng hợp bổ sung 2 dự án dành cho người thu nhập thấp là Dự án NOXH Hàng Hải Bình Định (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) và Dự án Khu NOXH Vạn Phát (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) đảm bảo điều kiện vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, ngày 11/3/2023 của Chính phủ.
Liên quan đến việc phát triển NOXH, tỉnh Bình Định cũng đã công bố thông tin của 5 dự án. Trong đó có 1 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại TP Quy Nhơn đủ điều kiện vay vốn của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. (congluan.vn)
Sinh viên Bình Định, Đồng Nai với hành trình biển, đảo tại Cù Lao Xanh
Trong 2 ngày 19 – 20/6, tại xã đảo Nhơn Châu (còn gọi Cù Lao Xanh, TP. Quy Nhơn), Hội Sinh viên hai tỉnh Bình Định và Đồng Nai tổ chức hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" năm 2024.
Hoạt động hưởng ứng chiến dịch Sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh năm 2024, nhằm tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức cho sinh viên về tình yêu biển, đảo quê hương.
Trong khuôn khổ chương trình, Hội Sinh viên 2 tỉnh Bình Định và Đồng Nai đã triển khai nhiều hoạt động như dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã đảo Nhơn Châu; ra quân “Hãy làm sạch biển”; sửa chữa các trụ đèn đoạn đường lên cột cờ Tổ quốc; ra quân cài đặt chữ ký số, thanh toán điện tử cho người dân xã đảo Nhơn Châu. (tienphong.vn)
Bình Định gỡ vướng chương trình mục tiêu quốc gia
Bình Định đang tập trung triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Nhiều dự án, tiểu dự án mang lại hiệu quả, nâng cao đời sống người dân.
Tỉnh Bình Định có 22 xã ở 5 huyện đang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bước đầu, các dự án hạ tầng thiết yếu đã mang lại hiệu quả.
Ông Bùi Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết để kịp thời phát hiện và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng cán bộ cấp huyện, cấp xã ở miền núi lười nghiên cứu văn bản nên khi triển khia gặp nhiều trử ngại. Theo ông Bùi Tiến Dũng, trách nhiệm của các phòng, ban tham mưu còn hạn chế, cần tổ chức đào tạo hoặc tập huấn để nâng cao năng lực cho đội ngũ này.
“Dĩ nhiên bây giờ phân cấp rồi, chính quyền hỗ trợ người dân thì không thể cấp tỉnh ôm hết, chủ yếu là các địa phương thôi. Năng lực địa phương cấp xã quá yếu, cấp huyện bao nhiều quá khó gánh vác được, đặc biệt đội ngũ cán bộ cấp phòng quá yếu không đồng nhất được. Để thực hiện nhiệm vụ này, các phòng ban phải tăng cường nắm bắt tình hình, điều chỉnh bổ sung tham mưu cấp ủy về chương trình mục tiêu quốc gia”, ông Dũng bày tỏ. (vov.vn)