Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến tỉnh Bình Định ngày 03.07.2024

Thứ tư - 03/07/2024 15:37 25 0
Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến tỉnh Bình Định trên các báo ra ngày 03.07.2024
Nâng tầm du lịch Bình Định qua các giải thể thao quốc tế

Tỉnh Bình Định liên tục đăng cai tổ chức các giải thể thao tầm cỡ quốc tế, trong đó có một số môn thể thao mới như đua mô tô nước, đua thuyền máy F1H2O và giải Teqball thế giới. Những giải đấu này thu hút lượng lớn vận động viên, khách du lịch đến với thành phố biển Quy Nhơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch Bình Định đón khoảng 5,6 triệu lượt khách, tăng 106% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu du lịch ước đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng hơn 96% so với cùng kỳ năm 2023. Tỉnh Bình Định đang đầu tư phát triển không gian vịnh Quy Nhơn thành điểm đến ấn tượng với du khách và hình thành các sản phẩm du lịch, vui chơi giải trí, thể thao biển, ẩm thực và trình diễn nghệ thuật dân gian Bình Định. Địa phương đang tập trung thu hút đầu tư phát triển các khu nghỉ dưỡng ven biển dọc tuyến Quy Nhơn - Nhơn Hội - Cát Tiến.  
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết địa phương chủ động đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao để phát triển du lịch: “Từ nay trở đi, mỗi năm Bình Định có 4 sự kiện lớn trong 4 quý để thu hút nhà đầu tư và du khách đến với tỉnh. Năm nay, quý I đã có tuần lễ Tuần lễ Amazing Binh Dinh Fest 2024, quý II thì có giải Teqball quốc tế, đại nhạc hội quốc tế, lễ hội kinh tế biển và một số giải thể thao vừa đón hè nhưng vừa kích hoạt để mọi người đến với tỉnh. Trong quý III, tỉnh Bình Định sẽ đăng cai giải golf quốc gia và hội thảo điện ảnh quốc tế' và quý IV sẽ tập trung đón khách dịp lễ, Tết. Hiện nay Bình Định đã tổ chức được giải thể thao quốc tế thì công tác tổ chức giải thể thao tầm quốc gia không vấn đề gì. Như vậy mỗi quý có một điểm nhấn, tạo một chuỗi sự kiện liên tục với nhau”. (vov.vn)

Làng nón ngựa “đặc biệt” hơn 300 năm tuổi tại Bình Định

Làng nón ngựa Phú Gia (thuộc làng Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát) có tuổi đời hơn 300 năm, là niềm tự hào của người Bình Định.
Những bậc cao niên ở làng Phú Gia kể, cách đây hơn 300 năm, từ thời vua Quang Trung, chiếc nón làm nên bởi đôi bàn tay tài hoa của người thợ làng nghề Phú Gia từng gắn bó với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc tiến quân ra Bắc.
Với người dân Bình Định, thuở xưa, nón ngựa còn được dùng làm tín vật giữa nhà trai và nhà gái trong ngày hôn lễ. Nhà trai dù giàu hay nghèo, trong ngày cưới, bắt buộc phải sắm cho được cặp nón ngựa mới được rước dâu. Sau ngày thành thân, cặp nón đó ý nghĩa che nắng, che mưa suốt một đời kết duyên phu thê.
Ngày nay, du khách gần xa thích mua nón ngựa về làm lưu niệm, trưng bày trong nhà như dấu ấn một nét đẹp văn hóa cổ xưa.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, chiếc nón không chỉ dùng để đội đầu che mưa, che nắng, mà còn là món hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo, là hình ảnh chiếc nón ngựa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống người Bình Định", ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho hay. (congly.vn)

Bình Định: Đấu giá 21ha đất đô thị, giá khởi điểm 639 tỷ đồng

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Bình Định vừa thông báo đấu giá quyền sử dụng đất dự án Khu đô thị Tây Nam xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn.
Theo đó, khu đất có diện tích 21,3ha thuộc quy hoạch Khu đô thị du lịch Nhơn Hội (Phân khu 03), Khu kinh tế Nhơn Hội (xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn). Trong đó, đất ở 5,9ha, đất công trình công cộng 4.800m2, đất thương mại dịch vụ 1,76ha, đất cây xanh 6,55ha…
Thông báo quy định, nhà đầu tư có trách nhiệm xây dựng đồng bộ toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tối thiểu 20% nhà ở biệt thự và nhà ở liền kề, các công trình xây dựng khác trên đất (trừ chung cư nhà ở xã hội) theo Quy hoạch đã được phê duyệt.
Đối với diện tích đất phân lô bán nền được thực hiện theo các quy định của Trung ương và của UBND tỉnh Bình Định. Trong quá trình triển khai dự án, nếu có những quy định mới của pháp luật liên quan được ban hành, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định.
Đối với quỹ đất nhà ở xã hội, chủ đầu tư có trách nhiệm đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt, bàn giao lại cho Nhà nước quản lý để kêu gọi đầu tư dự án nhà ở xã hội khi có nhu cầu. (vietnamfinance.vn)

Bình Định: Tiến hành điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiếu số năm 2024

Ngày 1/7, Cục Thống kê tỉnh Bình Định phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Tại tỉnh Bình Định, cuộc điều tra được tiến hành tại 2.970 hộ dân cư thuộc 94 địa bàn, với sự tham gia của 150 người, trong đó có 58 điều tra viên. Riêng huyện An Lão, cuộc điều tra được tiến hành tại 769 hộ thuộc 25 địa bàn, với tổng số 30 điều tra viên và giám sát viên và được thực hiện từ ngày 1/7 - 15/8/2024.
Phát biểu tại Lễ phát động, bà Nguyễn Thị Mỹ - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Định cam kết phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tỉnh triển khai cuộc điều tra theo đúng phương án và tiến độ đề ra.
Đồng thời, đề nghị điều tra viên nêu cao tính trung thực, trách nhiệm, thực hiện tốt những nhiệm vụ quy định cụ thể cho từng giai đoạn, quán triệt ghi nhớ những lưu ý về nghiệp vụ để giúp tỉnh có được những dữ liệu phản ánh đúng thực tế từ kết quả của cuộc tổng điều tra. (baoxaydung.com.vn)

Bình Định phân bổ hơn 30 tỷ đồng phát triển kinh tế nông lâm nghiệp

Năm 2024, UBND tỉnh Bình Định phân bổ hơn 30 tỷ đồng để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
UBND tỉnh Bình Định đã phân bổ kinh phí sự nghiệp hơn 30 tỷ đồng thực hiện Tiểu dự án 1 về "Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân".
Đây là nguồn kinh phí thuộc dự án 3 về "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị" thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024. 
Trong năm 2024, tỉnh Bình Định phấn đấu quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có của tỉnh là hơn 415 ngàn héc ta,  phấn đấu trồng rừng tập trung đạt 8.500 héc ta; chăm sóc 19.500 héc ta rừng trồng; khoán bảo vệ rừng 130 ngàn héc ta. Đồng thời, thanh tra, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm; chính quyền địa phương các cấp phải chịu trách nhiệm trước chính quyền cấp trên trực tiếp trong công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý. (vov.vn)

Bình Định đề nghị phê duyệt Mô hình thí điểm sản xuất nước sạch cấp cho hộ gia đình thuộc đồng bào dân tộc thiểu số

UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương về việc điều chỉnh mô hình sản xuất nước sạch thuộc Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt danh mục các mô hình thí điểm thuộc Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025 (đợt 1 và đợt 2). Theo đó, dừng thực hiện “Mô hình sản xuất cấp nước sạch cho cụm dân cư thuộc đồng bào dân tộc thiểu số” tại làng Trà Hương, thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện mô hình thí điểm Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hoài Ân khảo sát, đề xuất Mô hình thí điểm sản xuất nước sạch cấp cho hộ gia đình thuộc đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn O6, O10, xã Đăk Mang, huyện Hoài Ân.
Do đó, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương xem xét phê duyệt Mô hình thí điểm sản xuất nước sạch cấp cho hộ gia đình thuộc đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn O6, O10, xã Đăk Mang, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định thay thế cho Mô hình sản xuất cấp nước sạch cho cụm dân cư thuộc đồng bào dân tộc thiểu số tại Làng Trà Hương, thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. (baoxaydung.com.vn)

Bình Định: Đề nghị xử lý tình trạng ngập sâu trên tuyến Quốc lộ 1

Nhiều năm qua, người dân sống dọc 2 bên tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn phải sống trong cảnh ngập sâu mỗi khi mưa xuống. Trước tình trạng này, lãnh đạo UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ III vào cuộc xử lý.
Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ III chỉ đạo đơn vị quản lý tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ khẩn trương thi công nạo vét, khơi thông hệ thống rãnh thoát nước dọc 2 bên đoạn tuyến Quốc lộ 1 từ Km1161+541 – Km1162+150 (từ cầu Bình Dương đến ngã ba giao với đường Nguyễn Lữ) và thượng, hạ lưu 02 cống thoát nước ngang hiện trạng Ø150 tại Km1161+823 và Km1161+882,73 để tăng cường khả năng thoát nước trên tuyến Quốc lộ 1.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng giao UBND huyện Phù Mỹ khẩn trương tăng cường công tác tuyên truyền các hộ dân sinh sống dọc tuyến Quốc lộ 1 trên địa bàn thị trấn Bình Dương không xả rác thải, nhất là các rác thải trong khu vực chợ Bình Dương làm ảnh hưởng đến khả năng thu nước, thoát nước của hệ thống rãnh dọc, cống thoát nước ngang trên tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị có liên quan thường xuyên nạo vét kênh mương thủy lợi để đảm bảo thoát nước ra hạ lưu cầu Bình Dương. (baoxaydung.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây