BĐBP Bình Định tổ chức Đại hội thi đua Quyết thắng, giai đoạn 2019-2024
Sáng 3/7, Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định tổ chức Đại hội thi đua Quyết thắng, giai đoạn 2019-2024. Dự đại hội có các đồng chí: Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định; Đoàn Văn Phi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo báo cáo của BĐBP Bình Định, trong giai đoạn 2019-2024, công tác thi đua - khen thưởng và phong trào thi đua Quyết thắng được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, toàn diện, đạt nhiều kết quả thiết thực. Các phong trào thi đua Quyết thắng luôn gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; tổ chức thi đua theo chuyên ngành, chuyên đề gắn với các đợt thi đua cao điểm, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Nét nổi bật của phong trào thi đua Quyết thắng trong BĐBP Bình Định, giai đoạn 2019-2024 là đã có nhiều đổi mới thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị, hướng trọng tâm về cơ sở, đã gắn phong trào thi đua Quyết thắng với các phong trào thi đua chuyên ngành và các cuộc vận động xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị; đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa thi đua thường xuyên với thi đua đột kích. BĐBP tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, nắm chắc tình hình trên biển, chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề xuất các chủ trương, biện pháp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển, đảo; tích cực đấu tranh phòng, chống có hiệu quả âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và các loại đối tượng xâm phạm chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Phát biểu tại đại hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích của BĐBP tỉnh đã đạt được trong 5 năm qua. “BĐBP tỉnh đã phối hợp với các ngành, các địa phương trong tỉnh làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại và các loại tội phạm khác; kiểm tra, kiểm soát quản lý xuất, nhập cảnh; tuyên truyền, triển khai các biện pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, tạo môi trường thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế biển của tỉnh.
Về nhiệm vụ thời gian tới, thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP yêu cầu BĐBP Bình Định tăng cường công tác nắm, phân tích và dự báo chính xác tình hình trên địa bàn tuyến biển; kịp thời tham mưu các giải pháp để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh vùng biển, đảo của tỉnh; chủ động đề xuất xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để bị động bất ngờ và diễn biến phức tạp; đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để mở rộng giao thương hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… (bienphong.com.vn)
Làng O2 sẽ không còn xa ngái
Hiện nay, ở Bình Định vẫn còn một ngôi làng đồng bào DTTS được xem là xa xôi, hẻo lánh nhất đó là làng O2, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. Ngôi làng này chỉ vỏn vẹn 54 nóc nhà của đồng bào dân tộc Ba Na. Người ta vẫn thường gọi O2 là làng nhiều không; không điện, không đường, không trường, không trạm y tế và không có nước sạch.
Trong chuyến công tác về làng O2 đầu tháng 6 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đồng cảm với những khó khăn, thiếu thốn của bà con nơi đây. Ông Tuấn chia sẻ: Thấy cuộc sống của bà con vất vả, chúng tôi cũng rất trăn trở, chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết tốt nhất mọi việc cho bà con theo từng bước một.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Tuấn tặng cho bà con 5 bộ đèn năng lượng mặt trời 1.000 W; 5 máy cày cầm tay; 5 bồn chứa nước inox loại 1.500 lít và 2.000 mét ống nước để dẫn nước từ suối về thôn. UBND tỉnh sẽ lập dự án; sau đó chuyển cho UBND huyện Vĩnh Thạnh thực hiện hỗ trợ mỗi hộ dân 2 con bê cái sinh sản và hỗ trợ thôn 2 con bò đực lấy giống nhằm tạo sinh kế cho bà con.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh dự kiến đầu tư hệ thống pin mặt trời cỡ lớn, bộ tích trữ điện đủ để người dân thôn O2 sử dụng. Trang bị thêm 2 máy nổ công suất cao, đề phòng trường hợp không thể phát điện từ pin mặt trời thì dùng tới máy nổ. Sau khi có hệ thống điện sẽ tính tới việc xây dựng, lắp đặt trạm phát sóng di động để đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, đã giao sở, ngành liên quan và lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh sớm triển khai khảo sát đường đi, hướng tuyến để chuẩn bị làm đường. Sau khi thống nhất hướng tuyến, tỉnh đầu tư kinh phí mua xi măng, cát, sỏi; Nhân dân thôn làng O2 đóng góp ngày công làm đường.
Dự kiến, đường rộng từ 1 - 1,2 m và đổ bê tông mặt đường dày khoảng 15 - 20 cm; phục vụ tốt cho xe mô tô lưu thông đi lại. “Nhà nước và bà con cùng đồng lòng góp công, góp của triển khai việc mở đường vào thôn làng O2 càng sớm càng tốt. Quyết tâm trước Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Thạnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2025 - 2030, phải có được đường”, ông Tuấn nhấn mạnh. (baodantoc.vn).
Bình Định hướng tới bán tín chỉ carbon, tạo sinh kế cho người dân vùng núi
Qua hơn 1 năm thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, công tác quản lý bảo vệ rừng ở huyện Vĩnh Thạnh có những chuyển biển tích cực. Hiện nay, cùng với việc triển khai phương án quản lý rừng bền vững, huyện Vĩnh Thạnh cũng đang thực hiện tốt Tiểu dự án 1 về "Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân".
Đây là nguồn kinh phí thuộc Dự án 3 về "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị" thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024. Từ nguồn kinh phí của chương trình này, giúp người dân có thu nhập và nâng tỷ lệ che phủ rừng.
Ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh sẽ đề nghị Chính phủ và chính quyền các cấp trong tỉnh sớm nghiên cứu, triển khai thực hiện việc bán tín chỉ carbon và thực hiện cấp chứng chỉ rừng cho các vùng có rừng trên địa bàn. Đây là nguồn lực lớn, cũng là nguồn lợi trực tiếp từ rừng. Ông Lê Kim Toàn mong muốn bà con bảo vệ và phát triển rừng tốt thì phải được hưởng lợi từ rừng.
“Một trong những thứ được hưởng lợi từ rừng đó là bán chứng chỉ rừng và tín chỉ carbon. Đây là nguồn lợi rất lớn, trong khi huyện Vĩnh Thạnh có diện tích rừng tự nhiên còn khá lớn nên có thể thực hiện được. Đối với diện tích rừng sản xuất, huyện bán chứng chỉ rừng, xuất xứ rừng cho các ngành chế biến lâm sản. Còn đối với rừng tự nhiên bảo tồn và phát triển sẽ bán tín chỉ carbon, dùng nguồn bán tín chỉ carbon tái đầu tư và chăm lo đời sống của bà con, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững”, ông Toàn nhấn mạnh. (vov.vn)
Lao động có thu nhập 7,3 triệu đồng/tháng, Bình Định dẫn đầu miền Trung
Ngày 2/7, Cục Thống kê tỉnh Bình Định tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,6%. Tốc độ tăng trưởng dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thứ 4 trong 14 tỉnh Bắc Trung bộ - Duyên hải miền Trung và thứ 19/63 tỉnh, thành phố cả nước.
Đặc biệt, thu nhập bình quân/tháng của người lao động hưởng lương đạt 7,3 triệu đồng, tăng hơn 5,8% (tương ứng 439.000 đồng) so với cùng kỳ. Lao động nam có mức thu nhập bình quân cao hơn nữ (8,2 triệu đồng so với 6,2 triệu đồng). Lao động làm việc có lương cứng ở thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (8 triệu đồng so với 6,8 triệu đồng)… (dantri.com.vn)
Bình Định: Kiểm soát chặt tàu cá "3 không" trước đợt kiểm tra của EC
Sắp tới, Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ thực hiện đợt kiểm tra lần thứ 5 về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tại Việt Nam. Đây cũng là thời cơ vàng để gỡ thẻ vàng. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Bình Định đã nỗ lực kiểm soát chặt tàu cá “3 không”, đồng thời sẽ tiến hành xả bản đối với các loại tàu cá không đảm bảo an toàn, có nguy cơ vi phạm IUU cao.
Toàn tỉnh Bình Định có hơn 1.000 tàu cá “3 không”. Những tàu cá này hoạt động chủ yếu ở vùng bờ, vùng bãi ngang trong tỉnh, không ra vào cảng cá, trạm kiểm soát biên phòng. Để dễ quản lý nhóm tàu này, Bình Định đã thống nhất chủ trương cấp đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản tạm thời cho các tàu cá “3 không”. Hiện, tỉnh đã làm thủ tục cho 590 tàu "3 không", chiếm tỷ lệ hơn 50%.
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác chống khai thác IUU, tỉnh Bình Định tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tàu cá hoạt động sai vùng, sai tuyến. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo lực lượng biên phòng, các sở ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện tốt quy định pháp luật, nhất là Luật Thủy sản năm 2017; vận động ngư dân chuyển đổi nghề, khuyến khích các hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế gia đình, địa phương. (quochoitv.vn)